Tình Nào Sâu Như Tình Đầu

Chương 36: Giấc mộng Hoàng Lương



Hành động này của Hứa Ý Nùng khiến lớp phó văn thể nghẹn họng tại chỗ.

Bảo cậu đi thương lượng chứ có bảo cậu xóa luôn đâu, giờ thì hay rồi, làm không còn đường sống luôn.

Sau đó, Lâm Miểu thêm mắm dặm muối: “Vương Kiêu Kỳ chỉ mượn việc công báo thù riêng thôi, thấy bọn mình mượn sách ảnh của lớp A10 làm báo tường, đến lúc đạt giải cậu ta sẽ mất mặt. Nam sinh mà bắt đầu nhỏ nhen thì không thua nữ sinh tí nào.” Còn chế nhạo cả lớp phó văn thể với Tào Oanh Oanh, “Với cả, chuyện mượn sách ảnh là ý của lớp phó văn thể, lấy cậu ra chắn đạn là Tào Oanh Oanh, lúc mượn đồ thì ai cũng chối đây đẩy, đến lúc cậu mượn được sách ảnh thì, ha, công lao lại thuộc về hai người đó. Đương nhiên rồi, một người vẽ một người viết, đúng là rất có công, nhưng uống nước không biết nhớ nguồn à? Ồ, giờ Vương Kiêu Kỳ nói một câu không hài lòng, hai người này lại thẳng tay đẩy cậu ra gánh tội, làm gì có ai chơi như thế? Mắc gì chứ?”

Hứa Ý Nùng chỉ đưa sách ảnh cho Lâm Miểu: “Đừng nói nữa, phiền cậu trả lại Giang Tấn hộ tớ, nói dùng xong rồi, dạo này làm phiền cậu ấy quá.”

Lâm Miểu nhận sách ảnh, hận sắt không thành thép: “Cậu ấy à, chỉ được cái giỏi nhịn thôi.”

Tiếng người bên tai mơ hồ, Hứa Ý Nùng lấy giấy lau sạch đầu ngón tay còn dính bụi phấn, cô lau từng ngón một, không dùng quá nhiều sức nhưng lại thấy như đau thẳng vào tim.

Giữa trưa, cô qua nhà bà nội ăn cơm theo lời cô giáo Ngô. Ban đầu không khí vẫn tạm ổn, mọi người nói nói cười cười, cô út biết xếp hạng của Hứa Ý Nùng ở trường Trung học số 1 thì vỗ vai em họ học tiểu học: “Con ấy, bình thường xem TV ít thôi, học tập chị Nùng Nùng kia kìa. Cũng không mong con vào được lớp chạy nước rút của trường Trung học số 1, thi đỗ thôi mẹ đã cảm tạ trời đất rồi, dù có vào lớp tự chủ tài chính bỏ thêm ít tiền mẹ cũng đồng ý.”

Bấy giờ bà nội mới gắp một miếng thịt bỏ vào bát cháu ngoại, sau đó gắp một con tôm lớn cho cậu ta, khuôn mặt rất cưng chiều: “Bà nói này, quan trọng nhất vẫn là con cái vui vẻ, Trung học số 1 có gì hay đâu.” Còn trách người cô, “Thằng bé còn nhỏ, con đừng áp lực nó quá.”

Cô út lại không đồng ý: “Mẹ, con có áp lực gì nó đâu, con chỉ đang cảnh báo nó. Mẹ không biết bây giờ thị trường việc làm nghiêm túc thế nào đâu, ai ai cũng là nghiên cứu sinh, cạnh tranh rất kịch liệt. Đến khi lứa này lớn lên, có khi tiến sĩ còn dư thừa, không học tập từ nhỏ sao mà được. Dù sao bằng cấp cũng là cánh cửa đầu tiên vào thị trường việc làm, để con cái học được trường tốt, gặp được các giáo viên tốt nhất, bao nhiêu phụ huynh đã tốn hết tâm tư?” Cô út để đũa xuống, bắt đầu nói đạo lý, “Học sinh mũi nhọn như Nùng Nùng, trước khi thi đại học đã bỏ xa bạn học khác ở vạch xuất phát. Mẹ có biết điểm đại học trong tỉnh mình cách một điểm là hạng xa như thế nào không? Mà Nùng Nùng đã bước nửa chân vào mấy trường đại học chất lượng cao người thường không theo kịp như đại học A rồi.” Rồi cô út lại kiêu ngạo nhìn Hứa Ý Nùng: “Nhìn hạt giống tốt của nhà họ Hứa chúng ta này, tài giỏi biết bao.”

Bà nội mặt không đổi sắc mà gắp đồ ăn, giọng điệu cũng không mặn không nhạt: “Thì cũng họ Hứa đấy, nhưng là vịt giời, sau này gả cho người ta thì vẫn là người ngoài.”

Cô út nghe vậy thì mặt biến sắc, vừa định mở miệng hòa giải thì Hứa Ý Nùng đã giành trước một bước, vứt cái đũa trước mặt mọi người.

Con thú nhỏ ngủ đông đã lâu trong lòng cô bị từng tầng xiềng xích trói ngày càng chặt, cuối cùng lời bà nội nói như giọt nước làm tràn ly. Nỗi phẫn uất khó giải tỏa, chỉ có thức tỉnh phá bỏ xiềng xích mới có thể hít thở một hơi.

Tiếng chén đũa va vào nhau vang lên lanh lảnh làm tất cả mọi người đều bất ngờ, vô cùng kinh ngạc, thậm chí không dám tưởng tượng là cô gái ngoan ngoãn từ nhỏ Hứa Ý Nùng gây ra.

Đương nhiên bà cụ bị dọa một trận, bà ấy che ngực, trừng mắt không bình tĩnh nổi. Hứa Ý Nùng ngồi đối diện đã đứng dậy nhìn thẳng vào mặt bà, lạnh lùng nói: “Bà tưởng cháu thèm muốn cái họ Hứa này lắm à?”

Sau cơn khiếp sợ, bà cụ chỉ tay vào cô, run rẩy: “Mày, mày…”

Hứa Ý Nùng không muốn ở đây thêm một khắc nào nữa, cô quay đầu đi luôn, mặc cô cả cô út có khuyên bảo bao nhiêu.

Phía sau là tiếng bà cụ điên cuồng hét to: “Cho nó đi! Để hàng xóm láng giềng chống mắt lên xem trường Trung học số 1 dạy ra một đứa ăn cháo đá bát, không biết kính già như thế nào! Học sinh mũi nhọn cái gì, cái nết chẳng khác gì con mẹ nó!”

Hứa Ý Nùng đi đến cạnh cửa cũng mở to cửa ra, cô tức đến bật cười, đâm lao thì phải theo lao, cuối cùng phản kháng lại một câu: “Được, bà nói to lên, cho cả xóm cùng biết thế nào là già mà khó tính khó nết, thế nào là mất mặt, dù sao cũng chỉ mất mặt nhà họ Hứa thôi.”

Bà cụ bị kích thích đến mức lồng ngực không ngừng phập phồng, đập bàn nói với cô: “Mày cút đi cho tao! Cút!”

Cô cả cô út đều lần lượt đưa mắt ra hiệu cho cô: “Đi nhanh đi.”

Hứa Ý Nùng mở cửa đi nghênh ngang, cô đi thẳng xuống dưới tầng, việc đầu tiên cần làm là rút điện thoại ra gọi điện cho bố.

Hai cuộc gọi đầu tiên đều bị cúp, cuối cùng cuộc thứ ba cũng được nhận. Loa điện thoại truyền đến từng đợt tiếng ồn ào, vừa nghe đã thấy lại là xã giao. Lão Hứa thấp giọng: “Sao thế con gái?”

“Nếu được lựa chọn, con thật sự không muốn làm con hai người.” Nói rồi, cô cúp máy, ấn giữ để tắt hẳn máy rồi về trường.

Đây là lần đầu tiên Hứa Ý Nùng mất khống chế, cô tùy hứng sống thật với chính bản thân mình một lần, dùng cách này để giải tỏa hết sự tủi thân chất chứa trong lòng đã lâu.

Ai cũng bảo cô sinh ra trong gia đình trí thức, chỉ cô mới biết mình áp lực đến nhường nào. Bố mẹ chung đụng thì ít xa cách thì nhiều, không nghe không hỏi, số lần một nhà ba người ăn cơm cùng nhau có thể đếm trên đầu ngón tay. Thêm nữa, bà nội còn trọng nam khinh nữ từ trong xương tủy, cô như thành phần không thể lên bàn trên trong gia đình này.

Trưởng thành trong môi trường như vậy khiến cô nhạy cảm hơn những đứa trẻ khác, từ nhỏ đã biết nhìn mặt đoán ý, đặt mình vào người khác, độc lập tự chủ, và cả thành tích ưu tú. Cô cứ nghĩ như vậy sẽ được họ chú ý và nhìn bằng con mắt khác, dù một chút thôi cũng được, nhưng cô chỉ nhận lại sự thờ ơ và khinh thường ngày càng tăng. Bây giờ cô mới nhận ra, dù cô có cố gắng chứng minh bản thân đến đâu, ở cái nhà này cũng là tốn công vô ích.

Lúc đi ngang qua quán cơm chiên ở phố ăn vặt, cô mới thấy mình hơi đói bụng, vừa nãy ở kia chưa ăn được mấy miếng. Do dự một lát, cuối cùng cô vẫn đạp xe qua.

Càng không được ai yêu, cô càng không được bạc đãi chính mình.

Đi vào trong quán.

“Bà chủ, một suất cơm chiên trứng cà chua.”

Trong nhà vang lên giọng nói: “Có ngay, ăn ở quán hay mang về?”

Hứa Ý Nùng nhìn cả quán chật kín người: “Mang về.”

“Được, đợi một lát nhé.”

Hứa Ý Nùng chỉ đành đứng một bên chờ, bỗng người ngồi phía trước vốn quay lưng về phía cô lại xoay người lại, là Giang Tấn.

Lại tình cờ gặp mặt, hai người gật đầu chào nhau, coi như đã chào hỏi.



“Cạnh tớ vẫn còn chỗ trống, cậu có muốn ngồi không?” Cậu ấy mời vừa nhiệt tình vừa lịch sự.

Hứa Ý Nùng từ chối: “Không cần, tớ đứng là được rồi, dù sao cũng mang về, chắc sẽ nhanh thôi.”

Giang Tấn khẽ gật đầu: “Được.” Rồi tiếp tục cúi đầu ăn cơm. Hứa Ý Nùng vô tình nhìn thấy cậu ấy cũng gọi cơm chiên trứng cà chua.

Thời gian chờ hơi lâu, Hứa Ý Nùng trả tiền rồi xách hộp cơm ra ngoài, vừa định đẩy tấm rèm nhựa trong suốt thì có một người đã duỗi tay ra trước cô.

Cô nghiêng đầu, thấy Giang Tấn đã đứng cạnh mình, cậu ấy khẽ cười một tiếng: “Vừa hay tớ cũng ăn xong rồi, cùng đi nhé.”

Thế là lại đi cùng đường không trốn được, Hứa Ý Nùng đẩy xe không nói câu nào, đến tận khi Giang Tấn mở miệng.

“Lâm Miểu trả sách ảnh cho tớ rồi.” Bước chân của cậu ấy dần chậm đến đồng bộ với cô: “Cậu ấy cũng kể tớ nghe chuyện lớp cậu, xin lỗi nhé, tớ hại cậu bận bịu vô ích.”

Hứa Ý Nùng thở dài trong lòng, Lâm Miểu ơi là Lâm Miểu.

“Không liên quan gì đến cậu, là nội bộ lớp tớ không thương lượng ổn.” Cô chỉ nói thế.

Giang Tấn nhìn cô, dường như không nghe thấy lời cô nói nữa, cậu ấy mới nói: “Cậu ta làm khó cậu à?”

Hứa Ý Nùng lắc lắc đầu.

“Nhưng Lâm Miểu bảo cậu ta làm cậu mất mặt trước mặt cả lớp.” Giang Tấn lại nói thẳng ra, như có ý muốn hỏi đến cùng.

Bàn tay nắm ghi đông của Hứa Ý Nùng khẽ siết chặt, rồi khẽ ma sát qua lại: “Tranh luận bình thường thôi, mà tớ với cậu ấy cũng thường xuyên như thế.”

Đương nhiên Giang Tấn cũng nhận ra cô không muốn nói nhiều nên không đào sâu thêm chuyện này, hai người lại yên tĩnh bước thêm mấy bước. Hứa Ý Nùng vẫn luôn cúi đầu nhận ra chân phải cậu ấy hơi thiếu tự nhiên, cô hơi chần chừ rồi chủ động nói: “Tớ có thể hỏi, rốt cuộc giữa cậu với Vương Kiêu Kỳ có thù oán gì không?”

Nói rồi cô đối diện với đôi mắt Giang Tấn, lại thấy mình hơi đường đột: “Nếu không tiện…”

“Thì mấy chuyện con trai với nhau thôi.” Không ngờ Giang Tấn lại nói ra, “Huống hồ cậu ta kiêu ngạo thật mà, đúng không?” Nói trúng tim đen.

Thấy Hứa Ý Nùng im lặng không nói gì, cậu ấy lại nhìn về phía trước, giọng điệu không khỏi lạnh lùng hơn: “Nhưng giận cá chém thớt lên con gái thế này, cậu ta cũng tồi thật.”

“Không phải.” Nhưng lại bị Hứa Ý Nùng phủ nhận.

Bước chân Giang Tấn hơi ngừng lại, nghe thấy cô thấp giọng như đang giải vây cho anh: “Cậu ấy không giận cá chém thớt lên tớ.”

Hứa Ý Nùng vẫn cụp mắt nhìn xuống chân, cô thấy mình thật sự không có tiền đồ, rõ ràng hôm nay đã tệ lắm rồi, nhưng cô vẫn bảo vệ anh trong vô thức, vẫn không chịu được khi người khác nói xấu anh.

Tuy anh thật sự có rất nhiều tật xấu, lỗi lầm chồng chất, tự coi mình là đúng, được chiều mà ngạo mạn, tự cao tự đại, nhưng cô vẫn luôn nhớ lúc mình sợ hãi, anh đã đưa tay về phía cô, nói với cô: “Đừng sợ, qua đây.”

Còn khi cô hoang mang lo sợ, anh cũng đứng ra bất chấp hậu quả, chịu điều tiếng giúp cô, thậm chí đến bây giờ tội danh kia vẫn là chuyện cười của cả trường.

Còn cả ngày mưa che ô cho cô, lúc ăn mì tách đũa cho cô, giúp cô lau miệng, lấy coca lạnh dán lên má cô…

Có lẽ đây chỉ là hình ảnh anh tiện tay làm gì đó, nhưng cô đều cẩn thận giấu hết xuống đáy lòng, in sâu vào ký ức, không ai biết đến.

Cái bóng dưới chân lắc lư kéo dài, nhưng làm thế nào cũng không đuổi theo được.

Hứa Ý Nùng tự nhủ, cứ coi như một giấc mộng hoàng lương đi, mộng tan, cũng là lúc phải tỉnh lại.

Lần này đổi thành Giang Tấn im lặng, lúc này hai người đã đi đến khu để xe trong trường.

“Tớ đến nơi rồi.” Trước khi vào khu để xe lớp A1, Hứa Ý Nùng dừng lại, còn nói cảm ơn cậu ấy: “Chuyện sách ảnh hồi trước, phiền cậu quá.”

“Không phiền, sau đấy cậu cho tớ mượn vở tiếng Anh rồi còn gì? Chúng ta coi như có qua có lại, chỉ tiếc là tớ chưa giúp được cậu.” Giang Tấn cũng dừng lại.

Hai người dừng bước trước khu để xe, cuối cùng Hứa Ý Nùng tạm biệt cậu ấy: “Không làm phiền cậu nữa, tớ đi cất xe đã, tạm biệt.”

Vừa xoay người đi, Giang Tấn đã gọi khẽ:

“Hứa Ý Nùng.”

Cô lại nhìn sang cậu ấy, bóng dáng cao gầy đứng dưới bóng râm của tòa dạy học, lại như không che được ánh dương trên người cậu ấy.

Giang Tấn giơ điện thoại về phía cô, cười như gió xuân: “Sau này nếu không vui thì có thể tìm tớ, tớ vẫn luôn ở đây.”

Hứa Ý Nùng hơi sửng sốt, vì lịch sự, cuối cùng cô vẫn gật đầu: “Cảm ơn.”

“Không cần cảm ơn, mình là bạn mà.”



Trên hành lang trước lớp A1, Vương Kiêu Kỳ nhìn thấy hết những chuyện xảy ra dưới lầu, vừa hay có mấy bạn học nữ đi từ dưới lầu lên, mấy người cũng nhìn xuống dưới, giọng điệu hóng hớt vang vọng khắp hành lang trống trải.

“Mọi người nói xem, có phải Hứa Ý Nùng lớp mình… hẹn hò với Giang Tấn lớp A10 không? Hai người bị bắt gặp đi cùng nhau cũng không phải một hai lần.”

Có người nghi ngờ: “Chắc không đâu, Hứa Ý Nùng mà coi trọng lớp tự chủ tài chính á? Khoảng cách này không chỉ nửa bước đâu.”

Cũng có người phủ nhận: “Chưa chắc, dù sao Giang Tấn người ta đẹp trai mà, chỉ cần hợp gu thì không có gì là không thể.”

Mấy người đang mồm năm miệng mười, bỗng nhìn thấy Vương Kiêu Kỳ đứng trước mặt, họ lấy khuỷu tay đụng đụng nhau, ai nấy đều im lặng.

Hai người dưới lầu đều là đối thủ một mất một còn của anh, ít nhắc đến trước mặt anh thì hơn, thế là mấy cô lè lưỡi với nhau, chạy vội vào phòng học.

Vương Kiêu Kỳ vào lớp sau họ, vẫn đi vào như mọi khi, tiện tay ném một vật vào thùng rác.

“Rầm…” một tiếng, nghe cũng khá nặng, nhưng mọi người chỉ tưởng là chai nước chưa uống hết chứ không ai để tâm.

Đến khi tiết tự học tối kết thúc, nhóm trực nhật dọn vệ sinh, lúc quét dọn bất cẩn làm đổ thùng rác, đồ đạc bên trong ào hết ra ngoài, trong đó có một hộp quà đựng mấy viên sôcôla vô cùng tinh xảo. Chúng rơi vãi đầy ra đất, có viên dừng dưới bàn học, có viên lăn sang bên chân nhóm trực nhật, có đủ màu sắc và hoa văn. Chúng khác những loại sôcôla khác, vô cùng xinh đẹp. Bạn học này bị thu hút sự chú ý, tò mò cúi đầu nhìn kĩ, mới nhận ra trên nắp hộp xinh đẹp viết mấy chữ tiếng Anh: GODIVA.

Bạn ấy không khỏi cảm thán: Trời ơi, đây chẳng phải Hermes trong giới sôcôla à? Ai hào phóng thế, vứt nguyên hộp luôn?

Mà lúc ấy, gia đình Hứa Ý Nùng cũng đang cãi vã một trận trước nay chưa từng có, việc hồi trưa như một chất xúc tác, châm ngòi Lão Hứa, cũng châm ngòi bà Ngô.

Hứa Ý Nùng về nhà sau tiết tự học tối, đứng ở cửa đã nghe tiếng cãi cọ ồn ào.

“Lần nào mẹ gọi em cũng không đi, chỉ bảo con đi, em bận đến mức không có cả thời gian ăn một bữa cơm đúng không?” Là Lão Hứa đáng nói chuyện.

Cô giáo Ngô cười lạnh: “Hay quá, chỉ có quan phóng hỏa không cho dân đốt đèn? Anh bận không ăn cơm thì được, tôi thì không bận được?”

Lão Hứa đi đi lại lại trong phòng, tiếng dép lê quẹt trên đất cũng to hơn bình thường, kéo qua kéo lại: “Chính cái thái độ này của em mới khiến Nùng Nùng cũng không hiểu chuyện như em.”

Cô giáo Ngô liếc mắt phản pháo: “Tôi thái độ gì? Anh nói xem tôi thái độ chỗ nào?”

“Em tự xem thái độ của mình đi chứ? Bây giờ em đang thái độ gì đây?” Ba câu hai lời, hai người lại bắt đầu giương cung bạt kiếm.

Cô giáo Ngô cũng phát rồ: “Rồi anh nói cho rõ xem ai không hiểu chuyện? Tôi với con gái không hiểu chuyện? Trong mắt mẹ anh, anh bận là phấn đấu cho sự nghiệp, tôi bận thì thành không hiểu chuyện?” Bà hừ một tiếng, “Anh cũng có hiếu quá nhỉ, bình thường không hỏi han gì cái nhà này, tôi với con gái mời năm lần bảy lượt anh mới về nhà một chuyến. Bên kia mới có gió thổi cỏ lay anh đã vội vã chạy về cãi cọ với chúng tôi. Anh mà bảo vệ được hai mẹ con tôi một lần, mẹ anh có trắng trợn bắt nạt mẹ con tôi như thế không?”

Lão Hứa vừa nghe đã thấy khó thở: “Lại nói sang chuyện gì đó?” Ông bất đắc dĩ giơ tay ra, vỗ vỗ vào nhau mấy cái: “Em nói xem, một năm em sang bên đó có mấy lần? Em còn chẳng lộ mặt được lần nào. Em không biết tính bà ấy chắc, em chỉ cần xuất hiện trước mặt bà ấy thôi là không có việc gì rồi. Giờ quậy thành thế này, có tốt gì cho cái nhà này không?”

Cô giáo Ngô vốn là người mạnh mẽ hiếu thắng, bà không chịu thua: “Sao tôi phải xuất hiện? Trườn cái mặt ra cho bà ta nhục mạ tôi à? Rõ ràng anh cũng biết sao bà ta làm vậy, nhưng thái độ lần nào cũng một điều nhịn chín điều lành, tại sao tôi lại phải làm người nhẫn nhịn cầu toàn? Tôi còn chưa nhịn đủ à?” Nói tới đây, bà cong tay lại gõ gõ lên bàn, thoáng chốc khớp ngón tay đã đỏ bừng lên, nhưng lửa giận vẫn rực cháy: “Hứa Thịnh Văn, đấy là mẹ anh, nhưng tôi là vợ anh!”

Nhưng lão Hứa lại bắt đầu trốn tránh: “Em đúng là càng nói càng khó hiểu!”

Hứa Ý Nùng không nghe nổi nữa, cô đẩy cửa bước vào. Bố mẹ cô nghe tiếng thì đều im lặng lại, cả căn phòng chìm trong không khí nặng nề đến mức người đứng đó thôi cũng thấy khó thở.

Cô giáo Ngô cầm khăn giấy quay mặt đi, Lão Hứa nghiêng người đứng dựa vào tường, ông bực bội kéo cà vạt trên cổ, trầm mặc một lúc rồi mới nói:

“Nùng Nùng về rồi đó à.”

Hứa Ý Nùng không đáp lời, chỉ cúi đầu thay giày rồi đi vào phòng mình như xung quanh không có ai, dường như mọi chuyện không liên quan gì đến cô.

Cô lại dùng một cánh cửa để cách ly mình ra, căn phòng là tấm chắn của cô, có thể cho cô một thế giới nhỏ thuộc về riêng mình, cho cô một chút tĩnh lặng.

Sắc trời ngoài cửa sổ đã tối dần, đêm đen sương nặng, trời cao đặc quánh như mực, Hứa Ý Nùng chỉ thấy mọi chuyện xảy ra hôm nay khiến cả thể xác lẫn tinh thần cô đều mệt mỏi. Mà giờ đây, ngay cả bóng dáng cô chỉ dám lén lút nghĩ đến trong đêm tối lúc nằm trên giường cũng đã tan thành mây khói.

Vừa nghĩ đến đây, cổ họng cô đã khô khốc, khản đặc và đắng ngắt, trong lòng như có cỏ dại um tùm, hoang vu vắng vẻ.

Chỉ là ngay cả bản thân cô cũng đã bỏ qua một điều, dù cô có kiêu ngạo đến đâu thì cô vẫn chỉ là một cô gái đang lớn vô cùng nhạy cảm, cũng như sắt thép dù có cứng đến đâu cũng sẽ phải rỉ sét. Lớp rỉ sét bong ra, bị đút lại lò luyện kim thì cũng chỉ thành một vũng nước mềm mại, ngoài cứng trong mềm mà thôi.

Ngoài cửa vẫn vang lên tiếng cãi cọ đứt quãng, Hứa Ý Nùng buồn bã thất vọng nhìn ánh đèn ngoài cửa sổ không biết được bật lên vì ai, càng lúc càng khát vọng thời gian trôi nhanh hơn.

Cô nghĩ, nếu ngày mai mình thi đại học luôn thì tốt rồi, cô có thể rời xa cái nhà này, rời xa thành phố này, càng xa càng tốt.

 

------oOo------