Tiên Môn

Chương 604: Thực trạng thanh khâu



"Tiểu Ngọc, ngươi đã làm gì Thanh Khâu rồi?" Lăng Tiểu Ngư có chút lo lắng hỏi. Hắn thực không muốn Thiên Hồ Cổ phải thương tâm. Thiếu nữ ấy đã rất quan tâm đến hắn.

Dường như cũng hiểu được tâm ý tri kỉ, Dương Tiểu Ngọc trấn an: "Ngươi không cần lo, ta chưa làm gì quá đáng cả. Hôm đó ta chạy tới Thanh Khâu, bất quá lôi Thiên Hồ Đại Mi ra trừng trị nàng một chút. Mạng của nàng ta vẫn chưa lấy".

"Cảm ơn ngươi, Tiểu Ngọc".

"Đừng cảm ơn. Chuyện của ngươi cũng là chuyện của ta".

Dương Tiểu Ngọc dừng trong giây lát, chợt hỏi: "Tiểu Ngư, ngươi tính khi nào mới cho Gia Gia biết sự hiện diện của mình tại Trung Nguyên? Đứa trẻ đó rất nhớ ngươi, ngày đêm đều dõi mắt ngóng trông ngươi. Còn có Âm Tiểu Linh nữa, nàng hình như rất nặng lòng với ngươi".

Lăng Tiểu Ngư trở nên trầm mặc. Tình cảm của Gia Gia dành cho mình, Lăng Tiểu Ngư hắn dĩ nhiên là biết rõ. Hắn và nó đã từng cùng nhau trải qua hoạn nạn, những năm tháng hắn lưu lạc hồng trần, chính Gia Gia nó cũng là người duy nhất ở bên cạnh hắn. Về phần Âm Tiểu Linh... cho dù nàng có thật lòng yêu thích hắn thì đời này hắn cũng không thể đáp lại.

"Tiểu Ngọc, hiện tại vẫn chưa phải lúc thích hợp. Hành tung của ta phiền ngươi tiếp tục che giấu. Đợi tra ra chân diện của Quỷ diện nhân, chừng đó hẳn tính".

"Vậy thì tuỳ ngươi".

Lăng Tiểu Ngư và Dương Tiểu Ngọc nói chuyện thêm một lúc thì chia tay, mỗi người đi về một hướng. Dương Tiểu Ngọc thì trở lại tổng đàn Huyết Sát Giáo, còn Lăng Tiểu Ngư thì ẩn nặc tiềm hành tiến đến Thanh Khâu...

...

Trước đó mấy hôm, chính tại Thanh Khâu - nơi Lăng Tiểu Ngư định sẽ tìm đến.

Bên trong động Kỳ Bàn, một căn phòng rộng, nơi ở của Thiên Hồ Đại Mi.

Có một điều buộc phải công nhận, đó là căn phòng của hồ vương xa hoa vô cùng. Tại chỗ này, nền đá rất phẳng, bên trên còn có thảm đỏ phủ giăng tận vách. Chưa hết, bàn ghế, ly tách, mọi thứ cũng đều được làm từ vật liệu trân quý, có loại còn là hi hữu khó cầu. Trong căn phòng rộng lớn tựa như cung điện này, thật lắm thứ mà tu sĩ chỉ dám mơ ước, đếm sơ thôi cũng đã có hơn mười loại.

Đi tới giữa căn phòng lộng lẫy, trong ánh sáng êm dịu của hàng trăm viên minh châu đính trên bốn bức tường, Thiên Hồ Nguyệt, Thiên Hồ Cổ, Thiên Hồ Bắc Gia, cả ba đồng loạt dừng bước chân. Nhìn bức rèm màu trắng phía đối diện, Thiên Hồ Cổ là người đầu tiên lên tiếng: "Mẫu thân, chúng con tới thăm mẫu thân".

"Ừm." Phía sau bức rèm, một thanh âm mềm mại truyền ra. 

Kế đó, Thiên Hồ Đại Mi di chuyển, đưa tay vén rèm...

Giống mọi khi, y phục Thiên Hồ Đại Mi đang mặc cũng thuần một màu trắng, được thiết kế phức tạp, hoạ tiết khá cầu kỳ, trông hết sức sang trọng. Đặc biệt là phần cổ và vai áo. Ở nơi ấy, có sáu bộ da hồ ly nguyên vẹn đang được đính vào, chính chúng đã làm tôn lên vẻ quyền uy, quý phái của nàng.

Tất nhiên là không chỉ y phục. Dung nhan, khí chất của Thiên Hồ Đại Mi cũng y như vậy, siêu phàm thoát tục. Nhất là đôi mắt của nàng. Chúng đầy vẻ trí tuệ, lắm nét mị nhân...

Mỹ, quá là hoàn mỹ. Khuôn mặt, dáng người của Thiên Hồ Đại Mi cứ như là bức tranh tiên nữ mà thế nhân cố gắng mường tượng để vẽ ra vậy. Thiết nghĩ khiếm khuyết duy nhất ở bức tranh này, có lẽ cũng chỉ mỗi màu sắc. Nó không được tươi tắn lắm. Sắc mặt Thiên Hồ Đại Mi, dễ thấy đang khá nhợt nhạt. Rõ ràng là trong người nàng có mang thương tích. 

"Mẫu thân".

Vừa thấy Thiên Hồ Đại Mi bước ra thì Thiên Hồ Cổ liền áp sát. Nàng quan tâm hỏi: "Mẫu thân, người đã đỡ chút nào chưa?".

Thiên Hồ Đại Mi từ ái đặt tay lên đầu nữ nhi mình, trấn an: "Cổ Cổ, đừng quá lo lắng. Mẫu thân sẽ mau chóng bình phục thôi".

Mau chóng bình phục? Lời này Thiên Hồ Cổ cũng muốn tin lắm, thế nhưng là... Từ chân nhân hậu kỳ đỉnh phong, hôm nay tu vi mẫu thân nàng bất quá chỉ còn là chân nhân trung kỳ, giảm hơn một đại cảnh giới. Thêm nữa thì cả thân thể lẫn nguyên thần đều chịu tổn thương nghiêm trọng... Dễ mà khôi phục được sao?

Mẫu thân chỉ đang muốn trấn an mình, Thiên Hồ Cổ tự mình hiểu được. Nàng đâu còn là trẻ con nữa, hôm nay nàng cũng đã là thiếu nữ rồi. Bên cạnh nàng, Thiên Hồ Nguyệt và Thiên Hồ Bắc Gia, hai vị huynh tỷ này của nàng lại càng không phải nói, tình trạng của mẫu thân họ biết rõ hơn nàng. 

Thái độ quan tâm ra mặt, Thiên Hồ Bắc Gia nhìn Thiên Hồ Đại Mi, hận ý nói ra: "Tất cả đều là do Dương Tiểu Ngọc kia, chính nàng ta đã đả thương người".

Trái ngược nhi tử, Thiên Hồ Đại Mi lắc đầu, bảo: "Nàng ta chỉ vì bằng hữu mà trút giận thôi. Dù sao cũng là do ta không phải với Lăng Tiểu Ngư trước".

"Với sức mạnh thần nhân mà Dương Tiểu Ngọc đang nắm giữ, nàng chưa diệt đi Thanh Khâu ta xem như đã rất may mắn rồi".

Thực ra điều mà Thiên Hồ Đại Mi lo lắng bây giờ không phải Dương Tiểu Ngọc, không phải thương tích trong người mình, khiến nàng bất an mất ngủ là một cái tên khác: Lăng Tiểu Ngư. 

Hôm nay thiên hạ hầu như đều đã biết là Lăng Tiểu Ngư vẫn còn sống. Kẻ sát phật ngày đó, dạo trước có làm ra một ít động tĩnh ở Quỷ Lâm. Chuyện này chính Chu Tước và Dương Tiểu Ngọc xác nhận. 

Thanh Khâu nàng biết rõ Lăng Tiểu Ngư hắn bị người hãm hại lại không chịu đứng ra giúp hắn thanh minh, khiến cho Yến cô cô hắn phải chết, huynh đệ hắn thì trọng thương đến nay còn chưa tỉnh... Lăng Tiểu Ngư hắn liệu có bỏ qua?

“Nhân sinh vi kỷ, thiên kinh địa nghĩa; nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt”, Thiên Hồ Đại Mi vẫn không cho rằng việc mình muốn làm ngư ông đắc lợi năm đó là sai. Nàng chỉ hận bản thân kém tài. Nếu Thiên Hồ Đại Mi nàng cũng nắm giữ sức mạnh thần nhân, nàng há phải bất an lo sợ?

p/s: Hồi nhỏ xem phim, nghe các nhân vật trong phim thường hay nói câu "Người không vì mình, trời tru đất diệt", cứ hiểu rằng "vì mình" ở đây là làm lợi cho bản thân, bất chấp tổn hại đến người khác, nhưng sau này lớn lên mới biết là mình đã hiểu sai, nguyên văn vốn không phải như vậy (Mấy nhân vật phản diện trong phim thực ra đều dùng sai nghĩa, hoặc cũng có thể là cố tình hiểu sai nghĩa, giống như cái lối tư tưởng của Thiên Hồ Đại Mi vậy).

Mình biết vẫn có nhiều người đến nay vẫn hiểu sai ý nghĩa câu nói "Người không vì mình, trời tru đất diệt" này, thế nên xin mạn phép dài dòng giải thích một chút, để cho chúng ta có cái nhìn đúng đắn, có tư tưởng đúng đắn hơn. Dưới đây là bài viết trích từ trên trang Đại Kỷ Nguyên:

[Có lẽ trong mỗi chúng ta, không ít người đã từng nghe qua câu nói: “Người không vì mình, trời tru đất diệt”.

Tuy nhiên người nghe thì nhiều, người dùng thì lắm, nhưng người hiểu được hàm nghĩa chân chính của câu nói này lại chẳng có mấy ai. Và cũng vì lẽ đó mà ngày nay có rất nhiều người vì hiểu sai mà làm những điều đáng lẽ không nên làm, phạm phải những điều không nên phạm.

“Người không vì mình, trời tru đất diệt” vốn dĩ bắt nguồn từ một câu nói trong Phật giáo: “Phật thuyết thập thiện nghiệp, nhân sinh vị kỷ, thiên kinh địa nghĩa, nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt”. Do đó, nó cũng mang theo tư tưởng của nhà Phật, tuy nhiên lại bị con người ngày nay hiểu sai, dẫn đến những kiến giải lệch lạc.

“Nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt”, nguyên chữ “Vi” ( 為) ở đây có hai âm đọc và cũng có hai nghĩa khác nhau, một nghĩa là “học”, còn một nghĩa khác là “do, vì”. Hàm nghĩa chân chính của câu này phải được hiểu là: “Một người mà không tu dưỡng bản thân thì ắt sẽ không thể có được chỗ đứng trong trời đất”.

Tiếc thay ngày nay nhiều người lại hiểu nó sang một ý khác: “Người mà sống không nghĩ đến lợi ích của bản thân mình thì trời tru đất diệt”. Vậy nên họ suốt ngày không ngừng suy tính thiệt hơn về bản thân, suốt ngày không ngừng tranh đấu hơn thua, chỉ vì chút lợi ích nhỏ nhoi mà lục thân không nhận, vạn ác bất từ, chỉ cần có được chút lợi trước mắt cho riêng mình họ sẵn sàng không chừa bất cứ thủ đoạn nào, không ngại bất cứ điều ác nào mà không làm.

Phật gia giảng: Không sát sinh, không đạo tặc, không loạn ngữ, không ác miệng, không tham dục tà dâm, không làm ác – như vậy mới là vì mình.

Nhân quả tuần hoàn, gieo ác thì gặp hung, vậy nên không tạo nhân ác cho mình mới là sống vì mình. Người không vì mình trời tru đất diệt, đó cũng chính là một vòng tuần hoàn không hồi kết, lập đi lập lại không ngừng.

Theo quan niệm của nhà Phật, người sống vì mình chính là xem thường danh lợi, coi nhẹ công danh, tạo phúc làm lành, từ bỏ vị tư, vì người mà suy, vì người mà nghĩ. Tuy vậy có một số người, đặc biệt giới thương nhân ngày nay đã hiểu sai ý nghĩa của nó mà chỉ vì lợi nhuận mà làm hàng độc, hàng gian, tất cả chỉ cần mang lại lợi nhuận cho mình thì họ đều sẵn sàng kinh doanh. Trên bề mặt là cứ tưởng họ đang sống vì mình, kỳ thực họ chính là đang hại người hại mình mà tự thân không biết.

Trong “Tả Truyện” có viết: “Thái thượng hữu lập đức, kỳ thứ hữu lập công, kỳ thứ hữu lập ngôn, tuy cửu bất phế, thử chi vị bất hủ”, nghĩa là, cao nhất là lập đức, tiếp đến là lập công, sau nữa là lập ngôn, lập ngôn lâu đời không phế bỏ, thì gọi là bất hủ. Ở đây chúng ta có thể thấy, đối với các bậc hiền nhân khi xưa thì việc quan trọng nhất của làm người chính là lập đức, tiếp đến rồi mới là lập công, sau cùng mới là lập ngôn, tạo danh tiếng cho muôn đời sau.

Đối với việc kết giao bằng hữu hay giao thương buôn bán thì cổ nhân luôn đặt yếu tố tiêu chuẩn đạo đức làm trọng. Khi kết giao một người thì trước tiên phải xem nhân phẩm của họ thế nào, sau rồi mới tính đến các yếu tố khác. Bởi một người không có nhân phẩm thì chẳng thể lập thân, lập nghiệp. Một người sống có tu dưỡng phải là người coi trọng Nhân, Tín, Lễ, Nghĩa, tu dưỡng bản thân chính là sống cho mình một cách đúng đắn nhất. Bởi khi một người có đủ đầy nhân phẩm ắt cũng sẽ có đủ đầy hạnh phúc, thường lạc].