Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 29: Công nhận thịt ngon



Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 29: Công nhận thịt ngon

Hai thằng bạn nói chỉ cần đưa họ mỗi người sáu hào là được, còn lại tám hào là của Chu Đông. Nếu không có Chu Đông thì làm gì có cơ hội kiếm tiền này. Một lần ra ngoài mang về được sáu hào, quá đã! Thanh niên choai choai như tụi nó một ngày giỏi lắm kiếm được hai hào, đa số người dân bình thường một ngày kiếm được khoảng trên dưới bốn hào, chỉ có một số ít những người đàn ông thật khoẻ mạnh mới kiếm được sáu bảy hào.

Mấy ngày nữa qua đợt gieo hạt vụ đông là bắt đầu vào những ngày ăn không ngồi rồi, rất nhiều người chọn cách đi nhặt củi mang lên huyện thành bán kiếm được đồng nào hay đồng đó phụ giúp gia đình, chứ ngồi đó miệng ăn núi lở sức nào chịu cho nổi, đặc biệt là bọn họ đang tuổi vị thành niên, sức ăn sáu hổ chín trâu.

Bình thường mấy đứa nó vật lộn cả ngày cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, thế mà hôm nay có hẳn sáu hào, sáu hào lận đó, quá là may mắn!

Hai thằng bạn hỏi dò ngày mai có đi nữa không, Chu Đông nói đã hỏi thím rồi, vẫn là câu nói đó, có bao nhiêu mua bấy nhiêu. Nghe được lời này bốn con mắt lập tức sáng rực, hứa hẹn sáng sớm mai cũng giờ đó xuất phát, mấy cậu nhóc hừng hực khí thế quyết tâm ngày mai phải kiếm được nhiều hơn hôm nay.

Người lớn trong nhà hay tin con mình hôm nay kiếm được ngần ấy tiền đều rất cao hứng nhưng không hẹn mà cùng biết việc này không nên khoe khoang ra ngoài, nhỡ đâu làm Lâm Thanh Hoà khó chịu thì tiêu.

Phóng mắt nhìn cả cái thôn này mà xem, chẳng ai hào phóng bằng Lâm Thanh Hoà cả. Quả thực mới được phân lương, nhưng mùa đông đuổi tới đít rồi, mùa đông đến chính là thời kỳ giáp hạt khó khăn. Bây giờ đang lúc nông nhàn, tranh thủ kiếm chút nào hay chút đó.

Liên tục mấy ngày sau đều có rất nhiều củi vận chuyển tới, cái kho củi Chu Thanh Bách dựng lúc trước đã chật cứng, Lâm Thanh Hoà kêu Chu Đông cứ chất tạm ở mảnh đất trống phía sau viện, sau đó lấy rơm lấp lên, vừa tránh sương gió vừa tránh mưa.

Nhắc mưa là mưa liền, lúc đám Chu Đông chở được xe củi thứ năm thì trời bắt đầu đổ mưa thu.

Thôn dân đều mong trận mưa này, bởi vì hạt lúa mì mới gieo rất cần nước.

Một trận mưa thu ngay lập tức kéo nhiệt độ xuống thấp.

Lâm Thanh Hoà đánh giá chắc hôm nay chỉ khoảng bảy tám độ thôi, vì thế cô không chút do dự trang bị cho ba thằng nhóc từ đầu xuống tới chân toàn bộ đều là vũ trang hạng nặng.

Quần áo bông, giày vớ, mũ len trùm tai, đảm bảo kín mín mít không khe nào lọt gió!

Lâm Thanh Hoà đã đan xong áo len cho Đại Oa nên nó được mặc trước. Một thân toàn đồ mới, Đại Oa vô cùng hài lòng, nó ngứa chân lắm rồi muốn chạy ngay ra ngoài khoe khoang một trận cho đám nhóc trong thôn lé mắt.

Nói về tích trữ củi khô, mấy ngày trước đám Chu Đông đều đặn mỗi ngày đều kéo củi tới, hôm nào nhiều thì 13-14 bó, ít cũng phải 11-12 bó. Toàn là thanh niên mới lớn sức dài vai rộng, lâu lâu mới gặp được cơ hội tốt cho nên đứa nào đứa nấy đều không ngại cực khổ mà tràn đầy tinh thần lao động.

Lâm Thanh Hoà nhẩm tính một bó củi có thể dùng được hai ngày, hơn nữa trong nhà còn có nửa túi than đá, chỗ củi khô tích trữ cho mùa đông năm nay như thế là đủ rồi. Không những làm nóng giường đất, nấu cơm đun nước đều đủ dùng.

Nhìn lại một lượt trong nhà, có lương thực có củi lửa, vậy là yên tâm trải qua mùa đông năm nay rồi.

Mưa liên tục năm ngày mới dứt, Lâm Thanh Hoà cũng chiều ý Đại Oa, cho bọn trẻ ra ngoài chơi nhưng chỉ một hôm nay thôi bắt đầu từ mai phải ở nhà giữ nhà, còn nói cái gì mà phòng kẻ gian lẻn vào trộm hết lương thực, tới lúc đó đừng đứa nào trách mẹ không cho ăn cơm.

Đại Oa cùng Nhị Oa chắc chắn không khước từ nhiệm vụ cao cả này rồi.

Đại Oa sang năm lên sáu tuổi, hơn nữa từ lúc ở cùng Lâm Thanh Hoà đã âm thầm chỉ dạy cho bọn nhỏ rất nhiều điều, Đại Oa thay đổi nhiều nhất, không còn là thằng nhóc vô tâm vô tính mặc kệ mọi việc như trước nữa, bây giờ nó đã biết bảo vệ miếng cơm rồi. Vì thế vừa nghe mẹ nói ngày mai mẹ đi cung tiêu xã xem có thịt không sẽ mua về cho ăn, hai anh em Đại Oa và Nhị Oa lập tức nhận nhiệm vụ trông nhà.

Mấy ngày rồi chưa có miếng thịt nào vào bụng, trứng gà cũng sắp hết tới nơi rồi!

Tất nhiên Lâm Thanh Hoà không cho bọn trẻ ăn thịt hàng ngày. Bởi vì trước khi trời đổ mưa thu, đội sản xuất phân thịt cho xã viên, nhưng cô có đi mua miếng nào đâu, giờ tự nhiên trong nhà có thịt ăn, giải thích thế nào cho được. Vì thế hôm nay cô định đi dạo một vòng tiện thể lên sân khấu lần nữa.

Lâm Thanh Hoà nhờ bà Chu qua đây, tuy nhiên cửa phòng cô khoá cẩn thận, bà chỉ cần trông mấy đứa cháu là được.

Bà Chu nghe con dâu nói là muốn đi mua thịt thì không ngăn cản, vì bà nghĩ nó làm gì còn tiền mà mua thịt, nếu có tại sao hôm đại đội phân thịt nó lại không qua mua?

Lý do vì sao thì bà Chu không thể nào biết được. Rất đơn giản là vì Lâm Thanh Hoà ghét bỏ thịt đại đội bán toàn là phần đầu thừa đuôi thẹo sau khi xã viên chọn hết còn dư lại. Nguyên chủ phải mua vì cô ta không quen được chị Mai, nếu không mua thịt của đại đội thì làm gì còn cách nào khác.

Để bà Chu ở nhà cùng ba đứa con, Lâm Thanh Hoà đi tới cung tiêu xã tìm chị Mai.

May là hôm nay chị Mai có đi làm, hơn nữa chị Mai cũng đã hỏi thăm xác minh thân phận của Lâm Thanh Hoà là thật, có điều chỉ toàn nghe được danh tiếng tiêu tiền như nước, ham ăn phá của của Lâm Thanh Hoà. Tuy nhiên mấy chuyện này không ảnh hưởng tới mình nên chị Mai không can thiệp, chỉ cần xác minh thân phận cùng với phiếu gạo không phải giả là được. Phiếu gạo lần trước Lâm Thanh Hoà cho chị Mai là phiếu gạo quân dụng có thể lưu hành trên cả nước.

Hai bên cùng có lợi, thế là được rồi.

Nhìn thấy Lâm Thanh Hoà, Trần Mai rất vui vẻ: “Em gái Thanh Hoà, hôm nay tới đây là muốn mua gì hả? Hôm qua mới về một ít tôm khô với lại táo đỏ, em có muốn mua một ít về bồi bổ không?”

Lâm Thanh Hoà: “Tốt quá, em mua.”

“A Mai, đây là họ hàng nhà cô à?” Người bán hàng bên cạnh hỏi chị Mai.

Chị Mai tươi cười đáp: “Đúng vậy, đây là em gái tôi.”

Nghe thấy thế, người bán hàng liền nói: “Có phiếu thực phẩm phụ không? Nếu không thì giá cao hơn một chút đấy nhé.”

Người bình thường nếu không có phiếu thì không cách nào mua được hàng hoá nhưng nếu có quen biết người bán sẽ du di một chút, nhiều thì hơi khó chứ trên dưới nửa cân thì vẫn được. Bởi vì theo định mức thực phẩm phụ, một số mặt hàng không yêu cầu phiếu, tuy nhiên phải là chỗ thân quen với nhân viên bán hàng thì mới mua được.

Tôm khô là hàng cao cấp, bổ sung canxi, trong nhà đã có rồi nhưng Lâm Thanh Hoà không chê, càng nhiều càng tốt, nấu canh nấu cháo bỏ vào vài con, vừa thơm ngon lại bổ dưỡng.

Lâm Thanh Hoà mua cả táo đỏ với tôm khô, trả tiền xong cô kéo chị Mai ra bên ngoài nói chuyện.

Lâm Thanh Hoà: “Chị Mai, ngài mai em muốn phiền chị để dành cho em ít thịt?”

Trần Mai thấp giọng hỏi: “Em muốn loại gì? Nhiều ít bao nhiêu?”

“Cho em một cân thịt nạc, nếu có xương sườn với xương ống thì chị lấy thêm cho em nhé.” Lâm Thanh Hoà nhét hai đồng cùng một tờ phiếu gạo một cân vào tay chị Mai.

“Không cần thịt mỡ?” Chị Mai lanh lẹ nhận tiền và phiếu, cất đi không chút dấu vết.

Thời đại nay, người người nhà nhà tranh nhau thịt mỡ.

“Như thế có khó cho chị quá không?” Lâm Thanh Hoà hơi chần chừ hỏi. Ý tứ là muốn mua nhưng không muốn làm khó đối phương.

Chị Mai cười cười: “Nửa cân không thành vấn đề.”

“Tốt quá, cảm ơn chị Mai.” Lâm Thanh Hoà lập tức nói.

Trần Mai: “Ơn huệ gì, nhờ có em mà mấy đứa nhà chị mới có thể ăn nhiều hơn một ít.”

Phiếu lương thực Lâm Thanh Hoà đưa rất có giá trị, nếu đem đổi với người cần phiếu thì có thể lời thêm được hai lạng lương thực.

Lâm Thanh Hoà nói vài lời khách sáo rồi chuyển sang đề tài chị ba Chu sắp tới ngày sinh nở, cần ăn móng heo cho xuống sữa.