Thiên Chính Đạo Nhân

Chương 19: Tung Tích Như Ý Sách



Dịch: Trúc Tử

***

Hắn đành đưa con trai cho bà ngoại trông nom, bà dĩ nhiên là đáp ứng. Hắn đưa cho bà chút tiền nhưng bà nhất quyết không chịu nhận, không còn cách nào khác hắn đành bảo là tiền cho con trai đi học và mua quần áo, lúc này bà mới miễn cưỡng nhận.

Tra Nghiêm Vân không quản đường xa khó nhọc, nhất quyết lên tỉnh. Trước khi đi cũng đã nhờ người báo tin cho lão Vương trước. Lão Vương từ sớm đã chờ ở trạm xe, cung kính hết mực với Tra Nghiêm Vân. Theo lý thì lão Vương là một chuyên gia khảo cổ, vốn phải không tin quỷ thần. Nhưng sau rất nhiều chuyện mà khoa học không giải thích được, lão Vương thành ra có chút mê tín.

Sau khi đón Tra Nghiêm Vân, đầu tiên là an bài hắn tới phòng khảo cổ, gặp mặt mọi người khi trước. Tra Nghiêm Vân sau khi tới, cũng không đoái hoài nói chuyện, chỉ giục lão Vương đi gặp giáo sư Hà, hắn hy vọng mau chóng có đầu mối. Lão Vương cũng là người hiếu khách, sau khi liên lạc với giáo sư Hà, ba người ước định buổi tối gặp mặt ở Lâu Ngoại Lâu nói chuyện.

Mặt trời dần khuất bóng, in xuống bờ hồ Tây Tử ráng chiều một vẻ tịch mịch. Trong một căn phòng Lâu Ngoại Lâu của Hàng Châu, một vị lão giả tinh thần phấn chấn đang mời một người trung niên áo trắng, bên cạnh còn có một người đàn ông phốp pháp đeo kính, đầu có chút hói.

Lão giả đó chính là giáo sư Hà, người trung niên mặc áo trắng chính là Tra Nghiêm Vân, người còn lại chính là lão Vương.

"Tôi đã sớm nghe lão Vương kể lại về thần thông, lão hủ luôn muốn thấy phong thái của chân nhân. Hôm nay được diện kiến, quả thật tiên phong đạo cốt, không hổ là thần nhân, ta kính chân nhân một ly."

Dứt lời, giáo sư Hà uống một hơi cạn sạch rượu trong ly, cười khà khà nhìn Tra Nghiêm Vân ở phía đối diện, tỏ ý đã uống xong.

Tra Nghiêm Vân chắp tay, lại hướng lão Vương cười cười: "Giáo sư Hà quá khen, tiểu đạo nhập môn còn thấp, không dám ở trước mặt tiền bối phô trương, ly này phải là ta kính tiền bối."

Hắn cũng uống một hớp uống sạch rượu trong ly, sau đó lau miệng một cái, hô một tiếng: "Rượu ngon a!"

Giáo sư Hà mỉm cười ngồi xuống, mời mọi người dùng bữa. Lão Vương gắp một chút thức ăn vào bát Tra Nghiêm Vân, cười híp mắt nhìn chằm chằm ly rượu, nói: "Nghiêm Vân a, hôm nay có anh ở đây mà tôi được hưởng sái, anh có biết lai lịch của rượu này không?"

Tra Nghiêm Vân mỉm cười nhìn hai người, lắc đầu một cái, chỉ nói: "Rượu này chẳng lẽ không phải vật phàm?"

Lão Vương cười lớn, để đũa xuống, cùng Tra Nghiêm Vân kể lại một hoạt động khảo cổ năm trước: Năm đó ở biên giới Quý Châu có một ngôi mộ lớn thời Tây Hán bị trộm mà lộ ra, giáo sư Hà dẫn đội tiến hành khai quật. Bên trong mọi thứ đã loạn cào cào, mọi người trong phòng bên cạnh phát hiện rất nhiều bình gốm, miệng vò đã được dán kín bằng đất bùn, bọn họ khi kiểm kê thì phát hiện có một trăm vò.

Vốn số bình gốm này phải mang về phòng văn vật để kiểm tra lại, trong quá trình vận chuyển không may có người làm vỡ một vò, mùi rượu lan ra bốn phía, nhiều người không uống được rượu lập tức lăn ra bất tỉnh. Giáo sư Hà dùng ngón tay nếm thử một chút thì phát hiện trong đó là rượu, mà còn là loại rất nặng. Đêm đó trở lại viện bảo tàng, mọi người trong đội dè dặt mở thử một vò rượu, ngửi một cái cũng khiến người ta lâng lâng, đây chính là rượu hai ngàn năm trước.

Thông qua kỹ thuật giám định, trong những bình gốm này chỉ còn lại khoảng 3 phần chất lỏng, cũng chính là rượu nguyên chất còn đọng lại, còn hơn cả quỳnh tương ngọc dịch trong truyền thuyết.

Sau đó những vò rượu này được sở văn vật quốc gia thu lại, cũng chỉ có một số nhân vật có máu mặt mới được uống thử một chút. Giáo sư Hà cũng là một người yêu rượu, nên trộm giấu lấy một vò. Thời điểm kiểm kê, sở văn vật phát hiện thiếu mất một vò, liền tổ trức điều tra. Kiểm tra không ra, sở văn vật bèn quy tội làm mất cổ vật cho người chịu trách nhiệm chính là giáo sư Hà, chuyển công tác giáo sư tới tỉnh Chiết Giang, làm một nhân viên quản lý của bảo tàng tỉnh.

Là rượu từ hai ngàn năm trước, giáo sư Hà chỉ giấu được một vò, cũng sợ cấp trên phát hiện nên chưa bao giờ dám mang ra uống. Hôm nay Tra Nghiêm Vân tới, không quan tâm tới mọi chuyện, mang quốc bảo ra chiêu đãi Tra Nghiêm Vân, có thể thấy thịnh tình đối với vị đạo sĩ này.

Tra Nghiêm Vân sau khi nghe xong, kinh ngạc nhìn cái ly trong tay. Giáo sư Hà lại rót thêm cho hắn một lần, Tra Nghiêm Vân không từ chối được, chỉ còn cách uống cạn.

Ba người dù gì cũng là người tửu lượng cao, nhưng chỉ không quá ba chén đã lập tức say gục xuống bàn. Qua một lúc sau phục vụ quán cơm mới phát hiện ba người ngủ say, có thể thấy rượu này mạnh tới mức nào.

Tới tận xế trưa ngày hôm sau, ba người mới lục tục tỉnh lại trong quán. Sau khi trả tiền trở về nhà giáo sư Hà, vừa đi đoàn người vừa than thở về độ mạnh của rượu.

Giáo sư Hà không chỉ là một nhà khảo cổ học, cũng là một người nghiên cứu huyền môn. Lúc đến nhà giáo sư Hà, Tra Nghiêm Vân liền phát hiện trong phòng được bày biện đúng theo phong thủy, trong lòng không khỏi thêm vài phần nể trọng đối với vị giáo sư này.

Đề tài nói chuyện của ba người quay về những chữ viết trên bức bích họa trong miếu Tướng Quân, Giáo sư Hà lấy ra tờ giấy ghi lại hết những chữ kia, chỉ những chữ viết trên đó. Ông nói đó chính là một chữ cổ của vùng Miêu Cương - Ba Thục (đều thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), trong đó có nói tới một cuốn kỳ thư, còn cuốn kỳ thư này nằm ở đâu cũng không được ghi chép lại.

Tra Nghiêm Vân hỏi giáo sư Hà cùng lão Vương gần đây có phát hiện ra di tích Đạo gia nào đặc thù nào có liên quan tới loại chữ viết này không. Giáo sư Hà lắc đầu, ông nói với loại chữ viết đặc biệt này, người không nghiên cứu sâu xem không hiểu. Cho dù có được phát hiện, cũng rất có thể bị coi là văn vật phổ thông có tính lịch sử mà thôi.

Hơn nữa tôn giáo tại Trung Quốc tương đối phức tạp, thứ hai trong thời kỳ cải cách, rất nhiều thứ bị mai một. Hơn nữa nhiều người được truyền lại tri thức thì bị coi là thành phần mê tín dị đoan, đem đi đấu tố. Nếu muốn đi tìm quyển sách này, sợ rằng phải dựa vào duyên phận.

Lão Vương bèn đề nghị kiểm tra lại một số hồ sơ trong viện bảo tàng, xem có văn vật nào có chữ viết tương tự không, giáo sư Hà cũng đồng ý với phương án này.

Trong mấy ngày đó, Tra Nghiêm Vân ở lại nhà giáo sư Hà, đúng như mong đợi của giáo sư. Trong nhà giáo sư chỉ có hai vợ chồng già, vì con cái ông đã trưởng thành, đều ra ngoài ở riêng. Cho nên Tra Nghiêm Vân tới, căn nhà cũng náo nhiệt thêm một chút. Giáo sư mỗi đêm đều cũng Tra Nghiêm Vân nghiên cứu lịch sử Đạo gia, lão Vương thì chiều nào cũng tới nhà dùng cơm. Vợ giáo sư Hà lại chuẩn bị cho họ chút đồ nhắm, ba người trò chuyện hết sức thoải mái, say sưa cả ngày.

Cuộc sống ung dung nhàn nhã như vậy kéo dài chỉ được một tuần.

Vợ giáo sư Hà họ Vương, cũng là một người đảm đang, mọi việc trong nhà đều tươm tất. Trong nhà Vương phu nhân có bảy anh chị em, bà là người con thứ năm, năm nay cũng đã 65 tuổi. Ngày thường bà cũng rất mạnh khỏe, không có tật bệnh gì quá mức. Sau khi Tra Nghiêm Vân tới được một tuần, có tin báo rằng cha Vương phu nhất mất.

Cha Vương phu nhân cũng đã hơn chín mươi tuổi, theo lý thì tới tuổi này có chết cũng chỉ là việc bình thường, dẫu sao tuổi cao, thân thể lão hóa, khó chịu nổi thời tiết thất thường.

Vì vậy giáo sư Hà liền mang theo Vương phu nhân về quê chịu tang, Tra Nghiêm Vân ở nhà người ta ở một tuần lễ, được tiếp đón nồng hậu nên cũng cảm thấy không tiện. Hắn cũng muốn đi theo xem có thể giúp đỡ được gì lúc tang gia, hơn nữa cũng muốn làm một lễ siêu độ nho nhỏ, coi như là báo đáp thịnh tình của giáo sư Hà.

Lão Vương là bạn giáo sư Hà dĩ nhiên cùng đi theo, bốn người cùng ngày lên đường, đi tới vùng Chiết Tây.

Quê của Vương phu nhân cũng là một vùng núi lớn, trong vùng cũng chỉ có khoảng trăm hộ dân. Khi đến nhà, Vương phu nhân vừa ôm thi thể cha vừa khóc lớn. Thời đó vẫn còn quan niệm khóc càng to thì càng chứng tỏ được lòng hiếu thuận, cộng thêm hàng xóm xung quanh đều là người chất phác, nên cũng càng có nhiều người đồng cảm khóc theo.