Đoàn quân Hy Lạp tiến sang đất Troie được sự phù trợ của thần thánh nên rất thuận lợi. Chẳng bao lâu mà những người Hy Lạp đã sắp tới đảo Lemnos. Gần đảo Lemnos có hòn Chrysé, một đảo nhỏ hoang dại. Tuy nhiên ở đây lại có một ngôi đền thờ nữ thần Chrysé nổi tiếng rất thiêng. Theo lời chỉ dẫn của một nhà tiên tri, đoàn quân Hy Lạp phải tới hòn đảo này tìm ngôi đền thờ nữ thần Crida để dâng lễ, nếu không thì những người Hy Lạp không thể đánh chiếm nổi thành Troie. Người anh hùng Héraclès, con của thần Zeus giáng sấm sét, trong cuộc tiến đánh thành Troie để trả thù Laomédon về cái tội lừa lọc, bội ước cũng đã dừng chân lại chốn này, tìm bằng được ngôi đền thờ để dâng lễ. Những người Argonautes trong cuộc hành trình đi sang xứ Colchide cũng đã cử đích thân thủ lĩnh Jason tới dâng lễ ở ngôi đền thờ này. Giờ đây đến phiên người Hy Lạp, trong cuộc Chiến tranh Troie lần thứ hai để trừng phạt chàng Paris con của vua Priam đã can tội vi phạm truyền thống quý người trọng khách.Hội đồng Tướng lĩnh quyết định cử tướng Philoctète, một đồ đệ và cũng là một chiến hữu trung thành của Héraclès xưa kia, dẫn đường lên đảo để tìm ngôi đền thờ. Đảo hoang nên cỏ lau, cây dại mọc ngút ngàn, chẳng có đường mòn lối cũ, cũng chẳng có một dấu chân nên rất khó tìm. Philoctète phải vừa đi vừa vạch đường cho anh em đi sau. Khó khăn, nhưng rồi cuối cùng chàng tìm ra được ngôi đền. Philoctète sung sướng reo to lên và bước qua ngưỡng cửa. Bất chợt có một con rắn khá to từ một bụi cây quăng mình ra mổ vào chân Philoctète một cái. Đau quá vị tướng này thét lên một tiếng rồi ngã vật xuống đất. Các chiến hữu nghe tiếng thét vội chạy đến nhưng vô kế khả thi. Chẳng ai là người biết một phương thuốc gì thần diệu để chữa chạy cho Philoctète. Họ dìu Philoctète ra thuyền. Vết thương của chàng bốc lên một mùi hôi thối rất khó chịu. Chàng nằm bất động trên thuyền, rên rỉ, kêu la. Sau khi làm lễ hiến tế, đoàn thuyền Hy Lạp nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng quả thật là khó chịu vô cùng. Vết thương của Philoctète bốc mùi nồng nặc, còn Philoctète thì không sao chịu đựng nổi những nhức nhối, đau buốt, chàng rên la suốt ngày đêm. Tình cảnh phiền toái như thế, Ulysse thấy phải cần vứt bỏ Philoctète lại dọc đường để bảo đảm cho cuộc hành quân được hoàn thành nhanh chóng. Chàng đề đạt biện pháp ấy với Hội đồng Tướng lĩnh, và Hội đồng đã đồng thanh nhất trí chuẩn y lời đề nghị của Ulysse. Đoàn chiến thuyền qua đảo Lemnos dừng lại. Người ta cho khiêng Philoctète lên bờ. Lúc này chàng mệt quá vì đau đớn ngủ thiếp đi nên không hay biết gì hết. Đến khi chàng tỉnh dậy thì thấy mình nằm trơ trọi trên bãi biển vắng hoang, bên cạnh có cây cung, ống tên và một ít lương thực.Philoctète giận dữ vô cùng. Bọn người Hy Lạp đã bất nhân bất nghĩa đến thế thì thôi. Chúng bỏ chàng lại ở nơi hoang đảo này coi như chúng đã giết chàng. Chàng làm sao có thể sống nổi khi người ốm yếu, chân mang thương tích. Nhưng chàng nghĩ: ta còn cây cung và ống tên của thần Héraclès đây. Chắc rằng thần thánh không nỡ bỏ mặc ta mà không động lòng trắc ẩn, phù hộ, giúp đỡ ta vượt qua khỏi nỗi bất hạnh này. Rồi thì mọi việc sẽ trôi qua. Bây giờ trước hết là không được nản chí. Từ đó trở đi Philoctète bắt đầu cuộc sống của một con người trên hoang đảo. Ý chí và nghị lực cũng như sự giúp đỡ của thần thánh đã giúp chàng sống qua hết năm này đến năm khác.., và chín năm trôi qua cho đến năm thứ mười, theo sự phán truyền của thần thánh quân Hy Lạp nếu không đón được chàng về để chàng tham dự cuộc chiến đấu bằng cây cung và ống tên của mình thì quân Hy Lạp không thể nào hạ được thành Troie. Chỉ đến khi đó những người Hy Lạp mới cho thuyền, cử người đi tìm Philoctète về.Sau khi bỏ Philoctète lại trên hoang đảo, đoàn thuyền Hy Lạp thẳng tiến tới thành Troie. Cuộc xung đột giữa thế giới Hy Lạp ở Nam Địa Trung Hải với thế giới phương Đông vùng phía bắc ven biển Tiểu Á chỉ còn là chuyện ngày xưa.