Toàn Chức Cao Thủ

Chương 1072: Thần Trị Liệu



Edit và beta: Lá Mùa Thu | Type: Nio

*Chương này số lượng từ bình thường, cuối chương có chú thích dài bằng khoảng cách HCM ra HN

Trận đầu tiên giữa Bá Đồ và Vi Thảo nhận được cực nhiều quan tâm. Tiệm net Hưng Hân vẫn duy trì truyền thống phát sóng cho mọi người cùng xem, chỉ có điều đám Diệp Tu bây giờ nghỉ coi chung ngoài tiệm rồi. Vòng khiêu chiến kết thúc, mỗi người trong họ cũng bắt đầu nổi tiếng, tuy còn xa mới bằng các đại thần hàng đầu nhưng ở địa bàn nhà mình thì vẫn rất dễ bị người ta bao vây. Vì thế, chiến đội Hưng Hân chỉ đành núp trong nhà xem trận bán kết đầu tiên bằng máy chiếu.

Lúc này đã đánh xong lôi đài, chiến đội Vi Thảo dẫn trước với tỷ số 5 - 4. Từ tỷ số có thể thấy được màn đấu lôi đài diễn ra rất kịch liệt, đánh đến người cuối cùng mới phân thắng bại.

Trong thời gian nghỉ ngơi của các tuyển thủ, tổ ghi hình chiếu lại những pha đặc sắc. Sau đó trận đoàn đội chính thức bắt đầu.

Đội hình ra trận đầu tiên bên chiến đội Vi Thảo là song ma đạo học giả Vương Bất Lưu Hành của Vương Kiệt Hi và Mộc Ân của Cao Anh Kiệt, kỵ sĩ Độc Hoạt của Hứa Bân, kiếm khách Phi Đao Kiếm của Lưu Tiểu Biệt, mục sư Đông Trùng Hạ Thảo của Viên Bách Thanh.

Danh sách tuyển thủ không có gì đặc biệt, chính là đội hình ngũ hổ mà chiến đội Vi Thảo dùng nhiều nhất trong mùa giải năm nay. Tuy nhiên, danh sách nhân vật mới là thứ gây chú ý với những ai có hiểu biết về Vi Thảo.

"Mục sư kìa!" Người người xôn xao.

Trên thực tế, chiến đội Vi Thảo nắm giữ đến hai nhân vật trị liệu chứ không phải một. Ngoài mục sư Đông Trùng Hạ Thảo xuất chiến trong trận này, họ còn một nhân vật khác là thiên sứ thủ hộ Phòng Phong đã lập công lớn cho 2 lần quán quân của đội nhà.

Ở vào thời kỳ 2 quán quân của Vi Thảo, trong đội hình họ có một tuyển thủ được mệnh danh Thần Trị Liệu: Phương Sĩ Khiêm. Hắn là một kẻ tinh thông cả hai nghề trị liệu, trình điều khiển cả hai nghề đều cực cao. Căn cứ vào tình thế và nhu cầu khác nhau của mỗi trận, việc chuyển đổi giữa hai nghề trị liệu là một đặc thù lớn trong chiến thuật của Vi Thảo khi ấy. Khả năng công kích của mục sư và khả năng phòng thủ của thiên sứ thủ hộ đều được Phương Sĩ Khiêm biểu diễn cho người đời xem một cách cực kỳ hoàn mỹ.

Có điều trong 2 trận đoạt quán quân của Vi Thảo và thời điểm góp mặt trong hàng ngũ ngôi sao, Phương Sĩ Khiêm đều đang cầm Phòng Phong, nên về sau nếu chỉ nhìn vào tư liệu sẽ khó thấy rõ người này một cách toàn diện và thực thụ. Tuy vậy, những ai theo Vi Thảo lâu chắc chắn sẽ không quên hắn.

Vi Thảo cho đến tận nay vẫn không thay đổi phong cách chiến thuật vốn có. Tiếc thay, một tuyển thủ có thể chơi hai nghề đến mức thần thánh như Phương Sĩ Khiêm quá khó xuất hiện lần thứ hai. Về sau Vi Thảo tìm được người thay vào vị trí hắn là Viên Bách Thanh, tuy cũng có thể chơi qua chơi lại hai nghề nhưng nói thật còn xa mới đạt đến level của Phương Sĩ Khiêm. Viên Bách Thanh khổ luyện suốt hai mùa giải vẫn không có tiến bộ mang tính đột phá nào. Đến tay Viên Bách Thanh, sự tinh túy trong việc biến đổi chiến thuật bắt đầu có hơi hướng "thấy vậy thôi chứ hết vậy rồi". Vậy chiến thuật này có còn giá trị tồn tại nữa không? Đây là một vấn đề đã được ngoại giới tranh luận rất lâu.

Ngoài đội hình 5 người đầu tiên của Vi Thảo, người thứ 6 là quỷ kiếm sĩ Sử Quân Tử của Chu Diệp Bách. Lúc Kiều Nhất Phàm chưa rời đội, Sử Quân Tử chỉ là một trận quỷ thuần túy, nhưng bởi nhu cầu của chiến đội trong mùa giải này mà Sử Quân Tử tẩy điểm kỹ năng, đổi thành một quỷ kiếm sĩ trận trảm song tu, Chu Diệp Bách đánh theo lối này cũng khá suôn sẻ.

Bên Bá Đồ, đội hình vào trận đầu tiên là nhà quyền pháp Đại Mạc Cô Yên của Hàn Văn Thanh, lưu manh Lãnh Ám Lôi của Lâm Kính Ngôn, chuyên gia đạn dược Bách Hoa Liễu Loạn của Trương Giai Lạc, thiện xạ Âm 9 Độ của Tần Mục Vân, mục sư Thạch Bất Chuyển của Trương Tân Kiệt. Người thứ 6 là pháp sư nguyên tố La Tháp của Bạch Ngôn Phi.

Không có bất ngờ nào trong đội hình ra trận của hai phe, toàn là những gương mặt xuất hiện liên tục trong vòng đấu bảng. Ở vòng đấu bảng, hai trận đoàn đội giữa Vi Thảo và Bá Đồ chia đều mỗi bên một trận thắng, đều thắng trên sân nhà. Thế nhưng thể thức áp dụng trong vòng chung kết sẽ tính bằng điểm đầu người, do đó đã có fan lật lại hai trận đoàn đội trong vòng đấu bảng để so, và rồi phát hiện điểm số hai đội cũng ngang nhau luôn.

Những lần giao thủ xa hơn nữa càng không có giá trị tham khảo, bởi cả Vi Thảo lẫn Bá Đồ đều có điều chỉnh lớn từ mùa hè năm ngoái. Tình hình đụng độ trong mùa giải này thì chỉ cho thấy nhân tố ảnh hưởng thắng thua là ưu thế sân nhà mà thôi.

Hôm nay sân nhà là chiến đội Vi Thảo.

Vì thế Vi Thảo đã thắng phần lôi đài với 1 điểm đầu người. Nhưng thật ra nhìn vào quá trình thi đấu kịch liệt, khó ai nói rõ rốt cuộc ưu thế chọn bản đồ của đội chủ nhà có sức ảnh hưởng thế nào.

Đến trận đoàn đội, tuy sự tinh túy trong việc thay đổi chiến thuật với hai nghề trị liệu của Vi Thảo đã không còn, nhưng việc sử dụng nghề nào vẫn có thể cho thấy thái độ của họ với trận đấu này một cách nhất định.

Mục sư thiên về tấn công, thiên sứ thủ hộ thiên về phòng thủ. Trận này mục sư xuất chiến, hiển nhiên chiến đội Vi Thảo muốn tập trung vào công kích. Vừa vào trận, họ lập tức đánh rất tích cực.

Tuy nhiên trong đội hình chiến đội Bá Đồ, cả Hàn Văn Thanh, Trương Giai Lạc, Lâm Kính Ngôn lẫn Trương Tân Kiệt đều không một ai thiếu kinh nghiệm giao thủ trực tiếp với Phương Sĩ Khiêm, đã vậy kinh nghiệm còn không ít. Lối đánh này của chiến đội Vi Thảo, trong liên minh không ai quen thuộc hơn họ. Một khi đã từng đọ sức với Phương Sĩ Khiêm, nay trải nghiệm thay đổi dưới sự điều khiển của Viên Bách Thanh, 4 người chỉ có thể tiếc nuối đánh giá: quả thật không cùng đẳng cấp.

Phương Sĩ Khiêm được mệnh danh Thần Trị Liệu, nhưng trên thực tế bản lĩnh của hắn nằm ở chỗ khiến cho người ta quên rằng hắn là một trị liệu. Cách mà hắn lợi dụng đặc tính tấn công hoặc phòng thủ của nghề trị liệu mình cầm trong trận đều cho đối thủ một cảm giác bó buộc, không thể phát huy hết mình.

Còn Viên Bách Thanh? Dù sử dụng mục sư hay thiên sứ thủ hộ cậu ta đều hoàn thành tốt vai trò, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của người ta về cậu vẫn là một trị liệu đúng nghề đúng việc. Đây chính là điểm khác biệt giữa Viên Bách Thanh và Phương Sĩ Khiêm, cũng là nguyên nhân khiến đấu pháp của cậu không đủ chín.

Các lão tướng Bá Đồ nhìn thấy rất rõ điều đó. Đối phó Viên Bách Thanh, họ chỉ cần xem cậu ta là một trị liệu thông thường, không cần đề phòng cậu ta có bản lĩnh hỗ trợ gây ức chế tột độ như Phương Sĩ Khiêm.

Kinh nghiệm là một thứ rất quý giá, cũng là tài sản đáng tự hào nhất của lão tướng. Thế nhưng có những lúc kinh nghiệm sẽ phản dame, bởi nó lỗi thời trong một vài trường hợp. Kinh nghiệm lỗi thời dẫn đến phán đoán cũng sai lầm.

Điều tệ hại đó xảy ra với phán đoán của các lão tướng Bá Đồ lần này. Lối đánh hỗ trợ của mục sư dưới tay Viên Bách Thanh bất ngờ gây ức chế đến mức khiến họ nhớ về thời còn đánh với Phương Sĩ Khiêm.

Cậu tuyển thủ này đã trưởng thành đến vậy rồi sao?

Các lão tướng Bá Đồ hoảng hốt như thể bắt gặp hình bóng Thần Trị Liệu năm xưa trên Đông Trùng Hạ Thảo của Viên Bách Thanh.

Đó là một sai lầm. Sai lầm này chắc chắn phải trả giá rất lớn.

Trận đoàn đội, Vi Thảo thắng.

Điểm đầu người đã không còn quan trọng nữa, Vi Thảo thắng cả hai hạng mục, thu về chiến thắng trọn vẹn trong hiệp đấu đầu tiên của bán kết.

Khí thế giành quán quân của Bá Đồ lớn mạnh khỏi bàn, giờ đây thua dưới tay Vi Thảo, họ được cánh nhà báo "chiếu cố" không ít.

Trong buổi phỏng vấn sau trận đấu, tâm lý các lão tướng Bá Đồ xem ra vẫn rất ổn định.

"Vi Thảo đánh rất tốt." Mấy câu khuôn sáo thế nào cũng sẽ có.

"Mỗi một người, qua mỗi một mùa giải, đều sẽ có sự trưởng thành rất lớn. Có những người sẽ được chú ý thấy, nhưng cũng có một số sẽ bị lơ là." Không chỉ thẳng ra cái tên nào, nhưng trên thực tế Bá Đồ đang tự phê bình bản thân.

Kỳ thực, đội hình đoàn đội trong mùa giải này của Vi Thảo tràn ngập những chồi non mới trưởng thành.

Cao Anh Kiệt và Hứa Bân đều lần đầu tiên lọt vào hàng ngũ tuyển thủ hạng sao, trưởng thành bao nhiêu thì khỏi phải nói. Lưu Tiểu Biệt đã không còn là một tuyển thủ thiếu não chỉ biết kiếm ăn bằng tốc độ tay, cậu của hiện tại chỉ cách đẳng cấp ngôi sao một bước mà thôi. Trong bầu không khí trưởng thành rõ rệt ấy, Viên Bách Thanh lại bị lơ là. Lẽ nào trong lúc không ai hay biết, cậu ta đã tìm thấy chiếc chìa khóa mở ra bí ẩn mang tên Thần Trị Liệu mà Phương Sĩ Khiêm nắm giữ?

"Trận hôm nay mỗi người đều phát huy rất xuất sắc, nhưng biểu hiện của Viên Bách Thanh chính là mấu chốt thắng lợi của chúng tôi. Phong độ nổi bật của cậu ấy ở phương diện hỗ trợ đã khiến đối thủ rơi vào bị động. Cậu ấy chính là người dẫn đường cả đội đến với thắng lợi lần này." Trong cuộc phỏng vấn Vi Thảo, đội trưởng Vương Kiệt Hi không hề che giấu thái độ biểu dương đối với Viên Bách Thanh.

Đây quả là một pha bùng nổ quá bất ngờ.

Ai cũng chỉ thích dõi mắt theo các đại thần danh tiếng hiển hách hoặc các tuyển thủ đã từng tỏa sáng nhiều lần. Tần Mục Vân là người thứ năm trong đội hình ra sân đầu tiên của chiến đội ông lớn mà vẫn bị xem thường, Viên Bách Thanh há lại không?

Rốt cuộc, kết quả của trận đấu này được quyết định bởi một người không ai thèm liếc mắt. Những cuộc thảo luận về cậu ta diễn ra trắng đêm không ngừng.

Trận đấu trong ngày thứ hai lại là sự trái ngược hoàn toàn với trận Vi Thảo vs Bá Đồ.

Yếu tố quyết định thắng thua của trận này đã được mọi người quan tâm và kỳ vọng ngay từ đầu: tuyển thủ đại thần.

Chu Trạch Khải, vẫn là Chu Trạch Khải.

Tuyển thủ này ngoài trận im như thóc, vào trận lại là một sự tồn tại vô giải.

Ai cũng biết rằng phải chú ý hắn, ai cũng trăm phương ngàn kế ra sức đối phó hắn, mọi chiến đội đều lập kế hoạch nhằm vào hắn. Thế nhưng dù có làm gì cũng vô ích, chỉ cần vào trận, hắn sẽ đánh đâu thắng đó, không gì đỡ nổi. Chiến đội Hô Khiếu từ hồi vòng bảng đã thể hiện khả năng xông pha vô cùng mãnh liệt, tuyển thủ át chủ bài Đường Hạo còn là một kẻ không sợ trời không sợ đất, dám tự tin ngập mặt nói ra câu "lấy hạ khắc thượng" trong tân binh khiêu chiến. Nhưng họ vẫn thua.

Trên sân nhà mình, Hô Khiếu bị Luân Hồi đánh bại.

Chẳng có gì để phân tích quá nhiều về mặt chiến thuật cả. Luân Hồi thắng và Hô Khiếu thua chỉ bởi cùng một nguyên nhân.

Vô giải.

Chu Trạch Khải vô giải.

Mọi tuyển thủ muốn đánh bại hắn đều ngã gục dưới gót chân hắn. Mọi chiến thuật muốn khống chế hắn đều thất bại dưới nòng súng hắn.

Hô Khiếu thua đến mức cúi gằm mặt.

Trong cuộc phỏng vấn sau trận đấu, đội trưởng Đường Hạo chỉ nói một câu: "Trận kế tiếp, bọn tôi sẽ thắng."

Đó là quyết tâm, đó là thái độ.

Nhưng lấy cái gì để thắng? Không ai biết. Lúc Đường Hạo nói câu này, không thấy các đồng đội Hô Khiếu của hắn có chút gì hăng hái. Liệu bản thân Đường Hạo có sẽ tin vào nó khi tự nói với chính mình không?

Thật đáng nghi ngờ.

Một Hô Khiếu hung hăng, bị Luân Hồi phủ đầu cho một cú đau đớn.

Một Bá Đồ có nhiều khả năng đoạt quán quân nhất, thua bởi sự bùng nổ của một tuyển thủ không hề nổi bật.

Tổ hợp Tứ Đại Thiên Vương thì ra không phải bất bại.

Nhưng xem ra Chu Trạch Khải thực sự vô giải.

Quán quân, rốt cuộc sẽ là ai?



Giải thích một chút cách dùng từ của Hồ Điệp Lam trong chương này, bởi vì thú vị:

1. Vi Thảo: "mới trưởng thành" là một khái niệm thường thấy trong văn học cổ điển Trung Quốc, đến từ câu "nhà ta có hổ mới trưởng thành", để nói về sự lớn mạnh và đáng quý của thế hệ hậu bối, ý nghĩa tích cực hơn câu "Trường Giang sóng sau xô sóng trước". Toàn Chức là một bộ truyện viết rất tuyệt về thế hệ hậu bối, nên khái niệm này thật sự thích hợp hơn câu "Trường Giang". Cho nên:

Vi Thảo có cỏ mới trưởng thành!

Bá Đồ có hổ mới trưởng thành!

Gia Thế có rồng mới trưởng thành!

Bách Hoa có hoa, Hư Không có quỷ, Hô Khiếu có hùng phong gào thét, Lam Vũ có nắng sau mưa, tất cả đều sẽ tụ hội ở liên minh chuyên nghiệp, mùa này hoặc mùa sau, sân chơi của thần, thời đại của thần, chúng ta cùng nhau chứng kiến đi!

Ngoài ra Hưng Hân còn có bánh bao mới ra lò!

2. Luân Hồi: từ được dùng để miêu tả về Chu Trạch Khải trong chương này rất đắt, cũng từng được dùng để miêu tả về bộ liên kích truyền thống của pháp sư chiến đấu mà Diệp Tu đã đưa đến đỉnh cao, liên kích đối thủ đến chết trong epic replay của Vinh Quang, sau đó trận Khưu Phi vs Diệp Tu, rồng con Gia Thế đã thực hiện nó đến hit thứ 21: vô giải.

Vô giải là một khái niệm trong Hán ngữ, có ý nghĩa là hoàn mỹ đến không một kẽ hở. Nhưng đặc biệt khi từ này được sử dụng ở Chu Trạch Khải, nó còn mang thêm một nghĩa khác: không ai hiểu được.

Bởi vì... ờ, bạn biết đó... Súng Vương... ờ... ừm... haha...
— QUẢNG CÁO —