Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 180: Nhìn xa trông rộng



Việc này…vượt ngoài tư duy, nhận thức và đạo đức của Lâm Thanh Hoà luôn rồi. Cũng được coi là sống hai đời người, hôm nay coi như cô được mở mang tầm mắt.

Chuyện to như con bò mà dễ dàng ém nhẹm như bỡn. Cả làng trên xóm dưới không ai là không biết, thế nhưng tuyệt nhiên bên trên không cử người xuống bắt.

Còn bắt bớ gì nữa! Hai ông bà Mã đã lên tiếng rồi, đây là chuyện riêng của Mã gia.

Lâm Thanh Hoà cảm thấy phong tục nông thôn thực sự quá lạc hậu và cổ hủ, người dân thôn quê quá sức giản đơn và chất phát. Chuyện như này mà cũng chấp nhận cho được?!

Thôi bỏ đi, đã là phong tục, tập quán thì không thể thay đổi trong ngày một ngày hai, sức 1 người càng không thể lay chuyển, cô vẫn nên tập trung vào cuộc sống của mình thì hơn.

Sáng nào cũng lóc cóc đạp xe tới trường, lạnh muốn chết.

Chu Thanh Bách chẳng nói chẳng rằng, âm thầm lên huyện mua tặng vợ một cái túi giữ nhiệt. Chỉ cần đổ nước sôi vào trong ruột rồi nhét vào ngực là giữ ấm được nguyên buổi.

Hiện tại nông vụ đã nghỉ đông, Chu Thanh Bách nhàn rỗi nên sáng nào cũng giành chở vợ đi làm. Ban đầu Lâm Thanh Hoà không cho, dở hơi à, một người là đủ rồi tự nhiên hai người cùng chịu lạnh làm gì. Nhưng anh kiên trì quá, cô cũng đành thuận theo.

“Wow, cô giáo Lâm. Chồng cô thương cô thật đấy!”

Sau khi Chu Thanh Bách rời đi, cô Hứa cười nói với Lâm Thanh Hoà.

Ở trường, cô giáo Hứa có quan hệ tương đối tốt với Lâm Thanh Hoà. Nhớ hôm nhà trường tổ chức kỳ thi tuyển giáo viên sơ nhất, chính cô Hứa đã đứng ra hỗ trợ Lâm Thanh Hoà trấn áp nhóm thanh niên trí thức.

Trước đây, cô ấy cũng là thanh niên trí thức, là nữ thanh niên trí thức lớn tuổi nhất trong nhóm, hiện đã yên bề gia thất, gả cho một cán bộ trong thôn, gia cảnh không tồi.

“Anh ấy ở nhà rảnh rỗi quá không có việc gì làm, buồn chân buồn tay đâm ra cứ thích vẽ chuyện.”

Lâm Thanh Hoà cười cười, nói 1, 2 câu cho qua chuyện rồi dời chủ đề: “Không biết khi nào trường mình cho nghỉ chị nhỉ. Hôm nay lạnh quá, tội nghiệp bọn nhỏ.”

Có những em học sinh nhà xa, phải đi bộ hơn hai giờ đồng hồ mới tới trường.

Cô Hứa: “Chắc là cũng sắp rồi đấy.”

Trời lạnh thế này, đến người lớn còn không muốn thò mặt ra đường huống chi trẻ nhỏ. Nhưng mà biết làm sao được, tất cả vì công điểm với tiền lương, lạnh thế chứ lạnh nữa cũng vẫn phải đi.

Trong mỗi lớp học đều đốt một cái lò than, nhưng chẳng thấm vào đâu, phòng học vẫn lạnh như một cái hầm băng. Lâm Thanh Hoà tội nghiệp mấy em học sinh, đứa nào đứa đấy lạnh đến nỗi cứng đờ cả mặt.

Nghỉ trưa cũng không thể về nhà ăn cơm được, chỉ tạm lót dạ bằng cái bánh bột ngô lạnh ngắt, khô khốc.

Lâm Thanh Hoà cầm lòng không đặng, liền đun một siêu nước ấm xách lại đây mới phát hiện không có lấy 1 cái ly hay cái chén nào.

Thiệt tình, quá tội nghiệp! Cô thở dài trong lòng, tụi nhỏ đời sau sung sướng quá mà, nào đâu có biết cha mẹ ông bà đã phải sống trong cảnh cơ cực bần hàn thế này.

Giữa trưa, Chu Thanh Bách đạp xe tới đón vợ tan làm. Lâm Thanh Hoà ngồi lên yên sau, nói chuyện với chồng: “Anh ơi, hình như nhà mình vẫn còn một cái cốc tráng men không dùng đến nữa hay sao ấy nhở?”

Chu Thanh Bách: “Ừ?”

Lâm Thanh Hoà: “Thế để chiều nay em cầm tới lớp cho các em học sinh uống nước.”

Chu Thanh Bách: “Ừ, em mang đi đi.”

Tiết học buổi chiều, cô giáo Lâm lên lớp không quên mang theo một cái cốc tráng men, rót nước ấm cho đám học trò uống, tụi nhỏ truyền tay nhau, theo từng hớp nước nóng nuốt xuống bụng, sắc mặt đứa nào đứa nấy bớt nhợt nhạt hơn hẳn.

Lâm Thanh Hoà nói với các em học sinh: “Từ ngày mai phân công nhau, luân phiên mỗi ngày một bạn xin cha mẹ một củ gừng mang tới lớp, cô nấu nước gừng cho các em uống. Không cần mang nhiều, một ngày xin 1 củ là được.”

Gừng không phải là nguyên liệu đắt đỏ, trong bếp nhà nào cũng có.

Đám học trò nghe như nuốt từng lời cô giáo Lâm, những cặp mắt lấp lánh ánh cười, chúng vui vẻ đồng ý ngay, mong còn không kịp ấy chứ!

Văn phòng giáo viên.

Hai giáo viên dạy sơ nhị đem chuyện này hỏi Lâm Thanh Hoà.

Lâm Thanh Hoà trả lời: “Chuyện nhỏ ấy mà, em thấy tụi nhỏ gặm mấy cái bánh bột ngô cứng như cục đá thấy tội quá. Những cái khác thì khó chứ ngụm nước ấm tính là gì.”

Thầy Vương ban sơ nhị gật đầu: “Cô Lâm nói đúng.”

“Không biết có thể xin nhà trường ít tiền để cấp phúc lợi cho học sinh không nhỉ?”

Người vừa lên tiếng là người không được Lâm Thanh Hoà chào đón nhất - tra nam Trần Sơn.

“Phúc lợi gì?”

Chỉ có mình Lâm Thanh Hoà là có ấn tượng xấu với tên tra nam suốt ngày nhăm nhe đào góc tường này thôi chứ các vị giáo viên khác rất quý tên này, bao gồm cả cô Hứa và thầy Vương.

Trần Sơn: “Trường học chỉ cần đi mua mấy cái phích nước ấm, trang bị cho mỗi lớp một cái phích nước và một cốc tráng men. Khi nào các em học sinh khát tự động rót nước uống là được.”

Cạn lời, cứ tưởng có gì đột phá…Lâm Thanh Hoà nhàn nhạt nói: “Thầy Trần nói nghe thật nhẹ nhàng, nhưng tôi e là không dễ xin đâu.”

Có tư duy nhưng rất tiếc không thiết thực! Thời buổi gi gỉ gì gi cái gì cũng hiếm muốn chết, kiếm đâu ra phích nước nóng, lại còn đòi mấy cái? Toàn bộ trường trung học, bao nhiêu cho đủ?

“Vậy phải làm sao?” Trần Sơn nhìn về phía Lâm Thanh Hoà hỏi.

Lâm Thanh Hoà cố tình làm lơ hắn, nói với cô Hứa và thầy Vương: “Hay là thế này, dặn bọn trẻ mỗi ngày đi học mang theo 1 cái chén. Trường học sẽ nấu nước nóng. Ai khát thì tự cầm chén của mình lên đây rót nước. Có một cái chén thôi mà, chắc cũng không quá khó.”

Có thể cho con học lên tới trung học chắc chắn điều kiện gia đình không phải quá kém. Con cái thì cha mẹ nào chả thương, xin 1 cái chén tới trường uống nước ấm chắc chắn không phải chuyện gì quá đáng.

Trường Sơ trung Công xã không có nhà ăn, chỉ Cao trung trên huyện mới có.

Ngày thường các em học sinh đều tự mình mang cơm trưa tới trường nhưng thời tiết bình thường thì không nói chứ rét buốt thế này mà không có hớp nước nóng thì chẳng nuốt nổi cái gì.

Nhà nào mà chẳng có chén ăn cơm, mỗi em học sinh mang theo một cái chén thực tế hơn nhiều so với kiến nghị sắm phích nước nóng cho từng lớp học của Trần Sơn.

Bàn bạc xong xuôi, mọi người đi xin ý kiến thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng tán thành ngay, bảo các thầy cô đi thông báo tới các em học sinh toàn trường.

Trần Sơn cố tình chặn đường nói chuyện riêng với Lâm Thanh Hoà: “Ý kiến của cô Lâm rất hay.”

Ha, tên này giỏi giả bộ đấy, tươi cười hòng che giấu bộ mặt thật của mình à? Rất tiếc, Lâm Thanh Hoà chưa bao giờ muốn nhiều lời dây dưa lằng nhằng với hạng người này.

Lâm Thanh Hoà lạnh nhạt nói: “Thầy Trần nên tập trung dạy dỗ học sinh cho tốt, rốt cuộc công việc này không phải dễ mà có được.”

Bỗng nhiên Trần Sơn hỏi thẳng: “Thành tích học tập của cô Lâm tốt như vậy, phải chăng cô có tính toán gì?”

Lâm Thanh Hoà bình tĩnh nhìn thẳng vào hắn.

Trần Sơn đè thấp thanh âm: “Cô Lâm, hiện tại quốc gia đang coi trọng giáo dục. Cô nên tiếp tục cố gắng học tập, biết đâu sau này sẽ có nhiều cơ hội đền đáp quốc gia.”

Lâm Thanh Hoà không thể hiện thái độ gì mà chỉ nhìn hắn chằm chằm. Ánh mắt của tên này không giống kiểu người trọng sinh, hòn đá trong lòng rơi xuống, cô bình tĩnh nói: “Tôi không hiểu anh đang nói cái gì. Đối với tôi, cuộc sống hiện tại đã quá thoả mãn rồi.”

Dứt lời, cô cất bước đi thẳng.

Ý tứ của Trần Sơn, Lâm Thanh Hoà thừa hiểu, quả không hổ danh nam thanh niên trí thức duy nhất trong vùng này thi đậu đại học. Biết nhìn xa trông rộng, hơn hẳn người thường.

Hắn có thể đánh hơi được không khí đang dần thay đổi, quốc gia bắt đầu coi trọng giáo dục.

Có thể sự xuất hiện của đại học Công Nông Binh đã nhắc nhở hắn.

Vì đang mải suy nghĩ cho nên cô không phát hiện ra ánh mắt Trần Sơn dõi theo bóng lưng cô có bao nhiêu nóng bỏng.

Trước kia hắn chỉ cho rằng cô là một người phụ nữ xuất thân nông thôn tầm thường, chẳng qua là đua đòi bắt chước mấy cô gái thành phố mà thôi, thậm chí còn có phần kệch cỡm. Nhưng không biết bắt đầu từ bao giờ, người phụ nữ này đã thay đổi, toàn thân đều phát sáng, mỗi cử chỉ động tác đều phảng phất ánh hào quang.

Nếu ra ngoài mà nói cô là người thành phố chắc chắn sẽ không một ai hoài nghi. Từ cách nói năng cho tới cử chỉ, điệu bộ, phong thái, ngoại hình đều giống thậm chí hơn hẳn mấy cô gái xuất thân thành thị.