Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông

Chương 113: Kết cục (thượng)



Nguyên Tứ Nhàn nhất thời chưa hoàn hồn, mãi đến khi câu ấy lặp đi lặp lại trong đầu ba lần, nàng mới bật dậy, khoác áo xuống giường mở cửa:

– Chuyện gì?

Thần sắc Giản Chi nghiêm túc:

– Thưa, hoàng hậu và thập tam hoàng tử lần lượt bị bắt cóc ra khỏi cung ạ.

Tay nàng bấu khung cửa siết chặt, tức giận nói không lựa lời:

– Người trong cung chết hết rồi sao? Ngươi nói rõ ràng hơn đi.

– Là Tiết tài nhân. Tiết tài nhân giở trò khiến hoàng hậu bị bắt, sau đó thập tam hoàng tử cũng mất tích luôn ạ.

Toàn thân Nguyên Tứ Nhàn cứng đờ, tâm thoáng chốc trầm xuống.

Nàng đã biết nguyên nhân thật sự khiến Tế Cư tung ra lời đồn ấy.

Tế Cư có thể biết vị trí mật đạo Từ trạch nhờ Thiều Hòa, đương nhiên cũng biết người cuối cùng đăng cơ ở kiếp trước là ai. Huy Ninh Đế đã chết, điều hắn ta muốn bây giờ không gì ngoài tính mạng của người thừa kế Đại Chu tương lai. Có hai người có khả năng trở thành người thừa kế này: một là Trịnh Trạc nếu phán đoán theo tình thế hiện tại, hai là Trịnh Hoằng nếu xét theo hiểu biết của Thiều Hòa về kiếp trước.

Do không dễ tiếp cận Trịnh Trạc nên Tế Cư bắt đầu ra tay với Trịnh Hoằng. Song Lục Thời Khanh đã thu xếp Đại Minh cung để bảo vệ Trịnh Hoằng, lẽ ra Tế Cư rất khó đắc thủ, ít nhất chỉ dùng bạo lực là không thể.

Bởi vậy hắn ta dùng kế, nhắm chuẩn ngay lỗ hổng duy nhất ở Đại Minh cung, lỗ hổng mà ngay cả Lục Thời Khanh và Trịnh Trạc đều chưa từng phòng bị, chính là mẹ đẻ của Trịnh Trạc – Tiết tài nhân. Họ có thể bảo vệ Tiết tài nhân an toàn, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc đề phòng bà.

Tế Cư tung lời đồn nhằm hai mục đích: một, khiến lão hoàng đế phái hoàng hậu – người làm chủ hậu cung – giam lỏng Tiết tài nhân, khơi lên mâu thuẫn đầu tiên giữa hai người phụ nữ; hai, khiến Trịnh Trạc giết lão hoàng đế sớm hơn dự định, nước chưa có tân quân, hoàng cung đại loạn, hoàng hậu muốn tìm nơi nương tựa sẽ chủ động chủ trì các triều thần bàn bạc xem nên để ai kế thừa ngai vị, từ đó khơi lên mâu thuẫn thứ hai giữa họ.

Tiết tài nhân nhiều năm không được sủng ái, trơ mắt nhìn Trịnh Trạc bị chèn ép bị bắt nạt từ nhỏ mà không thể làm gì giúp hắn, bây giờ tình hình nguy cấp, con trai chưa về triều, lòng bà chắc chắn như lửa đốt. Vào lúc này, nếu có người xúi giục bà rằng diệt trừ hoàng hậu là có thể áp chế những tranh luận trên triều đình, e bà sẽ thật sự làm thử.

Sau khi hoàng hậu bị bắt cóc, vì sao thập tam hoàng tử gặp nạn?

Vì Thiều Hòa cũng là một mắt xích quan trọng trong đó.

Đến lúc này, Nguyên Tứ Nhàn nghĩ bản tâm Thiều Hòa không hề muốn phản bội Đại Chu. Có lẽ Tế Cư tra tấn hoặc cho nàng ấy uống thuốc để ép hỏi ít tin tức nhưng vẫn không thể khiến nàng ấy cam tâm tình nguyện hợp tác. Cho nên, hắn ta bắt cóc mẫu thân Thiều Hòa, uy hiếp nàng ấy lấy thập tam hoàng tử ra trao đổi.

Người phía Nam Chiếu có thể lặng lẽ mang thập tam hoàng tử đi chỉ có Thiều Hòa. Nàng ấy chỉ cần lẻn vào Đại Minh cung, sau đó thậm chí không cần đánh, chỉ cần ngon ngọt vài câu là có thể lừa Trịnh Hoằng còn nhỏ dại, lại luôn tin tưởng a tỷ đi cùng.

Như vậy, phòng vệ ở hoàng cung rất có thể sẽ thành thùng rỗng kêu to.

Còn về tại sao Thiều Hòa hi sinh đệ đệ để cứu mẫu thân, Nguyên Tứ Nhàn nghĩ có thể có hai nguyên nhân. Thứ nhất, dẫu sao đây cũng là đệ đệ cùng cha khác mẹ, không thân thiết bằng mẹ đẻ. Thứ hai, Thiều Hòa biết Tế Cư sẽ không giết đệ đệ ngay mà sẽ lợi dụng đệ đệ để dụ Trịnh Trạc ra. Có Trịnh Trạc ra mặt, khả năng cao là đệ đệ sẽ chuyển nguy thành an, đồng thời thuận lợi đăng cơ như kiếp trước.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn sợ số mệnh này. Vì nếu Trịnh Trạc bình an khỏe mạnh, không lý nào Trịnh Hoằng lại đăng cơ.

Nghĩ thông những điều này, nàng chợt hỏi:

– Lục điện hạ thuận lợi về kinh chưa?

Giản Chi lắc đầu.

Nàng bước tới bước lui hai lượt rồi bình tĩnh nói:

– Bất kể có kịp chi viện gấp hay không, ta không thể khoanh tay ngồi chờ, ngươi chọn người theo ta về Đại Chu một chuyến.

Dứt lời, nàng thấy cha vội vã từ phía sau Giản Chi bước tới, có lẽ cũng đã nhận được tin. Ông nói:

– Để cha dẫn người đi.

Nguyên Tứ Nhàn lắc đầu nói lý:

– Cha cứ ở lại Hồi Hột trấn bọn Đột Quyết. Đấu với Đột Quyết là đấu cứng, con chẳng giúp được gì, nhưng mấy năm nay con cũng xem như biết Tế Cư, có chút nắm chắc khi đối phó hắn ta. Huống hồ thánh nhân băng hà, triều đình hỗn loạn, hiện không ai rảnh hơi chú ý Nguyên gia chúng ta, con về cũng ít khó khăn hơn, cha không cần lo lắng.

Nguyên Dị Trực biết lời nữ nhi có lý, quốc đứng trước, gia đứng sau, lúc này không thể ích kỷ chỉ lo thân mình, ông cắn chặt răng:

– Cha phái quân hộ tống con, gọi cả a huynh con đi cùng, hai huynh muội chiếu cố lẫn nhau, nhất định phải cẩn thận.

Nguyên Tứ Nhàn gật đầu, vội chuẩn bị hành trang, mang người ra khỏi Hồi Hột ngay trong đêm.

Nàng từng nói, nếu có một ngày tứ vực cương thổ có đất cho nàng dụng võ thì dù trời nam biển bắc, chân trời góc biển, nàng cũng đi.

Nguyên Tứ Nhàn thuận lợi đi theo đường tắt xuôi nam.

Ban đầu nàng lấy làm lạ tại sao không cần dùng chiến thuật đã chuẩn bị sẵn để tránh né kiểm soát ở biên quan, nhưng sau khi nhập cảnh là nàng hiểu ngay. Nước không thể một ngày không có vua, hoàng hậu và thập tam hoàng tử lần lượt bị bắt cóc, những tranh luận trên triều đường bị ép xuống, các quan viên phe Trịnh Trạc đã thành công đưa hắn lên ngai vàng, đồng thời ổn định tình thế kinh thành, chỉ chờ hắn quay về đăng cơ. Bên cạnh đó, những triều thần cộng sự nhiều năm với Lục Thời Khanh biết rõ nội tình cũng tạo ra cái chết giả cho hai nhà Nguyên – Lục, gỡ lệnh truy nã trên dưới Đại Chu.

Trịnh Trạc chỉ thiếu một bước cuối cùng là trở thành hoàng đế danh chính ngôn thuận của Đại Chu, nhưng Nguyên Tứ Nhàn không hề thấy an tâm, đặc biệt là khi xác nhận với kinh thành rằng hắn vẫn chưa về Trường An, đã thế còn bặt vô âm tín suốt một ngày một đêm, lòng nàng càng thấp thỏm. Xét theo lộ trình, lẽ ra hắn đã về kinh, bởi vậy e chỉ có một khả năng là Tế Cư dùng Trịnh Hoằng dụ hắn quay lại.

Nhằm tránh cho Đại Chu trở nên hỗn loạn, mấy thần tử bụng dạ khó lường trong triều sẽ thừa cơ soán vị, các quan dưới trướng Trịnh Trạc không dám để tin này truyền ra, chỉ nói Trịnh Trạc phải xử lý ít chuyện giữa đường, không bao lâu nữa sẽ về kinh.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn biết, chuyện này không giấu được quá lâu, mấy kẻ tinh ranh trong triều chẳng mấy chốc sẽ phát hiện điều bất thường, nàng buộc phải mau chóng tìm được Trịnh Hoằng và Trịnh Trạc, ổn định tình thế Đại Chu.

Vả lại, không chỉ mỗi nhóm của nàng và a huynh đang tìm kiếm họ.

Ba ngày sau, khi nàng đang dò la khắp nơi ở Kiếm Nam đạo thì gặp thân tín của Trịnh Trạc là Trần Triêm.

Đây chẳng phải điềm lành. Trịnh Trạc xuôi nam giả vờ truy kích Lục Thời Khanh, lẽ ra Trần Triêm luôn theo bên cạnh hắn.

Quả nhiên thiếu niên ấy vừa thấy nàng và Nguyên Ngọc liền gấp đến mức luống cuống tay chân, không kịp cả sững sờ và dò hỏi. Trần Triêm nói, từ khi Trịnh Trạc bị thánh nhân cưỡng chế về kinh, binh quyền trong tay đã bị thu hồi, nhánh quân theo hắn rời kinh ban đầu ngặt bởi thánh mệnh nên tạm dừng tất cả hành động, ở nguyên vị trí đợi lệnh. Bởi vậy bên cạnh hắn chỉ còn vài thân tín.

Đêm thập tam điện hạ bị bắt cóc, Trịnh Trạc nhận được tin, phát hiện tuyến đường của bọn bắt cóc vừa khéo giao với tuyến đường của mình, thế là hắn nhanh chóng quay lại đuổi theo. Mới đầu các tùy tùng luôn theo sát hắn nhưng sau nhiều đợt gặp phải thích khách, họ tử thương rất nhiều, số còn sống cũng bị phân tán, cuối cùng càng lúc càng ít người, ngay cả Trần Triêm cũng bị lạc trong một lần chia nhau đánh địch, giúp hắn thoát thân.

Lẽ ra Trịnh Trạc nên nghĩ cách đưa tin về kinh chứ không tới mức phải cắm đầu đuổi theo, nhưng e đã bị đối phương chặn lại. Cho nên bây giờ, Trần Triêm và nhân mã kinh thành chỉ có thể dựa vào những ký hiệu hắn để lại nơi hoang vu để đi khắp nơi tìm hắn.

Nguyên Tứ Nhàn làm rõ tình hình, xác nhận ký hiệu với Trần Triêm rồi bảo hắn phái người chia quân thành mấy hướng, thu xếp xong xuôi, nàng đích thân đuổi về hướng nam.

Chọn hướng nam đương nhiên là có nguyên nhân.

Mấy ngày nay nàng luôn chú ý tin tức của Tào Ám và Thập Thúy, biết hai người nhờ phía Đại Chu giúp đỡ nên đã thành công dụ Tế Cư đích thân dẫn người lên phía bắc đuổi theo hướng của họ.

Bây giờ nàng chỉ cần đi theo tuyến đường dụ địch của Tào Ám và Thập Thúy là có thể tìm được vị trí của Tế Cư. Tìm được hắn ta thì không sợ không có tin của Trịnh Trạc và Trịnh Hoằng. Đây là phương pháp đảm bảo cho cả hai bên.

Vào đêm hai ngày sau, Nguyên Tứ Nhàn dừng chân ở phụ cận sông Thạch Hà phía đông Thục Châu, định để mọi người nghỉ ngơi nửa đêm rồi lại lên đường nhưng không ngờ vừa chợp mắt nửa canh giờ thì bị tin tức do Trần Triêm mang tới đánh thức.

Hai ngày nay, hễ đến thời gian nghỉ ngơi là Nguyên Tứ Nhàn lệnh cho mọi người thay phiên nghỉ, đồng thời phân công một nhóm nhân mã đi sục sạo xung quanh để không bỏ sót chút tin tức nào. Và Trần Triêm đã mang về tin tức liên quan đến Trịnh Trạc: phát hiện ký hiệu trong rừng cây bên kia bờ sông.

Nguyên Tứ Nhàn cuối cùng cũng có chút hi vọng. Ít nhất đến giờ phút này Trịnh Trạc vẫn an toàn, và chính vì hắn an toàn nên Trịnh Hoằng cũng bình an vô sự.

Nàng lập tức chỉnh đốn đội ngũ, lệnh mọi người tìm kiếm trong rừng thì phát hiện thêm vài ký hiệu, thế là mọi người băng qua Thục Châu vào Cung Châu ngay trong đêm, đến phụ cận núi Đồng Quan lại mất đi tin tức.

Vầng dương nhô khỏi áng mây, ánh mặt trời rạng rỡ, mọi người ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại, một nửa do nóng ruột sợ chạy cả quãng đường gấp rút rồi lại mất dấu Trịnh Trạc. Dưới chân núi, Trần Triêm hỏi Nguyên Tứ Nhàn tiếp theo nên đuổi theo hướng nào.

Nguyên Tứ Nhàn cau mày, lấy khúc cây vẽ trên bùn đất, suy tư chốc lát, định chỉ tay về phía đông thì khựng lại.

Trần Triêm toan hỏi, nhưng vừa há miệng thì cũng nghe rõ: có tiếng vó ngựa của một người từ phía đông vọng tới.

Nếu chỉ một người, khả năng là kẻ địch không cao. Trần Triêm mừng như điên, cùng Nguyên Tứ Nhàn đang cứng đờ toàn thân vì căng thẳng tập trung nhìn. Mọi người cũng thấp tha thấp thỏm, tay nắm chặt chuôi đao rồi lại buông, buông rồi lại nắm.

Năm ngày nay, biết bao lần lần theo dấu vết, biết bao lần bỏ lỡ, mọi người đều đã tới giới hạn cuối cùng, không phải về cơ thể, mà là tâm dần nguội lạnh.

Thứ họ tìm không chỉ là Trịnh Trạc mà còn là hi vọng của Đại Chu.

Giờ đây, âm thanh ấy như gọi mọi người sống lại, nhưng họ cũng sợ nó chỉ là bọt nước như bao ký hiệu trên cả quãng đường này.

Tiếng vó ngựa càng lúc càng gần, mọi người đều nín thở, mãi đến khi đường chân trời vùng hoang dã xuất hiện một bóng người mặc huyền giáp thúc ngựa lao thẳng về ánh mặt trời, cỏ rạp xuống, bụi tung lên, dải tua trên mũ phất phơ theo gió như lá cờ tung phần phật.

Sự căng thẳng trong đầu Nguyên Tứ Nhàn mấy ngày nay buông lỏng, chân nàng mềm nhũn, người như mất hết sức lực, may mà nàng vịn cây trụ vững được bản thân.

Khi thấy rõ người trên lưng ngựa đúng là Trịnh Trạc và Trịnh Hoằng nhỏ tuổi đang được hắn ôm vào lòng, mọi người kích động quên cả việc phi ngựa ra đón mà ngơ ngác như kẻ ngốc nhìn hắn tới gần.

Nguyên Tứ Nhàn phản ứng lại trước, thở phào một hơi, cười nói:

– Ngây ra đó làm gì, còn không mau đón…

Lời nàng chưa dứt, xa xa truyền đến tiếng ngựa hí, kế đó là một tiếng “rầm” vang lên.

Trịnh Trạc mất sức, rơi xuống ngựa, nụ cười trên mặt mọi người đơ lại, vội vàng chạy tới.

Nguyên Tứ Nhàn cứng đờ như đá không nhúc nhích. Nàng thấy sau lưng Trịnh Trạc cắm một mũi tên.

Có một khoảnh khắc, dường như nàng không nghe không thấy gì cả, kế đó, tiếng kêu la của vô số người xông vào màng nhĩ.

Nàng nghe rõ tiếng Trịnh Hoằng đang khóc gọi “lục ca”.

Tay Nguyên Tứ Nhàn run lên, chạy như điên tới.

Đến trước mặt Trịnh Trạc, nàng nhìn rõ thương thế của hắn. Mũi tên bắn vào từ sau lưng ngay chỗ hiểm, vùng da thịt quanh vết thương đã biến thành màu đen hoại tử, nhìn màu sắc thì ít nhất đã hơn ba canh giờ.

Bị bắn ngay vị trí nguy hiểm như vậy lẽ ra đã chết ngay, nhưng hắn đã chống đỡ hơn ba canh giờ một cách thần kỳ, miễn cưỡng chịu đựng đến khi thấy nàng và Nguyên Ngọc, biết Trịnh Hoằng an toàn mới thả lỏng và ngã ngựa.

Mũi tên đó cộng thêm ba canh giờ cố gắng chống chọi đã vô phương cứu chữa.

Nguyên Tứ Nhàn đơ người tại chỗ.

Trịnh Trạc nhọc nhằn vươn tay nhưng không nhìn nàng mà nhìn Trịnh Hoằng, thở dốc nói:

– …Nam tử hán đại trượng phu, khóc gì mà khóc?

Trịnh Hoằng ra sức lau nước mắt nhưng càng lau càng nhiều, một đứa trẻ 6 tuổi cũng hiểu được tình hình, nghẹn ngào đứt quãng:

– Lục ca, huynh đừng chết, đừng chết… đệ, đệ chưa học võ với huynh xong, lần trước huynh còn nói chúng ta hẹn ngày tỷ thí…

Từ lúc ngã ngựa, sắc mặt Trịnh Trạc nhanh chóng tái đi, hắn cười nói:

– Lục ca không chết, nhưng có lẽ tạm thời không thể tỷ thí với đệ, cũng không thể về kinh. Hứa với lục ca, trước tiên giúp lục ca cai quản triều đình vài năm, đợi…

Nói tới đây, hắn ho khan, nôn ra một ngụm máu đỏ tươi.

– Trịnh Trạc…!

Nguyên Tứ Nhàn ngồi phịch xuống nắm tay hắn, thăm dò nhiệt độ lòng bàn tay hắn.

Nàng gọi hắn rồi không nói gì nữa, hắn nghiêng đầu nhìn nàng, biết mình không chống đỡ nổi, cũng không thể nói nhiều lời quanh co với trẻ con, bèn bàn giao với Trịnh Hoằng:

– Sau này đệ hãy nghe lời Lục thị lang và huyện chúa.

Kế đó hắn lại nhìn Nguyên Tứ Nhàn, cười khổ:

– Đại Chu… chỉ có thể giao cho các ngươi.

Đại Chu, chỉ có thể giao cho các ngươi.

Câu này gần như giống hệt trong mơ.

Mắt Nguyên Tứ Nhàn cay xè, lệ tuôn như suối, vì không thể cứu vãn số mệnh Trịnh Trạc, hoặc vì đã phụ lòng Lục Thời Khanh, nàng liều mạng gật đầu:

– Huynh yên tâm, yên tâm… Không ai có thể ức hiếp Hoằng nhi, cũng không ai có thể xâm phạm Đại Chu, 10 năm, 20 năm, ta sẽ bảo vệ nó, chúng ta sẽ bảo vệ nó…

Trịnh Trạc nở nụ cười khó nhọc:

– Cô đừng khóc, y biết lại ghen đấy…

Nguyên Tứ Nhàn nghẹn ngào, nước mắt càng tuôn ào ạt, nàng lắc đầu thật mạnh, không biết còn có thể nói gì.

Trịnh Trạc nhìn nàng, ánh mắt dần rệu rã, trước khi mất đi ý thức, hắn chợt thấy một cảnh kỳ lạ.

Hắn thấy mình ngồi bên bàn đá ở hậu hoa viên phủ hoàng tử, Nguyên Tứ Nhàn ngồi đối diện tung ngũ mộc, tung xong nàng nhìn rồi đắc ý nói:

– Ta nói keo này chắc chắn thắng mà hai người không tin!

Hắn nghe câu “hai người” bèn lấy làm lạ, nhìn sang bên cạnh thì thấy Lục Thời Khanh đeo mặt nạ “Từ Thiện”.

Hắn kinh ngạc nghĩ, sao Nguyên Tứ Nhàn chơi ngũ mộc với mình mà Lục Thời Khanh lại vững như Thái Sơn, không hề ghen tuông? Quả nhiên là người sắp chết nên sinh ảo giác đây mà.

Hắn cười bất lực, bàn tay đặt bên người rơi xuống.

Nhìn Trịnh Trạc nhắm mắt, Nguyên Tứ Nhàn như nghe văng vẳng bên tai một âm thanh từ nơi xa xôi vọng đến.

Âm thanh ấy nói “Cha thích thuật cầm quyền, nhưng thuật cầm quyền trị được tâm bệnh của cha, không trị được thiên hạ của cha. Ta muốn khiến tứ hải mục nát trở nên rực rỡ, cỏ khô tái sinh, người chí sĩ có thể thi thố tài năng, lê dân bá tánh có thể hưởng phúc, các nước tám phương đều chúc Đại Chu ta phồn thịnh, không dám xâm lăng nửa bước.”

Nàng cứng ngắc đứng dậy giữa tiếng gào khóc chung quanh, chậm rãi siết chặt nắm đấm, mắt nhìn về hướng Trường An, thốt lên từng chữ một:

– “Đức hóa dân, nghĩa đãi sĩ, lễ an bang, pháp trị quốc, võ trấn tứ vực, nhân tu thiên hạ. (1)”

(1) Dùng đức cảm hóa dân, dùng nghĩa đối đãi với kẻ sĩ, dùng lễ an định quốc gia, dùng pháp luật để trị quốc, dùng võ lực áp chế bốn phương, dùng nhân đức xây nên thiên hạ.