Tra Công, Nhẹ Chút Đi!

Chương 28: Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang (3)



Tôi không nói gì, anh cũng không hỏi rằng cơ thể tôi đã yên ổn hay chưa.

Căn phòng rơi vào sự im ắng lạ thường, anh vẫn chưa rời đi mà đang lặng lẽ ngồi đọc sách trên sô pha trước giường.

Tôi chậm rãi cầm muỗng ngồi xuống bàn ăn cơm, cơm canh đầy đủ, có kho có xào, nhưng tôi không thể nếm được bất cứ mùi vị gì.

Tôi cứ ăn như người mất hồn, vừa ăn vừa ngẩn người nhìn ra ban công, trời đã chạng vạng, một dải ráng chiều vắt ngang bầu trời xanh thẳm màu mực cũng sắp sửa bị màn đêm nhấn chìm.

Tiếng muỗng chén thỉnh thoảng chạm vào nhau lanh canh, tôi kiên trì ăn, kiên trì không dám nhìn đến gương mặt anh hiện giờ.

Tôi không biết anh có cảm thấy kinh tởm hay không, anh sẽ như tất cả người khác xem tôi như kẻ tội phạm cần được tống vào trại cải tạo chứ?

Mấy ai sẵn lòng sống chung với một kẻ nghiện ngập như tôi đâu?

Nhắc đến hai chữ nghiện ngập, tôi lại đau đến xé lòng, nhưng hai bên mắt đã không còn một giọt nước nào có thể rơi ra.

Tôi lắng nghe tiếng hít thở đều đều phát ra từ anh, như xa như gần, quen thuộc quá đỗi nhưng hững hờ tàn khốc.

Kể từ hôm đó, trái ngược với bình thường, tôi tránh anh như thể tránh tà.

Không phải vì tôi hết si mê anh, hay nhận ra si mê anh chỉ là vô ích, càng là chuốc lấy những khổ đau giằng xé.

Mà bởi vì tôi sợ mình sẽ lây nhiễm cho anh.

Tôi không biết mình có dính HIV hay không, cũng chẳng dám đi đến bệnh viện làm giấy tờ xét nghiệm. Thân tôi thì không sao.

Nhưng anh còn cả một tương lai tươi sáng phía trước, tôi chỉ có thể cùng anh chơi đùa một lúc, nào dám để mình ảnh hưởng đến lộ trình cuộc sống của anh đâu. Thế nên tôi không dám đụng đến mọi vật dụng cá nhân của anh, càng không dám bước đến gần anh trừ những lúc cấp bách, ví như là cần anh mua thuốc.

Dường như ông trời cũng tán thành suy nghĩ của tôi, hơn một tuần nay, anh cũng hiếm khi ở nhà, lúc về nhà thường là giữa đêm và tôi đang say giấc trong phòng mình.

Tôi cứ lầm lì chui rúc trong vỏ ốc không phải của mình, cứ tha thẩn từ nhà ra vườn cùng với hai người vệ sĩ mà anh giữ lại để trông tôi, có lẽ anh sợ tôi nghĩ quẩn làm liều.

Tôi cũng đã học được cách tìm vein chuẩn xác để tiêm thuốc, tuy không thành thạo nhưng cũng không còn lóng ngóng như lần đầu.

Bàn tay tôi hằng trân quý chỉ để vẽ và viết bây giờ còn có thể tiêm thuốc, giúp cơ thể thoát khỏi cơn cồn cào rồi từ từ hưởng lạc trong mộng mị đê hèn.

Tôi quả thật thảm hại, nhưng day dứt để làm gì khi mọi chuyện đã đi đến đường cùng?

Đau đớn quá thì mím môi ngẩng đầu nuốt ngược uất nghẹn vào trong lòng, chờ đến đêm khuya rồi lôi ra nhấm nháp tiêu hoá.

Còn nhớ anh quá, tôi sẽ nguệch ngoạc bút màu trên trang giấy trắng tinh.

Chỉ cần nhắm mắt, trí óc tôi lập tức khắc hoạ được hình dáng anh một cách chân thực nhất, tôi có thể mường tượng rõ ràng từng đường nét trên gương mặt điển trai của anh. Mái tóc bạch kim phong lưu phóng khoáng, sống mũi cao cố chấp và môi mỏng kiêu ngạo mỗi khi cười.

Nhưng lúc vẽ ra chỉ có thể là một đường nét lảo đảo xiêu vẹo, tôi nhìn bàn tay cầm bút của mình chợt muốn nôn khan, một nỗi ghê tởm dày vò từng cơn trong lồng ngực tôi.

Tôi giống như một kẻ đạo đức giả, những gì tôi khắc cốt ghi tâm nhắc nhở mình phải trân quý và nâng niu đều bị tôi kéo vào vũng bùn nhơ nhớp.

Giống như anh, giống như đôi bàn tay trước mắt tôi này.

Những ngón tay nhỏ dài trắng nõn đang khum lại cầm bút, nhưng chẳng thể nào vẽ nổi sự hồn nhiên vô tư như những ngày trước kia.

Không xứng vẽ trăng sao, vẽ vật nhỏ tinh nghịch!

Càng không xứng vẽ nên hình dáng anh!

Thế là mấy ngày trời, tôi chỉ có thể nguệch ngoạc những đường chì chất chồng lên nhau thành một bức tranh chìm ngập trong đau đớn và điên cuồng.

Không có người không có vật, chỉ có những dải màu từ xanh đến xám xịt như bầu trời trước mắt, mênh mông và chơi vơi lạ kỳ.

“Cậu nhận được thư mời, tôi lấy vào để trên bàn cho cậu rồi!”

Tiếng người vệ sĩ làm tôi thoáng mất hồn, tay lảo đảo đánh rơi bút màu xuống thảm cỏ, tôi vội vã nhặt lấy rồi xếp vào hộp cho ngay ngắn.

Nhìn bưu thiếp trên bàn, tôi những tưởng mình nghe nhầm, nhưng chẳng phải hai chữ Ngạn Du đã được viết nắn nót trên đó hay sao.

Thư mời việc gì? Mấy năm nay tôi không hề giao du với ai, làm gì có buổi tiệc nào cần đến một người không thể nói chuyện và không biết xã giao như tôi chứ.

Còn nếu mời tham gia hội nghị thương mại hay bảo hiểm gì đó, tôi càng thấy nực cười, tôi chưa bao giờ cầm quá một triệu trong tay đâu!

Tôi cẩn thận cầm bưu thiếp lên rồi lấy ra thiệp mời bên trong.

Tiệc chào mừng Lâm Ngạn Dương đã trở về nước.

Người gửi: Nhà họ Lâm
Phía dưới còn có chú thích một dòng chữ thanh nhã ngay ngắn:

Gửi em Ngạn Du, tuy rằng em không thích nơi đông người nhưng hôm đó hãy cố gắng đến nhé, gia đình chúng ta có thể được sum vầy, tuy cha mẹ không nói nhưng họ nhớ em nhiều lắm đấy.

Ngạn Dương!