Dãy núi này kéo dài hơn ba trăm dặm, giống như con rồng dài nằm ngang phía bắc thành Tuy Dương, là tấm bình phong thiên nhiên của mặt bắc Tuy Dương.
Dãy núi nhấp nhô, phong cảnh tươi đẹp.
Tương truyền, thủy tổ Lão Tử của Đạo giáo từng luyện đan ở núi này, cho nên nơi đây đã trở thành thánh địa đạo giáo trong hậu thế... Cúc hoa am nằm trong một dục cốc ở chân núi Bắc Mang. Trong cốc mọc rất nhiều hoa cúc dại, nở rộ sau lập thu, muôn màu muôn sắc, rực rỡ khắp núi, trở thành một cảnh trí đẹp của Tuy Dương. Sau tiết lập thu, người tới đây du ngoạn đông nghịt. Sau khi ngắm hoa cúc, mọi người sẽ trèo lên cao phóng tầm mắt ra xa. Mỗi lúc hoàng hôn buông xuống, bầu trời mênh mông bao la. Đứng trên núi Bắc Đặng, có thể thấy mây ngũ sắc ẩn hiện khiến mọi người mơ hồ như bước vào chốn tiên cảnh.
Mang sơn vãn thiếu, là một trong tám đại cảnh của Lạc Dương đời sau.
Chỉ có điều kiếp trước Tào Bằng chưa từng tới nơi đây, càng chưa từng được thưởng thức cảnh đẹp của vãn thiếu này.
Núi non xung quanh trùng trùng điệp điệp, sông núi đẹp mê hồn. Trông về phía xa, thành Tuy Dương nguy nga đồ sộ, chỉ là trong màn trời chiều thấp thoáng sự suy vong.
Đứng sánh vai với Trần Quần trên núi Bắc Đặng, Tào Bằng thấy vô cùng vui vẻ, thoải mái.
Nơi này không có dấu vết chạm trổ của con người, cũng không nhìn thấy xe cáp khắp trời, tất cả đều là phong cảnh tự nhiên.
Nhìn xuống dưới chân núi, hoa cúc dại đang khoe sắc rực rỡ.
Hướng mắt nhìn ra xa, thành Tuy Dương ngay trong tầm mắt…
Hắn không khỏi bùi ngùi, không ngờ lại bị Trần Quần nghe được rất rõ.
-A Phúc, sao lại cảm thán như thế?
-À, chỉ là ngẫu nhiên cảm khái mà thôi, không có gì cả.
-Vậy sao?
Trần Quần bèn nở nụ cười, gật đầu không hỏi thêm nữa.
Leo núi cùng Tào Bằng đã lâu, cũng đã thưởng ngoạn cảnh trí của Bắc Đặng. Trần Quần cảm thấy hơi mệt mỏi, vì thế định quay về.
Hôm nay y tìm Tào Bằng, nói là ngắm hoa cúc, kì thực là muốn làm rõ dự tính của Tào Bằng.
Tào Bằng cũng đã nói rõ, Trần Quần cũng yên lòng. Y bắt đầu tính toán xem làm thế nào để chỉnh đốn chợ Tuy Dương, bình định dân sinh.
Vật giá của Tuy Dương luôn tăng lên vù vù trong những năm Đông Hán.
Mặc dù trải qua biến dời đô của Đổng Trác, thành Tuy Dương hoang tàn nhưng vật giá lại khiến người khác giật mình.
Ở Hứa Đô, một đấu kê ước chừng phải một trăm ba mươi tiền; Còn ở Tuy Dương, cũng là một đấu kê, giá đã cao tới hơn hai trăm, gần ba trăm tiền. Có được kết quả như thế này là nhờ sau khi Hứa Đô dồn lương, Tào Tháo kiểm soát giá lương thực. Nếu là trước kia, một đấu kê hơn một quan tiền, có thể thấy rõ tình hình vật giá tăng cao như thế nào. Việc hiện giờ Trần Quần phải làm là ra sức đưa giá lương thực ở Tuy Dương hạ xuống.
Năm Hi Bình, giá lương thực của Tuy Dương chỉ hơn một trăm tiền.
Trần Quần không hy vọng có thể hạ xuống mức giá của năm Hi Bình, chỉ cần đợi ổn định ở khoảng hai trăm tiền đã được coi là thành tích phi thường rồi.
-A Phúc, chúng ta trở về đi.
-Cũng được.
Tào Bằng cũng muốn về vì thế liền gật đầu đồng ý.
-Buổi tối, đến nhà ngươi dùng cơm chứ?
-Sao muốn tới nhà của ta?
Trần Quần cười khà khà không dứt:
-Thời tiết đẹp như thế này, sao có thể không có thức ăn ngon được? Nhưng nếu nói thức ăn ngon, vẫn là do Tiểu Loan nhà ngươi nấu là tuyệt vời nhất.
-Đại huynh, làm người không được vô liểm sỉ như vậy.
-Hiền đệ, ngươi tới Tuy Dương, ta còn chưa tiếp đãi ngươi, chi bằng hôm nay ta bù ngay tại nhà ngươi để bày tỏ tâm ý của vi huynh.
Nhà ngươi muốn tiếp đãi khách mà lại đòi tới nhà người được tiếp đón để ăn cơm sao?!
Cũng may Tào Bằng đã quen với Trần Quần, cho nên cười mắng hai câu xong cũng gật đầu đồng ý.
Lúc này, mặt trời đã lặn xuống phía tây, ráng mây chiều bao quanh bốn phía.
Trên núi, gió lạnh hiu hiu nhưng hai người vừa xuống tới chân núi, đã cảm nhận được cái oi bức như lồng hấp. Không biết là vì ông trời tâm tình không vui hay vì nguyên nhân gì khác. Sau khi xuống núi, sắc trời đột nhiên thay đổi, mây đen cuồn cuộn từ xa ào tới, trong chớp mắt che lấp trời cao.
Từ trong tầng mây dày đặc, láng máng có tiếng sấm vang tới.
Tào Bằng đang định trèo lên xe, chợt nghe xa xa có người kêu tên của hắn.
Hắn dừng chân, quay đầu lại nhìn thì thấy một lão tăng tướng mạo cực kỳ khó coi và một thanh niên đang ung dung đi về phía hắn.
-Quả nhiên là ngài, Tào công tử.
-Huyền Thạc tiên sinh?
Tào Bằng nhìn cái đã nhận ra, người tới là một Bạch Mã Tự Khanh đương nhiệm (tự phong, triều đình không lập) Viên Huyền Thạc, người còn lại là Trương Lương cùng tên với tướng quân Thái bình đạo. Hai người đến trước mặt Tào Bằng, từng người chắp tay thi lễ.
-Trương công tử, Huyền Thạc tiên sinh, sao mọi người lại ở đây?
Huyền Thạc nhếch miệng cười, vết sẹo trên mặt nổi lên khiến mọi người không khỏi sợ hãi.
Hắn đáp:
-Hôm nay Cúc Hoa tiên thiết yến, sao ta có thể không đến? Rượu Cúc hoa nàng nấu năm ngoái nay đúng tròn một năm, có thể mở nút được rồi, cho nên chúng ta được mời tới đây để thưởng thức rượu ngon của am chủ. Vừa rồi nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của Tào công tử từ xa, cho nên mạo muội gọi tên.
Trong lúc nói chuyện, Huyền Thạc nhìn lướt qua Trần Quần, chắp tay nói:
-Trần huyện lệnh cũng ở đây ư.
Hắn là Bạch Mã tự khanh, cho dù cái chức này có được triều đình chấp nhận hay không thì rốt cuộc vẫn là cấp dưới của Trần Quần.
Khi Trần Quần đến nhận chức, Huyền Thạc cũng từng ra nghênh đón. Cho nên hắn nhìn cái đã nhận ra Trần Quần, Tào Bằng cũng không lấy gì làm lạ.
Trương Lương cũng tiến lên làm lễ chào hỏi Trần Quần, rồi sau đó đứng một bên không nói lời nào.
-Trần huyện lệnh, Tào công tử, nhìn trời thế này, hình như sắp có dông tố đến rồi, sao không vào am tránh mưa, nhân tiện thưởng thức rượu ngon Cúc hoa kia.
-Điều này...
Trần Quần do dự một chút, nhìn sang Tào Bằng.
Tào Bằng ngẩng đầu nhìn đám mây đen trên trời, nhẹ giọng nói:
-Huyền Thạc tiên sinh nói cũng có lý, đã vậy, chúng ta hãy tìm nơi trú mưa trước đã. Đợi mưa tạnh thì về, thế nào?
-Cứ theo ý Hữu Học.
Thực ra, trong lòng Trần Quần không phải không từng có ý muốn đi lĩnh giáo phong thái của Cúc Hoa tiên.
Có điều y là Tuy Dương lệnh, từng lời nói hành động đều phải có quy tắc.
Nói dễ nghe một chút thì gọi là kiêu ngạo; Nói khó nghe là ra vẻ này kia.
Huyền Thạc bèn nở nụ cười:
-Hôm nay có Trần huyện lệnh và Tào công tử tới, đó là vinh hạnh của ta. Nguyên An, ta dẫn Huyện lệnh cùng Tào công tử đi, ngươi thông báo cho Cúc Hoa tiên, bảo nàng mau thu xếp, chớ thất lễ với hai vị khách quý là Trần huyện lệnh và Tào công tử.
Trương Lương gật đầu, xoay người rời đi.
Trần Quần và Tào Bằng đi theo Huyền Thạc tới Cúc Hoa am.
-Viên tiên sinh trước đây thăng chức ở đâu?
-Đâu có thăng chức gì, chẳng qua chỉ là một tên tiểu tốt trong thành Trường An. Trước đây Vương Tư Đồ nghĩ cách giết chết Đổng Trác, Lí Giác Quách Tỉ bao vây Trường An, tại hạ cũng là sợ chết, vì thế liền lén lút rời đi. Vết thương trên mặt này chính là do lúc ấy cửa thành bị cháy lớn gây nên.
Trước đây, ta còn có ý định gây dựng sự nghiệp.
Nhưng vết thương trên khuôn mặt này khiến cho suy nghĩ đó cũng mong manh đi.
Đúng lúc trước kia ta cũng từng tu qua phật pháp, nên sau khi tới Lạc Dương liền có ý muốn xa lánh cuộc đời, vậy là dừng chân ở Bạch Mã tự. Lúc ấy chùa Bạch Mã cũng không có người, ta liền được tiến cử làm Bạch Mã tự khanh. Đúng rồi, vẫn xin Trần huyện lệnh sớm ngày tạo sách cho ta tại triều đình.
-Tuy Dương lệnh tiền nhiệm tại sao không tạo sách?
-Tạo sách thế nào được?
Huyền Thạc thở dài:
-Trước đây ngay cả triều đình cũng không biết ở đâu, cho nên cũng không ai hỏi đến; sau khi Bệ hạ rời đến Hứa Đô, chiến sự liên miên. Ta từng nhiều lần thúc giục Tuy Dương lệnh tiền nhiệm nhưng vẫn cũng không được coi trọng, vì thế cứ kéo dài mãi.
Trước đây, tăng nhân của Động Lâm tự từng xin tạc tượng năm trăm đệ tử của Phù Đồ, chỉ vì không được chính danh nên chần chừ không hoàn thành...
Dứt lời, Huyền Thạc lại cất tiếng thở dài.
Phù Đồ là tiếng Phạn, dịch ra có ý là "Phật".
Trong Phật giáo có "Phật ngũ bách đệ tử tự thuyết bổn khởi kinh", đã được truyền nhập vào Đông Hán từ năm Vĩnh Bình.
Chỉ có điều, khi Vĩnh Bình cầu pháp, Trúc Pháp Lan và Thiết Ca Ni đã dịch "Tứ thập nhị chương kinh" chứ không dịch "Phật ngũ bách đệ tử thuyết bổn khởi kinh", cho nên "Bổn khởi kinh" mà dân gian lưu truyền vẫn chủ yếu là tiếng Phạn. Các tăng nhân dù hiểu cũng không dịch ra để giữ lấy địa vị cao quý của mình. Còn năm trăm đệ tử Phật giáo này cũng chính là năm trăm La Hán đời sau.
Cổ Thiên Trúc quen dùng "năm trăm", "tám vạn tư" để hình dung sự đông đúc.
Ví dụ như năm trăm vị sư, năm trăm đệ tử, năm trăm La Hán, đều là con số thường xuyên xuất hiện trong kinh Phật.
Chùa Động Lâm nằm ở Huỳnh Dương.
Chùa này cùng với chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, chùa Hương Sơn ở Tây Sơn được gọi là ba chùa cổ xưa nhất của Trung Quốc. Chùa Động Lâm cũng được xây dựng vào năm Vĩnh Bình nhưng hơi muộn hơn chùa Bạch Mã, thuộc phân nhánh của Bạch Mã. Nơi đây thờ cúng Thích Ca Mâu Ni vì thế xin tượng phật năm trăm đệ tử cũng là bình thường.
Tuy nhiên, cũng như chùa Động Lâm không được thiện tạo phật tượng, chùa Bạch Mã vừa cần được phê chuẩn lại vừa phải chịu sự giám sát trong quá trình tạc tượng.
Hiện giờ chùa Bạch Mã chưa được triều đình cho phép, cho dù xây dựng xong rồi cũng không thể chính thức hoạt động. Đặc biệt từ sau loạn Thái Bình, triều đình vẫn cẩn thận đối với loại tôn giáo truyền pháp này. Nếu trên đường bị kiểm tra ra, rất có thể sẽ tiêu hủy tại chỗ.
Trần Quần gật đầu nói:
-Việc này ta sẽ lưu ý. Có điều còn phải thượng tấu lên chùa Hồng Lư, e rằng cần chút thời gian nữa.
-Chỉ cần Trần huyện lệnh để ý là tốt rồi, nếu không tượng năm trăm đệ tử trong chùa của ta đã tạc xong nhưng lại chậm trễ không được vận chuyển, cũng rất phiền toái.
Huyền Thạc nói tới đây, không nói gì thêm nữa.
Về phần Trần Quần, khi nào dâng thư, khi nào phê chuẩn, hắn không dò hỏi.
Một nhân vật như Trần Quần đã đồng ý rồi thì tự nhiên sẽ không nuốt lời. Nghĩ Huyền Thạc đi cùng bọn họ cũng chính là vì câu nói này của Trần Quần.
Tào Bằng đi một bên lẳng lặng nghe, trên đường cũng không hề mở miệng cắt ngang lời.
Đoàn người bất giác đã tới ngoài Cúc Hoa am, tiếng sấm càng mạnh hơn trong tầng mây, mơ hồ có thể nhìn thấy ngân xà lưu chuyển trong đám mây đen.
Mưa to sắp trút xuống.
Nhạc Quan dẫn theo đệ tử, tiểu ni Tuyết Liên cung kính chờ đợi ở ngoài am.
Chỉ thấy nàng khoác chiếc áo choàng qua vai, làm tôn thêm làn da trắng nõn nà. Má lúm đồng tiền được phủ một lớp phấn, rõ ràng nàng đã trang điểm rất kỹ, đôi lông mày lá liễu cong cong, đôi mắt hoa đào chớp chớp, cực kỳ quyến rũ. Nàng mặc bộ quần áo màu xanh phấp phới trong làn gió, thấp thoáng có thể thấy được đôi chân thon dài trắng nõn, lúc ẩn lúc hiện. Những đường cong tuyệt đẹp ấy ẩn hiện theo sự di chuyển của quần áo, càng làm mê hồn người.
Thấy đám người Trần Quần đi tới, Nhạc Quan vội cất bước đi xuống bậc thềm.
Nàng khom người vái chào:
-Tiểu ni bái kiếnTuy Dương lệnh, Tào bắc bộ.
Khi người nàng nghiêng về phía trước, chiếc cổ thon dài tạo ra một đường cong động lòng người.
Cách lớp áo thâm rộng thùng thình, vẫn có thể nhìn thấy bên dưới làn da trắng ngần kia là bầu ngực nở nang...
Trần Quần thấy Nhạc Quan, mắt chợt sáng rỡ lên.
Cô gái này, từng cử động đều toát ra vẻ phong tình mê hồn, quả nhiên là, quả nhiên là... yêu nghiệt đẹp nghiêng nước nghiêng thành.
Tào Bằng ho khẽ một tiếng, Trần Quần mới lấy lại tinh thần.
Chào hỏi xong, Nhạc Quan đi trước dẫn đường, chỉ thấy cặp mông nở nang của nàng thướt tha dưới lớp áo, phác họa hình bóng ấy...
Trần Quần hạ giọng nói:
-Báu vật như thế, có thể sánh với Nam Tử của Vệ Linh Công.
Vệ Linh Công là chủ của Vệ quốc thời Xuân Thu, người này có một phi tử xinh đẹp tên là Tống Nam, cũng chính là Nam Tử mà sách sử ghi chép lại.
Lịch sử đánh giá Nam Tử là "đẹp mà dâm."
"Luận ngữ - ung dã" cũng có một đoạn ghi lại: Tử kiến Nam Tử, Tử Lộ bất duyệt. Phu tử thỉ chi viết: dư sở phủ giả, thiên yếm chi, thiên yếm chi.
Ý là nói, Khổng Tử ở Vệ quốc được Nam Tử triệu kiến, đệ tử của Khổng Tử là Tử Lộ rất không vui.
Thật ra, khi Tào Bằng đọc tới đoạn này, không khỏi cảm thấy có chút quái lạ.
Thầy gặp một nữ nhân mà muốn học sinh thề? Người thầy kia không khỏi hành động quá uất ức, tên đệ tử Tử Lộ này cũng quá hỗn xược.
Trên thực tế, chuyện Khổng Tử gặp Nam Tử, đến đời sau vẫn còn là một bí ẩn lớn.
Đại nho thời Đông Hán là Vương Sung đã thẳng thắn nghi ngờ trong "Luận hành" rằng Khổng Tử và Nam Tử có phải thật sự có tình cảm với nhau không?
Đây có lẽ là một vụ tai tiếng tình cảm lớn nhất mà không ai điều tra rõ được...
Tào Bằng nở nụ cười, nhẹ giọng nói:
-Huynh muốn làm công tử Triều hay Khổng Trọng Ni?
Công tử triều là tình nhân của Nam Tử, đồng thời vẫn là nam sủng của Vệ Linh Công. Sau khi hắn phải lòng Nam Tử, thậm chí bỏ trốn đi nơi khác, đâu ngờ lại bị Vệ Linh Công mời quay về, ba người cùng hòa thuận vui vẻ.
Trần Quần nghe thế, đột nhiên ho sặc sụa.
Nhạc Quan dừng chân, quay đầu lại nhìn:
-Trần Tuy Dương, có chuyện gì thế?
Ngài không khỏe sao?
Tào Bằng cười nói:
-Không có gì, không có gì đâu, Trần Tuy Dương chỉ là nhất thời kích động nên mới ho vậy thôi.
-Kích động?
Đôi mắt đẹp như làn thu thủy của Nhạc Quan chuyển động, nàng ngờ vực liếc nhìn Trần Quần.
Trần Quần vội vàng xua tay:
-Thật sự không có chuyện gì, đừng nghe Tào bắc bộ nói nhảm.
Dứt lời, y trừng mắt nhìn Tào Bằng. Nhạc Quan có chút mơ hồ, nhưng Trần Quần đã nói không có việc gì, nàng cũng không tiện hỏi thêm.
-Tiểu tử này, đừng lấy thánh nhân ra giễu cợt.
Tào Bằng cứ cười hì hì mãi, im lặng không nói.
Diện tích Cúc hoa am không lớn, đối diện sơn môn là một tòa phật đường. Một bên của phật đường là ba gian thiền phòng.
Xuyên qua cánh cửa là đến hậu viện. Hậu viện này liền kề với phật đường, là một đình viện, cũng là nơi ở của Nhạc Quan. Bên cạnh đình viện có một hoa trì, trong ao xây một tòa thuỷ tạ, diện tích ước khoảng một trăm mét vuông. Lúc này, Trong thủy tạ đã có rất nhiều người nhộn nhịp đi ra đón chào.
Tào Bằng liếc nhìn, có người quen, cũng có vài gương mặt xa lạ.
Xích Trung, Trương Thái rõ ràng có trong đoàn, ngoài ra còn có hai nam tử, một người chừng hơn bốn mươi tuổi, mập mạp, vẻ phúc hậu.
Người còn lại là một chàng trai, khuôn mặt âm trầm, nói năng thận trọng.
-Thực ra, ta thấy Công tử triều khá tốt.
Trần Quần tiến lên gặp mọi người, có điều trước khi cất bước, đột nhiên y nói với Tào Bằng một câu. Chân Tào Bằng lảo đảo, bỗng nhiên hắn thấy dở khóc dở cười. Cái tên Trần Trường Văn này, thật đúng là... Tuy nhiên tính cách như vậy thật ra rất hợp với tâm ý của Tào Bằng.
Hắn lắc đầu, cất bước tiến lên.
Người trung niên tên là Tô Uy, người Hà Gian.
Chàng trai đó họ Trần. Có điều không phải "Trần" của Trần Quần, mà là "Trần" của Trần Phiền.
Một người ở Toánh Xuyên, một người ở Bình Dư – Nhữ Nam, hai người không có quan hệ gì. Tô Uy là một thương nhân lớn của Lạc Dương, cũng là người của Tô gia ở Hà Gian.
Tô gia ở Hà Gian?
Không biết tại sao, trong đầu Tào Bằng hiện lên một hình ảnh quen thuộc.
Trong lòng không khỏi có chút nghi hoặc: người mà trước kia ta nhìn thấy trong cửa thành Tuy Dương rốt cuộc là nhìn lầm sao? Cũng có thể chính là y chăng?
Ánh mắt Tô Uy lóe lên vẻ thâm thúy...
-Chư vị, Chúc mỗ đến muộn, xin thứ tội.
Lúc mọi người an vị, chuẩn bị bắt đầu tiệc rượu thì từ bên ngoài thuỷ tạ có tiếng người cất lên.
Tào Bằng ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy một chàng trai khôi ngô bước tới. Hắn không khỏi ngẩn ra, trong lòng hơi kinh ngạc. Người tới cũng là người quen, chính là đại hào Lạc Dương đã gặp ở Dịch Kinh Đài trước đây tên là Chúc Đạo. Chỉ thấy gã mặc áo gấm, bước đi loạng choạng. Sau khi bước vào nhà thuỷ tạ, Tào Bằng đã ngửi thấy mùi rượu nồng nặc. Rõ ràng, tên Chúc Đạo này vừa mới uống rượu, thậm chí còn ngà ngà say.
Xích Trung vừa thấy Chúc Đạo, đột nhiên biến sắc.
-Tên họ Chúc kia, ngươi tới làm gì?
Chúc Đạo mắt say lờ đờ, liếc nhìn Xích Trung một cái, rồi cười ha ha nói:
-Bá Dư, ta tới là do nhận lời mời của Nhạc Quan, ngươi có ý kiến gì không?-Nơi này không chào đón ngươi.
-Ha ha, chẳng lẽ Cúc Hoa am đã đổi thành họ Xích, ngươi và Cúc Hoa tiên có quan hệ gì, có tư cách gì mà quản chuyện của ta.
Trần Quần ngồi bên cạnh, hơi nhíu mày.
-A Phúc, chuyện gì thế?
Tào Bằng nhẹ giọng nói:
-Người này tên là Chúc Đạo, là kiếm thủ nổi danh ở Lạc Dương, cùng vị kia là Xích Trung và còn có Sử A cùng được gọi là tam chi kiếm của Lạc Dương. Người này luôn bất hòa với Xích Trung, nghe nói trước đây còn từng đấu kiếm ở ngoại ô Lạc Dương, không phân được cao thấp. Vì thế hai người hễ gặp nhau là ắt có tranh chấp.
Xích Trung hình như thầm mến Nhạc Quan.
Có điều, Tào Bằng cũng không tiện nói rõ.
Cho dù chuyện này mọi người đều biết, nhưng ở trước mặt người khác cũng không thể nói linh tinh.
Tào Bằng cũng không phải là người thích đoán bừa, Nhạc Quan xinh đẹp mê hồn người, có người theo đuổi cũng là chuyện rất bình thường. Trong Kinh Thi chẳng phải đã nói: quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu sao? Ha ha, cái tên Nhạc Quan này vừa hay cũng có chữ "Quan", thật cũng thoả đáng.
-Hai vị, hai vị.
Huyền Thạc đứng dậy nói:
-Hôm nay Trần Tuy Dương và Tào bắc bộ đều ở đây, xin hãy thận trọng, ăn nói cẩn thận một chút.
Chúc Đạo lúc này mới để ý đến sự có mặt của Trần Quần, không khỏi hoảng sợ, vội vàng tiến lên chào:
-Không biết Trần Lạc Dương ở đây, Chúc Đạo thất lễ.
Nhưng đối với Tào Bằng, Chúc Đạo lờ đi coi như không thấy.
Sắc mặt Tào Bằng trầm xuống, thầm hừ một tiếng, nhưng cũng không nói gì.
Trần Quần nói: truyện được lấy tại TruyenFull.vn
-Hôm nay tới Cúc Hoa am làm khách, mọi người gặp nhau tức là có duyên. Bản quan nghe nói Nhạc am chủ có rượu ngon, mong rằng am chủ không tiếc.
Chúc Đạo không để ý tới Tào Bằng, Trần Quần cũng không để ý đến Chúc Đạo.
Đại hào Lạc Dương?
Phì.
Đó là người khác cất nhắc mà thôi.
Trong mắt Trần Quần, cái gọi là đại hào Lạc Dương chẳng qua chỉ là một số những tên bạo hộ không leo lên được mà thôi. Đương nhiên, y cũng có tư cách này, uy danh của Trần thị ở Toánh Xuyên, những đại hào địa phương nhỏ bé còn xa mới có thể so bì được. Huống chi, Trần Quần hiện giờ là Tuy Dương lệnh.
Đại hào địa phương gì cũng chẳng qua là tiểu dân dưới quyền của y.
Có lẽ, những người khác không làm gì được Chúc Đạo, nhưng Trần Quần nếu muốn thu thập gã, chỉ là chuyện nhỏ, dễ như trở bàn tay.