Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 36: Có Đói Mới Thương Người Đói Khổ -không Tù Sao Hiểu Chốn Tù Lao




Đêm trước, sau khi Ngọc-Như-Ý đàn ca hầu Càn-Long xong, nhà vua sung sướng uống luôn mấy chung rượu Hoàng-Hoa-Cúc.
Ngọc-Như-Ý nhoẻn miệng cười duyên nói:
-Em phục thị lão gia yên ngủ nhé?
Càn-Long cười thích chí, gật đầu. Ngọc-Như-Ý liền cởi y phục, dìu Càn-Long lên giường. Rượu đã ngà ngà say, nhưng men tình càng thêm đậm. Càn-Long nắm tay Ngọc-Như-Ý, nàng nhỏ nhẹ nói:
-Em ra ngoài một chút, sẽ vào hầu lão gia ngay. Chờ em nhé!
Càn-Long đặt đầu lên gối. Mùi hương phảng phất êm dịu, tâm hồn nhà vua như lạc vào cõi mộng. Giữa lúc ấy đột nhiên có tiếng động trước giường. Càn-Long ngỡ là Ngọc-Như-Ý trở vào, nhắm mắt gọi:
-Nàng ơi! Sao ra ngoài lâu thế? Đêm xuân một khắc ngàn vàng. Được hoa để đó, sao nỡ để chàng nằm êm?
Không nghe tiếng trả lời, Càn-Long mở mắt ra nhìn. Bức màn vén nửa, một đầu người ló vào. Dưới ánh đèn mờ, Càn-Long thấy một bộ mặt người bằng da, hai mắt sáng như sao. Tưởng là mình hoa mắt, Càn-Long cố mở mắt ra hết cỡ để nhìn lại cho rõ.
Một lưỡi đao chĩa ngay vào yết hầu Càn-Long, rồi một giọng nói vang lên chỉ vừa đủ nghe:
-Im mồm! Ngươi mà la lên một tiếng, ta lập tức tặng cho một đao!
Càn-Long nghe nói tỉnh cả rượu, sợ hãi không dám hé môi. Người ấy móc ra một cái khăn nhét vào miệng Càn-Long, sau đó cuốn chặt thân hình Thanh-đế vào tấm vải lót đầu giường, vác lên vai đi thật nhanh nhẹn.
Càn-Long ở trong tấm vải không kêu la được, mà cũng không cử động được, và cũng chẳng trông thấy đưọc gì. Rồi nhà vua có cảm tưởng là người ấy đi từng bước một xuống thật sâu, như vô tận. Mũi Càn-Long như ngửi thấy mùi bùn. Đi một lúc khá lâu, Càn-Long lại có cảm giác như người ấy đi từng bước một lên cao. Càn-Long lúc đó chợt tỉnh ngộ, biết được người ấy đang ở dưới đường hầm được đào sâu vào trong lòng đất, tiến lên đột ngột bắt cóc mình rồi lại đem xuống dưới hầm mà đi ra bên ngoài. Cái mưu kế này thật là hết sức độc đáo, qua mặt được tất cả cao thủ và quan binh.
Bỗng Càn-Long nghe thân thể bị chấn động, bánh xe lăn vòng trên mặt đất thì hiểu ngay mình bị bỏ vào một cỗ xe ngựa. Xe càng chạy, thân thể Càn-Long càng bị chấn động dữ dội. Rồi hình như đường như lên dốc mỗi lúc mỗi cao. Xe chạy một lúc thật lâu rồi mới ngừng hẳn.
Người kia quàng ⬘cái bao vải⬙ lên vai xách vua Càn-Long xuống khỏi xe, dùng khinh công chạy vùn vụt. Chạy một hồi khá lâu, người kia mới dừng lại, ném bao vải đựng Càn-Long xuống đất, sau đó mới từ từ mở bao vải hé ra một chút ở phía trên đầu.
Cảnh vật chung quanh tối đen, chẳng thấy được gì cả. Nghe văng vẳng, chỉ có tiếng gió thét và tiếng sóng gào. Tiếng gió càng lúc càng thổi mạnh, và rồi một trận cuồng phong kéo tới.
Càn-Long hồi hộp vô cùng, định đưa tay lên dụi mắt để xem thử nơi này là chốn nào thì một giọng nói thật lớn vang lên ngay bên tai:
-Cử động là chết ngay!
Càn-Long sợ hãi, không dám nhúc nhích gì nữa. Gió lần hồi lặng trở lại. Càn-Long trông rõ được mình đang bị nhốt trong một gian nhà nhỏ. Có hai người đang ngồi cầm đũa ăn mì ăn ngon lành, húp nước nghe ⬘xùm xụp⬙.
Trọn đêm bị đưa đi mệt nhọc, bụng Càn-Long đói như cào. Mùi thơm ngon từ tô mì bốc lên mũi làm Càn-Long thèm đến chảy nước miếng. Nhà vua định lên tiếng xin một tô thì chợt thấy một người vào đặt thêm một tô mì nữa lên bàn nói:
-Ngươi ăn tô mì này đi. Không có thuốc độc đâu mà sợ.
Càn-Long cả mừng, định đứng dậy lại bàn ngồi ăn bỗng cảm thấy thân hình mình như lành lạnh trống trải, chợt nhớ ra là hôm qua mình bị Ngọc-Như-Ý cởi hết y phục ra. Giờ chỉ có tấm vải kia để che thân, nếu bước ra ngoài ắt phải lõa lồ thân thể.
Đang do dự chưa biết phải làm gì bỗng một người với vẻ mặt dữ tợn nói lớn:
-Nếu ngươi sợ mì có thuốc độc thì để ta ăn vậy!

Dứt lời, y bưng tô mì lên ăn ngấu nghiến, húp nước một cách ngon lành, chỉ trong nháy mắt đã sạch cả cái lẫn nước.
Càn-Long đánh bạo lên tiếng hỏi:
-Phải chăng anh là người của Hồng Hoa Hội?
Người kia gật đầu đáp:
-Đúng vậy! Ta là người của Hồng Hoa Hội, ngoại hiệu Quỷ-Kiến-Sầu.
Càn-Long hỏi:
-Tôi không có quần áo trên người. Cho tôi mượn một bộ.
Người kia, tức Quỷ-Kiến-Sầu Thạch-Song-Anh ⬘hừ⬙ một tiếng nói:
-Thì cởi truồng! Đâu ai có dư đồ cho ngươi mượn!
Càn-Long nói:
-Tôi cần gặp mặt Trần tổng đà-chủ của anh!
Có lẽ trong đời, đây là lần đầu tiên Càn-Long phải xuống nước, hạ mình cầu người thay vì dùng uy quyền hống hách. Thế nhưng Thạch-Song-Anh vẫn lạnh lùng, mặt lạnh như tiền đáp:
-Văn tứ ca của chúng ta bị ngươi bắt cầm tù khổ sở, bị trọng thương còn chưa khỏi. Anh em Hồng Hoa Hội từ nhỏ đến lớn ai ai cũng muốn giết ngươi. Tổng-Đà-Chủ còn bận tìm danh y cứu chữa cho Văn tứ ca, đâu có thì giờ rảnh để gặp ngươi! Chờ thương tích của Văn tứ ca lành hẳn thì may ra mới gặp ngươi nói chuyện sau.
Càn-Long nghe nói thì hết sức lo ngại, không biết chừng nào thương tích Văn-Thái-Lai mới lành lại. Đang bối rối trong lòng thì Thiết-Tháp Dương-Thanh-Hiệp nhìn nhà vua căm phẫn nói:
-Văn tứ ca mà có mệnh hệ gì thì ngươi phải đền mạng đấy!
Càn-Long nghe nói làm thinh, lẳng lặng không nói gì cả. Rồi người này nói qua, người kia nói lại, hết chửi triều đình Mãn-Thanh dày xéo giang san của người Hán lại chửi đến Hoàng-Đế sai đám quan lại cùng bọn ⬘ưng khuyển⬙ tàn sát lương dân.
Thạch-Song-Anh thuở bé bị địa-chủ ức hiếp tàn bạo dã man, phải chịu nhục đủ điều, oán hận đến thấu xương nên chửi nhiều hơn ai hết. Mỗi câu chửi như một gáo nước tạt mạnh vào mặt Càn-Long khiến nhà vua sợ mất mật, không dám hó hé gì cả.
Đến giờ Ngọ, Mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường đến thay phiên. Hai người vừa ăn cơm vừa phê bình đả kích những cực hình của quan lại triều đình dùng để tra tấn dânh lành nhằm mục đích ăn hối lộ cũng như bóc lột, cướp đoạt tài sản.
Chiều xuống, hai anh em họ Thường vào đổi phiên canh gác. Hai người bày tiệc rượu ăn uống vui vẻ, ngon lành. Họ kể lại những chuyện báo thù tàn khốc của nạn nhân trong giới giang hồ đối với đám quan lại triều đình.
Càn-Long sợ toát cả mồ hôi. Nhà vua muốn bịt tai lại chẳng muốn nghe, nhưng tính hiếu kỳ lại nổi dậy thành thử không muốn nghe cũng chẳng được.
Anh em Tây-Xuyên Song-Hiệp canh gác đến sáng thì lại đổi phiên cho Triệu-Bán-Sơn và Vệ-Xuân-Hoa. Càn-Long thấy một người mặt mũi hiền từ và một người dung mạo tuấn tú, khác hẳn hai anh em họ Thường thì cũng thấy vững bụng hơn một chút.
Sau một này bị bỏ đói, Càn-Long không chịu nổi bèn lên tiếng nói với Triệu-Bán-Sơn:
-Làm ơn nói giùm một tiếng cho tôi gặp mặt Tổng-Đà-Chủ của các người.
Triệu-Bán-Sơn đáp:
-Tổng-Đà-Chủ hôm nay vắng mặt. Chừng nào trở về tôi sẽ nói hộ cho nhà vua.
Càn-Long lại nghĩ tình trạng này mà kéo dài thì không biết liệu mình còn sống nổi vài hôm nữa không nên đành phải lên tiếng năn nỉ:
-Có gì cho tôi ăn chút đỉnh, đói bụng quá!
Triệu-Bán-Sơn đáp:
-Cái đó thì được.
Tam đương-gia lên giọng như một quan đại thần truyền lệnh, nói với Vệ-Xuân-Hoa:
-Đức vạn tuế cần dùng ngự-thiện, mau bày yến tiệc cho thật linh đình.
Vệ-Xuân-Hoa vâng lời đi ra.
Càn-Long cả đẹp, lại bảo:
-Ngươi sai đem cho trẫm một bộ y phục.
Triệu-Bán-Sơn lại tiếp tục truyền lệnh:
-Đức vạn tuế cần ngự y, mau đem cẩm bào đến.
Càn-Long vui vẻ nói:
-Khanh tốt lắm, vừa theo ý của quả-nhân. Khanh hãy cho biết tên họ để sau này quả nhân trọng thưởng.
Triệu-Bán-Sơn chỉ cười không đáp. Càn-Long nhìn kỹ, chợt ⬘à⬙ lên một tiếng nói:
-Trẫm nhớ ra rồi! Khanh có tài phóng ám khí có một không hai trên đời.
Mạnh-Kiện-Hùng mang đến một bộ quần áo quăng dưới đất. Càn-Long xem thử, thấy đó là một bộ y phục của người Hán dưới triều Minh.
Thấy Càn-Long do dự, Triệu-Bán-Sơn nói:
-Chúng tôi ở đây chỉ có một loại quần áo đó thôi. Nếu nhà vua không chịu mặc thì tôi cũng đành chịu chứ không biết phải làm thế nào cho vừa lòng người!
Càn-Long thầm nghĩ mình là Hoàng-Đế Mãn-Thanh là mặc vào y phục của người Hán thì thật là khó coi. Nhưng nếu không chịu mặc thì không lẽ lại cởi truồng, như thế lại càng khó coi hơn nữa! Nghĩ như vậy, Càn-Long không đắn đo nữa, bèn mặc ngay y phục vào.
Mặc xong quần áo vào người, Càn-Long ra đứng bên cửa sổ nhìn ra song sắt. Sông nước chảy dài, xa xa có những cánh buồm lô nhô. Chung quanh là cây cỏ xanh tươi, có những thửa ruộng từng lớp chằng chịt tựa như bàn cờ. Càn-Long không còn nghi ngờ gì nữa, biết mình đang bị giam giữ trên núi. Thật ra, đây là Lục-Hòa bảo tháp, cao vời vợi đến 32 tầng, một ⬘kỳ-quan⬙ của Hàng-Châu, được xây ngay trên bến bờ Giang-Nam.

Vài giờ sau, có người vào báo với Triệu-Bán-Sơn:
-Yến tiệc đã dọn xong. Xin thỉnh Đức vạn tuế vào dùng đồ ngự thiện.
Triệu-Bán-Sơn và Vệ-Xuân-Hoa đưa Càn-Long xuống tầng thứ nhất của tháp. Ngay chính giữa có đặt một chiếc bàn tròn, bên trên là chén đũa, đĩa muỗng được sắp ngay ngắn, sạch sẽ, với người ngồi đầy chung quanh, chỉ chừa lại ba chỗ trống. Trông thấy Càn-Long, tất cả mọi người đứng dậy vòng tay thi lễ, cung kính, tiếp đãi niềm nở. Thấy mọi người như thay đổi thái độ, Càn-Long mừng thầm trong bụng.
Vô-Trần Đạo-Nhân nói:
-Tổng-Đà-Chủ của chúng tôi cho biết lần thứ nhất gặp Hoàng-Thượng đã mười phần kính mến, xem như người nhà thân thuộc nên mới có ý định rước long thể lên tháp chơi vài ngày để hàn huyên tâm sự thật nhiều. Chẳng ngờ có việc xảy đến bất ngờ nên Tổng-Đà-Chủ bắt buộc phải đi nên tạm nhờ tôi thay mặt mà tiếp đãi, hầu hạ Hoàng-Thượng trong những ngày tới.
Càn-Long chỉ còn biết ậm ừ rồi ngồi lặng thinh chứ chẳng biết phải nói gì cho hợp tình hợp lý nữa.
Vô-Trần Đạo-Nhân mời Càn-Long lên ghế đầu. Càn-Long không khiêm nhượng khách khí, ngồi ngay xuống. Nhà vua nhìn trong bàn tiệc thấy có đủ tất cả các hạng người. Già có, trẻ có. Nam có, nữ có. Những mặt mũi khôi ngô cũng có, mà dữ dằn như hộ pháp cũng không thiếu.
Người hầu dâng hồ rượu lên. Vô-Trần Đạo-Nhân đón lấy, rót vào chung nói:
-Anh em chúng tôi đều là hạng người thô lỗ, không rành cách thức hầu hạ Hoàng-Thượng, xin ngài thứ lỗ cho.
Rượu vừa rót đầy vào chung, Vô-Trần bỗng biến sắc nạt tên hầu:
-Hoàng-Thượng xưa nay có dùng cái thứ rượu nhạt này bao giờ? Mau đem thứ ngự tửu thượng hảo hạng ra đây!
Tiện tay, Vô-Trần Đạo-Nhân hất trọn chung rượu vào mặt tên hầu bàn. Hắn sợ run lên nói:
-Ở đây chỉ có loại rượu này. Để tiểu nhân lập tức xuống thành mua loại rượu thượng hảo hạng.
Vô-Trần Đạo-Nhân lại hét lớn:
-Đi cho mau! Cái thứ rượu nhạt này thì chỉ để cho bọn ta dùng mà thôi, cớ sao lại dám dâng cho Hoàng-Thượng? Thật là to gan!
Từ-Thiện-Hoằng sau đó rót rượu cho tất cả mọi người, trừ vua Càn-Long. Lát sau, bốn tên hầu tiệc lại bưng lên bốn món thức ăn nóng hổ, bốc hơi nghi ngút. Chỉ ngửi thấy mùi thơm cũng đủ thấy thèm rồi. Một món là ⬘Thanh sao giả nhân⬙, một món ⬘Đường cam bài cốt⬙, một món ⬘Tá tựu lý ngư⬙ và một món ⬘Sinh sao kế phiến⬙. Toàn là những thức ăn vừa ngon lại vừa bổ, chỉ có hạnh người cao sang quyền quý, đại phú hộ mới dám ăn mà thôi.
Vô-Trần Đạo-Nhân lại nhăn mặt, nạt tiếp:
-Tên đầu bếp nào nấu những món ăn này?
Gã đầu bếp được gọi ra, run rẩy bước tới thưa:
-Tiểu nhân đây lãnh trách nhiệm ấy.
Vô-Trần Đạo-Nhân sa sầm nét mặt nói:
-Mi là hạng người gì mà dám đảm đang chuyện này? Những món bình dân thế này mà cũng nấu được cho Hoàng-Thượng ngự à? Còn không mau mời Trương-An-Quan, đầu bếp cưng của Hoàng-Thượng đến đây đảm nhiệm?
Càn-Long nói:
-Ta thấy các món ăn này đều là những món ngon khó tìm cả. Tên đầu bếp này không vụng về chút nào đâu.
Càn-Long quá đói, cầm đũa định gắp thức ăn thì Lục-Phỉ-Thanh ngầm sử dụng nội công, dùng đôi đũa cản lại nói:
-Đồ ăn này không được tinh khiết lắm. Hoàng-Thượng không nên dùng. Hãy chờ món khác!
Đôi đũa của Lục-Phỉ-Thanh vừa chạm trúng đũa mình, Càn-Long cảm thấy cánh tay tê rần lại, buông rơi đôi đũa xuống bàn.
Càn-Long đỏ mặt, xấu hổ ngồi im. Vô-Trần Đạo-Nhân khen:
-Ngoại hiệu Miên-Lý-Châm quả nhiên ⬘danh bất hư truyền⬙. Trương-Siêu-Trọng võ nghệ cao cường, nội công thâm hậu nhưng coi bộ phải nhượng sư huynh y một bước rồi đó.
Mọi người sau đó cùng nhau ăn uống no say, bỏ mặc Càn-Long ngồi đói bụng nhìn mồm. Từ-Thiện-Hoằng lại gọi đầu bếp ra bảo:
-Ngự-thiện đã nấu xong chưa? Hoàng-Thượng đói bụng lắm rồi đó!
Tên đầu bếp bỏ đi, tên hầu bàn lại đem trà ngon đến. Từ-Thiện-Hoằng rót trà mời Càn-Long nói:
-Trà này cũng khôn đến nỗi tệ. Hoàng-Thượng có thể dùng đỡ được.
Càn-Long uốn cạn hai chung trà, bụng lại cành thêm đói. Nhà vua giận lắm nhưng vẫn không tỏ một chút nào ra mặt. Triệu-Bán-Sơn ôn tồn nói:
-Chúng tôi đã sai dọn bàn tiệc khác, Hoàng-Thượng chịu khó đợi thêm một chút.
Hai giờ sau, vua Càn-Long ngửi thấy một mùi thịt dê nướng thơm phức, nhận ngay ra là một món ăn ưa thích của mình thường do ngự trù Trương-An-Quan làm. Nhà vua ngạc nhiên nghĩ thầm:
-"Không lẽ bọn này bắt Trương-An-Quan đến đây nấu nướng cho mình ăn thật hay sao?"
Trong bụng vua Càn-Long còn đang hoài nghi thì Trương-An-Quan chạy tới cúi mọp người, khấu đầu tâu:
-Mời Hoàng-Thượng dùng ngự thiện.
Càn-Long lấy làm lạ hỏi:
-Sao mi đến đây?
Trương-An-Quan tâu:
-Nô tài đang xem kịch ở hí viện thì có người đế dẫn đi bảo Hoàng-Thượng cho đòi đến phục vụ làm nô tài hết sức vui mừng.
Càn-Long gật đầu mấy cái bước lại bàn ăn, thấy bày biện đủ các món ngon. Nào là ⬘tổ yến với gà con, vịt con và đậu hũ hầm⬙, một đĩa lớn; ⬘thịt dê nướng giá tréo⬙, một đĩa lớn; ⬘đông-duẩn (#1) hầm gà nấu với mì căng⬙, một tô đầy; ⬘gà rút xương nấu hột sen và bạch quả⬙, một tô; ⬘gan rùa dồn vi cá⬙ một đĩa; ⬘bào ngư tôm hùm nấu bắp cải⬙ một tô... Ngoài ra còn mười mấy thứ điểm tâm gồm các thứ bánh, mứt, trái cây đặc biệt khó tìm cả.
Càn-Long rất hài lòng. Vô-Trần Đạo-Nhân bước tới nói:

-Mời Hoàng-Thượng dùng ngự thiện.
Càn-Long chưa kịp cầm chén đũa lên thì một đàn mèo hoang từ cửa sổ bên ngoài phóng vào, con thì chụp món này, con thì tha món kia, tranh nhau ăn, hất hết cả đồ ăn xuống dưới đất. Rồi Châu-Ỷ từ đâu xách gậy vào điều khiển bầy mèo nhảy lung tung. Quần hùng cũng ùa tới cùng nhau hất sạch mấy món ăn tráng miệng rồi cùng nhau giải tán. Thế là Càn-Long bị bỏ đói thêm ngày thứ hai...
Suốt hai ngày, Phúc-Khang-An, Lý-Khả-Tú cùng các quan đại thần, cũng như Bạch-Chấn cùng đám thị vệ nghĩ đủ ⬘trăm phương ngàn kế⬙ mà vẫn không sao tìm được tin tức gì của vua Càn-Long.
Sáng hôm thứ ba, Phúc-Khang-An mở một cuộc hội nghị khẩn cấp tại dinh Tuần-Vũ. Dù chưa tìm được biện pháp nào rõ rệt, tất cả đồng ý rằng không nên báo tin cho Hoàng-Thái-Hậu tin này, và quyết tâm tiếp tụ bỏ thêm công sức để tìm manh mối.
Đang lúc mọi người còn phân vân, bỗng nhiên Đoàn-Đại-Lâm mặt mũi xanh như tàu lá chuối, hốt hoảng chạy đến, ghé miệng nói nhỏ vào tai Bạch-Chấn.
Bạch-Chấn biến sắc đứng dậy hỏi:
-Có thật như vậy hay sao?
Phúc-Khang-An hoang mang hỏi:
-Việc gì thế?
Đoàn-Đại-Lâm đáp:
-Có 6 tên Ngự-tiền thị vệ của Hoàng-Thượng bị giết chết đêm qua.
Phúc-Khang-An sốt sắng nói:
-Mau đến đó điều tra! Vụ này chắc hẳn có liên quan đến việc Hoàng-Thượng bị bắt chứ chẳng sai!
Nghe Phúc-Khang-An nói, mọi người ai nấy đều đồng ý, cho là phải, liền theo Phúc-Khang-An tới nơi xem xét. Thì ra đó là nơi nghỉ chân của vua Càn-Long tại dinh Tuần-Vũ Hàng-Châu từ lúc đích thân đến thẩm vấn Văn-Thái-Lai.
Đoàn-Đại-Lâm đẩy mạnh cửa mở ra. Sáu tử thi của 6 tên Ngự-tiền thị vệ nằm ngổn ngang bên trong. Kẻ thì chết đâm, người thì chết chém, cũng có kẻ bị đập vỡ sọ. Vũ khí của cả 6 người còn nguyên trong vỏ, chứng tỏ thủ pháp của địch nhân lẹ làng đến nỗi không ai kịp rút binh khí ra để đối phó.
Bạch-Chấn nặn đầu nặn óc suy nghĩ một hồi, nói:
-Sáu anh em này toàng những tay cao thủ thượng thừa mà bị giết không kịp trở tay mới thật kỳ lạ!
Lý-Khả-Tú phát biểu ý kiến:
-Cứ xem tình huống này thì Hoàng-Thượng đã bị chúng mời đi. Nhưng sao lại còn giết 6 tên thị vệ? Như vậy chứng tỏ là có hai nhóm ra tay chỉ không phải một!
Phúc-Khang-Anh gật đầu nói:
-Lý tướng-quân nói rất có lý. Nhưng cũng khó mà biết được là một hay hai nhóm. Rất có thể chỉ là một mà thôi. Chúng ra tay giết 6 tên thị vệ trước rồi mới mời Hoàng-Thượng đi. Lý do, một là để họ không có cơ hội ra tay bảo vệ Hoàng-Thượng, và hai là để diệt khẩu, không cho ai biết được may mối nào.
Bạch-Chấn nói:
-Một điều chúng ta biết rõ ràng nhất là cho dù một hay hai nhóm thì chúng đều là phản thần cả. Hồng Hoa Hội đương nhiên là có gan làm những chuyện tày trời như thế này, nhưng căn cứ vào thủ pháp giết người thì quyết không phải là cách cao thủ vĩ lâm tại Giang-Bắc hay Giang-Nam được. Vì vậy, tôi có thể kết luận một điều chắc chắn là không phải Hồng Hoa Hội ra tay giết 6 anh em thị vệ này.
Xem xét các tử thi thêm một lượt, Bạch-Chấn liền nhờ Lý-Khả-Tú mời cho mình một người thợ săn. Lý-Khả-Tú liền gọi ba người thợ săn, dắt tổng cộng 6 con chó săn đến gặp Bạch-Chấn, đồng thời chuẩn bị 3000 xạ thủ sẵn sàng.
Bạch-Chấn truyền cho mấy người thợ săn cho bầy chó ngửi qua 6 tử thi một lượt rồi kéo nhau đi thẳng đến bờ hồ. Đến bờ hồ, 6 con chó săn dùng mũi đánh hơi rồi nhìn Tây-Hồ sủa vang lên nghe đinh tai nhức óc rồi cứ nhắm phía ven hồ mà chạy mãi.
Bạch-Chấn khẽ gật đầu. Quả nhiên nơi chỗ bùn lầy ẩm thấp có dấu chân người và chân chó rõ in rõ rệt. Bầy chó săn lại tiếp tục đánh hơi tại chỗ Càn-Long lên bờ tối hôm đó rồi quay luôn một mặt trở về thành nội. Bầy chó sau đó đi chậm rãi, vừa đi vừa đánh hơi rồi dẫn mọi người đến thẳng nhà Ngọc-Như-Ý. Trong nhà vốn có quân lính canh gác nhưng bỗng nhiên im lìm vắng ngắt, không một tiếng động.
Mọi người bước vào trong, thấy ngay xác hai thị vệ cùng một số quân lính nằm chết ngổn ngang. Chẳng một tử thi nào còn lưỡi. Trên yết hầu của nhiều tên quân còn in rõ ràng vết răng của chó cắn.
Bạch-Chấn quan sát các vết thương của nạn nhân một hồi, nghĩ thầm:
-Loại chó này cực kỳ hung ác, rất là cao lớn, không phải là loại chó thường mà là giống chó ngao ở ngoài quan ải hoặc giống chó săn hay chó sói tại vùng Tây-Bắc.
Bầy chó bỗng nhiên cào mạnh, sủa càng lúc càng lớn. Bạch-Chấn thấy khả nghi liền sai quân lính dùng đao đào sâu xuống chỗ có dấu chân chó cào để xem thử. Đào được mấy tấc bỗng nhiên có một tấm ván tự động bật lên. Dưới tấm ván là một tấm đá màu trắng như một nắp hầm.
Bạch-Chấn la lớn:
-Mau cậy tấm đá lên!
Quân lính ra sức nậy một hồi giở cao tấm đá lên, quả nhiên là một nắp hầm. Bên dưới là một đường hầm rộng lớn.
Lúc đó, Lý-Khả-Tú và Bạch-Chấn mới hiểu tại sao huy động bao nhiêu quân mã canh gác nghiêm ngặt như thế mà thích khách vẫn chui lọt vào được...
Chú thích:
(1-) Đông duẩn: một loại măng non mọc vào mùa đông.