Thiên Mệnh Khả Biến

Chương 676: Đạo



Vân được nhận vào Dược phường đã 3 ngày. Lấy tư cách được Đường Thái Nguyên chỉ định, cô bước vào nơi này cũng khá suôn sẻ và nhẹ nhàng. Phan Đường chủ sau khi dẫn Nguyễn Hồng Vân đi tham quan 1 vòng quanh Dược phường, cũng để cho 1 nữ môn sinh khác an bài cho cô nơi ăn chốn ngủ và 1 số công việc nhẹ nhàng.

Nữ môn sinh này tên Uyển Nhi, năm nay 19 tuổi, nhan sắc bình thường, gia cảnh cũng bình thường, được Trúc Sơn Phái thu nhận đã hơn 1 năm, tính tình nhẹ nhàng dễ dãi, cũng không gây cho Vân bất kì điều gì phiền toái.

Không biết trong Trúc Sơn Phái, các đường khác sinh hoạt và tu luyện có chút nào áp lực hay khó khăn hay không, chỉ biết rằng cuộc sống ở Dược phường vô cùng nhàn rỗi và yên ổn. Công việc của Dược phường vừa giống 1 cái trạm y tế trong các học viện, vừa là nơi phụ trách nhập dược liệu, phân phối cho các bên có nhu cầu. Dược phường còn có trách nhiệm điều chế ra đan dược phổ thông để phân phát cho đệ tử trong môn phái. Những đan dược này là tài nguyên tu luyện mà Trúc Sơn Phái đảm bảo mỗi 1 đệ tử đều được đãi ngộ, đóng vai trò rất quan trọng trong việc tu luyện và tăng tiến.

Đối với các loại đan dược cao cấp hơn, Dược phường không có quyền hạn và cũng không có khả năng điều chế. Bọn họ sẽ cung cấp những dược liệu chất lượng cao cho Luyện Dược Đường. Nơi đó mới chính là nơi cho ra lò những đan dược cấp bậc cao.

Với bản tính thông minh nhanh nhẹn, lại bôn ba từ bé, Vân chẳng cần tới quá 1 ngày đã hiểu rõ toàn bộ cách vận hành của Dược phường, càng có sơ bộ hình dung về cơ cấu của Trúc Sơn Phái. Cô tự hỏi liệu mình có thể tìm kiếm được cơ hội làm giàu từ nơi này hay chăng?

Đường Thái Nguyên có giao cho Vân quyển Trúc Sơn Tâm Pháp. Sau vài ngày làm quen với toàn bộ Dược phường, Vân bắt đầu dành thời gian rảnh rỗi nghiên cứu quyển sách này.

Trúc Sơn Cư Sĩ, sống ở thế kỉ thứ 27, cưỡi hạc bay lên đỉnh Trúc Sơn, tu luyện 47 năm trời, đắc đạo thành tiên. Ông ta là người thứ 2 trong lịch sử, chỉ sau Mai Chân Nhân lão tổ, đạt tới cảnh giới Thiên Nhân, mở ra 1 chân trời rộng mở cho tiên đạo. Cuộc đời Trúc Sơn Cư Sĩ không có nhiều điểm nhấn đáng để người đời nhớ tới, nhưng di sản ông để lại thì tuyệt không ít ỏi. Không nói tới 10 vị đệ tử sau này làm mưa làm gió trong thiên hạ, cuốn Trúc Sơn Tâm Pháp cũng là báu vật đặt nền móng cho Trúc Sơn Tiên Phái phát triển và hưng thịnh tới ngày nay.

Trúc Sơn Tâm Pháp được Trúc Sơn Cư Sĩ viết lại như tài liệu giảng dạy cho các học trò. Ngôn từ dễ hiểu và mạch lạc. Các phần căn bản nhất thường được trích dẫn thành sách để môn đồ đời sau học tập và tham cứu. Những cuốn sách này từ lâu đã được phát hành rộng rãi, chẳng còn gì là bí mật. Bù lại, toàn bộ phần còn lại cuốn Tâm Pháp lại được bảo mật vô cùng kĩ lưỡng, được tin rằng vẫn còn ẩn chứa nhiều tư tưởng uyên thâm mà hậu thế chưa thể lý giải.

Sách được viết bằng thứ tiếng Hà Quốc cổ đại, dù rằng khá giống với tiếng Bắc Hà ngày nay, nhưng vẫn rất khó hiểu kể cả với người Bắc Hà. Đừng nói tới Vân, 1 đứa con xa nhà đến 10 năm, đến tiếng nói còn bập bẹ. Nhưng không sao, vì cô đã có Red Witch trợ giúp.

“Sách này dành khá nhiều chữ chỉ để giải thích về Tiên Đạo. Cô muốn đọc tất cả, bỏ qua, hay tóm tắt ý chính?”. Trong phòng riêng của mình, giọng của Red Witch phát bên tai Vân thông qua tai nghe.

- Tóm tắt lại cho tôi đi, chỗ nào nhiều vấn đề quá thì đánh dấu lại, tôi sẽ xem xét thêm.

“Trong này có nói về 9 cảnh giới của người tu tiên. Khởi Nguyên, Hóa Hải, Hỗn Thể, Tụ Đan, Thiên Nhân, Đại Giới, Nhất Thể, Vô Ngã. 9 cảnh giới này kì thực lại được chính Trúc Sơn Cư Sĩ đề ra, vì trước ông ta chưa từng có ai nói về thuyết Vũ Trụ Nhất Thể này.”

- Vũ Trụ Nhất Thể à? Thuyết này đại khái là thế nào?

“Trúc Sơn Cư Sĩ viết rằng, vốn dĩ luôn nghĩ thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là ảo ảnh, là ánh phản chiếu lại từ thế giới thực. Thế giới này có lẽ chỉ có 1 thể sự thực duy nhất, còn thông qua mắt nhìn của mỗi người, thông qua kiến giải riêng của họ, lại tạo ra trăm vàn bản thể khác nhau. Suốt thuở thiếu thời, Trúc Sơn Cư Sĩ cũng đồng tình với quan điểm này. Chỉ tới 1 ngày, vô tình lên đỉnh Trúc Sơn, bất chợt có cảm ngộ khác thường.

“Nếu vốn dĩ không hề tồn tại thứ được gọi là “chân lý”? Nếu vũ trụ này kì thực không hề có bản thể đích thực? Không hề có 1 sự thật duy nhất tồn tại khách quan không hề bị tác động bới nhận thức của sinh vật? Vậy thứ mà ta đang nhìn nhận thấy, nghe thấy, ngửi thấy, sờ thấy, biết đâu lại là vũ trụ đích thực? Thứ ta luôn luôn thấy thông qua nhận thức của mình, không phải 1 ảo ảnh, mà chính là sự thực duy nhất. Ta nhìn thấy vũ trụ này theo cách của ta, thì vũ trụ ấy là của riêng ta. Người khác lại nhìn nó theo cách của họ. Điều ấy không quan trọng. Vũ trụ này vốn không có thực, nhận thức của ta mới là thực. Ta càng đi lên cao, càng mở mang tầm mắt của mình, vũ trụ của ta lại rộng mở ra thêm 1 ít. Ta càng biết nhiều hơn, thấy nhiều hơn, ngẫm nhiều hơn, vũ trụ của ta lại càng khai mở. Ấy vậy là, vũ trụ cũng là ta, mà ta cũng là vũ trụ.

“Nếu vũ trụ có bao nhiêu hình thái, vậy thì ta cũng có bấy nhiêu giai đoạn. Mỗi chúng ta sinh ra trên cuộc đời này, đã định sẵn phải đi trên 1 con đường. Con đường tìm tới chân lý duy nhất tồn tại trong thế giới không có chân lý. Có người nhận ra con đường ấy, có người vô tình bước đi trên đó, có người trốn tránh, có người hoàn toàn thờ ơ. Nhưng con đường ấy vẫn tồn tại. Chân lý không tồn tại, nhưng con đường đi tới chân lý lại tồn tại.



“Đoạn này hơi xoắn não, cô có theo kịp không, cô Hồng Vân?”

Có vẻ như 1 trí tuệ nhân tạo như Red Witch cũng cảm thấy bối rối với những lời văn vòng vo này, nên phải cắt ngang mà hỏi Vân.

- Cũng hơi mường tượng hiểu. Đại ý là, kho báu có thể chỉ là 1 tin đồn thất thiệt, không tồn tại, nhưng bản đồ dẫn tới kho báu thì hoàn toàn có thể tồn tại. Đâu ai cấm người ta vẽ ra thứ bản đồ dẫn tới 1 cái gì không có thực đâu, phải chứ? Con đường dẫn tới chân lý, gọi là Đạo. Đạo chỉ là công cụ, giống như tấm bản đồ. Nên nó luôn luôn tồn tại, kể cả khi nó dẫn tới 1 thứ không tồn tại.

“Cô theo kịp là tốt. Tiếp nhé.

“Giống như Xuân Hạ Thu Đông, vũ trụ cũng phải có chu kỳ của nó. Nếu chia nhỏ chu kỳ này ra, mỗi người sẽ có 1 cách chia khác nhau. Cá nhân tại hạ thích số 9, nên mạn phép chia thành 9 giai đoạn. Khởi Nguyên, Hóa Hải, Hỗn Thể, Tụ Đan, Thiên Nhân, Đại Giới, Nhất Thể, Vô Ngã.

“9 giai đoạn này, cũng tương đương với 9 chặng của 1 sinh linh khi đi trên Đạo. Chặng cuối cùng, cũng là đích đên. Vô Ngã. Ở đích đến này, tất cả Đạo của mỗi cá nhân đều tụ hợp, cũng chính là chân lý cuối cùng. Khi ấy, Đạo không còn tồn tại nữa, vì đã đi tới đích, há còn cần đường? Nói vậy cũng có nghĩa là, đứng ở trên Đạo mà nhìn về phía đích, chân lý không tồn tại. Đứng ở phía chân lý mà nhìn ra, Đạo lại không có thực. Sự mâu thuẫn này thật là hài hước, nhưng chẳng hiểu sao ta lại cảm thấy vô cùng thuyết phục.

“Nói vậy, muốn đi tới chân lý, đương nhiên phải bước trên Đạo. Nhưng có thể bước được bao xa? Kì thực nói dễ hơn làm. Những lời trên đều chỉ là lý luận suông, vì tầm mắt nhìn luôn xa hơn vị trí đứng. Nhìn thấy đích là 1 chuyện, thực sự bước đi tới đích lại là chuyện khác.

“Tự mình đặt chân lên Đạo, mới thấy con đường này dài vô tận không có điểm cuối. Sức lực 1 người trần mắt thịt như ta, có thể đi được bao xa, đành tận lực đi tới. Kể cả khi, sau ta, còn vô vàn thế hệ tiếp nối bước đi trên con đường này, có thể vĩnh viễn không bao giờ tới đích. Nhưng có vẻ như, đích đến chưa bao giờ là ý nghĩa của Đạo. Ta biết lời khẳng định này nghe có vẻ ngông cuồng, và cũng thật khó lý giải.”