Nhưng mà, Lâm Dư Dư không nghĩ giống nguyên chủ, không muốn cả đời làm “nha hoàn” cho nữ chính. Vận mệnh đã an bài, Lâm Dư Dư có một loại cảm giác, nguyên chủ đã không còn nữa, mà cô cũng đã thực sự xuyên vào trong sách rồi, về sau sẽ thay thế nguyên chủ, cả đời sống ở đây.
Nói đến nguyên chủ, cũng có một đoạn trải nghiệm kỳ ba.
Nguyên chủ tên là Lâm Dư Dư, “dư” trong dư thừa. Mà cô tên là Lâm Dư Dư là do hiểu lầm. Vốn dĩ cô tên là Lâm Du, “du” nghĩa là ngọc đẹp. Bởi vì người nhà luôn gọi cô là Du Du, cứ gọi mãi làm mọi người đều cho rằng cô tên là Lâm Du Du, về sau thấy chữ “du” viết không dễ như chữ “dư” nên cô đổi thành Lâm Dư Dư.
Lúc ấy, cô còn thấy mình đặc biệt thông minh, về nhà khoe với cha mẹ và anh trai xòng còn bị bọn họ giễu cợt.
Nói đến nguyên chủ, lúc mẹ cô ấy sinh ra cô ấy thân thể bị tổn thương, không thể có con được nữa, mà gia đình bên nội trọng nam khinh nữ, hy vọng có đứa con trai (cháu trai) nên cha mẹ cô ấy ly hôn, ở thời đại này nhà ai cũng muốn có con trai nối dõi tông đường, đây là tư tưởng rất phổ biến.
Sau khí cha mẹ nguyên chủ ly hôn thì mẹ nguyên chủ gả cho một người goá vợ, vợ ông ấy đã mất, kết hôn lần hai thì không muốn có con nữa, sợ có con mới sẽ đối xử với con vợ trước không được tốt, mà vừa vặn mẹ nguyên chủ lại không thể sinh con nữa, hai người cứ thế ghép lại thành một gia đình, rất ăn nhịp với nhau. Mẹ nguyên chủ tái hôn cũng không dắt nguyên chủ theo, không phải vì nhẫn tâm bỏ con gái mà bà lo dắt con chồng cũ gả sang nhà bên đó, người ta cũng có con rồi sợ con mình bị ức hiếp, không bằng cứ ở Lâm gia* sống cho tốt.
*Gọi tắt cho “nhà họ Lâm”
Lâm gia tuy thích con trai nhưng con gái cũng là cốt nhục của nhà họ, lại còn là đứa con đầu lòng của chồng trước, khẳng định cũng sẽ không thiếu bát cơm cho cô ăn. Sau đó bà lại tiếp tế cho con gái, nhất định cô sẽ sống tốt hơn ở nhà cha mới.
Cái tên Lâm Dư Dư là do cha của nguyên chủ đặt, vợ không sinh được con trai, ông đặt luôn cho con gái cái tên Dư Thừa, nhưng Dư Thừa không dễ nghe chút nào, bà nội nguyên chủ lại sửa thành Dư Dư.
Nguyên chủ được bà nội Lâm nuôi lớn cũng không phải chịu khổ gì. Lâm gia là gia đình công nhân, vẫn đủ sức nuôi một đứa trẻ. Nhưng bởi vì cha mẹ ly hôn, nguyên chủ tự ti nên rất ngoan ngoãn, chăm làm việc nhà.
Nhưng cuộc sống của nguyên chủ đúng là không tồi, ba ngày mẹ nguyên chủ lại thăm cô hai lần, sẽ cho mấy xu hoặc mấy hào tiền tiêu vặt, sau đó còn cho cô mấy quả trứng gà linh tinh nữa. Mấy thứ này đều là mẹ nguyên chủ tính toán chi li rồi làm thêm ít việc vặt mới có, chồng mới của bà cũng không biết.
Nguyên chủ được đi học đến cấp ba, thứ nhất là do con cái của các gia đình công nhân trong thành phố đều đi học, kể cả là con gái cũng rất ít người không đi học; thứ hai là do cha nguyên chủ ít con, nguyên chủ là một, sau này lấy vợ mới có được một đứa con trai, tổng cộng hai đứa nhỏ, vậy nên ông cũng không chèn ép con gái, vẫn cho cô đi học.
Về chính sách đưa thanh niên trí thức xuống nông thôn, lúc đầu là thanh niên trí thức tự nguyện, nhưng sau này chính sách tự nguyện lại mang tính cưỡng chế, chỉ cần đủ mười sáu tuổi, có bằng cấp hai trở lên, gia đình phù hợp với điều kiện thì đều phải xuống nông thôn. Năm nay nguyên chủ vừa tròn mười sáu, cũng nằm trong danh sách có điều kiện phù hợp.