Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 97: Vị khách quý thực sự



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

A Viên từng nói, đồ ăn trong quán chúng ta ngon như vậy, cho dù có hấp dẫn được thánh thượng đến thì cũng chẳng phải chuyện lạ. Ai mà ngờ được lời này thế mà lại thành thật.

Bách tính thành Trường An này có ai mà chưa từng nghe qua vài đoạn chuyện thiên tử cải trang vi hành chứ? Trong đó được lưu truyền rộng rãi nhất là về Huyền Tông. Kể rằng vị thiên tử phong lưu Đường Huyền Tông này đi dạo tới Đông Thị, trước tiên là xem ca vũ và tạp kỹ nuốt kiếm của người Hồ, sau đó uống một bát bơ sữa ở cửa hàng lâu đời của Khâu gia, lại có chuyện kể là ăn cơm anh đào ở Phức Hương Trai, đương nhiên cũng có chuyện kể là vừa uống bơ sữa vừa ăn cơm anh đào, sau đó tới phường Bình Khang nghe hát, và ở nơi đó đã gặp một vị vừa có vẻ đẹp của Dương Phi lại vừa có tài của Mai phi…

* Dương phi tức Dương Quý phi Dương Ngọc Hoàn, một trong tứ đại mỹ nhân thời cổ đại của Trung Quốc. Mai phi hay Giang Mai phi là một phi tần của Đường Huyền Tông, là một tài nữ nổi tiếng và cũng là một nhạc công xuất sắc.

Phần sau đó thì mỗi người kể mỗi khác, phiên bản mà các cô nương trẻ tuổi nghe được đại khái đều là thánh thượng nổi hứng, đích thân đánh trống, bảo người kỹ nữ kia múa một khúc Nghê Thường vũ y – cho nên Nghê Thường vũ y ở phường Bình Khang từng được thiên tử đích thân chỉ bảo, gần như giống với điệu nhảy ở trong cung.

Còn câu chuyện được kể trên bàn tiệc của các lang quân thì ướt át hơn nhiều, thiên tử không thể thiếu một phen làm gì đó với người kỹ nữ kia, thậm chí còn có người kể quý phi ghen tuông xông tới tìm, bắt gian tại trận, còn hơn thế nữa là kể rằng kỹ nữ kia vốn là do quý phi cải trang, đây chẳng qua là thú vui khuê phòng của hai người mà thôi…

Ngoài Huyền Tông ra thì còn có Thái Tông, Cao Tông, Võ Hậu,… Ngay cả tiên đế cũng từng có một đoạn chuyện như vậy – kể rằng tiên đế gặp được một đạo sĩ tiên phong đạo cốt ở trên đường. Trong những câu chuyện này, quán rượu quán cơm thường chỉ xuất hiện như là vai phụ, nhưng lần này, Thẩm Ký lại là nhân vật chính đàng hoàng.

Qua năm mới rồi lại tới mồng bảy tháng giêng, kẻ lên triều thì lên triều, người làm ăn thì làm ăn, nhưng không khí ngày lễ thì vẫn còn nồng đậm, người đi đường cũng có vẻ lười biếng, gặp nhau vẫn cười híp mắt chúc mấy câu kiểu như “năm mới cát tường”.

Quán rượu Thẩm Ký ở Đông Thị đã qua giờ cao điểm đông khách, Thẩm Thiều Quang cũng lười biếng ngồi sau quầy vừa uống trà vừa nói chuyện với quản sự về việc mấy hôm nữa phải đổi thực đơn.

Rèm cửa được vén lên, đi vào là một nhóm bốn năm người, Thẩm Thiều Quang quay đầu nhìn sang, không khỏi sững ra.

Quản sự đã đi tới chào hỏi: “Các vị khách nhân năm mới cát tường. Các vị ngồi ở sảnh lớn lầu một hay là lên lầu hai? Ở lầu một thì tiện xem hí lộng, lầu hai thì thanh tĩnh, có bàn cao, còn có phòng bao thanh nhã tinh xảo.”

Thống lĩnh cấm quân Tần Tường cẩn thận hỏi: “Lục lang, chúng ta lên trên kia chứ?”

Hoàng đế gật đầu, cất bước đi về phía cầu thang dẫn lên lầu hai.

Tần Tường thì Thẩm Thiều Quang đã nhìn thấy từ xa hai lần, lại đối chiếu với khuôn mặt của hoàng đế ở trong trí nhớ, càng chắc chắn thêm về thân phận bọn họ. Mấy người còn lại đi theo phía sau hoàng đế thì nhìn dáng vẻ chắc là nội thị và cấm quân. Sau bọn họ lại lục tục có mấy người đi vào, có ngồi ở lầu một, có canh giữ ở lầu hai, đoán chừng ở ngoài cửa và trên đường cũng đều có.

Đoàn người này cũng không quá rêu rao, Trường An lắm quý nhân, khách khứa trong quán đều không để ý lắm, đều tập trung nghe màn biểu diễn của mấy người Trương nhị lang.

Trương nhị lang nghênh ngang dặn dò: “Ngươi đi nói với Hồ lục lang, bảo hắn mua thịt dê ngon một chút, chúng ta ăn lẩu, chỉ còn thiếu thịt dê nữa thôi.”

“Lại nói với Phùng tam lang, bảo hắn đưa tới một ít rau xanh và đậu phụ, chúng ta ăn lẩu, chỉ còn thiếu rau xanh và đậu phụ thôi.”

“Gọi Lý thất lang tới ăn lẩu, cứ nói là bọn Hồ Lục, Phùng Tam đều tới, chỉ thiếu hắn thôi, bảo hắn tiện thể mang con cá tới.”

“Phương nhị lang chôn được rượu nữ nhi tốt lắm, bảo hắn đừng có keo kiệt, mang tới đây một vò, để các vị huynh đệ cùng say một trận.”

“Ngươi nhất định phải dặn Chu Tứ, bảo hắn rẽ qua Thẩm Ký mua một ấm nước lẩu, thiếu cái này thì có nhúng gì cũng chẳng có mùi vị!”



A Đậu sắm vai nô bộc hỏi: “Nếu đã là a lang mời khách, vậy chúng ta phải chuẩn bị cái gì? Để nô cũng mua luôn.”

Trương nhị lang “điều binh khiển tướng” vẫn bình chân như vại mà nói: “Bắc sẵn lò nấu nước sôi là được.”*

* Một câu chuyện cười kinh điển về món lẩu ở trên mạng. [tác giả]

Các vị thực khách đều cười to, hoàng đế ngồi cạnh lan can lầu hai cũng phì cười, đám nội thị và cấm quân cũng cười theo.

Quản sự quay lại quầy lấy thực đơn, Thẩm Thiều Quang nhân cơ hội dặn dò hắn mấy câu, sau đó tự mình đi vào bếp.

Trên mặt hoàng đế có ý cười, hỏi quản sự của quán rượu: “Quý quán còn bán nước lẩu mang về sao?”

Quản sự cười nói: “Đúng là có bán, có không ít khách nói rằng ở nhà không làm ra được mùi vị như ở tệ quán, quá nửa nguyên nhân là vì thiếu món nước lẩu này.”

Có khách quen ở lầu dưới hô to với Trương nhị lang: “Thế nồi thì sao? Nồi của Thẩm Ký là được đặt làm riêng đấy.”

Trương nhị lang vỗ đầu một cái: “Xem ta này! Vậy thì gọi thêm Lưu Bát, bảo hắn tới Thẩm Ký hỏi xem có bán nồi không.”

Thế là khách quen lên tiếng gọi quản sự: “Quản sự, quản sự! Quán rượu các ngươi có bán nồi không?”

Quản sự cáo lỗi với các vị khách quý trước mặt, đi tới cạnh cầu thang mới nói: “Bọn ta không bán nồi. Mỗ nói thật, các lang quân muốn ăn lẩu thì cứ tới quán bọn ta mà ăn, mùi vị thế nào thì chưa nói, nhưng ít nhất cũng không bị mấy kẻ keo kiệt như vậy lừa gạt.” Vừa nói vừa chỉ Trương nhị lang.

Điệu bộ nghiêm trang như vậy của hắn càng khiến người ta thấy buồn cười, ai nấy lại càng cười to hơn.

Quản sự cũng cười, quay trở lại tiếp tục phục vụ đám người hoàng đế.

Hoàng đế cười khen: “Hí lộng của quý quán hay lắm! Đây là do ai nghĩ ra?”

Quản sự cười xòa đáp lại: “Tệ quán lấy bánh ngọt làm thù lao, mời các vị khách kể lại những câu chuyện khôi hài, sau đó chủ nhân của tệ quán lựa chọn rồi cắt xén chắp vá, mỗi một đoạn diễn thường là câu chuyện của mấy vị khách nhân, cho nên thật sự cũng không thể nói là do người nào nghĩ ra.”

Hoàng đế gật đầu, cảm thấy chủ quán này cũng tài tình thật, thì ra một quán rượu cũng có thể “quảng khai ngôn luận”… Lại nghĩ, hay là để người này đi thải phong.

* Quảng khai ngôn luận nghĩa là tạo điều kiện để người khác bày tỏ ý kiến bản thân.

Quản sự dâng thực đơn lên, hoàng đế cúi đầu lật xem.

971

Thực đơn của Thẩm Ký cũng là một nét đặc sắc nổi bật của quán rượu. Ngoài tên món ăn ra thì còn có vài câu giới thiệu, hoặc là cách làm đặc biệt hoặc là vài câu bình luận thú vị, hoặc là những bài thơ bài từ được thực khách viết, hoặc là một điển cố nào đó, có món còn vẽ tranh minh họa, cả tập cũng được đóng lại rất đẹp, gáy sách lại được đóng kiểu hồ điệp chứ không giống như các tập sách đương thời, cho nên lật mở rất tiện.

Hoàng đế vốn chỉ là lật tùy tiện thế thôi, sau lại thành đọc cẩn thận: “Thú vị lắm… Chưa nói chuyện ăn, chỉ xem thế này thôi đã thấy thú vị rồi.”

Quản sự cười lấy lòng.

Hoàng đế nhìn nội thị bên cạnh, nội thị há có thể không hiểu: “Nô đã nhớ kĩ.” Trở về cũng phải bảo ngự thiện phòng làm một quyển như vậy.

Hoàng đế gọi canh sữa kinh điển, lại gọi thêm một loạt thịt nhúng rau nhúng như thịt dê, cá viên, tôm viên các loại.

Tiểu nhị dâng đồ uống và bánh ngọt, trái cây mà Thẩm Thiều Quang dặn dò lên, quản sự giúp đỡ dọn xong thì mới dẫn tiểu nhị lui xuống.

Tới phòng bếp, quản sự báo tên món ăn cho Thẩm Thiều Quang, Thẩm Thiều Quang dựa vào khẩu vị của hoàng đế, dặn dò đầu bếp chuẩn bị món ăn.

Quản sự hỏi: “Vị khách nhân này là ai mà cô nương lại cẩn thận như vậy?”

Thẩm Thiều Quang làm động tác “xuỵt” với hắn, cũng không nói thêm cái gì.

Món lẩu chuẩn bị nhanh, Thẩm Thiều Quang tự nêm nếm gia vị cho các loại nước chấm cơ bản, cùng đặt lên khay với những đồ ăn kèm khác. Quản sự đi vào, dẫn tiểu nhị bưng lên.

Hoàng đế đang lật xem tập thơ đặt trên bàn, cười hỏi quản sự: “Đông Đường chủ nhân viết lời tựa này là ai? Cũng là người tài cao đấy.”

Quản sự cười xòa: “Bẩm quý khách, nghe nói là một người bằng hữu của tệ chủ.”

Hoàng đế cũng chỉ là tiện miệng hỏi một câu thế mà thôi, thời này có rất nhiều người đọc sách giúp viết văn chương để kiếm tiền nhuận bút, người được gọi là bằng hữu quá nửa là thuộc loại này mà thôi. Hoàng đế xem cách dùng từ ngữ và phong thái trong lời đề này, cảm thấy tám phần mười là quan lớn trong triều – có thể mượn được bọn họ viết thì chủ quán này cũng chi không ít vốn đâu.

Mấy chuyện thế này thì hoàng đế chẳng bận lòng, thậm chí Hiến Tông còn vì Hàn Thoái Chi viết bia Bình Hoài Tây* mà ban thưởng cho năm trăm thất lụa cơ mà, đó cũng chính là nguyên cớ cho điển cố “thiên kim thượng thư” thời tiên đế, ý nói giúp người khác viết văn bia, một chữ đáng giá ngàn vàng.

* Hàn Dũ, tự Thoái Chi, làm quan về đời vua Đường Hiến Tông (806 – 820) tới thị lang bộ Binh, thị lang bộ Lại. Ông đứng đầu trong Đường Tống bát đại gia tức tám nhà văn lớn thời Đường và Tống. Bia Bình Hoài Tây hay còn gọi là Hàn bia do Hàn Dũ sáng tác, kể lại cuộc chiến Bùi Độ bình định Hoài Tây (nay là khu vực phía đông nam tỉnh Hà Nam) năm Hiến Tông thứ mười hai (817).

Nhưng mà… Hoàng đế lại nghĩ tới vở diễn rất thú vị kia và cả quyển thực đơn rất có tính sáng tạo này, một vị chủ quán như vậy là bằng hữu với người nào đó trong triều thì cũng là chuyện có thể hiểu được. Hoàng đế lại hậm hực, tại sao ta lại không có một người bằng hữu vừa có thể mày mò món ăn lại vừa thú vị như vậy chứ?

Ném tập thơ xuống, hoàng đế bảo Tần Tường ngồi ăn cùng mình.

Tần Tường cáo tội: “Vậy nô xin được vượt bổn phận.”

Mặc dù Tần Tường hiện đã là thống lĩnh cấm quân nhưng trước kia cũng là nội thị bên cạnh hoàng đế – có lẽ cũng là nhờ vậy nên mới trở thành thống lĩnh cấm quân, có cái khả năng hầu hạ hoàng đế.

Hắn đổ một ít nước chấm ra, lấy đũa chấm một chút nếm thử: “Ừm… Mùi vị thế này là vừa khéo, thêm gì nữa thì lại không ngon.” Nói rồi đổ nước chấm ra cho hoàng đế.

Tần Tường lại dựa vào khẩu vị của hoàng đế, cho cá viên vào trong nồi lẩu trước.

Quản sự cười nói: “Cá viên của tệ quán đều được làm từ cá tươi, vừa vào nồi là chín ngay, lại rất mềm, cần dùng thìa vớt.”

Tần Tường vớt cá viên ra, cho vào đĩa của mình và đĩa của hoàng đế, tự mình nếm thử trước một viên: “Lục lang nếm thử, nô cảm thấy rất tốt.”

Hoàng đế nếm thử một viên, đúng là vừa mềm vừa thơm ngon, cho vào miệng gần như không cần nhai đã tan ra, đĩa nước chấm này cũng vô cùng tốt, có chút vị cay của hành hoa và sẻn nhưng lại không hề nồng, rất hợp để chấm thịt cá. Sau đó lại nhúng tôm viên, nhúng các loại thịt lát rau xanh, cuối cùng hoàng đế chỉ lo lòng ăn.

Thực ra hoàng đế vốn không đói, sau buổi trưa nghe Ngô Hiển bàn với mấy tiểu giáo úy trong cấm quân cùng tới Thẩm Ký ở Đông Thị ăn lẩu, lại nói lần trước ăn ngon thế nào, hoàng đế lập tức nhớ Phúc Tuệ trưởng công chúa cũng từng nói là có một quán rượu như thế, món lẩu này bắt nguồn từ chính quán đó, rồi còn lời khen của Lý tướng công, chắc là cũng chỉ quán này, thế là đột nhiên nổi hứng, dù sao cũng không bận việc gì, thế là ra ngoài cùng chung vui với bách tính.

Món lẩu ở đây nói đúng ra thì cũng không hơn trong cung là mấy, nhưng được cái là ăn nóng, rất là vừa ý, hoàng đế lại nhớ tới chuyện vừa rồi người quản sự kia nói trong nhà khách nhân không làm ra được mùi vị này, chẳng lẽ trong nhà trẫm lại không làm được sao? Hoàng đế nở nụ cười tự đắc.

Hơn nữa bầu không khí ở nơi này thật sự rất tốt, ở lầu dưới đã đổi sang màn diễn khác.

“Không phải là ta không thích đọc sách, mà là vừa đọc đã đói.”

“Ta thì không giống ngươi, ta thì vừa đọc đã buồn ngủ.”

“Ôi chao, sao ngươi lại buồn ngủ được chứ?”

“Vậy sao ngươi lại đói được?”

“Thì ngươi tự xem đi, “Liễu xanh hót cặp oanh vàng*”, chậc chậc, hai con chim hoàng oanh, nếu chiên dầu lên thì chẳng phải ngon lắm sao? Hoặc là xào lên chẳng lẽ lại không ngon? Cho dù băm ra chiên tương ăn với bánh bột cũng cực ngon.”

* Trích “Tuyệt cú tứ thủ kỳ 3” (Bốn bài thơ tuyệt cú kỳ 3) của Đỗ Phủ, bản dịch của Nam Trân.

“Rồi còn “Trước sân thược dược đẹp không dáng, sen nở trên ao thảy kém tình. Chỉ có mẫu đơn chân quốc sắc, mỗi khi hoa nở rộn kinh thành*” đây nữa, thược dược ngâm mật, hoa sen chiên giòn, mẫu đơn chưng làm kẹo… Có thơm không nào, ngươi nói thử xem có thơm không nào?”

* Trích “Thưởng mẫu đơn” của Lưu Vũ Tích, bản dịch của Trần Đông Phong.



Tiếng cười ầm vang dưới lầu.

Hoàng đế cũng cười. Đang ngày tết, ăn được món lẩu ngon lành hợp ý thế này, nhìn bách tính của mình an vui hạnh phúc thế kia, tâm trạng ủ rũ của hoàng đế vì chuyện phản loạn ở Sơn Nam Đạo đợt trước đã bình phục lại, nói chung thì thiên hạ này vẫn giàu có và thái bình. Rồi lại tự khích lệ bản thân, để bọn họ có thể ngày ngày ăn lẩu thế này, nghe những vở diễn vui vẻ thế này, trẫm có cực khổ một chút thì có đáng gì đâu?

Thẩm Thiều Quang không biết rằng nồi lẩu của mình lại tiếp cho hoàng đế nhiều niềm tin như vậy, nàng chỉ biết là hoàng đế để lại chừng hơn hai mươi lạng bạc, cũng đề một bài thơ lên tập thơ kia. Điều nàng không ngờ hơn nữa là lúc đoàn người của hoàng đế ra về, Tần Tường bị một người thực khách nhận ra, có thể khiến Tần thống lĩnh đi theo phục vụ như vậy… Thế là quần chúng ăn dưa hiểu ngay chân tướng.

Chỉ mấy ngày sau, trên phố đã truyền khắp câu chuyện hoàng đế lén xuất cung đi ăn lẩu.

Thẩm Thiều Quang dặn dò quản sự, bị người ta hỏi thì phải trả lời lập lờ nước đôi, vừa che vừa lộ – một phần vì mập mờ không rõ để người ta đoán thì mới càng có nhiều chuyện để nói, một phần cũng là vì kiêng kỵ. Cùng với đó, bài thơ không tính là rất xuất sắc của hoàng đế được Thẩm Thiều Quang viết ra giấy, đóng khung lại, treo ở sảnh lớn, kéo được từng đám từng đám khách tới Thẩm Ký.
— QUẢNG CÁO —