Người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần đang ngồi bễ nghễ trên ghế cao trông hao hao với anh, nhưng sóng gió thương trường khiến gương mặt ông đanh lạnh như tiền, ánh mắt không giận mà uy cùng khí thế cương cường khiến người đối diện không dám hít thở.
Tôi nhìn hai hàng vệ sĩ đứng hai bên ông mà cảm thấy kiếp nạn này khó thoát, chỉ có thể đứng nghiêm cúi đầu chào ông rồi từng bước gian nan đi vào.
“Cậu là Ngạn Du? Đứa con không danh phận của nhà họ Lâm, và hình như không nói được?” Ông trực tiếp cất tiếng vào thẳng vấn đề.
Tôi lúng túng gật đầu, tay chân lóng ngóng không biết phải hành xử thế nào cho phải phép. Nhưng rồi tôi nghe ông nói tiếp:
“Ba năm qua tôi mắt nhắm mắt mở dung túng cho cậu sống ở đây, một phần vì tình nghĩa với cha cậu, một phần vì không muốn đẩy cậu vào đường cùng, nhưng bây giờ thì sao? Cậu trực tiếp đẩy nó vào chỗ chết?”
Giữa gian phòng im ắng như có thể nghe được tiếng kim rơi, tôi như thể đứng trước vành móng ngựa nghe từng lời định tội của ông đanh thép vang lên.
Là tôi trơ trẽn nhúng chàm anh, là tôi đeo bám anh, còn hại anh phải nhập viện thế này. Nhưng có ai từng nghĩ mọi chuyện đi đến nước này không phải do một mình tôi? Tôi sai, nhưng mấy người cũng không hoàn toàn đúng. Vậy cho nên tội lỗi đều đổ hết lên người tôi, bởi vì tôi cần một tội danh để chết, mà mọi người cần một lí lẽ để thoải mái sống trên đời này?
Nực cười biết bao!
Tôi không thể nói, lúc nào cũng không thể nói, giờ phút này chỉ có thể uất ức nắm tay nhìn thẳng về trước, lắng nghe từng hồi phán xét của tất cả mọi người.
“Cậu nghĩ mình có thể kiên quyết được bao lâu? Có thể một mình buộc dây được bao lâu? Huống hồ Khải Đăng càng không dễ cho người khác định đoạt.” Ông vừa nói vừa cười lạnh: “Sai lầm có thể sửa, dẫu sao tồn tại trên đời đều dựa vào hiểu lí lẽ hay không. Cũng đồng nghĩa thế giới này vốn dĩ không có chỗ cho kẻ vô tri, hay nói… ngu si cũng là một loại tội lỗi.”
Lời ông như búa gỗ gõ mạnh xuống bàn, tuyên cho tôi bản án tử hình. Ngay lập tức một gã vệ sĩ từ đằng sau giữ chặt hai tay tôi, bắt tôi phải đối diện với ông, nhìn ông lăng trì lòng tự trọng của tôi, và buộc tôi cảm nhận từng hồi lên gối xuống khuỷu tay của mấy tên vệ sĩ đang bao vây tôi như loài hổ đói.
Có lẽ đối với những kẻ lì lợm và trì độn như tôi, cách giải quyết tốt nhất chính là nắm đấm. Không cần đôi co, không cần nghe giải thích, cũng không cần vắt óc nghĩ cách đối phó, dễ dàng biết bao nhiêu.
Tôi vẫn như mọi lần cắn răng nuốt xuống những hành hạ của bọn họ, nhưng lần này không thể trốn chạy, cũng không thể ngã xuống, phải thẳng lưng hứng lấy từng trận đau đớn ấy.
Có lẽ đã xong rồi, tôi được họ thả ra và vô lực ngã ập xuống sàn nhà lạnh lẽo, ông lập tức đứng lên rời đi, còn không quên bỏ lại câu nói sau cùng:
“Tránh xa Khải Đăng ra, nó còn một tương lai phía trước.”
Như thể chứng minh lời ông nói, những ngày sau đó tôi không thể nào đến gần anh, xung quanh anh luôn có một hàng vệ sĩ cao lớn canh gác và mấy người hầu nữ chăm sóc anh tận tình từng giây.
Hơn nửa tháng nay, tôi chỉ có thể loanh quanh từ nhà ra công viên, mà hầu hết đều dành trọn cả ngày ở ngoài đường cho đến tận tối mịt. Nếu không thể nói được, tôi chỉ có thể vẽ lên những điều muốn nói, muốn dang tay chạm vào. Chỉ có những lúc vẽ, tôi mới cảm thấy được cứu rỗi phần nào, dẫu cho những bức vẽ ấy chỉ là ảo ảnh mơ hồ.
Người qua lại đông đúc, có người bỏ đi, cũng có người nán lại nhìn tôi vẽ, nhiều nhất là mấy đứa nhỏ, chúng rất thích những hình thù ngộ nghĩnh mà tôi vẽ ra, ngẫu nhiên sẽ vòi cha mẹ mua tranh đó cho chúng. Nhiều lần như vậy, bất đắc dĩ tôi trở thành kẻ bán tranh, mà tôi hay tự chọc cười chính mình bằng mấy từ khập khiễng - ‘hoạ sĩ đường phố’. Tiền bán tranh cũng không nhiều, chỉ có mấy chục ngàn hoặc một hai trăm ngàn, nhưng tích góp dần cũng có thể giúp tôi mua thức ăn và dụng cụ vẽ. Nghiễm nhiên có thể sống tạm bợ bằng nghề vẽ này càng khiến tôi hào hứng hơn nhiều.
Ban ngày vui vẻ bao nhiêu thì ban đêm đối lập hoàn toàn. Mỗi khi bước chân vào nhà tôi liền bị nhấn chìm bởi không khí u ám nặng nề, nó như thể kéo tôi về thực tại, nhắc nhở tôi mãi mãi không thể thoát khỏi cảnh sống nghẹt thở này.
Càng buộc tôi nhớ anh đến điên đảo.
Tôi chỉ có thể trốn lên phòng anh, sau khi tắm sạch sẽ liền lén lút lấy quần áo của anh mặc vào người, chúng rộng thùng thình khiến tôi như lọt thỏm trong đó. Tôi cả gan trèo lên giường anh, chôn mình giữa chăn gối của anh, thoang thoảng hít thở hơi ấm mỏng manh còn sót lại của anh.
Nỗi nhớ anh lại dâng lên ngập tràn.
Tôi tự huyễn hoặc rằng anh đang ở bên tôi.
Thế nên tuy không khí yên tĩnh nhưng không còn lạnh lẽo nữa, như thể mang tôi về lại những lúc trước, tôi không thể nói chuyện, mà anh cũng không bao giờ bắt đầu câu chuyện. Cuộc sống lặng lẽ mà phảng phất hơi người kéo ngày tháng chậm rãi trôi qua.
Bỗng dưng điện thoại tôi bất chợt rung lên hai hồi, có tin nhắn báo tới. Dẫu biết rằng chỉ là tin quảng cáo của tổng đài, tôi cũng nhàn rỗi mở ra xem:
[Khải Đăng xuất viện rồi, bọn tao có tổ chức buổi tiệc chúc mừng nó tai qua nạn khỏi. Địa chỉ: biệt thự X đường Bạch Vân Q2, 8 giờ sáng mai.
Khánh Duy.]
Anh đã hồi phục rồi sao? Tôi có chút vui mừng, cơn ngái ngủ cũng phút chốc bay biến. Thế là cả đêm tôi không ngừng mường tượng đến dáng vẻ của anh, còn mong chờ ngày mai sẽ được gặp lại anh nữa.