Thẩm Nguyệt Một Kiếp Hồng Trần

Chương 1016



Chương 1016

Tiên sinh thuyết thư tại hàng rượu quán trà hầu hết đều kể về các sự tích nổi danh tại Đại Sở. Một thời gian trước, Thẩm Nguyệt từng trở thành nội dung chính trong các cuộc thảo luận của mọi người, tiếp đó lại biến thành Tô Vũ, hiện tại cũng đến lúc nên thay đổi nhân vật chính rồi.

Sang ngày thứ hai, nội dung câu chuyện trong các tiệm rượu hàng trà có sự thay đổi lớn, họ bàn về quan lại tham ô làm xằng làm bậy trong triều, Đại Lý Tự thiếu khanh hiện tại là Hạ Phóng là kẻ đứng đầu sóng ngọn gió.

Rất nhanh tin tức này đã lan truyền rộng khắp đầu đường cuối ngõ, nói rằng Hạ Phóng là kẻ tham lam vô độ, không chỉ lợi dụng chức quyền để trục lợi mà còn tham ô số tiền rất lớn. Hắn cùng một giuộc với thủ thành Giang Nam trước đó, chuyên môn chiếm đoạt ngân lượng mà triều đình phân bổ tới các địa phương để xây dựng đê điều.

Giang Nam xây dựng nghìn dặm đê đập để bảo vệ các tàu buôn và hàng hóa trên kênh, đồng thời cũng vì mục đích khơi thông ngập lụt và dẫn nước tưới tiêu khi gặp hạn hán cho dân chúng. Nhưng chẳng ngờ khi trận lụt mùa thu năm nay ập đến, con đập tưởng chừng như vững chãi và không gì có thể phá hủy ấy lại phút chốc bị cuốn trôi như váng đậu.

Ngay khi con đập bị xô đổ nước lũ liền tràn ngập mênh mông, khiến vô số người dân phải trôi giạt khắp nơi thành dân tị nạn, thương vong nhiều vô kể.

Lúc đầu công trình đê đập đó do Công bộ trao quyền xuống dưới, là cựu thủ thành Giang Nam phụ trách xây dựng, bây giờ chuyện này lại được lật lên, dân chúng lại bừng bừng phẫn nộ.

Chính những quan viên tham nhũng không đoái hoài tới tính mạng người dân, chỉ quan tâm đến việc nhét đầy túi mình đã hại chết nhiều người như vậy.

Trong thoáng chốc tiếng oán hận trong kinh thành vang lên liên miên không dứt.

Hạ Phóng dốc lòng vào vụ án của Tô Vũ, vừa đặt chân vào cung dự tảo triều đã có thể cảm nhận được ánh mắt của chúng quan viên nhìn mình rất kỳ lạ, sau đó hắn cũng từ trong miệng người khác biết được rằng những thảo luận về hắn trong kinh thành lúc này gần như đã lật trời rồi.

Khi hoàng đế nghe được trình báo cũng quá đỗi tức giận, hắn lập tức cử người đi kiểm tra xem rốt cuộc là ai đã tung ra những lời đồn đại này. Kết quả chỉ lần theo tới quán trà manh mối liền đứt đoạn.

Có triều thần đứng ra nói: “Hoàng thượng, dân chúng tố cáo Hạ đại nhân tham ô hủ hóa, coi thường mạng người, thần cho rằng nên điều tra kỹ lưỡng vụ việc này, nếu là sự thực coi như cho họ một lời giải thích, nếu không cũng để lấy lại sự trong sạch cho Hạ đại nhân”.

Lúc bấy giờ Hạ Phóng quỳ trên đại điện, sắc mặt hắn tái nhợt, cúi rạp người xuống đất, dập đầu nói: “Hoàng thượng, thần oan uổng! Những lời đàm tiếu ngoài kia nhất định là ác ý hãm hại thần! Thần khẩn thiết xin hoàng thượng tìm ra kẻ đầu sỏ phát tán lời đồn, trả lại sự trong sạch cho thần!”

Hoàng đế ngồi trên ghế rồng rủ mi nhìn xuống Hạ Phóng nhỏ bé như con kiến trên mặt đất, vẻ mặt xám ngắt

Trong thời điểm mấu chốt lại xảy ra chuyện như vậy khiến hoàng đến vô cùng phản cảm đối với Hạ Phóng.

Hạ Du cầm thẻ chầu lặng lẽ đứng giữa quần thần, nhìn dáng vẻ run rẩy trên điện của Hạ Phóng với ánh mắt thờ ơ.

Không sớm thì muộn Hạ Phóng cũng xảy ra chuyện, hắn còn chưa bắt đầu hành động, đã có người trợ giúp nhấc lên sóng gió trong kinh trước.

Với sự thúc đẩy từ tiếng oán thán trong dân hắn có thể quậy vũng nước đục này càng lớn càng tốt.

Một triều thần khác đứng ra nói: “Hạ đại nhận không phải đang chột dạ đó chứ? Nếu không sao lại chỉ cầu xin hoàng thượng truy xét kẻ tung tin thay vì ‘cây ngay không sợ chết đứng’, cầu hoàng thượng điều tra kỹ lưỡng vấn đề đang lưu truyền trong dân gian?”

Triều thần chắp tay với hoàng đế, nói tiếp: “Trận lũ lụt ở đập Giang Nam quả thực khiến vô số người phải di tán, hoặc bệnh tật hoặc tử vong, nếu không điều tra rõ ràng vấn đề này, e rằng sẽ khó lòng làm nguôi ngoai cơn thịnh nộ của nhân dân, xin hoàng thượng hãy suy nghĩ lại”.