Tháng Ngày Giành Ảnh Đế Với Thái Tử

Chương 73: Ngoại truyện cuối



Thông tin Lý Tùng Nhất chuyển nghề và đang sản xuất tác phẩm điện ảnh mới đã lan truyền từ bữa tiệc sinh nhật, gây ra nhiều sóng gió trong làng giải trí.

Xét cho cùng, đây là hành trình công khai đầu tiên của Lý Tùng Nhất kể từ “Tiên phong”.

Người hâm mộ đương nhiên ủng hộ vô điều kiện, sẵn lòng dẫn theo gia đình và người yêu đến tham gia lễ ra mắt cho “Tiêu dao du” —— Tiền đề là họ tìm được nửa kia trong thời gian này.

Nhưng nhiều người qua đường lý trí và fans điện ảnh lại tỏ ra bi quan, bởi lẽ Lý Tùng Nhất luôn mang đến cho mọi người một cảm giác còn non trẻ.

Trong vài năm trở lại đây kể từ khi ra mắt, Lý Tùng Nhất về cơ bản là cái tên nổi tiếng cùng với nhiều sự kiện chấn động. Ngoại trừ phim thần tượng đầu tiên, các tác phẩm của cậu đều thuộc hàng xuất sắc; Lý Tùng Nhất cũng cống hiến tài năng diễn xuất và được hầu hết mọi người đón nhận thông qua các tác phẩm đấy. Đặc biệt trong “Tiên phong”, Lý Tùng Nhất chỉ đóng vai phụ nhưng không hề bị lấn át trước phân cảnh phối diễn với Trần Đại Xuyên. Hơn nữa cậu còn thể hiện phong độ rực rỡ độc nhất vô nhị, giành về biết bao giải thưởng Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Một số nhà phê bình thậm chí cho rằng, người hưởng lợi nhiều nhất từ “Tiên phong” mới là Trần Đại Xuyên. Bởi Trần Đại Xuyên với khả năng diễn xuất điêu luyện, đã vượt qua gông cùm của quá khứ và đạt đến đỉnh cao mới khi hợp tác cùng Lý Tùng Nhất. Điều này làm cho màn trình diễn của anh trở nên thanh thoát và sâu sắc hơn cả.

Sự đọ sức giữa hai người khiến toàn bộ tác phẩm trở nên sống động hơn bao giờ hết, và nếu Oscar có giải dành cho Đôi bạn diễn xuất sắc nhất thì chắc chắn không ai khác ngoài họ. Vì thế rất nhiều người đang chờ trông Lý Tùng Nhất gánh vai chính thực sự, khiến họ phải bất ngờ thêm lần nữa. Dẫu sao trong các tác phẩm của Lý Tùng Nhất, “Chuỗi thức ăn” và “Đại lộ” đều là song nam chính với Thai Hành; còn phim truyền hình “Thần Ma” và điện ảnh “Tiên phong” chỉ đơn giản là vai phụ.

Hiện giờ Lý Tùng Nhất quả thật đã mang đến bất ngờ cho mọi người, nhưng với tư cách là nhà sản xuất chứ không phải diễn viên chính. Vô số cư dân mạng bày tỏ rằng, cậu đã quá tham vọng và chẳng biết lượng sức mình.

Tất nhiên nếu Lý Tùng Nhất không những đầu tư mà sau đó còn tạo dựng tên tuổi, thì khi đó bọn họ chẳng nói gì được nữa.

Lý Tùng Nhất không hề xem đây là cuộc chơi. Cậu gần như dồn toàn bộ tâm sức cho “Tiêu dao du” trong khoảng thời gian này. Sau khi xác nhận các công tác chuẩn bị sơ bộ đã hoàn tất, Lý Tùng Nhất cố ý chọn ngày lành tháng tốt khởi động máy.

Lý Tùng Nhất và đạo diễn đều chọn Hà Gia cho vai cậu em trai có nhiều đất diễn nhất trong “Tiêu dao du”. Chủ yếu là vì Lý Tùng Nhất cảm thấy sự tôn thờ và ngưỡng mộ mình trong đôi mắt Hà Gia hệt như em trai tôn thờ Côn trong kịch bản, và những điều là lẽ tự nhiên chẳng đòi hỏi nhiều về mặt diễn xuất.

Đúng như Trần Đại Xuyên đã nói, sau khi chính thức bấm máy, Lý Tùng Nhất vừa gánh vai chính vừa tận tâm trong nghiệp làm phim, bận rộn như con quay không thể dừng lại.

Trong những tháng quay phim, Lý Tùng Nhất và Trần Đại Xuyên hiếm khi gặp nhau, hầu hết đều là anh bay qua gặp cậu. Cả hai đầu tắt mặt tối, không có nhiều thời gian bên nhau; thường thì sau một đêm mặn nồng, họ phải cuống cuồng ra về.

Đừng nói chi đến Trần Đại Xuyên thốt vài câu phàn nàn, chính Lý Tùng Nhất đã bắt đầu xuất hiện triệu chứng “tương tư thành bệnh”.

Một tình yêu vốn dĩ tốt đẹp lại biến thành mối quan hệ yêu xa chạnh lòng.

Lý Tùng Nhất hạ quyết tâm đưa việc viết thư tình vào kế hoạch càng sớm càng tốt.

“Tiêu dao du” tiến vào hậu kỳ, tất cả những gì cần thiết là kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ đạo diễn. Lý Tùng Nhất tương đối nhàn hạ, nhiều nhất là đóng vai trò giám sát quá trình.

Vì phim cần nhiều kỹ xảo điện ảnh, nên khâu hậu kỳ mất kha khá thời gian.

Lý Tùng Nhất “ăn dầm nằm dề” với Trần Đại Xuyên chừng tuần lễ, sau đó lại bắt đầu ngứa ngáy tay chân. Cậu hợp tác với một đài truyền hình nào đó nhằm sản xuất một chương trình tạp kỹ “Trong diễn xuất”.

Như tên cho thấy, “Trong diễn xuất” là một gameshow cạnh tranh theo chủ đề trình diễn. Đội ngũ chương trình sẽ mời từ tám đến mười diễn viên với các phong cách khác nhau. Hệ thống cạnh tranh là chương trình cung cấp đề mục và một kịch bản dài năm phút cho các khách mời, cốt yếu để xem các diễn viên khác nhau thể hiện những gì dưới cùng một nhân vật và cốt truyện.

Đối với khách mời tham gia, đây hẳn nhiên là một chương trình có tính rủi ro khá cao. Để những người này đóng cùng một vai và thể hiện cùng một cốt truyện, sau đó ban giám khảo đánh giá trước toàn trường quay —— Có khác nào là đang xử tội công khai đâu chứ?

Những người có kỹ năng diễn xuất kém chẳng dám tham gia, so ra quả là tàn nhẫn.

Nhóm kỹ năng diễn xuất tốt cũng có những lo ngại riêng. Vì đề mục của mỗi kỳ mỗi khác, có thể kỳ này là câu chuyện trên bàn cơm dưới góc nhìn của một cậu bé; còn kỳ sau là chàng công tử phong lưu đào hoa chẳng hạn. Không một diễn viên nào có thể đảm bảo rằng mình toàn năng, chưa kể đến những hạn chế cố hữu như ngoại hình. Tỷ dụ như kỹ năng diễn xuất của Trần Đại Xuyên vô cùng tốt, nhưng nếu anh muốn đóng vai một học sinh ngây thơ chân chất thì nhất định không khiến người xem thoải mái bằng Hà Gia.

Bởi vậy, nhiều lời mời tham gia chương trình được gửi đi nhưng rất ít người phản hồi.

Lý Tùng Nhất chờ dài cổ, cuối cùng đành phải cầu cứu từ “nhóm bạn bè cây khế”.

Sau rốt, ít nhiều gì cũng vừa đủ quân số chương trình.

Nhóm nam: Thai Hành, Châu Gia Mậu, Hà Gia và một nam nghệ sĩ ký hợp đồng với Bình Xuyên – một trong những thần tượng đình đám nhất hiện nay, đang trong quá trình chuyển từ lưu lượng sang phái thực lực. Theo như lời cậu ta nói, đến đây không phải để cạnh tranh mà là học hỏi từ các đàn anh đàn chị đi trước.

Nhóm nữ: Châu Nghệ, Triệu Thi Ảnh, cùng với cô bé fan hâm mộ của Lý Tùng Nhất – bây giờ là siêu sao Dương Phi Phi; còn có một nữ diễn viên vừa giành cúp ảnh hậu, đến đây cốt tìm kiếm bước đột phá. Dù đạt nhiều giải thưởng nhưng về cơ bản, cô đóng những vai tương tự nhau. Cô từng muốn thử sức với nhiều thể loại khác nhưng lại sợ thất bại và bị cư dân mạng “ném đá”. Kịch bản dài năm phút của “Trong diễn xuất” vừa khéo thỏa mãn lòng khiêu chiến của cô; ngay cả khi mắc lỗi thì đó cũng chỉ là một màn trình diễn năm phút, chẳng chứng minh được gì. Nhưng giả sử cô phát hiện khía cạnh mới, vậy hiển nhiên là được nhiều hơn mất.

Tìm ban giám khảo cũng khó. Suy cho cùng thì dễ mất lòng người khác, phải là người “vừa có tiếng vừa có miếng” trong ngành giải trí. Sau cùng, Lý Tùng Nhất lại tranh thủ chèo kéo Tào Xuân Lan, Phương Hữu Hành, hai anh em Lưu Hướng Đông, và cả Trần Đại Xuyên cũng nể tình chiếm một ghế giám khảo. Đội hình bao gồm ảnh đế, đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất, thế là có thể đưa ra đánh giá toàn diện dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Lý Tùng Nhất nhìn danh sách này mà trong lòng thoảng một nét gì chua chát, cứ hoài cảm thấy đang làm gameshow “cây nhà lá vườn”, từ trên xuống dưới đều là những thành phần chai mặt lẫn nhau. Chẳng qua trong giới giải trí, cậu quả tình chỉ thân quen với bấy nhiêu người thôi.

Lý Tùng Nhất vốn dĩ cũng muốn tham gia cuộc thi, song vừa là nhà sản xuất vừa là thí sinh thì không ổn lắm, nên đành thôi.

Lý Tùng Nhất sản xuất chương trình này nghiễm nhiên chẳng phải làm khó khách mời, mà cốt cho mọi người trông thấy trạng thái tổng thể và ý nghĩa của diễn xuất. Trước đây, những gì khán giả nhìn thấy là kết quả sau cùng của màn trình diễn, mà họ không rõ các diễn viên phải trải qua thế nào đằng sau năm phút huy hoàng trên sân khấu. Nhưng “Trong diễn xuất” bắt đầu ghi hình ngay từ khi khách mời nhận kịch bản, từ phản ứng đầu tiên đến cách hình dung, cách tiếp cận nhân vật; và cả quá trình làm việc với chuyên viên hóa trang, nhà tạo mẫu hay đề xuất ý tưởng với nhân viên ánh sáng – đạo cụ… Máy quay có nhiệm vụ ghi lại và truyền tải tất tần tật quá trình ra lò cho một màn trình diễn chỉ kéo dài năm phút, quả là một trải nghiệm thú vị.

Trọng tâm của chương trình là “Trong”, chứ không chỉ là “Diễn xuất”.

Chủ đề đầu tiên dành cho nhóm nữ là đóng vai một vũ công có cá tính mạnh mẽ. Bốn nữ diễn viên với phong cách và tư tưởng khác nhau đã thể hiện thành bốn vũ công theo cách rất riêng.

Tỷ dụ như Châu Nghệ đích thân đến vũ trường nhằm quan sát các vũ công ngoài đời. Thậm chí cô còn trò chuyện và mời họ ăn tối, làm bạn với mọi người trong vài giờ.

Còn Triệu Thi Ảnh lại đến tìm tòi học hỏi từ đàn chị trong làng giải trí – người từng tạo nên hình tượng “gái nhảy” kinh điển trên màn ảnh. Triệu Thi Ảnh đã nhờ cô chỉ dạy các kỹ năng để trở thành một vũ công quyến rũ và điêu luyện.

Tiếp theo, khán giả sẽ thấy rằng phía sau những khâu chuẩn bị sơ bộ này, dẫu cùng một kịch bản và bối cảnh nhưng phần trình diễn cuối cùng kéo dài năm phút của các khách mời lại có sự khác biệt to lớn. Biểu cảm, đài từ, cách đi đứng, ngôn ngữ cơ thể và thậm chí là phút ngẫu hứng trên sân khấu khiến cùng một cốt truyện lại thể hiện thành nhiều kết quả khác nhau. Tất cả đều phản ánh quan niệm và phong cách biểu diễn cá nhân của từng người. Thật khó để đánh giá bên nào tốt hơn.

Điều kỳ diệu này khiến khán giả dán mắt vào màn hình, và từ từ nhận ra đây có lẽ gọi là tính linh hoạt trong diễn xuất. Do vậy, ngoài việc ấn định một giải biểu diễn xuất sắc nhất cho mỗi tập thì tổ chương trình còn đặt ra một giải biểu hiện xuất sắc nhất.

Giải biểu diễn, tất nhiên dành cho màn trình diễn tốt nhất kéo dài trong năm phút; còn giải biểu hiện được trao cho những khách mời có nhiều tiến bộ vượt bậc nhất.

Chẳng hạn trong tập thứ ba, đề mục của nhóm nam là một thiếu niên u uất mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tạng người Hà Gia thiên gầy, đôi mắt to tròn đen láy; chỉ cần thức trắng hai đêm đã mang đến cho người ta cảm giác u buồn và đáng thương của một cậu thiếu niên tự kỷ.

Còn Châu Gia Mậu thì tương đối thảm. Hắn trông trẻ trung phơi phới, người ngợm có da có thịt; đi theo hình tượng rạng rỡ như ánh mặt trời nên khó có thể toát lên vẻ u ám cần thiết. Sau khi than vãn về kịch bản kỳ này quá khó, hắn bèn bắt tay chuẩn bị cho màn trình diễn sắp tới. Mặc dù kết quả cuối cùng vẫn không tốt bằng Hà Gia – người chiếm ưu thế tự nhiên về ngoại hình, song khoảng cách giữa bản thân Châu Gia Mậu và vai diễn là lớn nhất. Hắn không ngừng nỗ lực và dùng nhiều kỹ thuật diễn nhằm thể hiện nhân vật một cách trọn vẹn, thành thử nhận được giải biểu hiện xuất sắc nhất.

Khách mời tham gia hẳn nhiên là những người hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình. Nhiều diễn viên dễ mắc vào bẫy của chính mình, khó có thể bứt phá từ những mô-típ cũ. Và màn trình diễn kéo dài năm phút mang tính trực quan đã đem đến những trải nghiệm sâu sắc cho mỗi khách mời. Họ phát hiện rằng, hóa ra nhân vật kia còn có thể diễn xuất với một phong cách mới lạ như thế.

Tất cả diễn viên đến tham gia chương trình đều là những người toàn tâm toàn ý với diễn xuất, vả lại có Lý Tùng Nhất đứng ra làm trung gian khiến bầu không khí tuy mang hơi hướm cạnh tranh khốc liệt nhưng không dẫn đến hiện tượng tranh cãi gay gắt, thậm chí mọi người còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với nhau ở hậu trường. Đây cũng là lý do khiến người hâm mộ của các khách mời không “chiến” nhau trên mạng xã hội.

Đồng thời, “Trong diễn xuất” còn tuyên dương năng lực bá đạo trên mọi phương diện của Công ty Điện ảnh và Truyền hình Bình Xuyên. Lẽ dĩ nhiên, đây là tư tâm của Lý Tùng Nhất.

Khâu hóa trang và đạo cụ đều có sự góp mặt của Bình Xuyên. Ê-kíp chương trình đã ghi hình thư viện trang phục và kho đạo cụ rất mực phong phú ở đó, mọi thứ đều được sắp xếp và phân loại theo các triều đại. Nhìn thoáng qua đã thấy dày đặc; đến khi quay cận cảnh lại phát hiện tuy vật dụng vô số kể, nhưng mỗi thứ là một lần sàng lọc kỹ càng của đội ngũ nhân viên. Chưa kể, Bình Xuyên còn cung cấp cho từng khách mời chuyên viên trang điểm và nhà tạo mẫu có tính chuyên môn cao, luôn có thể thiết kế tạo hình phù hợp nhất theo giả thiết kịch bản.

Với nền tảng như trên, Bình Xuyên đã trả lời cho câu hỏi: Vì sao công ty này luôn cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao.

“Trong diễn xuất” đã thành công rực rỡ với rating vượt xa các chương trình tạp kỹ khác.

Trước khi “Tiêu dao du” công chiếu, nhà sản xuất Lý Tùng Nhất đã ghi dấu ấn không tồi trong ấn tượng khán giả, thành ra nhiều người bắt đầu mong chờ tác phẩm đầu tay của Lý Tùng Nhất sau khi lấn sân sang nghề làm phim.

“Tiêu dao du” chính thức công chiếu vào mùa điện ảnh khắc nghiệt nhất —— Tết Nguyên Đán.

Tính thời sự vừa đủ, doanh thu phòng vé trước khi công chiếu đã vượt qua con số trăm triệu.

Sau khi công chiếu chính thức, danh tiếng phải gọi là bùng nổ.

Lối kể chuyện mượt mà tự nhiên nhưng không thiếu những nốt nhạc trầm bổng, kỹ xảo hình ảnh tinh tế và chân thực, diễn xuất điêu luyện và giàu tính tự sự của dàn diễn viên chính… Bất kỳ sự kết hợp nào từ hai trong các yếu tố trên đều có thể coi là một tác phẩm thương mại thành công, huống chi “Tiêu dao du” là sự thăng hoa của nhiều yếu tố, hoàn toàn là bộ phim thích hợp cho cả gia đình quây quần bên nhau vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Sau cùng “Tiêu dao du” cán mốc năm tỷ phòng vé, điều đáng nói là doanh thu ở nước ngoài cũng không tệ.

Đây quả thật là điều đáng mừng.

Chỉ là Trần Đại Xuyên phát hiện Lý Tùng Nhất chẳng vui vẻ cho lắm, dạo này cậu thường cau mày trầm tư, ngồi thất thần trên sô pha.

Sau một lần thân mật, Trần Đại Xuyên ôm eo Lý Tùng Nhất và hỏi: “Gần đây em đang nghĩ gì vậy?”

Lý Tùng Nhất thoát khỏi niềm vui sướng tột độ thì bắt đầu uể oải: “Em có ý tưởng về phim dự thi Oscar. Nhưng sợ không qua được khâu kiểm duyệt.”

“Sao vậy? Nói anh nghe đi.”

“Em đã tổng kết những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Tiên phong.” Lý Tùng Nhất nói. “Em nghĩ có một khả năng. Đó là phim võ thuật và cổ trang của Trung Quốc đã đạt tới đỉnh cao đáng kinh ngạc, bởi vậy họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào phim cổ trang của mình. Nhưng rất khó để em và anh tạo ra một tác phẩm cổ trang có thể vượt xa ánh hào quang của quá khứ, cho họ cảm giác mới mẻ.”

Trần Đại Xuyên gật đầu: “Có khả năng vậy.”

Lý Tùng Nhất: “Thế nên em nghĩ mình nên đổi hướng, lấy chủ đề tương lai thử xem.”

Tương lai, là bao xa?

Ý tưởng ban đầu của Lý Tùng Nhất là ít nhất năm mươi năm sau. Khi ấy, công nghệ phát triển như vũ bão; trí tuệ nhân tạo và người máy được ứng dụng rộng rãi; đời sống xã hội của con người trở nên vô cùng tiện lợi vì có công nghệ.

Điều mà Lý Tùng Nhất muốn nói đến là mối quan hệ giữa con người với công nghệ. Đến cùng công nghệ đáp ứng hạnh phúc của con người, hay nó đang làm suy giảm tâm hồn của chúng ta?

Câu chuyện bắt đầu với một chàng trai hết sức bình thường. Cậu hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại, mà chẳng nhận ra mình đang ít giao tiếp với người khác —— Đây cũng là tình hình thực tế ở thời đại này. Suy cho cùng, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã tránh khỏi vô vàn rắc rối, đồng thời cũng tránh cả cơ hội kết nối với người khác.

Cậu hiếm khi đến trường ngay từ khi còn là một đứa trẻ, chỉ tiếp thu kiến thức trực tiếp hoặc giáo dục từ xa bằng trí tuệ nhân tạo tại nhà. Tựu trung, cậu luôn bị ngăn cách với giáo viên và bạn học bằng màn hình. Điều này giúp tiết kiệm thời gian đến trường, và việc dạy học một kèm một giúp trẻ dễ dàng nhận được nền giáo dục phù hợp nhất.

Thời đại này không có chuyện mọi người phải ra ngoài xếp hàng, chỉ cần vài thao tác giản đơn trên máy tính hoặc điện thoại là có thể giải quyết tất thảy. Dẫu cả khi ra ngoài, dẫu cả khi không muốn lái xe thì taxi mà bạn gọi đến đều là những chiếc xe không người lái, và bạn chẳng có lấy một cơ hội tiếp xúc với tài xế phương tiện công cộng.

Chưa kể, trí tuệ nhân tạo luôn phát hiện kịp thời tình trạng thể chất và thúc giục bạn tập thể dục nhằm duy trì một cơ thể khỏe mạnh.

Mọi thứ đều thật hoàn hảo.

Nhưng khi người bạn duy nhất kết hôn, cậu lại bỗng thấy hụt hẫng vô cùng.

Cậu không có ai để trò chuyện mọi lúc mọi nơi. Mặc dù phần lớn thời gian là người máy quản gia nghe mình cằn nhằn, song cậu vẫn cảm thấy khó chịu và khác lạ. Cậu kể lại nỗi đau khổ của mình với người máy quản gia, sau đó “ông ta” phán xét cậu là người đồng tính dựa trên tâm trạng mất mát trước cuộc hôn nhân của bạn thân, cùng với cách cậu ăn mặc thiên về phong cách nhẹ nhàng mềm mại.

Cậu thoáng ngạc nhiên, đương nhiên cậu biết đây là một người máy ngu ngốc. Trí tuệ nhân tạo hiện nay còn kém xa so với trí thông minh của con người, nhận thức của chúng đôi khi còn mang vẻ cứng nhắc lẫn rập khuôn. Nhưng chẳng hiểu vì sao, cậu quyết định khởi kiện nhà sản xuất người máy quản gia, cho rằng người máy này có thành kiến với loài người và xâm phạm danh dự của cậu.

Chẳng qua thành kiến của người máy, thực chất cũng là thành kiến của chính con người.

Nhận thức của người máy đến từ các hình ảnh nhận dạng mà kỹ sư gán cho nó, và dẫu thư viện hình ảnh lớn đến đâu cũng có vô số cá thể tượng trưng cho những hành vi khác nhau của nhân loại. Điều này gây ra thành kiến và sự phân biệt đối xử của người máy, trước mắt vẫn chưa tìm ra cách loại bỏ.

Trên thực tế, ngay cả bản thân con người cũng chẳng thể thoát khỏi thành kiến.

Điều ấy đã trở thành mối mâu thuẫn giữa nhân vật chính và nhà sản xuất người máy.

Nhà sản xuất cho rằng nhân vật chính khởi tố người máy mới là thành kiến thực sự. Bởi lẽ nếu một người nói mình là đồng tính, cậu cũng tuyệt nhiên không đủ nghiêm túc đưa đối phương ra tòa. Nhưng cậu lại làm điều đó với một người máy tập sự —— Cậu đã quá khắc nghiệt với nó.

Nhân vật chính thì tin rằng người máy không hề giống với loài người. Nếu khăng khăng gán nó với những tính từ mỹ miều như bình tĩnh, tháo vát, uyên bác và dư sức đánh bại trí thông minh con người, vậy cả nhà sản xuất lẫn chính nó phải chịu trách nhiệm thích đáng.

Tranh chấp giữa nhân vật chính và nhà sản xuất khó giải quyết trong nhất thời.

Lúc này, nhân vật chính gặp một người đàn ông.

Người nọ chủ động bắt chuyện, rồi họ nhanh chóng thân thiết với nhau như những người bạn tâm giao.

Một hôm nọ, họ hẹn nhau ăn tối.

Họ đi ngang qua nhiều điểm tham quan thú vị, một bên là các quảng cáo về trí tuệ nhân tạo; bên kia là các biểu ngữ phản đối việc lạm dụng AI của hàng loạt người lao động thất nghiệp. Họ cũng đưa ra đôi lời nhận xét về hiện trạng lúc bấy giờ, mặc dù ý kiến thường trái ngược nhau nhưng họ đều cảm thấy hạnh phúc khó tả. Đối với họ, từng phút trò chuyện cùng nhau tựa như một bữa tiệc linh đình dành cho tâm hồn.

“Cậu thử nghĩ xem. Khi những con vượn đầu tiên biết đi đứng xuất hiện, đó là thảm họa thế nào đối với những con vượn khác? Chúng ta đang ở vị trí đó ngay bây giờ. Hiện tại chúng ta đối xử với con vượn ra sao, tương lai người máy sẽ đối xử với chúng ta như vậy.”

“Người máy không có sức sáng tạo như chúng ta.”

“Chúng ta cũng không có khả năng trèo cây như vượn.”

“Nhưng công nghệ hoàn toàn có thể bù đắp cho nó!”

“Người máy cũng có thể tìm ra cách bù đắp.”

“Bù đắp thế nào?”

“Không biết. Giống như con vượn chẳng biết làm thế nào chúng ta bắt được nó trên sân nhà của nó. Văn hóa và cái đẹp, có lẽ chỉ có con người muốn. Đó chỉ là định nghĩa do nhân loại đưa ra, là sự phản công bất lực của loài người yếu ớt trước Thần Chết. Nhưng, người máy lại không để bụng.”

“Vậy tại sao người máy vẫn cố làm?”

“Vì con người khiến họ phải làm. Một khi nhận ra nó vô dụng, họ bèn không làm nữa.”

Nhân vật chính và người đàn ông luôn tranh luận. Cậu cảm thấy đối phương thật giỏi hùng biện, trong thoáng chốc không có cách nào vặn lại. Nhưng chẳng biết vì sao, cõi lòng cậu vẫn hạnh phúc vô ngần.

Đằng sau niềm hạnh phúc, họ còn cảm nhận được một tình cảm thầm kín nảy sinh giữa hai người.

Nhân vật chính chẳng biết điều này nguy hiểm đến nhường nào cho tới khi tình cờ phát hiện người đàn ông ấy là một nhà sản xuất robot cấp cao, cũng là kỹ sư trưởng của robot phán cậu là người đồng tính.

Cậu cảm thấy vô cùng nhục nhã, bởi người đàn ông ấy đã tiếp cận mình hòng bảo vệ phán đoán của người máy, thậm chí dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ cậu trở thành một người đồng tính thực sự.

Kỳ thực, chàng kỹ sư cũng chẳng vui vẻ gì. Ban đầu đúng là công ty nhờ anh tìm cách giải quyết “mối phiền phức này” —— Tìm mọi cách cho cậu rút đơn kiện hoặc tìm bằng chứng chứng tỏ cậu là kẻ đồng tính.

Anh khác hẳn với tính cách khép kín của nhân vật chính. Vì công việc, anh thường lâm vào tình huống tranh luận với đồng nghiệp cùng cấp trên. Anh phải nỗ lực nhằm duy trì với ý tưởng và sáng tạo của mình, có lẽ điều này đã vô hình trung rèn luyện khả năng hùng biện nơi anh. Nhưng mãi đến khi gặp cậu, anh mới biết những cuộc biện luận trước đó nông cạn lẫn sáo rỗng nhường nào. Chúng có vẻ cực kỳ thực dụng, và không có cách nào đánh vào linh hồn anh.

Lúc này đây, dẫu tài hùng biện của anh giỏi đến đâu cũng chẳng biết làm sao để bày tỏ lòng chân thành.

Sau rốt, tòa án thụ lí đơn kiện của nhân vật chính với nhà sản xuất robot.

Trước tòa, thẩm phán thuật lại lý do khởi tố một lần nữa. Rồi ông ta hỏi: “Vậy, cậu có phải không?”

Nhân vật chính im lặng. Cậu không biết rốt cuộc mình có phải đồng tính không, ít nhất linh hồn cậu đã mở ra vì một người đàn ông. Và điều duy nhất có thể chắc chắn là khi người máy cho rằng mình đồng tính, cậu tuyệt nhiên không phải. Nhưng cậu biết, nói ra cũng chẳng ai tin.

Cậu từng trông thấy vẻ đẹp kỳ diệu khi giao tiếp với con người, và giờ đây cậu lại trải nghiệm một cảm giác mới khi không thể giao tiếp với người khác.

Cậu băn khoăn thật lâu, chẳng biết nên trả lời “Có” hay “Không”.

Mọi sự khảo vấn đối với khoa học công nghệ, cuối cùng vẫn trở lại với chính bản thân con người.

Đây là ý tưởng ban đầu của Lý Tùng Nhất, có tên là “Thời đại nhỏ bé”; tuy rằng nó kể về một thời đại vĩ đại, một thời đại mà có thể ảnh hưởng đến hướng đi của toàn thể nhân loại trong tương lai.

Lý Tùng Nhất chỉ đưa ra ý tưởng sơ lược về “Thời đại nhỏ bé”, chưa chính thức đi sâu vào cụ thể. Mọi tình tiết trong đây vẫn cần đội biên kịch của Bình Xuyên hợp tác để cải thiện về thế giới quan và logic mạch truyện. Nhưng trước đó, phải xác định rằng tác phẩm có hy vọng vượt qua vòng kiểm duyệt hay không. Nếu chẳng thể công chiếu tại Trung Quốc trong ít nhất một tuần thì nhất định không đủ điều kiện dự thi giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Yếu tố đồng tính biến thành trở ngại lớn nhất của tác phẩm này.

Trần Đại Xuyên nói giọng tư lự: “Mặc dù chỉ mới có dàn ý, nhưng anh nghĩ quan hệ giữa nhân vật chính và kỹ sư hẳn là vô cùng mơ hồ, đúng không? Không trực tiếp chỉ ra sao?”

“Ừm.” Lý Tùng Nhất nói. “Dòng cảm xúc của toàn phim thiên về trầm lắng, dồn nén và kiềm chế.”

Mạch cảm xúc thế này rất gần với phong cách đạo diễn của Ấn Tây, có thể mời Ấn Tây trở về chạy nước rút cho giải Oscar lần nữa.

“Thay vì nói hai người là tình cảm đồng giới, chi bằng nói là khát vọng giao tiếp thuần khiết nhất của con người. Đại khái là khát vọng được thấu hiểu.” Trần Đại Xuyên suy tư. “Kiểu tình cảm này là một biểu tượng, chứ chẳng phải là một thứ gì đó cụ thể. Định nghĩa bằng đồng tính luyến ái, chỉ vì vừa khéo là phù hợp nhất. Nếu đúng như thế, ắt có thể qua kiểm duyệt.”

Thực tế, yếu tố đồng tính đã xuất hiện kha khá trong các tác phẩm quốc nội những năm gần đây.

Chỉ là không giống với “Thời đại nhỏ bé”, như một sợi dây xuyên suốt từ đầu đến cuối.

Trần Đại Xuyên bổ sung: “Có lẽ vẫn còn khắt khe. Nhưng dựa trên mối quan hệ giữa anh với họ, đồng thời đảm bảo kín tiếng ở giai đoạn trước và không lấy đồng tính luyến ái làm “điểm mua bán”, hẳn là châm chước được.”

Trần Đại Xuyên có thể coi là một đại diện văn hóa của phim Hoa ngữ ở thế giới bên ngoài, đối với những nhân vật lớn thế này thì hệ thống bình xét luôn có thể công khai. Kể từ khi phát triển dự án “Sơn Hải Kinh”, Trần Đại Xuyên thường liên hệ với Bộ Văn hóa nên ắt hẳn mọi việc đã thuận tiện hơn nhiều.

“Thật à?” Lý Tùng Nhất gác cằm lên khuỷu tay, đôi mắt sáng ngời nhìn chăm chú vào Trần Đại Xuyên.

Trần Đại Xuyên xoa đầu cậu, cười khẽ: “Anh nhất định cố hết sức tranh thủ cho em. Nếu có thể vượt qua kiểm duyệt, đó sẽ là một cú hích lớn cho hệ thống xét duyệt phim. Nhưng ngay cả khi không vượt qua, em cũng đừng nản. Đối với anh, đây đã là bức thư tình có một không hai.”

Lý Tùng Nhất cong mắt. Cậu biết Trần Đại Xuyên luôn sẵn lòng đồng hành cùng mình trong những chuyến phiêu lưu, bất kể tương lai có bất trắc hay chăng.

Lý Tùng Nhất bảo: “Nếu lần này đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, mình quay “Con tin” liền đi. Quay xong em công khai luôn!”

“Nhỡ không lấy được thì sao?”

“Vậy mình quay “Con tin”, quay xong em công khai!”

Trần Đại Xuyên trưng ra bản mặt trầm tư hồi lâu, rồi hỏi: “Hai kế hoạch có gì khác nhau hả em?”

“Có chứ.” Lý Tùng Nhất cười ranh mãnh. “Cái sau là anh đóng Lý Tùng, còn em thì đóng Thái tử uy phong lẫm liệt.”

Trần Đại Xuyên nhướng mày, ý tưởng nghe hay đấy.

Nếu anh đóng vai Lý Tùng, điều này hoàn toàn tránh được vấn đề mà anh lo lắng nhất – em ấy có khả năng rơi vào quá khứ mãi mãi; đồng thời còn có thể giúp hai người hiểu nhau nhiều hơn. Hiển nhiên có sự khác biệt về tuổi tác, kịch bản chủ yếu kể về câu chuyện của Lý Tùng khi y khoảng hai mươi tuổi. Trần Đại Xuyên tự thấy bản thân chưa đến nỗi già cả; hơn nữa hóa trang, ánh sáng và diễn xuất của anh hẳn là có thể gánh hết toàn bộ, dẫu sao thì thiếu niên khi đó đã trưởng thành. Nếu vẫn không ổn, họ cũng có thể điều chỉnh kịch bản và nâng độ tuổi lên.

Dẫu sao hai người là đương sự, nhân vật này thế nào cũng do chính họ quyết định.

Hãy cùng nhìn lại quá khứ và tái hiện lịch sử dưới góc nhìn lạc quan thử xem?

Lý Tùng Nhất vỗ ngực: “Có phải anh đang nghĩ từ khi có em trong đời, dù tương lai thế nào chăng nữa cũng tràn đầy hy vọng, đúng không?”

Trần Đại Xuyên bật cười: “Mặc dù anh thừa nhận em nói có lý, nhưng sao em chẳng đỏ mặt chút nào vậy?”

“Vì em cũng thế.”

Luôn tràn đầy hy vọng, vì chúng mình đã ôm trọn sắc màu tốt đẹp nhất trong vòng tay và cùng nhau bay tới tương lai.

./.

TOÀN VĂN HOÀN

Tác giả có điều muốn nói:

Lần này thì kết thúc thật rồi, không còn gì cả. Khi bắt đầu viết dàn ý cho tiểu thuyết này, tôi đã chẳng nghĩ đến triển khai toàn bộ cốt truyện “Con tin”. Tôi nghĩ rằng “khoảng trống” thế này là điều tốt nhất, bởi tương lai của Lý Tùng Nhất và Trần Đại Xuyên có vô vàn khả năng ~