Ba năm qua, mỗi khi đến ngày này tôi không khỏi tự dằn vặt mình, hôm nay chính là sinh nhật của tôi, là ngày kỷ niệm ba năm tôi và anh ở bên nhau, nhưng cũng là ngày giỗ thứ ba của anh hai tôi.
Trời cuối thu lạnh se sắt, hai tay ôm dụng cụ vẽ của tôi đã tê rần từ lâu, da thịt khô nẻ bị gió cứa từng đợt khiến tôi cắn răng vì cóng buốt. Từ tờ mờ sáng tôi đã rời khỏi nhà đi loanh quanh khắp nơi, cho đến tận tối khuya mới nặng nề cất bước trở về.
Trái ngược với những gì tôi tưởng tượng, khu vườn toả ra ánh sáng xanh đỏ mờ ảo như vũ trường, tiếng nhạc và tiếng người huyên náo tràn ra không ngớt. Tôi len lỏi đi trong đám thanh niên ăn mặc phóng khoáng nhưng sực nức mùi nước hoa đắt đỏ trông vô cùng lạc quẻ và buồn cười.
Giữa đám nam nữ đang điên cuồng lắc lư, tôi nhanh chóng nhìn thấy anh ưu nhã ngồi trên sân khấu như một bậc đế vương cao ngạo. Dưới lớp đèn vàng mờ ảo, người anh lấp lánh ánh sáng rỡ, nhưng gương mặt bị bóng đêm hắt lên khiến tôi nhìn không rõ vui buồn. Giá như lúc khác, chắc hẳn tôi sẽ chạy tới anh không ngần ngại, nhưng hôm nay, tôi chỉ mong trốn khỏi anh càng xa càng tốt.
Vừa định xoay người đi về lối cửa sau thì một quả bóng tennis đập thẳng vào gáy khiến tôi suýt thì ngã sấp về trước. Ngay sau đó là một âm thanh điện tử hào hứng vang lên:
“Ô la la~ Nhân vật chính của ngày hôm nay, chúc mừng sinh nhật lần thứ 21 của mày, đã đến rồi sao không dám đi vào?”
Người cầm loa nhỏ vừa nói là Khánh Duy, nếu bỏ qua những lần anh ta bắt nạt và châm chọc tôi thì cũng tính là bạn bè gần 10 năm. Tiếng nói vừa dứt, tôi nhanh chóng bị mấy người gần đó giữ lấy và lôi lên sân khấu như một con rối gỗ. Dĩ nhiên, tất cả sự chú ý đều đang đổ dồn về phía tôi.
Vài tiếng huýt sáo ngả ngớn vang lên, có ai đó đẩy mạnh tôi ngã xuống trước người anh. Tôi nhanh chóng đứng dậy, không dám nhìn mặt anh dù chỉ một chút.
“Tụi bây, đưa tao cái ly, để tao mời nhân vật chính ly rượu nào!”
Khánh Duy vừa nói vừa rót rượu đưa tới trước mặt tôi, tôi lắc đầu không dám nhận lấy.
“Khinh tao à! Ông đây hạ mình mời mày ly rượu còn dám không uống. Nói gì đi chứ, bất ngờ không? Vui không?” Khánh Duy vừa hỏi vừa túm tóc tôi kéo lên, buộc tôi ngẩng đầu đối diện với bọn họ, chai rượu hơn nửa cứ thế đổ ào lên mặt tôi, mùi rượu cay xè xộc vào khoang mũi khiến tôi sặc sụa ho không ngừng.
“Ha ha ha, quên mất, câm thì sao nói được!” Khánh Duy nhún vai, tiếp theo đó là một tràng cười nhạo báng vô cùng quen thuộc từ đám người đang tụ lại xem kịch hay.
“Không nói được, nhưng tính toán bày mưu thì rất được à nha.” Thái Hoàng, người thanh niên ăn mặc chỉnh tề đứng bên cạnh vội tiếp lời.
“Lòng dạ độc ác như vậy, câm cũng đáng!”
“Câm hèn như mày mà cũng dám bám lấy Khải Đăng không từ thủ đoạn, đúng là dai như đỉa đói, dựa vào gương mặt mày mà cũng dám so sánh với Ngạn Dương hay sao?”
Hai chữ Ngạn Dương vừa phun ra, đám người phút chốc nín thinh, sắc mặt căng thẳng nhìn về phía anh đang ngồi đó. Cơ thể tôi không tự chủ run lên, lồng ngực như bị bóp nghẹn, cơn hoảng sợ tột đỉnh khiến tôi không dằn được phát ra âm thanh ú ớ, đặt giữa không gian yên tĩnh càng rõ mồn một, thứ âm thanh khô khốc khàn đặc chính tôi còn ghê tởm hơn ai.
Ký ức ba năm trước ồ ạt xâm chiếm đầu óc tôi, nhắc tôi không thể quên tôi từng có một người anh hai, cũng nhắc tôi đã hèn mọn hại chết anh hai như thế nào.
Ngạn Dương, Ngạn Du, hai anh em sinh đôi nhà họ Lâm danh giá quyền quý. Nhưng từ trước tới nay, mọi người đều chỉ biết đến sự tồn tại của Ngạn Dương ưu tú ôn hoà. Sở dĩ như vậy, bởi vì khi phát hiện tôi bị câm bẩm sinh, cha mẹ tôi từ hạnh phúc chuyển sang bị đả kích vô cùng lớn, vì sợ mất thể diện nên nhốt tôi trong nhà suốt ngày, ngay cả việc học và giao tiếp cũng là do gia sư đến nhà dạy cho tôi.
Sài Gòn bấy giờ có 4 công tử tài giỏi phong lưu nức tiếng không ai không biết, Cao Khải Đăng, Lâm Ngạn Dương, Trần Khánh Duy, Lương Thái Hoàng. Mà anh và anh hai còn được biết đến với danh xưng Hắc Bạch Công Tử.
Khải Đăng thích Ngạn Dương, người tinh ý một chút đều dễ dàng nhận ra.
Nhưng mối tình thanh mai trúc mã xứng lứa vừa đôi ấy chưa kịp kết trái đã bị tôi phá cho tan tành!
Sinh nhật năm 18 tuổi, còn bởi vì anh hai đậu thủ khoa đại học RMIT, nhà tôi tổ chức yến tiệc, khách khứa không phú thì quý đếm nhiều không xuể, tiệc xa hoa sang trọng vô cùng. Tôi không biết là dã tâm hay não úng nước, đêm đó thừa cơ Khải Đăng say xỉn mà trèo lên giường cùng anh lăn qua lộn lại một hồi. Đến khi sự việc bị phát giác, anh hai đã bỏ đi biệt tăm biệt tích mất rồi. Người nhà tôi một trận nháo nhào, không cho tôi cơ hội giải thích bất cứ điều gì.
Dưới thế lực hai nhà Cao - Lâm, từng tấc đất trong nước đều bị xới tung lên để tìm kiếm, tin tức phát liên miên trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Nếu anh hai còn sống chắc chắn sẽ liên lạc hồi âm, nhưng đến giờ vẫn không hề nghe ngóng được bất kỳ tin tức gì, chỉ sợ là lành ít dữ nhiều, ngay cả phòng thờ mẹ tôi cũng đã bài trí trang nghiêm luôn rồi.
Kể từ đêm đó, tôi không dám đối diện với cha mẹ, dù không nói nhưng thông qua ánh mắt, tôi hiểu họ hận tôi thế nào, có khi còn ước rằng tại sao người chết lại không phải là tôi ấy chứ.
Thế nên tôi bỏ nhà đi bụi, nhưng dù gì cũng mới 18 tuổi, còn là một kẻ câm đần độn, tôi chỉ còn cách bám lấy anh không rời. Anh không đuổi không bài xích tôi, còn cho tôi chỗ ăn chỗ ở, chúng tôi từ đó liền dây dưa mơ hồ. Nhưng hơn ai hết, tôi biết rằng tôi chỉ là kẻ trám vào lúc tim anh trống rỗng mà thôi. Anh hận tôi, trút giận lên tôi, lại bất đắc dĩ ăn ngủ với tôi, mà tôi thì vô tri vô giác dâng tất thảy những gì tốt đẹp cho anh. Bạn bè anh càng mắng chửi tôi, tôi càng bám lấy anh, dai đến mức đất Sài Gòn này không ai là không biết tôi si mê anh, cũng không ai là không biết anh căm hận tôi nhường nào. Ký ức thì nhiều nhưng lướt qua trí não chỉ như một cái chớp mắt, tôi bị Khánh Duy đá mạnh đến văng xuống khán đài, bộ dụng cụ vẽ tôi ôm khư khư rơi hết ra ngoài, còn đầu gối tôi đập mạnh lên sàn truyền đến cơn đau tê tái.
Tôi cắn răng chống tay bò dậy liền thấy bóng người cao lớn đổ lên tôi sự u ám căm hờn. Anh cao ngạo đứng trên sân khấu nhìn xuống, môi mỏng nâng lên hạ xuống: