Tiết đại hàn tháng chạp, thời gian lạnh nhất trong năm.
Trong cơn mưa liên miên và gió rét mùa đông, Lục Thời Khanh nửa quỳ bên lan can cầu, lưng khọm xuống, liên tục ho khan, mỗi lần ho là một lần hít gió lạnh vào lục phủ ngũ tạng làm ảnh hưởng nhiều đến cổ họng, thế nên lại ho tiếp.
Cứ thế lặp đi lặp lại.
Mưa phùn cực dễ gây ướt áo. Bộ quan bào màu tím sẫm trên người y sắp bị nhuốm thành màu đen, thế mà y không sợ bẩn bộ triều phục tam phẩm trong khi mảnh giấy siết trong tay vẫn còn sạch sẽ.
Sau khi đưa lại lá thư của Nguyên Tứ Nhàn cho y, Trịnh Trạc bị y bắt quay về thành để tránh các tai mắt theo dõi. Bây giờ trên cầu Lộc chỉ còn một mình y. Làm gì có ai khác lẩn thẩn giữa đang đông giá rét như vậy chứ.
Lục Thời Khanh ho dữ dội, muốn dùng khuỷu tay chống người dậy nhưng thử mấy lần đều không thành, đành dứt khoát xoay người, dán lưng ngồi bệt dựa vào lan can cầu. Gió lạnh rít từng cơn luồn vào tay áo, may mà tay áo của quan bào hẹp nên chắn bớt phân nửa.
Y siết chặt tay áo, phảng phất như bên tai văng vẳng một giọng nói xa xăm từ mùa đông hai năm trước: “Từ tiên sinh, mùa đông giá rét mà ngài cũng mặc áo bào tay rộng, không thấy lạnh sao?”
Lúc đó y muốn nói lạnh chứ sao không. Nhưng nếu mặc áo tay hẹp, đeo thắt lưng thì sẽ lộ dáng, không tiện che giấu.
Y không thể nói thật, bởi vậy dù run như cầy sấy vẫn phải ra vẻ ung dung nhàn nhã, giọng điệu bình thản:
– Từ mỗ không lạnh, đa tạ huyện chúa quan tâm.
Nếu sớm biết sau đó vẫn bị Nguyên Tứ Nhàn biết tỏng thân phận thì tội gì y phải diễn chứ.
Y nhớ lần đầu tiên y chính thức chào nàng là ở Đại Minh cung vào đầu xuân ba năm trước.
Lúc đó nàng 15 tuổi, vừa mới cập kê, theo cha vào kinh nhận thưởng nhờ báo tin thắng trận chiến sự Điền Nam. Ngày sắc phong, nàng ăn mặc diễm lệ hơn cả công chúa, quần thần bách quan và các hoàng tử hoàng tôn trên đại điển không ai là không liếc mắc nhìn.
Y cũng chú ý nhìn nàng, đơn thuần vì nghiền ngẫm các âm mưu triều đình, y nghĩ sau đại điển sắc phong, cô nàng huyện chúa Nguyên gia này nếu trổ mã thêm, đến tuổi thành thân e sẽ có không ít người nuôi ý đồ. Có điều thân phận Điền Nam vương quá nhạy cảm, trừ mấy kẻ não tàn thì không ai dám khua chiêng gióng trống tỏ thái độ. Không biết thánh nhân sẽ lợi dụng cuộc hôn nhân này thế nào.
Đầu óc y toàn suy nghĩ những thứ quanh co phức tạp ấy, đến khi lễ nghi hoàn tất, y bước trên cung đạo quay về phủ thì thật sự gặp một kẻ não tàn. Ngay phía trước y là ma bệnh cửu hoàng tử Trịnh Bái đang chặn đường huynh muội Nguyên gia, nhìn từ xa có vẻ hắn đang chòng ghẹo tiểu nương tử người ta.
Vị huynh trưởng bên cạnh Nguyên Tứ Nhàn đỡ não tàn hơn cũng chẳng bao nhiêu, tính thẳng như ruột ngựa, chướng mắt liền toan chửi ầm lên, mặc kệ thân phận đối phương cao quý cỡ nào.
Lục Thời Khanh vốn không muốn xía vào, dẫu sao Nguyên Ngọc và y chẳng hợp, đã thế còn có cẩu oán với nhau. Lẽ ra y nên bàng quang nhìn Nguyên Ngọc đắc tội Trịnh Bái. Song y nghĩ, gần đây Trịnh Trạc có ý lôi kéo Nguyên gia, Nguyên Ngọc gây sự cũng đồng nghĩa chuốc rắc rối cho họ, bởi thế y bước nhanh tới trước khi xảy ra tranh cãi, cất tiếng cười nói:
– Cửu điện hạ, hóa ra ngài ở đây.
Y vừa lên tiếng, huynh muội Nguyên gia và Trịnh Bái đều cùng nhìn sang. Y nhìn thoáng qua cả ba người, lần lượt hành lễ với họ rồi nói với Trịnh Bái:
– Dọc đường đến đây, thần thấy thái giám của ngài đang tìm ngài khắp nơi, hình như có việc gấp đấy ạ.
Trịnh Bái bị ngắt ngang chuyện tốt, không vui hỏi:
– Việc gấp gì?
Y thản nhiên đáp:
– Thần không biết, hình như là thánh nhân cho mời thì phải.
Trịnh Bái bán tín bán nghi nhìn y, cuối cùng lên kiệu rời đi, trước khi đi còn để lại một câu:
– Tứ Nhàn biểu muội, lần sau chúng ta lại hàn huyên tiếp nhé.
Y thấy khóe môi Nguyên Tứ Nhàn giật giật, vẻ mặt “hàn huyên con khỉ mốc” thì không ở lại lâu, gật đầu cáo từ huynh muội Nguyên gia, lúc xoay người rời đi, y nghe nàng nhỏ giọng hỏi:
– A huynh, người đó là ai vậy?
Nguyên Ngọc thuận miệng giới thiệu:
– Môn hạ thị lang trong triều, họ Lục.
Kế đó, gió xuân tháng hai đưa lời khen của nàng đến tai y:
– Ồ, đẹp trai đấy.
Ấn tượng của y về Nguyên Tứ Nhàn dừng lại ở câu khen ấy gần hai năm, lần thứ hai gặp lại là cuối năm sau, lúc tuyết bay trắng xóa giữa mùa đông giá lạnh.
Trong hai năm ấy, Trịnh Trạc đã thành công lôi kéo được Nguyên Ngọc. Nhân cơ hội cuối năm Nguyên gia vào kinh theo lễ chế, y dùng thân phận lão sư đến nhà thăm hỏi và bàn một mối hôn nhân.
Trước đó, Huy Ninh Đế có ý muốn Nguyên Tứ Nhàn gả cho Trịnh Trạc. Trịnh Trạc liền chọn tương kế tựu kế, tiến thêm một bước củng cố mối quan hệ với Nguyên gia. Thế là y bị phái đi làm việc của ông mai, trổ tài ăn nói để thể hiện thành ý.
Hôm đó tuyết vừa ngừng rơi, huynh muội Nguyên gia đang đắp tuyết trong Nguyên phủ. Nguyên Tứ Nhàn lạnh đến mức mặt đỏ bừng, vo chặt từng nắm tuyết ném Nguyên Ngọc không biết mệt, cười đùa vui vẻ. Nhưng Nguyên Ngọc đâu dám ném lại nàng kiểu vậy, sợ làm nàng bị thương nên chỉ tránh tới tránh lui, vo những nắm tuyết xốp ném trả nàng một cách tượng trưng.
Thấy cảnh đó, Lục Thời Khanh chợt hơi chùn bước, cảm thấy mình phải chăng hơi tàn nhẫn.
Một nữ tử được người nhà thương yêu chiều chuộng, dẫu gần 17 tuổi vẫn rực rỡ như trẻ thơ, thế mà sắp bị cuốn vào bóng tối vô biên.
Y do dự rồi vẫn nhấc chân bước đến thư phòng Nguyên Dị Trực, nói những lời mà một chính khách nên nói. Xong xuôi bước ra, y gặp Nguyên Tứ Nhàn bưng cháo đến cho Nguyên Dị Trực.
Có lẽ nàng đã nghe Nguyên Ngọc giới thiệu nên biết y là ai, vừa gặp liền chào “ngưỡng mộ đã lâu”, đôi mắt hoa đào cong tựa vầng trăng khuyết, nàng cười rất lịch thiệp và có hơi giảo hoạt.
Nghĩ tới mục đích chuyến đi này, y chợt thấy nụ cười của nàng hơi chói mắt khiến lòng mình hổ thẹn.
Y không tỏ chút nhiệt tình nào, chỉ gật đầu chào theo phép lịch sự.
Cũng chính vào lúc ấy, nàng hỏi y có lạnh không.
Y đáp “Từ mỗ không lạnh, đa tạ huyện chúa quan tâm” xong liền cáo từ rời đi.
Lúc đó y cảm thấy mình làm chuyện không lỗi lạc nên lòng đầy khinh bỉ và giá buốt, sao không lạnh cho được.
Gió tuyết thổi phồng tay áo mà sống lưng y thẳng tắp, bước chân không hề ngay thẳng.
Tuy lúc ở thư phòng, Nguyên Dị Trực từ chối khéo, nói không muốn gả nữ nhi vào hoàng thất, dính líu đến những chuyện tranh giành đấu đá, nhưng y biết kỳ thực chuyện này không có chỗ thương lượng. Dẫu sao thánh nhân đã quyết ý muốn giữ Nguyên Tứ Nhàn, và sau khi cân nhắc thì ông ta đã chọn đối tượng “an toàn” không có quyền thế là Trịnh Trạc.
Hôm nay y đến làm thuyết khách chẳng qua chỉ là hình thức, tranh thủ giúp Trịnh Trạc tỏ thái độ trước khi thánh nhân ra tay mà thôi, như vậy khi ý chỉ ban hôn hạ xuống sẽ không tới nỗi rơi vào cảnh lúng túng bị động.
Chưa được mấy ngày, quả nhiên thánh chỉ được ban ra, Huy Ninh Đế ban hôn cho hai người.
Biết Nguyên gia vẫn chưa một lòng với Trịnh Trạc ắt hẳn sẽ có suy nghĩ về thánh chỉ này, y định ghé thêm một chuyến với thân phận lão sư để động viên an ủi, không ngờ hôm sau có quân báo từ tây nam truyền đến nói Điền Nam xảy ra chiến tranh, Nam Chiếu dấy binh xâm lược.
Thứ nhất là biên quan nguy cấp, thứ hai là Nguyên gia gặp phải khó khăn, y bèn tự xin đi đàm phán, xuất phát ngay giao thừa, tháng hai mới trở về. Ngày y về, Trịnh Trạc gặp y ở Từ trạch, hỏi y hồi ở quân doanh Nam Chiếu có thấy một chiếc nhẫn nữ bằng ngọc hay không.
Y nói có thấy và thái độ của Tế Cư hơi lạ, y định sẽ về kinh tra rõ.
Trịnh Trạc bảo khỏi tra, chuyện này do vị hôn thê của hắn làm.
Vị hôn thê của Trịnh Trạc, tức Nguyên Tứ Nhàn.
Lục Thời Khanh hỏi kỹ, Trịnh Trạc giải thích, hôm mồng một tháng giêng khi hắn và các hoàng huynh hoàng đệ thỉnh an mừng tuổi Huy Ninh Đế ở Đại Minh cung thì nghe thái giám báo Nguyên Tứ Nhàn vào cung tìm hắn, đang chờ ở bên ngoài.
Huy Ninh Đế vui vẻ cho phép hắn rời đi trước. Gặp Nguyên Tứ Nhàn, hắn mới biết nàng tới vì Thiều Hòa, mong hắn giúp nàng hẹn công chúa Thiều Hòa ra gặp mặt ở phường An Hưng vào buổi trưa.
Trịnh Trạc nói ban đầu hắn không quá để ý, vì phép lịch thiệp nên cũng không hỏi nguyên do, thầm nghĩ đã là hôn phu hôn thê với nhau, giúp chút chuyện vặt là lẽ đương nhiên. Khi nghe thám tử báo Nguyên gia đưa một vật bí mật rời Trường An ngay trong đêm, hắn mới nhận ra điều bất thường, kiểm chứng lại thì biết Nguyên Tứ Nhàn xin Thiều Hòa một chiếc nhẫn ngọc để giúp Lục Thời Khanh đàm phán.
Lục Thời Khanh nghe xong hiểu ngay, hỏi:
– Sao nàng lại giúp ta?
Trịnh Trạc lắc đầu:
– Hôm nay ta tới là để hỏi ngươi chuyện này, giữa hai người có giao tình gì à?
Y bảo “không” rồi nói tiếp:
– Chỉ vì chuyện này mà ngươi bứt rứt chờ ta hai tháng? Ngươi hỏi nàng luôn chẳng phải xong à?
Trịnh Trạc:
– Chuyện này nàng không trực tiếp nhờ ta giúp, chứng tỏ chưa tin tưởng ta hoàn toàn, nếu ta hỏi, chẳng phải là không hiểu phong tình sao?
Lục Thời Khanh nói “ngươi cũng biết ngươi không hiểu phong tình à”, sau đó nghĩ ngợi rồi nói tiếp:
– Có lẽ ta đi đàm phán lần này cũng xem như giải vây cho Nguyên gia nên xuất phát từ đạo nghĩa mà nàng giúp ta một tay.
Dứt lời, y cau mày nhớ ra một chuyện:
– Ồ, chẳng lẽ là chuyện năm ngoái?
Trịnh Trạc hỏi chuyện gì, y bèn kể năm ngoái y nói dối lừa Trịnh Bái, giúp nàng giải vây ở Đại Minh cung.
Trịnh Trạc cảm khái cô huyện chúa này là người ngay thẳng, có qua có lại, giúp nàng chuyện nhỏ mà nàng cũng báo đáp rất nồng hậu.
Y nghe thấy không thoải mái, đáp:
– Ngươi bất bình thay nàng à? Ngươi phải biết, nếu không nhờ ta thì chưa chắc giờ nàng là vị hôn thê của ai đâu.
Trịnh Trạc đấm đùa y một phát.
Cú đấm ấy vừa khéo ngay ngực khiến y xuýt xoa.
Trịnh Trạc hoảng hốt hỏi:
– Vết thương tái phát à?
Năm ngoái Hoài Nam lũ lụt, y đi giúp cứu trợ thiên tai, trên đường về kinh gặp thích khách do Bình vương phái tới, bị đâm một nhát hiểm hóc.
Y gật đầu:
– Lần này đi Nam Chiếu hơi gấp, an dưỡng vài ngày là được.
Trịnh Trạc bảo y mau mau về nghỉ, lúc sắp đi lại nói:
– Có cơ hội nhớ tới đa tạ huyện chúa người ta đấy.
Do Nguyên Tứ Nhàn có hôn ước với Trịnh Trạc nên không theo Điền Nam vương về Diêu Châu mà đang ở kinh thành, bởi vậy chắc chắn có cơ hội, vả lại xét theo lễ tiết thì đa tạ cũng là điều nên làm.
Lục Thời Khanh đáp “được” rồi theo mật đạo trở về Lục phủ.
Đúng là nên làm, cũng đúng là biết ơn, nhưng bảo y chủ động giao thiệp với một tiểu nương tử, đây là điều y chưa từng làm suốt 23 năm cuộc đời. Quan trọng hơn cả nỗi khó chịu trong lòng là nếu trực tiếp đến nhà thì quá lộ liễu, dù sao thân phận không thích hợp.
Y suy tính chuyện này như suy tính chuyện tranh đấu triều đình, sau khi cân nhắc đủ điều lợi hại, y lựa chọn phương pháp ít gây chú ý nhất: mấy ngày nữa là 14 tháng 2 – tết hoa triều, trước hôm đó, Trịnh Trạc tổ chức tiệc lưu thương ở phủ hoàng tử, Nguyên Tứ Nhàn hẳn sẽ tham dự với tư cách vị hôn thê. Y vốn không hứng thú tham gia nhưng lần này đành miễn cưỡng đi.
Ngày 14 tháng 2, y chịu đựng cả buổi suýt ngủ gục nghe những nhân sĩ nhàm chán tỉ thí võ mồm, nhìn Trịnh Trạc ở ghế trên ăn trái cây cười cười nói nói với Nguyên Tứ Nhàn, mãi tới khi một người tên Đậu A Chương thắng đến cuối cùng, buổi tiệc mới kết thúc.
Tan tiệc, y cố ý nán lại, canh thời cơ Nguyên Tứ Nhàn nói lời từ biệt Trịnh Trạc, chuẩn bị về phủ.
Có lẽ Trịnh Trạc vốn định đưa Nguyên Tứ Nhàn về phường Thắng Nghiệp nhưng không nói do nhìn thấu ý đồ muốn đa tạ của y. Y bèn nắm chắc cơ hội đi theo, thầm nghĩ phải lên tiếng chào hỏi thế nào cho tự nhiên, không làm bộ làm tịch.
…Huyện chúa, cô ở đây à, đang chuẩn bị về phủ nhỉ?
…Sao huyện chúa ở đây một mình thế, điện hạ không tiễn cô sao?
…Huyện chúa…
Vừa nghĩ tới đây, người phía trước đột nhiên dừng bước, xoay người nhìn y, chớp mắt khó hiểu: