Tiểu Phu Lang Ngoan Ngoãn

Chương 121



Gặt lúa không phải chuyện dễ mà đánh lúa cũng không hề đơn giản, Mỗi ngày đều phải làm đến mặt xám mày tro, mồ hôi bám vào mặt càng bẩn hơn. Bụi bặm như thể chui cả vào trong mắt và cổ họng, khỏi nói tới mũi, vừa khô vừa ngứa khiến người vô cùng khó chịu.

Chú trâu già kéo cối nghiền lúa qua lại. Hiện tại đang là Thẩm Huyền Thanh dắt trâu, Thẩm Nghiêu Thanh và Lục Cốc mỗi người cầm một cái bồ cào lật lúa, sau khi lật xong lại cho vào cối thêm lần nữa, lặp đi lặp lại như vậy hạt lúa mới rơi được hết.

Lật xong một lần, Lục Cốc đứng thẳng lưng nghỉ ngơi. Giờ mới chỉ là lật khẽ còn tốt, Lúc gặt lúa lưng đau nhưng không muốn làm chậm trễ thời gian nên y đành phải ngồi xổm xuống cắt, nhưng ngồi xổm lâu lại mỏi chân.

Trên đầu y quấn khăn vải tránh để bụi làm bẩn tóc, miệng và mũi cũng dùng vải bịt kín. Đúng là có hơi nóng nhưng sẽ không bị dính bụi, cổ họng sẽ không quá khô nữa.

Gần đây thời tiết ủng hộ, nắng nóng gay gắt không có dấu hiệu mưa. Vào lúc làm lúa, dù nóng thế nào đi nữa thì cũng không ai mong trời mưa vì nếu vậy hạt lúa sẽ nảy mầm, nửa năm làm lụng coi như vô ích.

Hai người Thẩm Huyền Thanh và Thẩm Nghiêu Thanh ngủ bên này ban đêm, ban ngày bận rộn đến tối lại canh chừng, cơm ăn cũng phải mang sang đây. Tốt hơn chút là hai người không cần trải chăn đệm ngủ trên sân lúa, bên này có phòng ở.

"Thời tiết năm nay nắng tốt quá." Vệ Lan Hương lau mồ hôi trên mặt, chống bồ cào bên cạnh nói: "Khi ta còn là cô nương trong nhà, có năm làm lúa trời mưa, bà ta ngồi trong sân ôm lúa mà khóc. Năm đó không thu hoạch tốt, chỉ có thể thắt chặt lưng quần mà sống."

"Nhà mình năm nay vậy là tốt rồi." Thẩm Nghiêu Thanh ở cạnh nói xen vào.

Nói xong, Thẩm Huyền Thanh dắt trâu quay cối đá tiếp, bụi bặm lại nổi lên lần nữa.

***


Mất mấy ngày nghiền ép tuốt hạt, mệt mỏi quá chừng nhưng thế này còn chưa tính là xong. Bọn họ phơi lúa trong viện nhà, không cần kéo lúa đã tuốt về. Sau khi chọn lúa thì phải trải ra phơi nắng luôn. Mười ba mẫu ruộng thu được nhiều lương thực hơn trước. Điều Vệ Lan Hương thích làm nhất mỗi ngày là sang bên nhà mới này, ngồi xổm trong sân phơi lúa, nắm lấy một nắm lúa phơi nắng nóng hổi rồi lại nhìn chúng từ từ rơi xuống. Từng nắm từng nắm đều là lương thực. Bà đứng dưới ánh mặt trời híp mắt nhìn, xung quanh đều là bụi bặm cùng mùi lúa nóng rực.

Ban ngày bọn họ trải lúa ra nhưng đến tối vẫn phải thu lại dưới hiên nhà chính để phòng mưa.

Nếu ban đêm không kịp thu vào, lúa dính mưa dễ đâm chồi, để chồng chất cùng một chỗ còn có thể phát nhiệt, đưa tay vào trong sẽ cảm nhận được hơi nóng. Phía trên ẩm ướt nảy mầm, phía dưới bí bách rất dễ bị mốc.

Bởi vậy nên mỗi ngày đều phải bận bịu cẩn thận, chỉ có phơi khô lương thực mới có thể bảo quản được tốt.

Đợi sau khi phơi khô hoàn toàn, cách ngày Thẩm Ngọc Bình thành thân không đến hai ngày. Vì là lương thực mới, có người đến nông thôn thu mua, giá cả coi như là cao. Giá lương thực thay đổi rất nhanh, sau này ai biết là tăng hay giảm, không ổn định nên Thẩm Huyền Thanh làm chủ, để lại đủ cho cả nhà ăn còn lại đều bán.

Bởi vì ở đây bọn họ có cả lúa mì và lúa gạo, có thể trộn lẫn ăn nên không cần để lại toàn bộ lúa mì.

Giao lương thực xong, trong kho râm mát chứa đầy lúa mì mới. Không chỉ có sáu, bảy bao tải to trên bục mà còn bảy cái vại lớn miệng rộng cao bằng một người, được phủ kín bằng rơm rạ và bùn, như vậy thì giữ được lâu, sau khi ăn hết trong bao tải xong lại múc lúa trong vại ra xát.

Khi trong nhà nghèo không còn cách nào khác người ta chỉ có thể dùng lương thực đổi lấy tiền và của cải, ăn xong thì mất, nếu mùa màng năm sau không tốt thì đành nghe theo mệnh trời, sống được là tốt rồi.

Năm nay thu hoạch được nhiều lương thực nhưng năm này được năm kia mất chẳng biết đâu mà lần. Cuối năm nếu còn lương thực dư thì năm sau mới yên tâm hơn chút. Vì vậy Thẩm Huyền Thanh bàn bạc với Thầm Nghiêu Thanh, hai người họ kéo xe đẩy đến cầu Hai Trượng mua mười cái vại mới, tính cả cái cửa hàng tặng, mất hai ngày mới kéo về hết được.

Trong nhà có tổng cộng mười lăm cái vại cả cũ và mới. Đợi đến đợt thu hoạch lúa tiếp theo lấp đầy tám cái vại còn lại. Nhiều lúa và gạo như vậy, đừng nói một năm, nếu tiết kiệm một chút, dù là hai, ba năm cũng đủ ăn. Nhiều vại quá trong kho không chứa hết, may mà giờ đã có nhà mới.

Lục Cốc làm gì đã thấy nhiều lương thực đến vậy bao giờ, vừa nghĩ tới từ này về sau không bị đói bụng nữa, trong lòng vô cùng hân hoan.

Dù mua vại tiêu tốn không ít tiền, tính ra thì năm nay không kiếm được bao nhiêu từ lương thực nhưng không ai cảm thấy thua lỗ bởi lương thực là căn cơ để sống sót.

"Nhà mình đây, coi như là một kho thóc rồi." Thẩm Nghiêu Thanh vỗ vỗ cái vại mát lạnh, vui đến mức thấy răng không thấy mắt.

Thẩm Huyền Thanh chỉ gật đầu ừ một tiếng, không nói thêm gì nhưng cũng nở nụ cười. Gần đây hắn phơi nắng lại vừa đen vừa gầy nhưng đôi mắt vẫn sáng như sao.

Thường nghe người ta nói kho lúa của các phú hộ luôn đầy ắp, lương thực căn bẳn ăn không hết. Trước đây hắn chưa từng nghĩ đến nhưng giờ tích trữ lương thực, trong lòng hắn có thêm phần hăng hái. Nhà bọn họ rồi cũng sẽ có một kho lúa gạo ăn không hết, vậy mới gọi là giàu có!

***

Ngày đại hôn, người đón dâu khua chiêng đánh trống khiêng kiệu về phía Trần gia. Tam phòng Thẩm gia người đến người đi tấp nập, ăn uống cười nói rất náo nhiệt.

Vệ Lan Hương dẫn theo Lục Cốc tới hỗ trợ. Nhà thân nương của Chu Hương Quân sắp tới, phải chú trọng ăn một miếng mì. Y lại không cần làm gì khác, múc mấy bát mì trong bếp là được rồi, không cần nhiều mì lắm, đủ hai, ba miếng là được, chỉ quan trọng ý tứ thôi, lát nữa mọi người còn phải ngồi một chỗ.

Củi không còn nhiều, y xách giỏ tới cửa lấy nửa giỏ rơm. Sau khi thu hoạch xong, rơm rạ đều khô hết rồi, trước cửa nhà ai cũng chồng một đống rơm để đốt bếp.

"Cốc tử ơi", Chu Hương Quân mặc đồ đỏ đeo lục lạc, vui mừng nói: "Chần một quả trứng cho vào bát a bà nhé."

"Ta biết rồi, a nội." Lục Cốc cười gật đầu.

A bà mà Chu Hương Quân nói là bà ngoại của Thẩm Ngọc và Thẩm Ngọc Bình. Ở đây bọn họ gọi bà nội là a nãi, bà ngoại là a bà. Lục Cốc cùng bối phần với hai người Thẩm Ngọc nên đương nhiên cũng gọi là a bà.

*So ri mọi người, mấy cái a nãi a bà này tớ không biết dịch kiểu gì cho hay nên để nguyên nhe. A nội là gọi phu lang bề trên í.

Thời tiết nóng nực, dù là buổi sáng nhưng đốt lửa nấu cơm trong bếp vẫn có thể nóng ra một thân mồ hôi. Nước lục bục sôi, Lục Cốc dùng đũa dài vớt mì lên, chia đều vào từng bát, trong đó có bát trứng trần kia, y bưng ra cho a bà Chu gia trước.

Nhiều người qua lại, vô cùng náo nhiệt nhưng hán tử cùng phu lang và phụ nhân đều ở chung một chỗ. Vậy nên dù là chuyện hỉ tang vui buồn đều rất loạn, đồ vật quý giá trong nhà cần phải có người trông.

"Nhạn Nhạn, muội và Ngọc ca nhi có ăn mì không?" Lục Cốc thấy Thẩm Nhạn và Thẩm Ngọc thì hỏi.

Hai ngày nay bọn họ đều ăn uống ở nhà tam phòng. Hôm nay sẽ đón dâu bái đường, trọng tâm đều đặt trên người Thẩm Ngọc Bình, người đến tặng lễ cũng nhiều, không rảnh chăm sóc ai khác. Trẻ con còn nhỏ đều có người lớn dẫn vào bếp xin một bát ăn. Thẩm Nhạn và Thẩm Ngọc đều chưa lấy chồng, vừa rồi ngoài kia toàn hán tử đi đón dâu ngồi trên bàn nên hai người họ ở trong phòng không đi ra.

"Cốc tử ca ca, muội đang định đi tìm huynh đây." Thẩm Nhạn đói bụng rồi, hai người đều theo y vào bếp.

Năm nay nhà họ nuôi nhiều gà vịt, lúc làm ruộng hôm nào cũng ăn, Thẩm Nhạn đã không còn thích ăn trứng chần nữa nên y chỉ chần cho Thẩm Ngọc mà thôi.

Người đón dâu còn chưa về, khách khứa trong nhà không thể ngồi không, dù là trà bánh hay trái cây đều phải thêm liên tục. Thẩm Huyền Thanh cũng đi đón dâu, Lục Cốc cảm thấy bên ngoài quá ồn ào, lại thêm nhiều người không quen biết nên đi đun nước trong bếp, thỉnh thoảng cảm thấy nóng quá thì trốn vào phòng Thẩm Ngọc ngồi cho mát một chút.

Trong thôn có chuyện vui thì đám trẻ con là vui nhất, cầm một miếng bánh hay miếng trái cây, bọn nhỏ đều ở bên ngoài vừa ăn vừa chơi, chạy nhảy la hét tung trời. Nếu là ngày thường đã sớm ồn ào đến nỗi không để ai yên nhưng hôm nay không ai nghĩ vậy, chỉ cảm thấy náo nhiệt.

"Về rồi, về rồi!"

Người đầu tiên tinh mắt thấy đội ngũ rước dâu từ đằng xa là một đứa nhỏ đứng chờ ở cửa thôn. Một mình nó hô lên rồi mấy đứa khác cũng hô theo. Những người đang tụ tập trong Thẩm gia nghe thấy, không ít đều đi ra xem, lát nữa kiệu đến trước cửa sẽ rải tiền mừng, ai cũng cười chờ, người thấp còn phải kiễng chân.

Tiếng pháo vang lên bùm bùm, vụn giấy đỏ văng tung tóe trên mặt đất.

Kiệu hoa được nâng về, Thẩm Ngọc Bình đi trước mặc y phục đỏ, vẻ mặt vui mừng hớn hở.

Tiền vừa rải ra đã có không ít người tranh giành trước cửa, cần nhặt trên mặt đất thì cũng nhặt, ít nhiều vẫn được mấy văn tiền, ngay cả trẻ nhỏ cũng chui vào trong.

Vì trước cửa có quá nhiều người, Lục Cốc không chen lên được đành phải đứng ở trong nhìn. Leng keng một tiếng, có một văn tiền bị văng đi khác xa, dừng lại trước chân ý, cái này gọi là hỉ cá chép ngày trước y từng làm cho Kỷ Thu Nguyệt.

Dùng chỉ là một văn tiền nhưng nó dính hỉ khí, y khom lưng định nhặt lên, ai ngờ lại có một bàn tay nhỏ bé bẩn thỉu giành trước một bước mà nhặt lên.

Là Tiểu Thuận Tử của nhà bà A Kim. Tiểu Thuận Tử luôn rất nghịch ngợm, hai ngày nay chơi cùng bọn nhỏ bên họ hàng Thẩm gia đến điên rồi. Nó siết chặt một văn tiền trong tay nói: "Ta lấy được trước."

So đo gì với một đứa nhỏ chứ, Lục Cốc cười nhẹ rồi nói: "Vậy ngươi cầm đi, ta không cần."

Không bị người lớn mắng, thân thể hơi khom xuống của Tiểu Thuận Tử thẳng lên, giống như người lớn mà hừ nhẹ một cái từ trong mũi. Bà nó nói tiền rải hôm nay ai đoạt được là của người đó, người khác muốn nó cũng không cho.

Thấy hai tay Lục Cốc trống trơn, vừa nhìn đã biết là một phu lang không có tài đoạt đồ. Nó hơi do dự, nhớ ra trong tay đang có hai trái quả, vẻ mặt trông có vẻ rối rắm.

"Thuận tử, mau tới đây."

Nó còn chưa đưa ra quyết định đã nghe thấy tiếng gọi của bạn bè đồng trang lứa nên nhanh chóng chui từ trong đám người ra ngoài chơi, chỉ sợ chậm mất một bước.

Tiếng pháo nổ vang, trống chiêng lại thêm một hồi. Tới giờ, Thẩm Ngọc Bình mới cõng thê tử mới cưới chùm khăn hỉ ra ngoài dưới tiếng cười nói và ánh mắt chăm chú của cả thôn.

Bái đường bái thiên địa xong, sau khi náo nhiệt qua đi, tân nương được đưa vào tân phòng, ngoài viện mới mở tiệc.

Đồ ăn là mời các thẩm biết nấu ăn trong thôn đến, người hỗ trợ cũng là mấy người cùng tuổi như Vệ Lan Hương nên Lục Cốc có thể rảnh rỗi ngồi vào bàn.

"Cốc tử, con dẫn Thẩm Nhạn và Thẩm Ngọc đi tìm một chỗ ngồi. Mau đi đi, đợi lát nữa là hết chỗ đấy." Vệ Lan Hương đang rửa rau, tay vẫn còn đang trong chậu gỗ, thấy trong viện đã bày bàn ghế thì vội gọi Lục Cốc.

"Con biết rồi ạ." Lục Cốc đáp lại một câu, dẫn muội muội và đệ đệ cùng đi ăn cơm. Nhìn bộ dáng thì trông cũng người lớn đấy nhưng thật ra trong lòng y vẫn rất thấp thỏm. Đông người quá, y nhìn xung quanh thấy mọi người đang lục tục ngồi vào bàn, muốn tìm một bàn có nhiều phụ nhân và phu lang để ngồi vào.

"Cốc tử, mau tới đây." Phu lang Toàn tử bế đứa nhỏ chọn một cái bàn sạch sẽ ngồi xuống. Trong viện người đến người đi, y cũng cảm thấy một mình khó xử, thấy Lục Cốc thì vội chào hỏi, phải có một người bạn mới tốt.

Thẩm Huyền Thanh nói mấy câu cùng hán tử Trần gia xong, liếc mắt một cái là thấy Lục Cốc, đi tới cười nói: "Bọn em nhanh ngồi vào đi."

"Dạ." Lục Cốc gật đầu rồi dẫn Thẩm Nhạn và Thẩm Ngọc qua đó.

Thẩm Thuận Vượng và Chu Hương Quân đều không phải người keo kiệt, lại nói bàn ăn phải phong phú mới khiến người Trần gia cảm thấy bọn họ sẽ không bạc đãi cô nương nhà người ta. Giống như lúc Thẩm Huyền Thanh thành thân lần trước, ở đây bọn họ cũng là mười món một canh, khách khứa được ăn ngon, truyền ra ngoài cũng vô cùng có thể diện.

Lục Cốc ngồi cùng những người cùng lứa, thịt thỏ xào cay bưng lên rất thơm nhưng y và Thẩm Huyền Thanh ở trên núi cũng thường ăn rồi. Con thỏ này là mấy ngày trước Thẩm Ngọc Bình mượn bọn Đại Hôi lên núi săn được.

Hè vừa chớm, gà rừng cũng bắt đầu hoạt động, thỉnh thoảng sẽ đi cắp hạt giống hoặc lúa rơi vãi trên cánh đồng.

Đều là họ hàng trong nhà, Thẩm Ngọc Bình không thường xuyên săn thú, gà rừng trong bữa ăn là Thẩm Huyền Thanh hỗ trợ săn bắn, đến cả trứng gà trong tam phòng cũng có một phần là từ nhà họ mang tới, sợ lúc làm cỗ không đủ dùng, mang đến trước đỡ phải lo không đủ.

Đây là lần đầu Lục Cốc ăn cỗ một cách nghiêm chỉnh. Khi còn nhỏ, nương từng dẫn y đi ăn tiệc, đã rất lâu rồi, y chỉ nhớ lúc đó đồ ăn trên bàn chẳng qua là vài món rau cải trắng và đậu phụ, có một món thịt đã là tốt lắm rồi.

Chân ca nhi ngồi cạnh thích nói đùa làm y cũng nói thêm vài câu, xung quanh còn có hán tử uống rượu so quyền hô to, ngồi đây quả nhiên là vô cùng náo nhiệt.

Từng món được dọn lên, mấy bà lão lớn tuổi ăn thẳng một mạch, chỉ sợ ăn ít miếng nào. Bàn này của bọn họ còn tốt, đều là phụ nhân và phu lang trẻ tuổi, đương nhiên là đều để ý thể diện, không tranh nhau ăn giống người già và trẻ con.

Lục Cốc thích ăn nhất là miếng thịt lợn cuộn được hầm trong nồi lớn, rất mềm mại, nạc mỡ vừa phải vô cùng đã thèm.

Ăn xong y buông đũa xuống, uống hai ngụm trà cho sạch dầu mỡ trong miệng. Thịt thà đúng là có hơi dầu mỡ nhưng người nông thôn quanh năm đâu ăn được mấy cân thịt nên cảm thấy nhiều mỡ rất thơm. Cuối cùng, chút mỡ dưới đáy bát đều bị người đổ vào trong bát nhà mình bưng đi.

"Cốc tử, lại đây." Vệ Lan Hương thấy y đã ăn xong thì vẫy tay gọi.

"Nương ạ." Lục Cốc vừa vào bếp đã bị nhét cho một cái bát.

"Bưng về cho a tẩu con, ở dưới có một miếng thịt." Vệ Lan Hương múc một bát thịt và đồ ăn cho Kỷ Thu Nguyệt ở nhà, trên cùng còn có một cái bánh bao trắng nóng hổi vừa lấy từ trong nồi ra.

"Dạ, con biết rồi." Lục Cốc ngoan ngoãn đáp lại rồi bưng bát ra ngoài. Thấy Thẩm Nhạn cũng đã ăn xong, y hỏi: "Muội có về không? Ta bưng bát về cho a tẩu."

"Về chứ." Thẩm Nhạn đẩy ghế về sau, đứng dậy đi về cùng y.

Giờ đã vào trưa, trời càng thêm nóng, đi dưới ánh mặt trời vài bước thôi đã thấy không thể mở nổi mắt. Về đến nơi đúng lúc Kỷ Thu Nguyệt đang đói bụng. Hôm nay nàng đã không còn nghén nữa, lượng cơm ăn vào cũng tốt, chỉ cần ăn xong trong lòng thoải mái là khí sắc cũng sẽ tốt hơn.

Gà, vịt và thỏ đều đã chuyển sang nhà mới từ mấy ngày trước, cả dê cũng đã dắt qua đó. Phân trong hậu vị đều đã dọn sạch, mùi giảm đi rất nhiều, nếu không thì với cái nắng nóng này mà mùi phân bốc lên, đừng nói là Kỷ Thu Nguyệt, đến cả những người khác có khi cũng không thể nào mà thoải mái được.

Một điểm tốt khác là tuy trong nhà vẫn còn ruồi nhưng đã bớt đi nhiều, chỉ cần đậy kín thức ăn trong bếp lại thì sẽ không sợ ruồi rơi từ trên xuống.

Bát bưng về là của nhà họ, dùng sơn đỏ đánh dấu dưới bát nên không cần trả lại nữa.

Người nông thôn không có nhiều bát đũa làm hỉ sự, chỉ có thể đi mượn hàng xóm. Đũa thì không nói những bát đĩa vẫn phải đánh dấu cho tốt, tránh lấy nhầm hoặc bị người khác lấy mất. Thậm chí có người sợ bị trộm mất bát nên cố ý làm mẻ mép bát, bát hỏng sẽ ít người muốn trộm hơn.

Lúc về Vệ Lan Hương đã nói y không cần quay lại đó nữa. Đây là quy củ trong thôn, lúc trước Thẩm Huyền Thanh thành thân cũng vậy. Những người ở lại cuối cùng để dọn dẹp rửa bát đều là các thẩm và a ma, ít người trẻ tuổi. Thường thì những người ở lại quét dọn đều sẽ được cho thêm đồ lúc về, phu lang trẻ tuổi như Lục Cốc dù có muốn ở lại cũng không chen vào được.

Ngày dần tàn, náo nhiệt cũng dần trôi qua. Thời tiết quá nóng bức, thời gian trước vừa bận vừa mệt, không chỉ Kỷ Thu Nguyệt ăn xong về phòng nghỉ ngơi, Lục Cốc và Thẩm Nhạn cũng đi theo đó mà đi ngủ.