"Lần đầu tiên... Không nhớ nổi, thật sự không nhớ nổi."
Cách song sắt, tôi thấy viên sĩ quan gắng nuốt lại tiếng chửi thề, bắt đầu bực mình lật giở nắp trà.
"Cố mà nhớ."
Tôi lại bắt đầu ngẫm lại cho kỹ, nhưng cứ thấy mấy thứ trong óc như một chiếc máy bay, đứng từ dưới đất nhìn lên quả thực thấy nó chẳng di chuyển gì mấy, nhưng thực ra thì nó lao nhanh như chớp, tôi gắng đến đâu cũng chẳng thể chặn nó lại giữa không trung đòi kiểm tra hành khách được. Vả lại, cũng chắc gì hành khách đã chịu phối hợp. Tôi giảng cái lý này cho cảnh sát nghe, ông ta ngầm chấp thuận, quyết định đổi sang phương án khác.
Ông ta nói, cơ hội cuối cùng liệu mà nắm cho chắc vào, trông cậu cũng ra người ra ngợm đấy, đừng để vì chuyện này mà hỏng cả đời ra, không đáng đâu. Mấy lời kiểu như thành thật được hưởng khoan hồng tôi cũng chẳng buồn nói nữa, mà cậu cũng chẳng buồn nghe, nhưng tôi có thể nói cho cậu biết thế này, với lượng hàng tìm ra được ở chỗ cậu, mười lăm năm là ít.
Ông ta xòe mấy ngón tay nhăn nhúm về phía tôi, hiển nhiên là không đủ mười lăm cái. Tôi lập tức lạnh tóc gáy. Tối thứ sáu tuần trước, nó vừa như vắt ra nước lúc tôi bị còng tay. Hai viên cảnh sát còn tranh chấp vì chuyện có cần trùm đầu cho tôi không. Một người bảo, không cần. Người còn lại nói, cứ làm theo quy định đi.
Tôi ngồi chổm hổm ở góc tường ra sức duỗi chân vào gầm giường, tính gắp chiếc dép lê trong đó ra, cuối cùng đề xuất ý kiến: Hay là đeo kính râm?
Bọn họ đồng thanh nói, nằm mơ đi.
Cuối cùng trùm cho tôi cái quần xà lỏn lên đầu.
Để mà ngẫm từ lần đầu tiên hút hít thì tôi tịt hẳn, thế nên dứt khoát sắp xếp lại từ đầu. Nếu nhất định phải tìm đầu sỏ gánh trách nhiệm cho cuộc đời thảm đạm tăm tối mù mịt của tôi, vậy thì phải quy tội cho một con chó tên Tiểu Hoa.
Tiểu Hoa là chó của Trương Thanh, nhưng suốt ngày rúc vào gầm bàn nhà tôi. Mẹ tôi đuổi nó ra ngoài, chẳng bao lâu sau nó lại mặt dày mày dạn chạy về. Cứ đúng qua giờ cơm là thế nào Trương Thanh cũng xuất hiện trước cửa, nhỏ giọng gọi: Tiểu Hoa, mau về đây.
Chị ba tựa cửa nhà xỉa răng, luôn nói toạc móng heo những điều người ta chẳng chịu nói ra: Chó không chê chủ nghèo, nhà mày đến chút đồ cho chó ăn cũng không có à?
Trương Thanh bế chó cúi gằm mặt rời đi.
Cậu ta thường ngồi xổm ở góc tường gạch sống trước cửa nhà, thân thiết xoa đầu chó rồi chọt chọt móng. Có lúc đang thiu thiu ngủ bị chọc phiền quá, đến chó cũng bỏ sang một góc tường khác nằm, bỏ lại mình cậu ta lẻ bóng chồm hổm ở đấy, một lúc sau lại mò tới bên chó ngồi. Cậu ta không có ba, sức khỏe mẹ thì yếu, gần như người vô hình trong làng. Hễ mà nhắc đến thì lại phải đi kèm với một tiếng khạc "xăng pha nhớt".
Không phải Trương Thanh không biết, cậu ta biết quá đi ấy chứ. Thế nên cậu ta chẳng bao giờ chủ động dây vào người khác, đặc biệt là tôi. Hễ nhìn thấy tôi là mặt đỏ tưng bừng, mở mồm nói là lắp bắp. Cậu ta cứ lắp bắp là tôi lại rú lên, gọi mọi người vây tới xem trò cười. Thực ra đây là việc rất chi là thất đức, nhưng tôi chưa từng nhận ra. Sau này có bận cãi nhau, cậu ta bảo từ nhỏ tôi đã vậy, đem cậu ta ra làm trò cười, bắt nạt cậu ta. Tôi lập tức hồi tưởng lại, rất nhiều buổi xế tà, cậu ta mặc chiếc áo may ô trắng, đeo cái gùi to, chó chạy theo sau, ra đồng nhổ cỏ. Nơi cậu ta đi qua, để lại làn hơi nước trong trẻo sau khi tắm cùng với một đám kháy khịa trêu chọc chẳng biết từ đâu ra.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, chúng tôi từng ở bên nhau.
Tôi không lo học nên điểm kém, cậu ta rất cố gắng nhưng điểm kém. Tuy đều cho rằng thằng kia đáng buồn hơn, nhưng rồi vẫn không thể không cùng bàn bạc xem đi kiếm việc gì làm.
"Kinh tế thị trường đang sôi động thế này! Ai đi đọc ba cái sách vở đấy!" Tôi nằng nặc đòi đi kiếm tiền, ba tôi muốn tôi học lại, tôi nhất quyết không chịu. Cuối cùng mẹ tôi nhờ cậu hai dẫn tôi đi làm.
Trương Thanh là cháu họ của mợ tôi, ngang hàng với tôi, lại còn cùng làng. Cậu hai bảo lái xe tải bắt buộc phải hai người cùng đi, thế là cực lực đề cử Trương Thanh. Chị hai bảo Trương Thanh tốt tính, hồi nhỏ chơi nhảy dây cũng thích chơi với cậu ta, bởi vì cậu ta chịu căng dây cho. Nói thế chẳng bằng đừng nói cho rồi, mẹ tôi giơ đũa chỏ vào mặt cậu hai: "Thẩm Nhị Quân! Vợ mày đánh rắm mày cũng coi như truyền thánh chỉ đấy à! Thằng cháu đó của nó là cái loại gì cả làng này ai mà không biết!"
Cậu hai quạu ra mặt, "Con trai chị thì tốt đẹp lắm đấy? Lớp mười thì bể đầu, lớp mười một gãy chân, cũng chỉ có năm cuối chịu nề nếp chút, cứ tẩm ngẩm thế chả biết ủ cái cứt gì đâu!"
Tôi cạn lời. Khẩu xà tâm phật, dù sao chỉ cần chịu để tôi đi lái xe, đừng nói là theo có một Trương Thanh, có theo mười Trương Thanh tôi cũng vẫn chịu.
Đầu tiên là chạy vài chuyến cùng cậu hai cho quen nẻo với xe. Tôi bảo xe tải dễ lái hơn máy cày, công suất lớn thế mới đã, còn không phải giật tay. Cậu hai bảo kiếm được tiền rồi mua xe con càng dễ lái. Tôi học theo truyền lại cho Trương Thanh nghe, đương nhiên cũng có thêm mắm dặm muối nữa. Trương Thanh không đồng tình, bảo xe con thì có gì hay, mình kiếm được tiền rồi thì phải mua xe lớn thế này tự đi kéo hàng. Anh xem, một xe hàng này vài vạn tệ, mình hoàn toàn chả biết ông chủ bên kia trả cho đại lý xe bao nhiêu, chỉ biết cuối tháng đợi lĩnh lương. Nếu mà mình có xe của mình thì không cần phải làm công cho ông chủ nữa, không bị trung gian bòn rút.
Thường thì chúng tôi luân phiên nhau lái cách ba bốn tiếng, nhưng đến tối thì không dám ngủ say. Một thằng lái, một thằng ngồi bên cạnh tiếp chuyện cho tỉnh táo. Tôi thích nhất những lúc gần vào thu, buổi tối trời se se, mặc thật ấm rồi mở cửa sổ, có cảm giác chống đối kiểu cố tình gây sự, vô cùng thoải mái.
Qua trạm dừng chân, vừa lúc xuống dội qua người. Nước nóng phải mua ở trạm xăng, hai hào một bình giữ nhiệt, nước lạnh thì miễn phí. Trương Thanh bắt tôi phải đứng canh trước cửa nhà vệ sinh nam. Tôi bảo tôi không quyền to đến mức có thể bắt đàn ông không được vào vệ sinh nam, cậu ta nói thế em vào trong xe tắm... Mẹ kiếp, vì chuyện này cãi nhau cũng phải đến tám trăm lần rồi. Tôi đã quá lười phải giải thích với những người đang mót vệ sinh tới đít. Phần lớn đều là tài xế, dội qua cái người với nhau là chuyện rất bình thường, chỉ có Trương Thanh là cứ nhiễu trò. Cuối cùng tôi hết cách, thay vì rát cổ bỏng họng, châm thuốc nịnh người ta, tôi dứt khoát kiếm thanh mã tấu - hàng Từ Cạnh Ba thanh lý đồ cổ giả còn thừa tặng lại, kết hợp với hình xăm trên người nữa, cứ thế đứng chặn bên ngoài nhà vệ sinh. Người ta đều chẳng biết bên trong làm cái khỉ gió gì, không dám bén mảng tới.
Tham vọng lớn nhất của con người thường không phải làm tìm niềm vui trong lúc khốn đốn, mà là khi đã sung sướng rồi muốn tìm đến cái sướng hơn. Cả đời tôi đều gói lại trong một câu ấy, không, nên nói là đời tôi sống ra cái câu này mới phải. Bao gồm tất cả những chuyện về sau. Nhưng để nói về cái trước mắt thì.