Thánh Địa Vùi Thây

Chương 23: Người Bất Thường



“Là ông!”

Tôi lao vào túm lấy vạt áo ông ta dù biết sẽ bị ngăn cản thô bạo. Nhưng kể cả lúc bị bẻ quặt tay sau lưng tôi vẫn không kiềm nổi sự tức tối.

Tôi đã làm gì sai, tôi cái gì cũng không hiểu lại bị chơi vố đau như vậy, nhịn nổi sao!

“Bác hai! Chính lão già này lừa cháu xuống đây!”

Tôi vùng khỏi sự kìm giữ, chỉ vào mặt ông ta.

“Việt! Không được vô lễ!” Bác hai vội quát lớn, lấn át tiếng phản đối của tôi "Im lặng!"

Bác ba đến bên cạnh tôi, đè tay lên vai tôi, buộc tôi nén lửa giận.

Lão già kia thì ung dung sửa vạt áo, nheo mắt liếc nhìn tôi lại nhìn bác cả:

“Trông không giống chị Liễu lắm nhỉ?”

“Có phải con tôi đâu.” Bác hai đáp “Hậu duệ duy nhất của thằng Sanh đấy.”

“Con trai Nguyễn Hữu Sanh? Đáng giá nghiên cứu.”

Lão nhếch môi cười, chắp tay sau lưng tiến lại gần ngắm nghía tôi. Thói quen xem kỹ của lão tôi đã được chứng kiến nên càng thêm chắc chắn mình không nhận lầm người.

Tôi cắn răng thầm nghĩ, già đầu còn diễn kịch sao mẹ nó không đi làm diễn viên luôn đi.

"Chàng trai, cậu có hiểu nhầm gì không." Lão dí sát mặt tôi, híp mắt bảo "Cậu biết tôi là ai không mà phải lừa cậu."

Tôi mẹ nó không biết lão là ai nên mới chẳng tưởng nổi sẽ bị gài bẫy!

"Tôi gặp ông ở ngoài đại sảnh. Chính ông chỉ tôi ra đằng sau hoa viên thay quần áo."

Tôi gằn giọng kể nguyên do vì sao mà tôi xuống đến dưới này.

"Lúc đấy khoảng mấy giờ?" Bác hai hỏi tôi.

"Tầm mười giờ kém."

Lão lừa đảo cười nhạt.

"Vậy là rõ rồi nhé, chị Liễu."

Bác hai tôi gật đầu, thở dài bảo tôi.

"Giờ đó ông Chung và bác đang cùng ngồi ở hàng ghế vip tham gia đấu giá."

Lúc này thì tôi chưa hiểu, nhưng về sau tôi được biết cái nhà hàng hắc ám bên nội tôi đứng tên đúng là vừa tối tăm vừa xấu xa thật. Bên trên vặt tiền từ người sống, bên dưới kiếm lợi từ người chết, bảo sao không giàu.

Trở về với vấn đề hiện tại của tôi, sau một hồi gào to chả giải quyết được cái khỉ gì, tôi đã biết mình vừa trở thành đối tượng tình nghi tham gia vụ đánh cướp báu vật bán đấu giá.

Tôi bị áp giải vào một căn phòng có nhiều người trông tai to mặt lớn đang ngồi hai bên, và nổi bật nhất là ba chiếc ghế gỗ đỏ trên cùng chính giữa. Ở đấy đã ngồi sẵn một người phụ nữ lớn tuổi quý phái, trên tay bà đeo những chiếc móng giả từ kim loại chạm trổ cầu kỳ, nhọn hoắt. Vừa vào phòng bác hai tôi và Chung lừa đảo liền bước thẳng lên ghế gỗ đỏ ngồi xuống cạnh bà ta.

Chung lừa đảo nói một câu tiếng nước ngoài với người phụ nữ kia, nghe rất giống tiếng Quảng Đông được dùng trong phim Hồng Kông. Sau đó ông ta cong mắt nhìn tôi, nói lại bằng tiếng Việt:

“Chị Diêu, người đã đưa đến, đồ của chị, chị tự tra đi.”

Cái lão già này giống như không cười là ứ mở miệng được.

Bà Diêu nhàn nhạt xem tôi, rất có vị thế của lão phật gia xem nô tài.

“Còn tên nữa đâu?”

“Đã trốn.” Chung lừa đảo đáp. “Dù sao cũng là học trò của Lương Tam Chỉ, không dễ lọt lưới.”

Bà Diêu hừ lạnh, có vẻ đối với tên Lương ba ngón rất có thành kiến, bà lẩm bẩm một câu Quảng Đông, sau đó vuốt ngực uống ngụm trà.

Uống xong bà Diêu quay sang bảo bác hai tôi.

“Chị Liễu có muốn hỏi thăm cháu mình dăm ba điều trước không?”

Bác hai tôi còn chưa trả lời, những người ở hai bên đã quay ra xì xào, thậm chí có ông đứng lên cao giọng hỏi.

“Bà chủ Liễu, chuyện gì thế này? Chúng tôi không biết bà có cháu trai đấy.”

Tuy không phải người Việt, nhưng ông ta dùng tiếng Việt khá chuẩn. Tôi để ý tất cả mọi người trong phòng tuy màu da màu mắt khác nhau, nhưng cũng cố xì xào với nhau bằng tiếng Việt, giống như coi đây là ngôn ngữ quốc tế thông dụng vậy.

Nếu đặt vào trường hợp khác, tôi thật mẹ nó thấy tự hào. Nhưng cố tình trận thế này vừa nhìn là biết bất hợp pháp, người vừa nhìn là biết không đàng hoàng. Nên tiếng Việt giờ chẳng khác gì ngôn ngữ mã hoá để dùng cho mục đích phạm tội cả.

“Đây là con của em trai tôi, sống ở Việt Nam.”

Bác tôi vừa dứt lời, cả phòng liền im phăng phắc, nhưng chỉ được mấy giây sau đó lập tức bùng nổ như bắp rang, lộp bà lộp bộp bằng đủ loại âm thanh. Họ trực tiếp dùng tiếng mẹ đẻ hô hoán, xây dựng một không khí vô cùng kích động, cũng chẳng biết là kích động cái gì.

Có người hỏi tôi:

"Cậu gặp bố lần cuối khi nào?"

"15 năm trước." Tôi đáp.

Có người lại hỏi:

"Ông ấy để lại di sản gì?"

"Chẳng có gì."

"Ông ấy dạy cậu chiêu nào?"

"Không dạy.”

“Bố cậu lấy mấy bà?”

“Không biết!”

Những người tò mò đáng tuổi cha chú cứ hỏi tôi tới tấp không ngừng mà hai người bác gái chẳng thấy động thái ngăn cản gì, tôi thì cứ đáp “Không” ngượng cả mồm. Mất tận gần mười phút họ mới nhận ra bản chất của vấn đề.

“Cậu ta là con rơi rồi, chẳng biết cái gì cả.”

“Cậu ta không có điểm gì của Nguyễn Hữu Sanh, kể cả diện mạo.”

“Cậu ta là người bình thường, chán thật đấy.”

Làm người bất thường như mấy chú mới không đáng tự hào đâu, tôi thầm nghĩ.

Tôi bị mấy câu hỏi vớ vẩn khiến cho bình tĩnh hẳn, rốt cuộc đã cảm thấy bầu không khí trong phòng không còn căng thẳng như lúc bước vào. Tuy tôi chưa hoàn toàn tin lời kể của bà tôi lắm, nhưng qua thái độ của những ông chú ông bác này, rồi qua câu nói của lão Chung lừa lọc ban nãy, tôi có thể suy ra bố tôi đích thực rất có tiếng tăm trong giới.

Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến cảm giác con ông cháu cha, dựa ô chống dù là như nào, họ thần tượng bố tôi đến vậy, hẳn đối với tôi cũng phải có vài phần yêu quý đúng không? Ai lại nghĩ con của thần tượng là thằng ăn cướp được, đúng không!

Tôi tự tin mười phần, ưỡn ngực mỉm cười.

Sau đó liền bị vả mặt.