Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 195: Tiền tiết kiệm



Công việc gieo trồng gặt hái cứ lặp đi lặp lại hết năm này sang tháng nọ nhưng người nông dân không hề cảm thấy nhàm chán vì công việc này đã ăn vào máu thịt vào gốc rễ của họ từ ngàn đời nay rồi.

Trường học đã điều chỉnh lại lịch, Lâm Thanh Hoà chỉ phải đi dạy buổi sáng, buổi chiều ở nhà. Được nghỉ nửa buổi đồng nghĩa với lương và công điểm sẽ bị trừ phân nửa nhưng cuối vụ gặt thể nào cũng được trợ cấp mấy chục cân lương thực phụ. Còn nhớ năm ngoái là bắp, không biết năm nay nhà trường cho cái gì nữa, chắc chỉ quanh quẩn không bắp thì khoai thôi.

Cho gì cũng được, Lâm Thanh Hoà không để ý lắm, cô còn mải tập trung lo đổi món bồi dưỡng cho ông chồng yêu quý.

Mấy năm gần đây, nhờ Lâm Thanh Hoà chăm sóc mà Chu Thanh Bách vẫn trẻ trung phong độ không già đi mấy, chẳng bù cho anh cả, anh hai, thậm chí anh ba Chu, dấu hiệu tuổi già đã bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt. Nếu 4 anh em đứng cạnh nhau, người ta dễ dàng có thể nhìn ra khoảng cách tuổi tác.

Trên giấy tờ anh ba Chu chỉ lớn hơn Chu Thanh Bách có 2 tuổi nhưng trên thực tế thì trông anh già hơn chú út tận 5 tuổi.

Người làm bằng cơm bằng gạo chứ có phải làm bằng sắt đá đâu, vốn dĩ nông gia đã mệt mỏi cộng thêm ăn uống tiết kiệm, sức nào chống đỡ nổi?!

Nhưng mà nhìn lên thì đúng là không bằng nhà chú tư nhưng nhìn xuống thì hoàn cảnh của các anh còn hơn khối nhà trong thôn. Có 1 số phụ nữ ki bo đến độ vắt cổ chày ra nước, bỏ đói chồng con là chuyện cơm bữa.

Đối với kiểu suy nghĩ và hành động này, Lâm Thanh Hoà không tài nào lý giải nổi.

Ở nông thôn cũng thế mà ở thành thị cũng vậy, một khi người trụ cột trong nhà đổ xuống thì chả khác nào trời sụp. Bỏ đói chồng? Ai không biết có khi còn nghĩ chắc phải có thâm thù đại hận gì dữ lắm nên mới lấy nhau về để trả thù nhau cũng nên.

Nhà Lâm Thanh Hoà, bữa ăn vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu.

Giữa trưa, ông Chu, Chu Thanh Bách và mấy anh em Đại Oa được phục vụ bánh xuân tận nơi.

Chẳng sợ thời tiết đã vào hè nhưng vẫn đủ nguyên liệu làm món bánh xuân.

Ở giữa 2 lớp bánh là phần nhân được nhồi ú ụ gồm dưa leo, trứng gà, đậu que, thịt heo. Tất cả đều được cắt hạt lựu, xào chín, nêm nếm gia vị đậm đà.

Vừa ăn bánh xuân vừa uống canh xương hầm.

Xung quanh đó bữa trưa của đoàn người chỉ mang tính chất ăn vội cho qua bữa. Tốt một chút thì màn thầu hỗn hợp vài loại bột hoặc bánh bột ngô trộn tinh bột mì ăn kèm dưa muối. Tệ hơn là nhai miếng bánh bột ngô khô khốc rồi uống thật nhiều nước lọc cho bánh nở ra.

Ăn vậy tất nhiên không thể cầm cự được lâu, tới buổi chiều là da bụng dán vào da lưng, đói muốn xây xẩm mặt mày.

Ngay cả cha con Chu Thanh Bách cũng thế, kèn hết giờ vang lên cũng là lúc cái bụng sôi òng ọc. Nhưng mấy cha con không hề thấy mệt mà ngược lại còn vui vẻ rảo bước thật nhanh vì họ biết ở một nơi gọi là “nhà” đang có cơm ngon canh ngọt đợi sẵn.

Gặt được 3 hôm, Chu Thanh Bách bắt được một con thỏ.

Bây giờ thấy cảnh này mọi người không còn ồ à trầm trồ nữa rồi vì có vụ gặt nào mà Chu Thanh Bách không tóm được đôi con.

Sau khi Chu Thanh Bách xử lý và chặt thành từng miếng nhỏ, Lâm Thanh Hoà tẩm ướp rồi cho lên nồi kho tàu. 1 con chỉ đủ trong nhà ăn, thế nên Lâm Thanh Hoà không tính chia cho nhà nào hết.

Nhưng mà 1 con hay 2 con cũng không ảnh hưởng tới hương vị, mùi thịt thỏ kho tàu thơm ngào ngạt toả ra từ căn bếp nhỏ nhà Lâm Thanh Hoà khiến không ít người bưng chén cơm tới ngồi xổm ở góc tường nhà cô.

Một vài người đi ngang qua không nhịn được hít hà một hơi rồi cảm khái: “Tay nghề của cô giáo Lâm khá phết!”

Trù nghệ của Lâm Thanh Hoà đã nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới. Bên cạnh đó có một vài người phụ nữ hơi vụng về, kể cả có đưa cho cả tảng thịt loại nhất cũng chưa chắc nấu ra được món ngon.

Ăn uống no nê, Tam Oa dắt Tiểu Tô Thành mở cổng đi ra ngoài chơi.

Ăn ngon là phải đóng cổng…nếu không dễ kéo thù hận lắm!

Tam Oa và Tiểu Tô Thành vừa ló đầu ra khỏi cổng đã bắt gặp Chu Hạ.

Thấy người ra, hai mắt Chu hạ sáng rỡ, nó vội nói: “Tam Oa, còn thịt thỏ không?”

Tam Oa hỏi: “Giờ này làm gì còn, ăn hết rồi. Nhà anh chưa ăn cơm à?”

Chu Hạ chỉ kịp nghe hai chữ “hết rồi” thì cả người ủ rũ, nó uể oải đáp: “Ăn rồi nhưng không có thịt.”

Tam Oa: “Ờ đành chịu thôi. Nếu anh cũng là con trai ruột của cha mẹ em thì thể nào cũng được 1 phần.”

Vẻ mặt Chu Hạ suy sụp, có nằm mơ nó cũng mơ mình là do chú thím tư sinh ra nha, rất tiếc sự thật luôn phũ phàng~~~

Chu Hạ chỉ về phía Tiểu Tô Thành nói: “Nhưng mà Tiểu Tô Thành cũng đâu phải chú thím tư sinh đâu.”

Tô Thành sửng sốt, không biết trả lời sao, đánh mắt cầu cứu anh Tam Oa.

Tam Oa nhún vai: “Mỗi tháng cha mẹ Tiểu Thành Thành đều mang lương thực và trứng gà lại đây, ngoài ra còn có kẹo sữa nữa. Như thế không tính là ăn không trả tiền. Với lại nó vẫn chỉ là đứa con nít ăn không hết 1 cái màn thầu. Anh còn ăn nhiều hơn cả em ấy chứ.”

Rất rõ ràng, Tam Oa đang bảo vệ đệ tử ruột của mình.

Chu Hạ bĩu môi: “Không ăn nhiều thì sẽ nhanh bị đói bụng.”

Tam Oa mời gọi: “Bắn bi không?”

Chu Hạ gật đầu: “Đi”

Thế là ba anh em vẽ mấy vòng tròn chơi bắn bi trước cửa nhà. Một hồi sau đã thu hút cả đám trẻ nhỏ kéo tới bu đen bu đỏ.

Trên thềm cửa, Phi Ưng nhàn nhã vừa gặm xương thỏ vừa nhìn các bé vui đùa.

Nói một câu hơi khó nghe chứ thức ăn của Phi Ưng ngon hơn khối người. Nhưng mà không thể bạc đãi nó được, thứ nhất Phi Ưng cũng là 1 thành viên trong gia đình, thứ 2 nhiệm vụ bảo an của Phi Ưng rất quan trọng. Từ ngày Phi Ưng về đây, Lâm Thanh Hoà an tâm hơn rất nhiều.

Lúc sau, Nhị Oa chạy ra kêu: “Tam Oa, Thành Thành về tắm~~”

Tam Oa vâng dạ rồi nhanh tay gom bi của mình lại, dắt Tiểu Tô Thành vào nhà. Đám trẻ vẫn say mê chơi, nhưng chỉ một lát sau cũng lần lượt bị cha mẹ triệu hồi ai về nhà nấy.

Ở nông thôn, ngày rất dài chỉ những lúc mùa vụ bận bịu như thế này mới cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn thôi.

Gặt xong là tới nộp thuế rồi phân lương. Lâm Thanh Hoà tiếp tục sự nghiệp buôn bán lương thực. Mỗi vụ như này cô thường kiếm lời hơn trăm đồng tiền.

Hôm nay tiện thể đi chợ đen, Lâm Thanh Hoà mua luôn mấy bình dầu đậu phộng và vài rổ trứng gà để trong không gian riêng dự trữ.

Nhìn thì thấy cô tiêu tiền rất hoang phí, hễ đi huyện thành là toàn mua sỉ chứ không chịu mua lẻ, nhưng thật ra cô chưa bao giờ đụng vào tiền vốn.

Tiền lời từ việc buôn bán thừa sức để Lâm Thanh Hoà chi tiêu, thậm chí còn dư.

Có một hôm rảnh rỗi, Lâm Thanh Hoà mở sổ ra tính toán. Ngày Chu Thanh Bách xuất ngũ, anh đưa cô 3000, bây giờ trong tay cô đã có hơn 4000 gần 4500 đồng rồi.

Số tiền tiết kiệm khổng lồ này, thử hỏi mấy ai có được???

Nếu cô mà cũng ki bo keo kiệt như những người phụ nữ khác thì có khi bây giờ phải có 6000 thậm chí 7000 đồng ấy chứ.

Nhưng mà vì một hai ngàn đồng mà bạc đãi người nhà, chồng con, Lâm Thanh Hoà cảm thấy rất không đáng vì thế cho nên cái gì đáng tiêu thì cứ tiêu đi, còn kế hoạch đi Bắc Kinh mua tứ hợp viện để từ từ rồi tính. Ôi dào, thuyền tới đầu cầu ắt thẳng, tính trước chắc gì đã thuận?

Thời kỳ mở cửa sẽ là cơ hội hoàng kim để làm giàu, cộng thêm bảo bối trong tay, Lâm Thanh Hoà rất tự tin mình có thể làm được. Từ đây tới lúc đó vẫn còn xa lắm, cứ từ từ mà chuẩn bị.

Vụ hè kết thúc vừa lúc giáo viên và học sinh được nghỉ hè. Không cần đi dạy đồng nghĩa với việc không có tiền lương và công điểm. Cũng may vụ này nhà trường phát trợ cấp cho giáo viên mỗi người 30 cân bắp hạt.