Tiểu Thanh Cam

Chương 1



Tôi bị tiếng mưa ồn làm tỉnh giấc, sau khi vào hạ trấn Lộc Tự thường hay có mưa. Mỗi ngày ông nội đều sẽ lên núi kiểm tra vườn quýt. Hai ngày trước tôi bị cảm lạnh nên ông nội không cho tôi lên núi, tôi chỉ có thể chán chết mà rúc ở trong nhà.

Tôi vốn muốn ngủ một giấc cho qua hết buổi chiều, nhưng không biết là do tiếng mưa quá ồn hay là tôi ngủ nhiều quá, nằm chưa được hơn mười phút liền tỉnh dậy.

Dù sao cũng không ngủ được, tôi bèn ngồi dậy đi tới bên cửa sổ, hoa trên cây hải đường trong sân đã rụng hết, cành lá sum suê bị mưa giội xanh mướt, xuyên qua vết nước trên ô cửa kính chỉ thấy một mảnh rậm rạp.

Trên bệ cửa sổ bỗng có hai chú chim sẻ nhỏ đáp xuống, cái mỏ nhọn nhọn nhỏ bé gõ vào cửa kính. Tôi do dự trong chốc lát rồi kéo cửa ra, bọn nó liền phần phật bay vào, vọt thẳng đến miếng bánh quy tôi đã ăn một nửa trên bàn.

Chim sẻ ở trấn Lộc Tự vẫn luôn không sợ người.

Gió táp bên ngoài thổi qua, một trận mưa xối xả nện lên tôi, tôi vội vàng kéo cửa sổ muốn đóng lại, lại thấy có một bóng đen dưới mái hiên cửa viện.

Tôi chớp chớp mắt, quả thật không nhìn nhầm, tuy rằng bị cành cây hải đường và tường viện với cánh cửa che lại, thêm cả mảnh mờ ảo do màn mưa nhưng tôi vẫn nhìn thấy.

Có người đến nhà chúng tôi à?

Tôi xoay người chạy vài bước xuống lầu, bị cơn mưa tầm tã trong sân dọa cho lùi lại, rút chiếc dù dự phòng dưới mái hiên bung ra, chạy qua sân để mở cửa.

"Xin chào, xin hỏi tới để..."

"Tìm người hay sao?" Bốn chữ này tôi không nói nên lời, nói chính xác là bị dọa nuốt trở về.

Một người đàn ông cao lớn đang đứng trước mặt tôi, anh ta mặc một cái áo thun đen đã dầm mưa ướt đẫm, để lộ cánh tay vừa trắng vừa cường tráng. Rõ ràng đứng dưới cửa thấp hơn tôi một cái bậc thang, vậy mà còn cao hơn tôi một xíu.

Tôi có hơi sợ anh, siết chặt cán dù trong tay hỏi: "Anh tìm ai?"

Anh ta hỏi một đằng đáp một nẻo: "Trú mưa".

Tôi ló đầu ra dòm trái ngó phải, nhà chúng tôi ở nơi khá cao sát chân núi ở trấn Lộc Tự, hai bên không có hàng xóm láng giềng, cũng không biết người này từ đâu tới nữa.

Tôi nhớ lại ông nội từng nói trong núi có rất nhiều tinh quái, chúng nó sẽ biến thành con người, đến gõ cửa nhà người trên trấn vào nửa đêm hoặc ngày mưa, sau đó ăn thịt người.

Anh ta có phải là tinh quái không?

Tôi hơi phân vân.

Trông anh rất giống tinh quái, trước nay tôi chưa từng gặp ai trắng như vậy, mặc áo thun đen càng trắng hơn, mặt cũng rất trắng cùng với mắt mày như vẽ lên, còn không phải tinh quái sao.

Tôi quan sát anh ta, thấy giọt nước từ trên tóc anh nhỏ xuống sống mũi. Anh đưa tay lau mặt, vuốt tóc ra sau đầu, sau đó nói: "Ngại quá".

Anh gật đầu với tôi rồi xoay người muốn đi. Cũng không biết tôi nghĩ gì mà nắm lấy tay anh, tay anh ấy lạnh ghê, chắc chắn dầm mưa một lúc lâu rồi.

Anh quay đầu nhìn tôi, tôi ngượng ngùng rụt tay lại, khi anh ấy nhìn tôi tôi thấy thật căng thẳng.

Tôi mím môi nói: "Mưa rất lớn đó".

Anh chớp chớp mắt. Tôi lại nói: "Anh có muốn vào trú mưa hay không?"

Anh không phản ứng, tôi đành nói tiếp: "Mưa lớn như vậy, có lẽ còn mưa một lúc lâu nữa. Người anh ướt hết trơn rồi, có thể sẽ bị bệnh. Em là vì bị cảm lạnh mới phải ở nhà nè".

Anh im lặng một hồi, mới thấp giọng nói: "Cảm ơn".

"Anh mau vào đi!". Tôi mở cửa sân cho anh, anh bước vào sân, càng cao nha. Tôi cảm thấy mình chỉ tới vai anh thôi. Dù của tôi không thể che tới đầu anh, anh nhận dù nói: "Để tôi".

Tôi dẫn anh về nhà.

Về đến nhà tôi mở hết đèn trong phòng khách lên, màn mưa quá lớn che kín bầu trời, cảm giác ánh sáng trong phòng không tốt.

Cả người anh ướt nhem, tôi tìm cái ghế cho anh ngồi, sau đó rót một ly nước nóng rồi lên lầu tìm quần áo cho anh.

Hai năm trở lại đây ông nội teo lại rất nhiều, quần áo cũng càng mua càng nhỏ. Tuy rằng tôi cũng nhỏ con, nhưng tôi từng cho rằng mua quần áo lớn sẽ cao lớn nhanh hơn, cho nên trong nhà có vài chiếc quần áo rộng tôi mặc không được.

Chỉ là không ngờ tới trong phòng lại biến thành thế này, tôi kinh ngạc la lên một tiếng. Có lẽ là anh nghe được giọng của tôi nên cũng lên lầu: "Sao vậy?"

Tôi quay đầu nhìn anh, chép miệng nói: "Em quên đóng cửa sổ lại rồi".

Đám chim sẻ tha cái bánh quy trên bàn tôi đi khắp nơi, giấy để trên bàn cũng bị gió thổi bay xuống đất. Mà lúc nãy tôi chạy xuống lầu quên đóng cửa sổ, bây giờ trước cửa sổ ướt nhẹp một mảng, thảm trải sàn cũng bị ướt.

Tôi nhét đồ vào tay anh, đi tới đóng cửa sổ, nói với anh: "Anh mau đi thay quần áo đi, dưới lầu có nhà vệ sinh, cũng có thể thay trong phòng em".

Nói xong tôi lấy khăn lông khô ở bên cạnh, đầu tiên lau sạch nước bên cửa sổ, sau đó lại lau nước trên sàn. Chỉ có tấm thảm này sau khi thấm nước thật sự quá nặng. Tôi muốn thu dọn nhưng hoàn toàn không cầm nổi.

Bình thường khi dọn dẹp tôi đều trực tiếp ném xuống sân qua cửa sổ, nhưng bây giờ trời mưa không thể làm vậy được. Tôi thở dài, không biết phải làm sao mới tốt đây, nếu không hay là đợi ông nội về vậy.

"Làm sao vậy?"

Anh đi tới bên cạnh tôi hỏi. Anh đã thay đồ xong rồi, tôi cảm giác quần áo lớn mặc lên trên người anh vậy mà còn hơi chật, anh ta rốt cuộc là ăn gì để lớn vậy ta, cao như vậy, cường tráng như vậy.

Tôi để ý thấy tay anh đang cầm mấy tờ giấy, anh nhìn nhìn, nói: "Mấy bức tranh này rơi xuống đất, tôi nhặt nó lên".

Tranh!

Tôi giật lấy mấy tờ giấy lộn xộn trong tay anh kẹp vào một cuốn sách, mặt hơi nóng lên. Bình thường tôi rảnh rỗi sẽ vẽ vời, muốn vẽ cái gì thì vẽ cái đó, đều là vẽ mấy cái lung ta lung tung.

Tự tôi xem thì không sao, cho người khác xem rất mắc cỡ.

Nhưng mà một tờ giấy trong đó lại rất không chịu phối hợp, rời khỏi tổ chức run rẩy bay tới bên chân anh.

Anh cúi người nhặt tờ giấy đó lên, khựng lại rồi đưa cho tôi, nói: "Bức tranh của cậu rất thú vị".

Tôi nhận giấy, hơi ngượng: "Thật sao?".

Anh đến gần tôi, nói: "Vô luận là mây hồng hay là nông trường đều rất thú vị..."

Tôi nghe thế mở giấy ra, anh ấy nhích tới gần chỉ vào người duy nhất trong tranh: "Cái người đội mũ nồi quả quýt này là cậu?"

"Anh không thấy rất kỳ quặc sao?". Tôi hỏi anh: "Nông trường này..."

"Rất đẹp," Anh nói: "Quả quýt nhỏ cưỡi dê nuôi cá".

Tôi cực kỳ kinh hỉ trong lòng, anh nói về những điều tôi đã vẽ, nhưng tôi vẫn làm bộ làm tịch cuộn tranh lại nói: "Anh nói sai một điểm, không phải là quýt nhỏ, là thanh cam".*

*Thanh cam: là quả quýt non vỏ còn xanh. Từ này mình xin phép để nguyên nhé.

"Thanh cam?"

"Là em á," Tôi chỉ mình: "Em tên Lộc Tân Cam, anh tên gì?"

Anh im một chút, nói: "Phổ Tự Thanh".

"Phổ Tự Thanh..." Tôi lặp lại một lần: "Phổ nào, Tự nào, Thanh nào nha?"

"Phổ trong phổ thông, Tự trong hòn đảo, Thanh trong màu xanh".

"Ôi chao," Tôi bừng tỉnh: "Anh nói thẳng phổ lam và quần thanh đi, vậy em gọi anh là Phổ tiên sinh là được!"**

Ngẫm một lát, tôi lại nói: "Em là Lộc trong nai con, Tân trong vất vả, Cam trong thanh cam".

Phổ tiên sinh hơi há miệng như có lời muốn nói, nhưng lại ngừng lại, chỉ gật đầu.

Tôi vỗ đầu, mãi nói chuyện với anh quên luôn vụ tấm thảm, tôi vội cuốn thảm lại, lau vết nước xung quanh. Dù sao tôi cũng không chuyển xuống nổi, vẫn là đợi ông nội về rồi tính.

Phổ tiên sinh ngồi xổm bên cạnh tôi, hỏi: "Cái này phải xử lý thế nào?".

Tôi nhìn nhìn anh, lại nhìn nhìn cánh tay của mình, hơi sầu: "Thảm nặng quá, em không cầm nổi, nhưng em muốn dọn nó lại".

"Để tôi làm cho, phải dọn đi đâu?"

"Không cần không cần," Tôi vội xua tay từ chối: "Để vài ngày không sao, đợi hết mưa em ném xuống từ cửa sổ là được".

Anh dùng sức ôm nguyên tấm thảm lên, hỏi tôi: "Để ở đâu?"

Tôi đành nói: "Để dưới mái hiên trải rộng ra là được ạ".

Anh gật gật đầu đi xuống lầu, tôi vội vã đi theo, anh trải thảm xong hỏi tôi: "Được chưa?"

Tôi gật đầu: "Được rồi ạ". Đi tới kéo tay anh vào phòng khách: "Anh mau vào đây, bên ngoài lạnh lắm".

Anh ngồi xuống sofa, tôi đẩy nước nóng trên bàn trà tới trước mặt anh, tìm một tấm thảm nhỏ cho anh: "Nếu như anh thấy lạnh thì đắp cái này nè".

Anh nhận thảm nhưng không dùng.

Tôi ngồi xuống cái đệm đối diện anh: "Mới nãy cảm ơn anh nha".

Anh lắc đầu.

Phổ tiên sinh hình như không thích nói chuyện, tôi cũng không biết nên nói gì với anh, cứ yên lặng ngồi như vậy một hồi, tôi thấy hơi lúng túng.

"Phổ tiên sinh..."

"Lộc Lộc, thảm của con bị sao đó?"

Tôi vừa định lảm nhảm chút chuyện thường ngày với anh liền nghe thấy tiếng của ông nội từ ngoài sân vọng vào, lập tức đứng dậy chạy ra: "Ông nội ông về rồi ạ?"

Ông nội cởi áo mưa treo lên, đạp rớt ủng đi mưa, giẫm chân đất đi dưới hiên, lại hỏi tôi: "Thảm bị sao vậy? Toàn là nước".

Tôi đành phải thành thật khai báo: "Con mở cửa sổ xong quên đóng, bị mưa tạt ướt".

"Nặng như này làm sao con..." Ông nội nói một nửa, nhìn sau lưng tôi: "Đây là ai?"

Phổ tiên sinh bước một bước nhỏ: "Phổ Tự Thanh".

Ông nội nhíu mày dánh giá Phổ tiên sinh một lượt từ đầu tới chân: "Nhìn lạ mắt quá, mới dọn tới hử?"

Phổ tiên sinh đáp: "Vừa tới được một tuần".

"Làm gì trên trấn?"

"Mở cửa tiệm".

Mắt thấy ông nội lại muốn gặng hỏi tiếp, ông cụ này vừa hỏi thì bắt đầu hỏi mãi không có điểm dừng, tôi vội vã xen vào ngắt lời ông: "Ông nội, Phổ tiên sinh là con mời vào nhà ta trú mưa, thảm của con là do ảnh giúp dọn á!"

Ông nội chuyển mắt sang tôi, gõ trán tôi một cái, lại nói với Phổ tiên sinh: "Nếu đã như vậy thì chính là khách của Lộc Lộc rồi, mấy đứa nói chuyện trước đi, ta đi tắm cả thân bùn nước đã".

Ông nội nói xong liền đi, tôi đưa mắt dõi theo ông, dẫn Phổ tiên sinh trở lại phòng khách, vừa đi vừa nói: "Ông nội cái gì cũng tốt, chỉ là hơi nói nhiều".

Phổ tiên sinh không để tâm lắm lắc đầu.

Ông nội rất nhanh quay ra, quần áo trên người đã thay xong, qua quýt xắn ống quần, vắt khăn trên cổ, chắc cũng tùy tiện xối nước qua liền đi ra. Ông nội vừa ngồi xuống, Phổ tiên sinh lại đứng lên, anh chào ông nội và tôi, nói: "Cũng không còn sớm nữa, tôi cũng phải về".

Ông nội khách sáo giữ anh lại ăn cơm tối, Phổ tiên sinh từ chối khéo, ông nội cũng không giữ lại, chỉ bảo tôi tiễn Phổ tiên sinh.

Bên ngoài mưa đã nhỏ hơn rất nhiều.

Tôi đưa Phổ tiên sinh đến cổng, đưa dù cho anh. Anh lại nói cảm ơn và tạm biệt, mang theo quần áo ướt thay ra đi vào trong mưa.

Cây dù tôi đưa cho Phổ tiên sinh chính là cây dù nhỏ màu vàng tôi thường dùng. Mưa ngắt quãng phủ trước mắt tôi một màn nước, dãy núi xa xa ngủ trong màn sương lam một cách yên bình. Chỉ có cái dù nhỏ màu vàng khẽ lay động đi về phía trước, trở thành điểm nhìn duy nhất của tôi.

- Hết-