Thần Thoại Hy Lạp

Chương 158: Chuyện về Agamemnon và người con trai, Oreste



Agamemnon bị mưu sát

Việc hoàng tử Paris con của lão vương Priam ở thành Troie sang đất Hy Lạp quyến rũ nàng Hélène xinh đẹp, vợ của người anh hùng Ménélas, đã gây nên một sự căm phẫn trong toàn dân Hy Lạp. Các vị anh hùng theo lời kêu gọi của anh em Atrides tức Agamemnon và Ménélas, đều đồng thanh nhất trí cất quân sang thành Troie hỏi tội lũ người đã xúc phạm đến danh dự và truyền thống quý người trọng khách của người Hy Lạp, đòi bằng được nàng Hélène về. Agamemnon được cử làm Tổng Chỉ huy, thống lĩnh các đạo quân trên toàn đất Hy Lạp vượt biển tiến hành cuộc viễn chinh.

Từ biệt người vợ trẻ đẹp là nàng Clytemnestre ra đi, Agamemnon an ủi nàng và hứa: Chừng nào mà thành Troie bị hạ, quân Hy Lạp giành được toàn thắng, thì chàng lập tức báo tin ngay về nhà để Clytemnestre biết. Cách báo tin như sau: Quân lính theo lệnh chàng sẽ đốt một đống lửa thật to trên một ngọn núi cao. Nhận được tín hiệu này, các nơi sẽ lại đốt lửa, cứ thế ngọn lửa từ ngọn núi này truyền tin cho ngọn núi khác. Chẳng bao lâu ở cung điện của chàng tại đô thành Argos mọi người có thể biết tin thành Troie đã thất thủ, quân Hy Lạp đại thắng, biết rất nhanh, và Clytemnestre có thể yên tâm tính ngày để chuẩn bị đón chàng.

Nhưng cuộc Chiến tranh Troie không thể kết thúc chóng vánh. Các vị thần đã quyết định: Quân Hy Lạp phải mất mười năm trời giao tranh, vây hãm thành Troie, phải hao binh tổn tướng kể có hàng ngàn người, mới có thể giành được toàn thắng.

Và bây giờ đang là năm thứ mười của cuộc chiến tranh. Kể từ năm này, nữ hoàng Clytemnestre đêm nào cũng sai một tên quân hầu leo lên mái cao của tòa lâu đài để canh chờ, ngóng đợi ánh lửa tín hiệu chiến thắng. Ròng rã suốt đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, người lính đêm đêm căng mắt dõi nhìn vào bóng tối. Mệt mỏi, mỗi khi ngả mình xuống chiếc ổ ướt đẫm sương đêm, anh lính không dám buông mình cho giấc ngủ ngon lành lôi cuốn. Anh sợ hãi giấc ngủ sẽ làm anh phạm tội. Buồn chán, anh than vãn cho cảnh gia đình của chủ tướng Agamemnon chẳng còn cái nền nếp như xưa. Anh chỉ có một ước ao, mong sao cho cái ánh lửa tín hiệu chiến thắng xuất hiện, xuất hiện sớm ngày nào hay ngày ấy để chấm dứt cho anh nỗi vất vả nhọc nhằn, nhưng có lẽ người trông chờ, mong đợi cái ánh lửa tín hiệu chiến thắng, nung nấu nhất, khắc khoải nhất chẳng phải là anh lính gác, mà là nữ hoàng Clytemnestre.

Thế rồi vào một đêm ánh lửa xuất hiện. Người lính gác trên nóc lâu đài bỗng nhìn thấy ánh lửa rực sáng lên từ phía xa. Khi đó đêm đen đang nhạt dần và bình minh sắp đến. Ánh lửa xuất hiện xa xa ở dãy núi trước mặt mới đầu sáng lóe, chập chờn rồi ngày càng bùng to lên bốc cao lên. Đích thực là ánh lửa tín hiệu chiến thắng rồi! Người lính gác reo to lên, kêu gào lên cho mọi người trong đô thành được biết: Thành Troie đã bị hạ! Thành Troie đã bị hạ! Ngọn lửa báo tin chiến thắng đang bùng cháy kia kìa! Chủ tướng Agamemnon sắp trở về! Chủ tướng Agamemnon sắp trở về! Người lính gác sung sướng, mừng rỡ đến trào nước mắt. Thế là cuộc Chiến tranh Troie đã kết thúc. Rời nóc tòa lâu đài, chạy vội đến nơi nữ hoàng Clytemnestre đang nghỉ để trình báo tin vui.

Nhận được tin chiến thắng, Clytemnestre ra lệnh cho các nữ tỳ mau mau sắm sửa lễ vật để tạ ơn thần thánh. Bà ta tỏ vẻ vui mừng khôn xiết nhưng thật ra trong thâm tâm mưu tính một vụ sát nhân hiểm độc. Cuộc Chiến tranh Troie kéo dài đằng đẵng hết năm này qua năm khác, Clytemnestre không chế ngự được nỗi buồn khi vắng chồng nên đã thay lòng đổi dạ. Bà đem lòng yêu Égisthe, một hoàng tử con của Thyeste. Hai người đã ăn ở với nhau ngay trong cung điện từ nhiều năm nay. Vì thế nếu Agamemnon trở về thì thật nguy hiểm. Chắc chắn rằng không thể che giấu Agamemnon câu chuyện phản bội đó được. Như lời phán truyền của thần thánh: Thành Troie sẽ bị hạ vào năm thứ mười, và đương nhiên Agamemnon sẽ trở về. Clytemnestre phải tính chuyện này. Nàng mong đợi cái ánh lửa chiến thắng kia nung nấu trong lòng là để lo liệu chuyện đó cho yên. Tình thế bức bách này nếu không hạ sát Agamemnon thì chắc rằng Agamemnon cũng chẳng tha nàng. Lối thoát duy nhất để cứu mạng mình là phải hạ thủ Agamemnon ngay, không để cho Agamemnon biết chuyện mà nổi giận giáng đòn trừng phạt xuống số phận mình. Clytemnestre đã suy tính như thế.

Được tin thành Troie bị hạ, Agamemnon sắp trở về, nhân dân trong đô thành Argos liền kéo đến tụ tập trước cung điện để bày tỏ niềm vui. Người người nhà nhà đều hân hoan chuẩn bị lễ đón mừng vị vua của họ, người lãnh sứ mạng Tổng Chỉ huy các đạo quân Hy Lạp, trở về với vinh quang rực rỡ của chiến thắng. Các vị bô lão muốn lễ đón chủ tướng Agamemnon phải được tổ chức rất trọng thể ở trong cung điện. Tuy nhiên các vị vẫn còn ngờ vực. Các vị chưa thật tin vào ánh lửa tín hiệu đó. Biết đâu, chuyện đó chẳng phải là trò chơi nguy hiểm của các vị thần? Và làm sao mà có thể biết tin nhanh đến thế? Nữ hoàng Clytemnestre thuật lại mật hiệu mà chồng bà, chủ tướng Agamemnon trước khi lên đường, dặn lại. Bỗng một người đưa tin đến báo: đoàn quân chiến thắng dưới sự thống lĩnh của chủ tướng Agamemnon sắp tới. Clytemnestre tỏ vẻ hết sức xúc động trước thông báo của người lính truyền tin. Bà vội vã vào cung điện để sắm sửa những lễ nghi đón tiếp cho xứng đáng với danh dự và chiến công của chồng bà, nhưng thực ra bà cũng đồng thời chuẩn bị cho việc thực thi âm mưu ám hại người chồng.

Chẳng bao lâu đoàn xe của đại quân xuất hiện. Agamemnon oai phong lẫm liệt trên cỗ chiến xa dẫn đầu đoàn quân chiến thắng. Các chiến sĩ hùng dũng tiến bước sau những cỗ chiến xa. Họ đội trên đầu, quàng vào cổ những vòng nguyệt quế cũng như nhiều thứ lá, thứ hoa đẹp khác nữa để biểu thị niềm kiêu hãnh của người chiến thắng. Theo sau họ là những nữ tù binh cùng với những chiếc xe chất đầy của cải chiến lợi phẩm. Ngay chủ tướng Agamemnon cũng có một nữ tù binh dùng làm tỳ thiếp. Đó là nàng Cassandre có tài tiên đoán, con của lão vương Priam. Nàng ngồi trên cỗ xe đi kề bên Agamemnon, mặt buồn rười rượi. Nàng buồn cho số phận bất hạnh của mình và hai đứa con còn măng sữa. Nàng buồn hơn nữa cho tai họa mà nàng đã tiên đoán thấy sắp giáng xuống đầu Agamemnon mà nàng không cách gì cứu vãn được. Nhân dân đứng hai bên đường tung hô, hết đợt này đến đợt khác những lời chúc tụng, ngợi ca đoàn quân anh hùng. Niềm vui rạng rỡ trên từng khuôn mặt, từng khóe mắt, nụ cười. Nhiều người xúc động đến trào nước mắt.

Clytemnestre đích thân ra đón chồng từ ngoài cung điện. Bà đã ra lệnh cho gia nhân trải thảm đỏ suốt một quãng đường khá dài. Bà đón chồng với những nghi lễ trọng thể như những nghi lễ người ta thường hiến dâng cho các vị thần.

Agamemnon từ trên xe bước xuống. Ông kính cẩn cúi chào mảnh đất quê hương Argos. Ông bày tỏ lòng cảm ơn các vị thần đã phù hộ cho ông giành được chiến thắng trong cuộc giao tranh và ban cho ông niềm hạnh phúc tuyệt diệu là có được ngày hôm nay. Ông cầu xin quê hương, tổ tiên, các vị thần đã ban cho đạo quân Argos vinh quang của chiến thắng thì hãy gìn giữ vinh quang đó mãi mãi. Ông tỏ ý hài lòng trước những nghi lễ đón tiếp ông quá trọng thể, Ông nói với Clytemnestre:

- Hỡi Clytemnestre, người con gái của nàng Léda xinh đẹp! Nàng đã tổ chức lễ đón tiếp ta quá ư xa hoa và trọng thể. Nàng đã trải thảm đỏ dưới chân ta. Những lễ nghi như vậy vốn không phải dành cho những người trần thế đoản mệnh. Chỉ các bậc thần linh bất tử mới xứng đáng với những nghi lễ ấy. Còn ta, ta chỉ là một người trần tục, một người trần tục bình thường. Nếu ta đặt chân lên tấm thảm đó thì chính là ta đã tự mua thù chuốc oán vào người. Lẽ nào ta không biết điều đó? Lẽ nào ta lại không biết sợ phạm vào tội ngạo mạn, kiêu căng khi đặt chân lên tấm thảm đỏ được thêu dệt rất công phu này? Hỡi Clytemnestre! Ta muốn được tôn kính hợp với tư cách và cương vị của ta: Một con người chuẩn mực không phải một vị thần bất tử.

Nhưng Clytemnestre cố sức thuyết phục Agamemnon tiếp nhận nghi lễ đón tiếp đã dành cho ông. Agamemnon đành nhượng bộ song ông quyết định tháo dép, đi chân không lên tấm thảm đỏ vô cùng quý giá để vào cung điện. Ông cho rằng hành động như vậy sẽ không gây nên sự giận dữ, ghen tức của thần linh. Còn Clytemnestre, trước khi nối gót theo bước chân chồng vào cung điện, bà khẩn cầu thần Zeus phù hộ cho bà, hoàn tất những điều bà mong muốn. Bà lại còn xin thần hãy suy nghĩ đến những điều mà thần cần phải tiếp tục phù hộ cho bà để mong muốn của bà được hoàn tất trọn vẹn, mỹ mãn. Bà không quên ra lệnh cho Cassandre vào cung điện. Nhân dân vẫn đứng chờ ở ngoài cung điện. Không ai muốn ra về. Dường như họ linh cảm thấy có một điều gì chẳng lành sẽ xảy ra, sắp xảy ra đối với quê hương, đất nước họ.

Cassandre mặc dù được lệnh phải vào cung điện ngay, nhưng nàng vẫn nấn ná đứng ở ngoài. Tài tiên đoán của nàng chẳng giúp ích gì được cho ai, ngay cho bản thân nàng. Nàng đã tha thiết khuyên can Agamemnon, người chủ của mình và cũng đồng thời là người bạn tình của mình, đừng nên trở về quê hương, nhưng không được. Giờ đây nàng biết rõ tai họa thảm thương không chỉ giáng xuống đầu Agamemnon mà còn giáng xuống cả số phận đen bạc của nàng. Nàng nói lên những điều dự cảm đen tối cho mọi người nghe. Nàng nhắc đến mối thù dòng họ giữa hai anh em Atrée và Thyeste ăn thịt con. Nàng nói thẳng ra rằng chủ tướng Agamemnon sẽ bị giết. Nàng than khóc cho số phận của mình, và trước khi đi vào cung điện để đón nhận cái chết, nàng bẻ gãy cây vương trượng và dứt những tua vải của nó ra vứt xuống đất.

Bỗng từ trong cung điện vang ra một tiếng kêu kinh hoàng:

- Trời ơi! Họ giết tôi! Tôi bị đâm chết rồi! Trời ơi!

Một sự im lặng bao trùm lên không khí ở ngoài cung điện, nơi nhân dân vẫn đứng chờ. Lại có tiếng kêu tiếp. Lần này yếu hơn:

- T...ôi bị đâm chết r...ồi. Trời ơi..!

Nhận ra tiếng vị vua của mình, người chủ tướng đã thống lĩnh các đạo quân Hy Lạp giành chiến thắng trong cuộc viễn chinh sang thành Troie, kêu la, rên rỉ, nhân dân nháo nhác cả lên. Họ bàn tán, hò nhau phá cửa cung điện để vào xem sự thể hư thực ra sao. Đang khi ấy thì Clytemnestre từ trong cung điện bước ra. Bà ta xuất hiện trước nhân dân để công bố cho mọi người biết: Chính tay bà đã giết Agamemnon để thanh toán một món nợ máu từ xưa. Với một thái độ lạnh lùng và trâng tráo, Clytemnestre như một con quỷ dữ kể lại mình đã thực hiện việc mưu sát chồng như thế nào. Agamemnon vào cung điện. Chàng đi tắm. Tắm xong, Agamemnon mặc áo, nhưng chiếc áo to rộng và dài đó lại bị khâu bít ở hai cổ tay khiến Agamemnon cứ lúng túng trong tấm áo. Tấm áo như một chiếc lưới chụp vào người Agamemnon. Chính vào lúc đó Clytemnestre xuất hiện với cây rìu hai lưỡi. Mụ dùng rìu chém liên tiếp hai nhát vào người Agamemnon. Agamemnon lảo đảo rồi gục ngã. Mụ bổ tiếp một nhát thứ ba, kết liễu cuộc đời người chồng của mình.

Nghe Clytemnestre thuật lại vụ mưu sát khủng khiếp, nhân dân căm phẫn, chất vấn, kết tội. Bằng giọng lưỡi ngụy biện trâng tráo, Clytemnestre biện hộ cho tội ác của mình:

- Này hỡi chúng dân Argos! Các người thật là ngu xuẩn và bất công. Các người kết án ta, đòi trục xuất ta khỏi đô thành. Các người nguyền rủa ta. Được! Nhưng các người hãy cho ta hỏi lại một điều. Vì sao khi Agamemnon đang tay bắt Iphigénie con gái ta để làm lễ hiến tế thần linh, cầu xin cho đoàn thuyền Hy Lạp được gió để ra khơi, thì không một ai trong số các ngươi lên tiếng kết tội hắn đòi trục xuất hắn ra khỏi đô thành? Vì sao các người lại đóng vai một quan tòa khắc nghiệt như thế đối với hành động của ta? Còn đối với hắn thì lại rộng lòng dung thứ? Các người đừng đe dọa ta. Ta sẵn sàng chấp nhận một cuộc đọ sức. Này ta nói thêm cho các người rõ: Ta không hề mảy may sợ hãi. Chừng nào mà chàng Égisthe thân yêu của ta còn là người bạn tình chung thủy của ta, chàng sẽ là tấm khiên dày và rộng che chở cho cuộc đời ta. Ta thề trước công lý quyết sẽ báo thù cho con gái ta và ta đã thực hiện. Các người cũng nên nhớ rằng Agamemnon đã gây ra cho ta bao nhiêu đau khổ trong nỗi cô đơn. Còn hắn thì vui thú hết với cô ả Chryséis lại đến Cassandre! Cả hai, hắn và cô ả Cassandre giờ đây đã chịu sự trừng phạt xứng đáng. Ta đã cho chúng vĩnh viễn nằm bên nhau như chúng đã từng chung thủy với nhau. Cả hai đứa con của bọn chúng, ta cũng cho đi theo bố mẹ.

Nghe những lời Clytemnestre biện hộ cho tội ác tày trời của mụ, nhân dân lại càng căm phẫn và kinh tởm mụ đàn bà mặt người dạ thú. Égisthe thấy vậy đứng ra đối đáp nhằm trấn áp sự phản kháng của nhân dân. Với giọng nói hống hách, y đe dọa sẽ bắt hạ ngục những ai công kích, kết án hành động của Clytemnestre và của y. Cũng như Clytemnestre, y cho rằng Agamemnon bị giết là hợp đạo lý. Atrée, cha của Agamemnon xưa kia đã giết con của Thyeste, nấu cỗ mời Thyeste ăn. Là con của Thyeste, ngay từ nhỏ Égisthe đã bị Atrée trục xuất cùng với cha, và bây giờ đây, Égisthe được công lý đưa trở về thành Argos, để trả lại mối thù xưa, chính Égisthe là người bày mưu đặt kế cho cuộc sát hại Agamemnon, còn Clytemnestre là người thực hiện.

Sự công phẫn của nhân dân chẳng vì những lời đe dọa của Égisthe mà dịu bớt. Nhân dân vạch trần hành động hèn nhát của Égisthe, phải mượn tay một người đàn bà để sát hại một vị anh hùng. Bất lực và tức giận điên cuồng trước những lời công kích, Égisthe tuyên bố.

- Hỡi dân chúng của đô thành Argos! Ta long trọng tuyên bố cho các ngươi biết: kể từ ngày hôm nay ta là vua của xứ Argos, toàn bộ cơ nghiệp cũng như của cải của Agamemnon, những chiến lợi phẩm mà Agamemnon đã đưa từ thành Troie về sẽ thuộc quyền sử dụng của ta. Kể từ ngày hôm nay, mọi công dân, già cũng như trẻ nhất nhất đều phải tuân theo lệnh của ta. Kẻ nào chống đối, kháng cự, không chấp hành mệnh lệnh sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.