Tiểu Quả Phụ Đạp Gió Rẽ Sóng

Chương 59: Ngoại truyện 3



Lần tiếp xúc duy nhất của Thi Niệm với mẹ của Quan Minh là vào buổi lễ cúng tổ tiên nhiều năm trước. Trong ấn tượng của cô, mẹ của Quan Minh là một người rất dễ gần, không giả tạo, bà hay cười với mọi người và rất phúc hậu.

Nhưng khi đó cô là cháu dâu trưởng của thành Đông, mẹ của Quan Minh vẫn có thể khách sáo với cô. Nhưng bây giờ cô lại là người khiến con trai của bà bị cuốn vào vòng xoáy của dư luận. Mục đích của chuyến ghé thăm lần này Thi Niệm cũng không đoán biết được. Hình ảnh về việc cha của Quan Minh phản đối lần trước vẫn còn in đậm trong tâm trí cô.

Vì vậy, khoảnh khắc đột nhiên nhìn thấy mẹ của Quan Minh bước từ trên xe xuống, đầu óc Thi Niệm trở nên trống rỗng. Với sự giúp đỡ của những người bên cạnh, mẹ của Quan Minh bước lên bậc thềm. Khi bà chuẩn bị bước lên bậc thềm cuối cùng, Thi Niệm đến chào bà. Mẹ Quan Minh đột nhiên rút cánh tay của mình ra khỏi tay người bên cạnh, đưa cho Thi Niệm và nói với cô ấy: “Con gái, đỡ ta một chút.”

Thi Niệm vội vàng cúi xuống đỡ bà, mẹ Quan Minh nắm lấy tay cô, ánh mặt trời lặn nghiêng nghiêng trên chiếc mũ len màu xám nhạt của bà. Chỉ một hành động vô thức vậy thôi mà khiến lòng Thi Niệm chợt cảm thấy ấm áp.

Đôi khi giữa con người với con người lại thần kỳ như thế, thậm chí cô có thể cảm nhận được rõ ràng thiện ý của mẹ Quan Minh đối với mình mà không cần bất cứ lời nào, và cô không thể biết cảm giác này từ đâu mà có.

Thi Niệm dìu bà vào nhà và nói với bà, “Buổi sáng, sau khi Thương Hải đến, anh Sênh đã đi theo anh ấy về nhà cũ rồi, bây giờ vẫn chưa về.”

Mẹ Quan Minh hơi bất ngờ nghiêng đầu: “Con bình thường vẫn gọi thằng ba như thế à?”

Thi Niệm có chút ngượng ngùng gật đầu, mẹ Quan Minh lại vỗ vỗ tay cô: “Thằng ba đúng là vẫn luôn đối xử đặc biệt với con.”

Thi Niệm dìu mẹ Quan Minh đến trước bàn trà trong góc phòng khách. Sau khi ngồi xuống, bà nói với người đi theo: “Đem đồ mang theo vào bếp, tiện thể xem xem có gì cần giúp không, tôi nói chuyện với tiểu Niệm một chút.”

Thi Niệm lặng lẽ chuẩn bị bộ ấm trà, đun nước. Sau khi người bên cạnh rời đi, cô mới ngẩng đầu lên, khẽ cười, hỏi: “Bà Quan, bà có lạnh không?”

Có một tia sáng nhân hậu trong mắt bà: “Bà Quan? Sao lại gọi xa lạ vậy?”

Thi Niệm cụp mắt xuống, dòng suy nghĩ bay bổng. Lần đầu tiên gặp mẹ của Quan Minh, cô đã gọi bà ấy là bà. Bà nói Viễn Tranh trước đây sẽ gọi bà là bác gái, nhưng bây giờ xưng hô như vậy rõ ràng không phù hợp nữa rồi.

Mẹ của Quan Minh dường như nhìn thấy sự bối rối của cô, và nói: “Bác có một đứa con gái, là con hai, tính cách cũng không biết giống ai, từ nhỏ đã rất tự lập, khi đi học thì ở bên ngoài, rất ít về nhà, tốt nghiệp rồi thì làm việc bên ngoài từ rất sớm và nhiễm thói đời. Bác luôn muốn có một đứa con gái ngoan ngoãn dễ thương. Lần đầu tiên gặp con ở nhà cũ cách đây vài năm, bác đã tự hỏi tại sao thằng ba nhà bác lại không may mắn tìm về được cho bác một cô con dâu vừa ý như vậy.”

Thi Niệm bưng ấm trà, khựng lại một chút, nhướn mi nhìn mẹ của Quan Minh, cười với bà: “Bác uống Lư Sơn Vân Vụ không? Đây là Vân Vụ trên ngọn núi cao trên một nghìn mét so với mực nước biển. Con và anh Sênh bình thường thích uống loại này.”

Mẹ Quan Minh gật đầu: “Đều được cả.”

Thi Niệm lại rũ mắt xuống pha trà cho bà, mẹ Quan Minh quan sát vẻ mặt của cô. Vốn tưởng rằng Thi Niệm sẽ hỏi bà chuyện gì đó, nhưng bây giờ bà mới phát hiện cô gái này rất điềm đạm, phương thức làm ấm bình trà cũng như mây trôi nước chảy, không hề có chút lóng ngóng trước những lời đột ngột của bà, đồng tác của cô cũng thật vui mắt.

Thi Niệm nhanh chóng đặt tách trà đầu tiên tới trước mặt bà.

Trong khi nhấp ngụm trà, bà vẫn để mắt đến chiếc khăn lụa quàng trên cổ cô. Chiếc khăn lụa thêu hoa tulip màu tím được Thi Niệm buộc thành một bông hoa độc đáo và sinh động ở phía bên trái cổ, rất thú vị.

Mẹ Quan Minh thầm ngưỡng mộ nói: “Chiếc khăn lụa này thật sự rất đẹp, chủ yếu vẫn là do con khéo léo. Đúng là làm thiết kế, chiếc khăn lụa này trở nên sống động hơn hẳn trong tay con”.

Mặc dù Thi Niệm được khen ngợi nhưng lời khen ngợi đó khiến cô cảm thấy vô cùng chột dạ. Cô đeo chiếc khăn này vì trên người cô có vết tích do Quan Minh để lại. Khi anh làm chuyện đó thì đều rất điên cuồng, trong lúc đó thì có khi Thi Niệm rất mơ hồ, anh để lại dấu vết trên người cô lúc nào cô cũng không biết, đến sáng thì thấy có chút lộ liễu nên mới lấy khăn che lại.

Cô không ngờ mẹ của Quan Minh lại để ý đến chiếc khăn lụa quấn quanh cổ cô, cô không tránh khỏi cảm thấy hơi xấu hổ, hơi mất tự nhiên sờ lên chiếc khăn lụa, bắt đầu rót tách trà thứ hai.

Mẹ Quan Minh nói với cô: “Trước đây, người ngoài luôn nói thằng ba có tính phong lưu, con đừng nghe những người đó nói năng lung tung, chẳng lẽ bác còn không hiểu được con ruột của mình sao? Bác sinh thằng ba năm 42 tuổi. Trong ba đứa con, thằng ba là đứa bác luôn giữ bên mình. Nó ấy, nhỏ tuối nhất nhưng lại nhiều tâm tư nhất, thông minh từ nhỏ, lớn lên rồi ở bên ngoài lo việc còn chín chắn và chu toàn hơn cả anh và chị nó.”

Thi Niệm cười và nói: “Con biết. Khi vừa mới tiếp xúc với anh Sênh, còn chưa hiểu về anh ấy nhưng lúc đó đã cảm thấy anh ấy không giống như những gì người ta đồn thổi. Cách nhìn nhận và khuôn mẫu của anh ấy rất khác biệt. Con luôn tự hỏi vì sao anh ấy lại có thể có một tính cách lôi cuốn như vậy. Hôm nay con biết rồi, là bởi vì chính tay bác đã nuôi dưỡng anh ấy.”

Mẹ của Quan Minh nhìn cô, nở nụ cười. Thi Niệm đưa trà cho bà bằng cả hai tay, nhìn vào mắt bà và nói: “Không phải khen đâu, anh Sênh nói với con rằng năm đó, bác đã phải chịu đựng rất nhiều khi sinh anh ấy, vì vậy cảm thấy đúng là không dễ dàng gì.”

Mẹ Quan Minh uống một ngụm trà, đặt xuống nói: “Đứa con trai nhỏ này của bác, đừng nhìn nó đối xử lễ phép với mọi người bên ngoài. Một người làm mẹ như bác lại hiểu rõ tính cách của nó. Có khi nhìn thì như thể đang cười với người ta nhưng kỳ thực, nụ cười này có phần lãnh đạm, nhất là kiêu hãnh và cao ngạo khi nó còn trẻ, thật sự không có mấy người có thể lọt vào mắt nó, huống chi là một cô gái nhỏ tuổi như vậy. Nó lớn như thế rồi mà chưa bao giờ đưa cô gái nào về nhà ra mắt chúng ta cả. Cho nên lúc đó, trong bữa tiệc gia tiên ở nhà cũ, nó đặc biệt chuyển món ăn con thích đến trước mặt con thì bác đã biết thằng ba có ý với con”

Thi Niệm rất kinh ngạc, nghĩ lại ngày đó vẫn có phần sợ hãi. Dưới ánh mắt của người lớn hai bên, Quan Minh mấy lần to gan dám làm như vậy, nhưng cô cho rằng mình đã che đậy tốt, còn xoay món ăn anh chuyển đến cho cô đi chỗ khác, nhưng không ngờ vẫn không qua được mắt của mẹ Quan Minh.

Cô ấy hơi ngượng ngùng nói: “Khi đó, chúng con chưa…”

“Bác biết, yên tâm. Cả bàn chỉ có mình bác mới nhìn ra được. Rốt cuộc, chút tâm tư đó của con trai bác có thể che giấu với người khác, nhưng lại không thể che giấu được người làm mẹ. Lúc đó bác vốn dĩ không nghĩ đến chuyện hai đứa có thể thành, trước mắt còn rất nhiều yếu tố khách quan, nghĩ thôi cũng đã thấy khó, âm thầm trách móc thằng ba một hồi rồi bác cũng không quan tâm nữa. Không ngờ sau này, thằng ba lại vì con mà cùng Thương Hải làm trò. Thương Hải chạy đến trước mặt bác, làm loạn lên khiến bác nhức hết cả đầu. Trong lòng bác đã biết rõ chuyện gì rồi. Thương Hải làm gì có cái gan làm càn trước mặt bác, đứng đằng sau đều là thằng ba bày mưu hết. Nó muốn làm kế ve sầu thoát xác. Sau này nghĩ lại thấy một cô gái nhỏ như con ở nơi đó thật đáng thương. Chuyện hôn sự đó thế nào vốn trong lòng bác cũng biết rõ, cho nên cũng biết thời biết thế mà giả ngốc một lần.”

Thi Niệm nghe xong vô cùng bất ngờ, tròn mắt nhìn mẹ Quan Minh, trong lòng chợt thấy ấm áp, như thể chốc lát đã được lấp đầy. Cô rót một tách trà khác, đứng dậy, khom người, nói với người mẹ yêu thương Quan Minh trước mặt cô: “Con hôm nay mới biết chuyện này. Thật không ngờ chuyện năm đó bác đều biết cả. Nếu như lúc đó không có người âm thầm giúp đỡ thì con không thể có một lối thoát khác. Con phải chính thức nói lời cảm ơn bác.”

Khi mẹ Quan Minh nhận được chén trà thứ ba, bà không vội uống, mà ngẩng đầu lên nhìn Thi Niệm: “Nói lời cảm ơn với bác thì có phần khách sáo quá. Con đã rót cho bác ba tách trà, còn không biết nên gọi bác là gì sao?”

Nhịp tim của Thi Niệm đột nhiên tăng nhanh, khuôn mặt có chút nóng lên, trong lòng có một luồng điện nóng như muốn lao ra ngoài, nhưng trước sau cô vẫn không dám tin.

Sau khi uống tách trà đó, mẹ Quan Minh lấy ra một bao lì xì đỏ và một hộp quà tinh xảo từ trong chiếc túi để bên mình, đẩy chúng cho Thi Niệm và nói với cô: “Đây là chút quà nhỏ của bác nhân dịp gặp mặt, đến gấp quá nên bác không thể chuẩn bị chu toàn. Cứ coi như chút quà nhỏ bác mang cho con. Đợi sau này thằng ba lo xong chuyện, chính thức đưa con về nhà thì tặng thêm sau cũng được.”

Thi Niệm nhìn xuống đồ vật trước mặt, có gì đó mắc kẹt trong cổ họng, mắt cô dần dần nóng lên, như thể đã đi qua muôn núi ngàn sông, cuối cùng cũng đến được trước cổng thành Tây. Nhìn lại cả chặng đường với vô số sự lạnh nhạt, coi thường, gièm pha như một lớp vỏ cứng từng lớp từng lớp bao bọc lấy trái tim cô, khiến nội tâm của cô càng ngày càng vững vàng. Cho đến hôm nay ngồi trước mặt mẹ Quan Minh bà mới đưa tay ra với cô.

Thi Niệm đưa tay cho bà với đôi mắt ngấn nước, bà đứng dậy nắm tay Thi Niệm và nói với cô: “Sợ rằng thằng ba không về kịp rồi. Mấy người con trai của ông chú nó chắc chắn là kéo nó đi uống vui vẻ rồi. Nếu con không chê thì hay là để bà già này ở lại dùng bữa với con.”

Thi Niệm như được tâng bốc, nói: “Sao lại chê được ạ? Để con phụ bác một tay.”

Thực ra, cơ hội để Thi Niệm vào bếp không có nhiều, đặc biệt là ở Trung Quốc, Quan Minh về cơ bản sẽ sắp xếp cuộc sống của cô một cách ổn thỏa. Nhưng hôm nay tâm trạng cô rất tốt, cô muốn vào bếp, nấu một bữa cho mẹ Quan Minh nếm thử. Cô sợ rằng dạ dày của người già không tốt nên cô đã đặc biệt làm món thanh đạm, còn hầm một nồi canh.

Mặc dù chỉ có cô và mẹ Quan Minh dùng bữa, nhưng các món ăn rất phong phú, họ trò chuyện như thể mẹ và con gái vậy. Mẹ Quan Minh kể cho cô nghe những chuyện nghịch ngợm đáng xấu hổ của Quan Minh lúc nhỏ. Thi Niệm nghe thì thấy mới mẻ vô cùng.

Khi gặp lại Quan Minh, anh đã trở thành một người đàn ông trưởng thành và vững vàng. Nếu không phải là mẹ Quan Minh nói với cô, cô thật khó có thể tưởng tượng ra những việc Quan Minh đã làm. Hai người trò chuyện và cười vui vẻ.

Đã lâu lắm rồi Thi Niệm mới được ăn một bữa cơm nhà và trò chuyện với một người lớn tuổi như thế này. Bầu không khí này khiến cô nhớ lại khoảng thời gian ở bên mẹ đã qua. Cũng là hai người bọn họ, ăn cơm xong rồi trò chuyện một lát. Cảm giác đã rất lâu mới có lại này khiến cô cảm động.

Trước khi rời đi, mẹ Quan Minh còn cảnh báo: “Thằng ba lần trước còn hỏi bác cơ thể hay bị lạnh nên ăn gì thì tốt. Bác mang tới cho con rất nhiều nhân sâm tốt, đã dặn dò người giúp việc rồi, con nhớ phải dùng đấy. Ăn uống bình thường phải chú ý, ăn thịt có tính bình và hoa quả. Phụ nữ chúng ta ấy mà, phải chú ý giữ gìn, công việc có bận rộn thế nào cũng nên hạn chế thức đêm.”

Thi Niệm nghe từng lời mẹ Quan Minh nói, đột nhiên xúc động muốn khóc, nhưng người giúp việc vẫn ở đó, cô không thể mất bình tĩnh được. Cô chợt nhớ ra điều gì vội nói với mẹ Quan Minh: “Bác chờ con một lát.”

Cô vội vàng chạy lên lầu, lấy một chiếc khăn lụa mới xuống, đi tới chỗ mẹ Quan Minh, nói với bà: “Thêu trên này là Rieger Begonia, đồ vật không có giá trị lắm, nhưng là con tự tay thêu, nhất định là độc nhất vô nhị, hy vọng bác sẽ thích nó.”

Mẹ của Quan Minh cười và nói: “Sản phẩm của đích thân nhà thiết kế lớn của chúng ta mà có thể không đáng tiền sao? Đây đều là những phiên bản giới hạn, bác phải cất cho kỹ. Giúp bác thắt giống như của con đi.”

Thi Niệm lấy chiếc khăn lụa thêu tinh xảo này ra khỏi hộp, tự tay thắt cho mẹ Quan Minh rồi dìu bà vào xe, mẹ Quan Minh nói với cô: “Trở vào đi, bên ngoài lạnh lắm, lần sau gặp mặt hãy dạy bác làm sao để thắt khăn thế này nhé.”

“Nhất định ạ.”

Cuối cùng, cô đan hai tay vào nhau, lo lắng nói: “Mẹ đi đường cẩn thận”.

Dưới ánh đèn dịu nhẹ, trên mặt mẹ Quan Minh nở một nụ cười, đưa tay qua cửa sổ, nắm chặt tay Thi Niệm: “Lần sau về nhà thử món mẹ nấu.”

Làn gió nhẹ thổi qua, cỏ cây thơm ngát, mọi thứ đều ở trạng thái tốt nhất, Thi Niệm cuối cùng cũng không kìm được mà bật khóc.