Thiên Ma Lệnh Chủ

Chương 7: Biến cố trong tịnh cốc



Long Vũ Điền suy tư giây lâu rồi đáp :

- Được! Trên đời không ai biết Long Vũ Điền là cái quái gì. Ngu huynh thử song hành với lão đệ một thời gian, hẳn cũng có thể tạo cho mình một hư danh nho nhỏ lưu truyền hậu thế!

Họ cùng cười vang.

Họ thuê xe đi thẳng đến Thiên Mục sơn.

Theo sự chỉ dẫn của Dương Mãnh và Đào Lập họ rẽ về phía Tây.

Dĩ nhiên cỗ xe chở người thọ thương.

Dọc đường có Long Vũ Điền săn sóc tuy Đào Lập và Dương Mãnh chưa khôi phục lại nguyên trạng song cả hai đã qua khỏi cơn nguy, bây giờ thì họ không còn sợ chết nữa.

Suốt hành trình Dương Mãnh và Đào Lập luôn luôn tỏ vẻ chân thật, niềm cảm kích hiện rõ nơi ánh mắt họ.

Yến Thanh biết thêm nhiều chi tiết về vị Đại môn chủ Thiên Tàn môn là Bạch Kim Phượng qua các cuộc đối thoại với họ.

Bạch Kim Phượng có nhan sắc tuyệt trần, có lối sống thanh khiết như bậc thần tiên, thấy nàng ai ai cũng sinh lòng tôn quý.

Điều bất hạnh cho nàng là sanh trưởng giữa một nhóm người tiểu mọn đầy dã tâm.

Bên cạnh lại có một người em gái dâm đãng!

Với tánh tình thuần khiết, sống trong khung cảnh đó nàng hết sức cô độc!

Thế mà nàng vẫn chịu đựng nổi, hơn thế nàng còn trầm tịnh lấy lẽ bình hòa đối xử với mọi người.

Nàng luôn luôn dùng lời nhẹ nhàng phản đối mọi hành vi tàn độc của những người còn sót lại của ngày xa.

Oái ăm thay, nàng lại phải kế thừa một sự nghiệp tạo tựu trên mọi tội ác!

Nàng muốn dẫn dắt tất cả trở về con đường thiện lương, song trở lực lớn và gần hơn hết nàng vấp phải là Bạch Ngân Phượng, em gái nàng!

Trong bốn vị Trưởng lão thì có đến hai vị ngã theo lợi quyền, hiện tại nàng chỉ còn trông cậy nơi hai vị Trưởng lão còn lại.

Hai vị này vẫn giữ lòng trung trực như từ ngày phụ thân nàng còn tại thế.

Ngoài ra cũng có một vài thuộc hạ quyết ủng hộ nàng, dù phải hy sinh tính mạng.

Gia bảo? Nàng còn vật gì do tiên phụ để lại?

Nữa pho bí kíp võ công của Thiên Tàn môn!

Bí kíp của Thiên Tàn môn gồm hai quyển ghi chép hầu hết tinh hoa của võ học.

Bạch Vân Thâm chết rồi, hai người con gái chia nhau mỗi người một quyển.

Quyển của Bạch Kim Phượng ghi chú các tâm pháp luyện nội công, còn quyển của Bạch Ngân Phượng ghi chú các thủ pháp dùng độc, hại người.

Hai quyển đó chẳng phải do Bạch Vân Thâm chỉ định phần người con nào phải nhận quyển nào.

Mà cũng không do Bạch Kim Phượng ỷ lớn chọn phần nàng ưa thích, bỏ lại cái không thích cho em.

Sự lựa chọn đó do tâm tánh của mỗi con người.

Bạch Ngân Phượng vẫn ác độc nên bắt ngay quyển chỉ dạy môn độc công.

Bạch Kim Phượng vẫn tính ôn hòa, Quyển nào em gái không thích bỏ lại thì nàng nhận.

Họ theo bí kíp đó mà luyện dần.

Một thời gian sau, Bạch Ngân Phượng phát hiện ra muốn áp dụng môn độc công đúng mức hiệu nghiệm cần phải phối hợp tâm pháp nơi quyển thứ nhất.

Am tường tâm pháp nội công, luyện môn độc công mới có hy vọng đạt thành.

Do đó nàng yêu sách đại thơ, buộc phải trao quyển bí cấp cho nàng nghiên cứu.

Để đối phó với Bạch Phúc, lấy lại cơ nghiệp của tổ phụ, Bạch Kim Phượng cũng muốn giúp em thành bậc đại tài nên rắp tâm trao quyển bí kíp cho em nghiên cứu.

Song nàng chưa kịp làm cái việc đó thì Bạch Phúc đã bị tiêu diệt.

Lực lượng của Thiên Ma giáo quy hoàn về Thiên Tàn môn tại Thiên Tuyệt cốc.

Chính lúc đó Bạch Ngân Phượng không cần dấu diếm dã tâm thôn tính giang hồ, quyết độc bá võ lâm nên càng đòi pho bí cấp.

Bạch Kim Phượng thừa hiểu hai quyển bí cấp đó phối hợp lại thì người luyện sẽ thành một tên đại ác ma, nhiễu nhượng nhân loại.

Nàng còn do dự chưa chịu trao, chẳng phải nàng tham mà chỉ sợ em gái làm nhiều tội ác.

Huống chi Bạch Phúc đã chết rồi, thế lực thu hồi rồi. Bạch Ngân Phượng cần chi phải trở thành bậc đại tài, trong khi cái tâm của nàng thiên về tà gian.

Nàng chưa trao, Bạch Ngân Phượng hết giục giả lại hăm dọa.

Trước nguy cơ đó, Đào Lập và Dương Mãnh nóng lòng giúp chủ, ngày đêm chuyên tâm tìm cao thủ đưa về Thiên Tuyệt cốc tiếp trợ Bạch Kim Phượng phòng Bạch Ngân Phượng trở mặt gây cốt nhục tương tàn.

Nhưng Đào Lập và Dương Mãnh rất thận trọng trong việc tìm viện thủ.

Bởi vì người trong Thiên Tuyệt cốc phần lớn là do chưa con họ Mã thao túng, điều khiển, một số họ mua chuộc bằng lợi lộc số khác họ đưa vào làm nội tuyến.

Do đó, Đào Lập và Dương Mãnh không dám hấp tấp bạ ai gọi nấy, nếu rủi gọi lầm bọn thân tín của chưa con họ Mã thì có khác nào nguy cơ còn xa lại đẩy tới gần Đại môn chủ hơn?

Rồi Yến Thanh xuất hiện trên giang hồ.

Cả hai chú ý đến Yến Thanh ngay song không dám tiếp cận chàng bởi chàng và Mã Bách Bình có vẻ thân mật quá!

Họ chỉ sợ chàng là người của Mã Bách Bình.

Mãi đến khi Thiên Ma lệnh chủ bị giết, Yến Thanh đột nhiên biến mất. Mã Cảnh Long lại ra mật lịnh cho thuộc hạ gặp chàng đâu cứ giết đó.

Đào Lập và Dương Mãnh mới biết mình nhận xét lầm người và bắt đầu đặt kỳ vọng nơi chàng.

Bởi khéo dấu diếm ẩn tình cả hai ngoài mặt luôn luôn tỏ ra trung thành hành sự đắc lực nên rất được Mã Bách Bình tín nhiệm.

Biết Yến Thanh thế nào cũng trở lại tòa tiểu lâu của Kim Tử Yến, họ xin với Mã Bách Bình đến đó mai phục đón chàng.

Mã Cảnh Long thận trọng hơn cho Lâm Kỳ đi theo, nói là tiếp trợ thực ra là giám thị họ.

Do đó họ bày ra cuộc đối thoại để dẫn giải sự tình cho Yến Thanh thấu đáo.

Nghe xong Long Vũ Điền thở dài thốt :

- Nếu các vị giải bài tâm chí sớm hơn thì hay biết bao nhiêu! Bây giờ thì kể như quá muộn rồi!

Yến Thanh gật đầu :

- Phải! Muộn lắm rồi! Nếu các vị cho biết sớm thì bọn tại hạ không vội gì triệt hạ Thiên Ma giáo, ngoài ra còn nhờ thế lực của Cửu Lão hội tiếp trợ thì chưa con họ Mã đâu có dịp bành trướng thanh thế như hiện tại? Bây giờ tất cả đều muộn rồi! Thiên Ma giáo trên danh nghĩa vỡ tan, thực lực về tay chưa con họ Mã, rồi vì chiến dịch Mạt Sầu hồ, Cửu Lão hội lại xuất đầu lộ diện, bị đối phương nắm được chân tướng không còn hoạt động gì được nữa. Chúng ta trở thành cô đơn trong cuộc tranh đấu với họ Mã...

Đào Lập thốt :

- Sử lão đột ngột rút lui không hợp tác với họ Mã nữa, điều đó chứng minh Cửu Lão hội đã có ý nghi ngờ họ Mã. Có nghi ngờ là có sắp dặt một chương trình đối phó. Chúng ta có thể kêu gọi Cửu Lão hội tiếp tay được vậy chứ! Yến đại hiệp.

Yến Thanh thở dài :

- Nói thì phải lắm, song từ cái nói đến cái làm là một điều khó khăn không thể tưởng nổi! Người của Cửu Lão hội ngày nay vì bại lộ chân tướng ai ai cũng phải tìm cách bảo toàn tính mạng, từ chỗ sáng phải rút lui vào chỗ tối ẩn mình, từ tập thể phân tán thành từng phần tử một, chúng ta còn biết ai ở đâu mà liên lạc? Hà huống việc thành rồi tại hạ lại rút lui, điều đó gây nghi ngờ cho toàn thể. Từ nay họ đâu còn tin tưởng nơi tại hạ như ngày trước nữa!

Đào Lập giật mình :

- Thế Yến đại hiệp không phải là người trong Cửu Lão hội sao?

Yến Thanh cười khổ :

- Tại sao đến ngày nay rồi mà các vị còn nhận tại hạ là người trong Cửu Lão hội?

Đào Lập lộ vẻ thất vọng :

- Đại hiệp không phải là người trong Cửu Lão hội thế tại sao lại chống đối Thiên Ma giáo?

Yến Thanh thốt :

- Tại hạ bị bức bách phải làm thế. Thiên Ma giáo không buông tha tại hạ thì tại hạ phải tự vệ cũng như hiện tại Mã Cảnh Long không buông tha tại hạ, tại hạ phải có biện pháp bảo toàn tánh mạng, có thế thôi!

Dương Mãnh cau mày :

- Tại sao lạ vậy? Theo tại hạ hiểu thì Thiên Ma lệnh chủ rất mến trọng Yến đại hiệp kia mà? Lệnh chủ từng chỉ thị cho bọn Liễu Hạo Sanh, Mã Bách Bình và Kim Tử Yến tìm mọi cách câu dẫn thiếu hiệp vào Thiên Ma giáo!

Yến Thanh tiếp :

- Điều đó quả có như vậy. Cả ba phương diện đều có ngỏ lời song tại hạ thấy không hứng thú cho nên từ khước. Tại hạ bình sanh không thích đặt mình vào vòng câu thúc cho nên dù đưa tại hạ lên ngai vàng, tu vị đếvương tại hạ cũng không ham muốn, hà huống một hội viên, một giáo đồ cao cấp! Đế vương có triều thần quản thúc, giáo hội có quy luật buộc ràng, tại hạ chỉ muốn làm một lãng tử phiêu bồng giữa trời mây trăng nước, sông núi biển rừng, thích thì lưu lại một thời gian, chán thì lê gót đi nơi khác.

Đào Lập tặc lưỡi :

- Vậy là Yến đại hiệp không chuẩn bị gia nhập Thiên Tàn môn?

Yến Thanh lắc đầu :

- Chắc chắn là không rồi! Bất quá tại hạ đứng về bên chánh nghĩa chống đối phía gian tà, Nếu Đại môn chủ quả có tính tình, thái độ như các vị nói đó thì tại hạ sẵn sàng hợp tác.

Đào Lập xác nhận :

- Đại hiệp yên trí, tại hạ chẳng bao giờ dám bịa chuyện nói ngoa! Chỉ vì...

Y dừng lại, vẻ thất vọng hiện rõ nơi mặt.

Long Vũ Điền mỉm cười :

- Sao các hạ không nói luôn?

Đào Lập đắn đo một chút :

- Dung nhan của Đại môn chủ xinh đẹp tuyệt vời, người lại thông minh mẫn tuệ. Những tay xuất xắc trong môn hộ đều ái mộ song tự xét mình thân phận thấp hèn, chẳng ai dám mộng tưởng bẻ cành quế tại cung trăng. Theo tại hạ thấy trong đời này chỉ có mình Yến đại hiệp là xứng đáng với người...

Yến Thanh cười dòn :

- Các hạ lại đề cao tại hạ nữa đó nhé!

Đào Lập chỉnh sắc mặt :

- Tại hạ nói với trọn lòng thành đó Yến đại hiệp! Chính Mã Cảnh Long cũng có nói như vậy. Mã Cảnh Long muốn đưa đại hiệp đến cho Đại cung chủ song Mã Bách Bình phản đối ngại rằng nếu là thành hôn với Đại môn chủ rồi Yến đại hiệp sẽ không thể là người cùng cánh với họ Mã nữa, trái lại rất có thể là một trở lực lớn lao sau này. Cho nên, Mã Cảnh Long thay đổi chủ ý hạ lịnh giết đại hiệp, gặp đâu giết đó, không để cho Yến đại hiệp hội kiến với Đại môn chủ. Đưa Yến đại hiệp vào Thiên Tàn cốc bọn tại hạ chỉ hy vọng có điều đó thôi?

Yến Thanh mỉm cười :

- Loại hy vọng đó tốt hơn là hai vị không nên nuôi dưỡng làm gì. Trời sanh tại hạ là một lãng tử thì cái tính tình của một lãng tử như cánh bướm vờn hoa, không hề lưu lại ở một cánh hoa nào lâu dài, dù là hoa thần. Lãng tử không yêu ai, ai yêu lãng tử là chuốc khổ? Bạch Kim Phượng hiền hòa, diễm lệ như vậy, tại hạ không nên gây đau khổ cho nàng.

Đào Lập vẫn còn hy vọng :

- Biết đâu sau khi gặp Đại môn chủ rồi đại hiệp lại chẳng đổi ý?

Yến Thanh cười vang :

- Giả như nàng là một nữ nhân bình thường thì có thể có sự thay đổi ý tưởng như các hạ vừa nói. Nhưng nàng là một Môn chủ thì cái đó chắc chắn là không thể!

Đào Lập cau mày :

- Tại sao?

Yến Thanh đáp :

- Chẳng tại sao cả! Bất quá tại hạ không thích nép mình khuất phục trước một nữ nhân, nàng là một Môn chủ thì nàng phải hưởng sự tôn kính dành cho bậc Môn chủ, có khi nào nàng chấp nhận cho tại hạ bung lung lãng tình khắp chốn! Mà tại hạ thì không thể tiếp thọ một oai hiếp, một quản thúc! Chung quy cả hai đều bất mãn, đều khổ thân! ích lợi gì chứ các hạ!

Đào Lập và Dương Mãnh nín lặng.

Yến Thanh tiếp :

- Gặp Bạch Kim Phượng tốt hơn hai vị hãy giải bày trước với nàng về con người của tại hạ cho nàng hiểu đại khái! Tại hạ có tật là gặp gái đẹp là ba hoa tán tỉnh, các vị phải nói trước với nàng rằng những gì tại hạ nói là không thật, là phù phiếm, xin nàng đừng tin tưởng là lầm to! Đối với bất cứ việc gì tại hạ nói sao là nhớ vậy, làm y. Nhưng riêng về những tiếng sơn minh hải thệ thì đừng mong tại hạ trọng nó như vàng! Nói ra giờ trước là tại hạ quên ngay vào giờ sau!

Đào Lập cười khổ :

- Đại hiệp nói thế chứ tại hạ nhận xét đại hiệp không thuộc hạng người dễ nói mau quên. Cho rằng đại hiệp có thói khinh bạc là không có mắt xem người!

Yến Thanh cười nhẹ :

- Liên Liên và Tích Tích hai cô nương hiểu rõ tại hạ, các hạ không tin hãy hỏi thử họ xem!

Liên Liên mỉm cười thốt :

- Yến đại hiệp không bao giờ hoa ngôn xão ngữ mà chỉ nói những gì do lòng phát xuất. Giả như y nói yêu ai là thật lòng yêu, bất quá cảm tình của y quá phong phú nên đối với mỗi cá nhân y đều thật lòng yêu, cũng vì thế mà bất cứ ai cũng không phương kỳ vọng y chuyên tâm chuyên ý yêu bởi trời sanh y không thể yêu duy nhất một cá nhân. Bọn tôi đây cũng từng nghe y nói là yêu nhưng rồi y cũng đi tìm người khác mà yêu thêm, yêu nữa, yêu được như thường. Tuy nhiên bất quá bọn tôi là bọn hương phấn thông thường, quê tục cho nên y không chuyên nhất đó thôi. Nếu đổi lại người khác ở vào trường hợp chị em tôi rất có thể y có lối đối xử khác!

Yến Thanh cau mày :

- Liên Liên! Sao cô nương nói thế?

Liên Liên cười tiếp :

- Những gì tôi nói không sai lắm đâu. Chị em tôi thực ra nào có thinh giá gì đáng kể? Nói là để nêu lên sự thật chứ không phải chứ không phải nói để tỏ lòng tức tối, phàm con người ai ai cũng cần phải biết mình, có biết mình mới biết được người.

Long Vũ Điền thấy câu chuyện chuyển sang khúc quanh buồn tẻ vội cười ròn, tìm lời khỏa lấp.

Yến Thanh nhắc khéo :

- Long huynh! Đây là phía Tây Thiên Mục sơn rồi đấy nhé! Hãy nhẹ âm thanh một chút!

Long Vũ Điền vẫn cười dòn :

- Lão đệ sợ kinh động đến người ta phải không? Chúng ta đi bằng cỗ xe to, lại do ngựa kéo, đường thì dài người ta đã kinh động từ lâu rồi lão đệ ơi!

Yến Thanh cải :

- Xe ngựa đi trên lộ gậy tiếng động là sự thường và tiếng động thường thì không vang xa. Còn tiếng cười của Long huynh lại có công phu thâm hậu, chân khí truyền âm thanh đi xa hơn tiếng động thường.

Đào Lập chen vào :

- Không quan hệ, Yến đại hiệp! Thực ra con đường này tuy rộng song chỉ ăn thông đến Thiên Tuyệt cốc thôi, cho nên ít có khách lử hành qua lại. Tuy nhiên dù có gây kinh động cũng chỉ làm kinh động người nhà, tuyệt đối không có người lạ quanh vùng.

Yến Thanh à một tiếng :

- Đường này dẫn đến Thiên Tuyệt cốc!

Đào Lập gật đầu :

- Phải!

Yến Thanh cau mày :

- Thiên Tuyệt cốc phải là một nơi bí mật chứ! Tại sao lại ở trên con đường này? Lộ liễu quá! Mà dọc đường chẳng có đặt trạm canh phòng! Như thế làm sao giữ gìn bí mật được?

Đào Lập cười đáp :

- Càng không phòng bị người ta càng không chú ý! Nơi đầu đường trước mặt có một cái am, trong am vị trụ trì là Mạnh đại sư, một Trưởng lão của Thiên Tàn môn. Am là cửa ải địa đầu của Thiên Tàn cốc.

Không lâu lắm xe đến trước một cái am.

Am rất lớn, vẻ nguy nga chứng tỏ nơi đây hương khói nghi ngút, quanh năm dù đơn độc giữa vùng núi sâu vẫn không hoang phế.

Phía hậu am tựa vào lưng núi.

Đào Lập bước xuống xe trước, đến cửa gõ mấy tiếng.

Một lúc sau, một lão bà hé cánh cửa nhìn ra hỏi :

- Các vị muốn gì?

Đào Lập đáp :

- Vào am dâng hương hoàn nguyện.

Lão bà lắc đầu :

- Các vị lầm rồi! Đây là am riêng, gia đình dựng lên để có nơi thanh tịnh tu hành chứ không phải dành cho bá tánh dâng hương. Am này từ trước đến nay không hề tiếp khách thập phương.

Đào Lập cũng lắc đầu :

- Bổn nhân không lầm đâu bà! Mời năm trước tại am này gia mẩu có vái bồ tát xin cho hết bịnh đau mắt. Nay bịnh đã qua bổn nhân là phận làm con thay mặt mẹ đến đây, trước là dâng hương sau tô tượng hoàn lời khấn nguyện năm xa.

Lão bà hỏi :

- Sao lịnh đường không đích thân đến?

Đào Lập đáp :

- Bịnh đau mắt dứt song bịnh ho lại còn, ngại phong sương dặm dài nên sai bổn nhân hoàn nguyên thế.

Lão bà thốt :

- Vậy khách nhân chờ đó, để già vào hỏi lại sư thái trụ trì.

Bà đóng cửa lại.

Đào Lập lấy làm kỳ lẩm nhẩm :

- Tại sao thế? Có việc gì chứ!

Yến Thanh hỏi :

- Các hạ không nhận ra bà ấy?

Đào Lập lắc đầu :

- Bà ta hoàn toàn xa lạ đối với tại hạ. Tại hạ đã dùng ám hiệu liên lạc đối thoại với bà ấy thế mà bà không chịu nhận ra tại hạ là người nhà! Lạ người lạ mặt chứ lẽ nào lạ luôn ám hiệu?

Yến Thanh lại hỏi :

- Mạnh đại sư là người như thế nào?

Đào Lập đáp :

- Một lão sư thái, tuổi độ tám mươi.

Yến Thanh thốt :

- Được rồi! Chút nữa các hạ hãy để tại hạ đối thoại với bà ấy! Các vị hãy chuẩn bị sẵn sàng, nếu thấy tại hạ động thủ là các vị phải động thủ luôn, giết hết bọn tiếp đãi này rồi ùa vào am!

Đào Lập giật mình :

- Làm như vậy sao được Yến đại hiệp!

Yến Thanh trầm giọng :

- Không được cũng phải làm bởi nơi đây hẳn có điều bất tường xảy ra rồi đó. Người trở lại tiếp xúc với chúng ta chốc lát nữa đây chắc không phải là Mạnh đại sư đâu. Đào huynh đừng để lộ việc gì nhé!

Đào lập vẫn lắc đầu :

- Không có thể như vậy được!

Yến Thanh quả quyết :

- Nhất định tại hạ không lầm! Nơi đây đã có biến cố sao đó, mà biến cố vừa mới phát sanh thôi, không lâu lắm! Không lâu hơn một giờ.

Dương Mãnh trố mắt :

- Lấy gì làm chắc?

Yến Thanh đáp :

- Mùi tanh tanh còn thoang thoảng trong không khí và sát khí còn vương nơi gương mặt của lão bà vừa rồi!

Đào Lập kinh hãi :

- Tại sao bọn tại hạ chẳng có cảm giác chi hết?

Yến Thanh thở dài :

- Nếu các vị đã từng tham dự nhiều cuộc chém giết tất phải có cảm giác như tại hạ!

Bỗng chàng khoát tay ra hiệu cho mọi người im lặng.

Vừa lúc đó có tiếng chân người vang lên bên trong am, tiếng chân càng lúc càng gần.

Rồi chính bà lão trước đó mở cửa thốt :

- Am chủ xin mời các vị vào.

Yến Thanh đi đầu qua khỏi cửa.

Bên trong cửa là một khoảng trống, không rộng lắm, sau khoảng trống là đại điện, trên nền cao có thềm đá. Giữa thềm tại các bậc chính giữa có một chiếc lư hương bằng kim loại rất lớn, độ ba người ôm.

Yến Thanh tặc lưỡi thốt :

- Lư hương to quá! Không rõ được đặt đây từ lúc nào chứ mời năm trước lúc tại hạ theo mẫu thân đến lạy Phật thì chưa có nó.

Lão bà đáp :

- Chiếc lư đó được đúc từ vài năm nay thôi, Am chủ cho đặt tại đó trang hoàng cho am có vẻ hùng vĩ một chút.

Yến Thanh à một tiếng :

- Thì ra nó là vật mới!

Rồi chàng hỏi :

- Mạnh đại sư còn khỏe chứ?

Lão bà do dự một chút :

- Trong mấy năm qua khách nhân không hề trở lại đây lần nào sao?

Yến Thanh thở dài :

- Không, lần cuối cùng tại hạ đến cách đây mời năm!

Lão bà tiếp :

- Thảo nào! Lão sư thái đã viên tịch từ năm trước!

Yến Thanh kêu lên :

- Vậy sao? Một con người cường kiện lại liễu đạo sớm quá! Gia mẫu hằng nhắc nhở đến sư thái!

Lão bà không muốn kéo dài câu chuyện tìm cách nói mở ra ngoài đề :

- Già đến đây làm công quả cho am này chưa được bao lâu nên không biết rõ những gì tại đây mấy năm về trước. Khách nhân muốn hỏi điều chi khác xin chờ lúc gặp Am chủ rồi sẽ hỏi.

Yến Thanh gật đầu.

Họ đến thềm đại điện.

Nơi đầu thềm trên có một vị sư thái, tác trung niên tay chấp chữ thập đứng chờ.

Sau lưng bà có bốn năm nữ nhân tuổi còn trẻ.

Yến Thanh tiến lên vòng tay chào :

- Đây có phải là Am chủ chăng? Xin cho biết quý đạo hiệu để tiện việc xưng hô!

Sư thái đáp :

- Bần ni là Ngộ Nhân, nghe nói thí chủ muốn đến đây dâng hương hoàn nguyện?

Yến Thanh gật đầu :

- Phải! Mời năm trước gia mẫu có đến viếng am và khấn vái trước Phật đường. Tại hạ vâng lịnh lão nhân gia đến dâng hương và tô tượng, hoàn nguyên. Gia mẫu vẫn quen với Mạnh sư thái, lời khấn nguyện năm xa có Mạnh sư thái dự thính!

Ngộ Nhân thở dài :

- Mạnh sư thái đã viên tịch rồi. Bần ni là người tiếp nối nên không rõ việc của tiền nhân cho lắm!

Yến Thanh hỏi :

- Sư thái là chi của Mạnh đại sư?

Ngộ Nhân đáp :

- Cũng không liên quan mật thiết chi cho lắm! Chủ nhân am này là họ Sử, Mạnh sư thái thay mặt họ Sử trụ trì tại đây gìn giữ hương khói. Mạnh sư thái chết rồi họ Sử yêu cầu bần ni đến chăm sóc mọi việc trong am.

Yến Thanh hỏi :

- Họ Sử nào thế?

Ngộ Nhân trầm gương mặt :

- Chừng như thí chủ đã biết mà còn hỏi! Họ Sử là Sử Bách Vạn, một vị đại thương gia tại vùng Xương Hóa!

Yến Thanh trố mắt :

- Sao lạ vậy? Họ sử vẫn là anh em cô cậu với tại hạ, am này thuộc họ Sử song nhất thiết mọi chi phí trong am đều do gia mẫu cung ứng, nếu muốn thay người chủ trì thì họ Sử cũng phải thông báo cho gia mẫu biết chứ!

Ngộ Nhân thoáng biến sắc :

- Điều đó bần ni không được hiểu rõ! Bất quá bần ni đến đây là do sự thỉnh cầu của công tử Sử Kim Sanh vậy thôi!

Yến Thanh lắc đầu :

- Biểu huynh kim sanh thật là hồ đồ hết sức! Không hề thảo luận gì với gia mẫu cả!

Chàng dọa cáo tố quan. Bất quá chàng kéo dài cuộc đối thoại để quan sát tình hình.

Ngộ Nhân tìm lời đối đáp cho xuôi việc.

Yến Thanh đề cập đến việc hoàn nguyên, xin Ngộ Nhân cho người mang nước đến để bọn chàng rửa mặt, rồi soạn lễ vật hiến dâng trước Phật đường.

Ngộ Nhân đáp ứng đoạn dẫn bọn thiếu nữ lui vào hậu điện.

Đào Lập bước đến bên cạnh Yến Thanh bảo nhỏ :

- Mụ ấy nói dối! Cách đấy hai tháng tại hạ có gặp Mạnh sư thái một lần! Đại hiệp hãy đề phòng mụ ta!

Yến Thanh gật đầu :

- Tại hạ hiểu! Mụ không qua mặt nổi tại hạ đâu! Đào huynh yên trí.

Long Vũ Điền thốt :

- Ngưu huynh nhận ra được mụ ta. Mụ là Đào Mỵ Nương ngoại hiệu Cửu Vỹ Tiên Hồ, một tay dụng độc cực kỳ lợi hại. Nhất định là trong các cây hương của mụ có trộn thuốc mê! Là một dâm phụ mụ dùng mê dược dụ hoặc không biết bao nhiêu hào kiệt trên giang hồ rơi vào tay mụ.

Yến Thanh chớp mắt :

- Thế mình phải làm sao đây?

Long Vũ Điền mỉm cười :

- Đã có ngu huynh lão đệ còn lo nổi gì? Chờ mụ ta cho mang nước ra các vị cứ để cho Long Vũ Điền này rửa mặt trước thừa cơ hội bỏ thuốc giải vào nước, các vị cứ lần lợc mỗi người uống một ngụm là không còn sợ bất cứ loại thuốc mê nào. Cần nhất là Liên Liên phải rửa mặt sau cùng, rửa xong rồi thì tự tay mang chậu nước đổ đi để phi tang.

Không lâu lắm hai thiếu nữ mang nước ra.

Mọi người theo sự chỉ dẫn của Long Vũ Điền lân lượt rửa mặt.

Yến Thanh bắt chuyện cầm chân hai thiếu nữ để cho chúng không chú ý, giúp Liên Liên mang chậu nước đi đổ, không bị chúng ngăn trở kịp thời.

Yến Thanh hỏi một nàng :

- Hai cô nương là chi của Ngộ Nhân sư thái?

Một nàng đáp :

- Đệ tử của sư thái!

Yến Thanh chớp mắt :

- Là người tu hành sao hai cô nương còn để tóc?

Nàng đối thoại im lặng.

Người kia đáp thay :

- Bọn tôi phát nguyện để tóc tu hành tại chùa Triều Âm, đất Hô Châu. Nhân sư thái được mời đến đây bọn tôi theo luôn. Tôi nghĩ ở đâu cũng tu được hết.

Yến Thanh cau mày :

- Đất Hồ Châu, tại hạ thuộc nằm lòng sao tại hạ không biết Triều Âm tự? Triều Âm tự ở đâu?