Trại Hoa Vàng

Chương 15



Tôi vừa đút đầu vô cổng, đã thấy Phú ghẻ ngồi đợi ở cửa. Vừa thấy tôi nó hỏi ngay:

 

- Tốt đẹp cả chứ?

 

Tôi hầm hầm:

 

-Tốt đẹp cái con khỉ!

 

Giọng điệu gây gổ của tôi khiến Phú ghẻ chưng hửng. Nó đi tò tò theo tôi, giọng không giấu vẻ lo âu:

 

- Có chuyện gì vậy? Bộ không thuộc bài bị "cô giáo" bắt bí hả?

 

Tôi "xì" một tiếng, môi dài cả thước:

 

- Nó học dốt như bò mà bắt bí nổi ai!

 

- Chứ sao mày đỏ mặt tía tai như con gà chọi vậy? Hay là mày bị chị Cẩm Phiêu vác gậy rượt chạy toé khói?

 

Tôi nhún vai:

 

- Chị Cẩm Phiêu hiền nhất thế giới!

 

Tới đây thì Phú ghẻ ngẩn người ra. Mặt nó ngơ ngơ ngác ngác trông đến tội. Chắc nó không tài nào hiểu được tại sao một cái đứa ngày hôm qua còn hùng hùng hổ hổ về chuyện học chung với người yêu mà hôm nay từ điểm hẹn trở về, người ngợm lại trông tả tơi như một cái mền rách.

 

- Mày có nghĩ đến già cũng không ra đâu!

 

Cuối cùng tôi sợ Phú ghẻ đứng lâu hóa đá, tôi vỗ vai nó và tặc lưỡi kể cho nó nghe câu chuyện vừa xảy ra ở nhà chị Cẩm Phiêu.

 

Tôi tưởng nghe xong, Phú ghẻ sẽ vì tình bạn mà hùa theo tôi chửi Cẩm Phô tơi tả. Nào ngờ tôi vừa kể dứt, nó liền ôm bụng cười bò:

 

- Trời ơi là trời! Ông Bec-mu-đa ơi là ông Bec-mu-đa!

 

- Béc-mu-đa cái đầu mày! - Tôi nổi nóng.

 

- Cái đầu mày thì có! - Phú ghẻ hừ giọng.

 

- Thật tao chưa thấy đứa nào ngu đếm mức học chung với người yêu mà bày đặt nạt nộ quát tháo như mày! Mày đâu phải là thầy hiệu trưởng hay thầy giám thị!

 

Tôi đỏ mặt:

 

- Tại nó chứ bộ! Ai bảo tao giảng hoài mà nó cứ ngồi giương mắt ếch dòm tao chi!

 

- Thì ai mà chẳng vậy!

 

- Tao đâu... đâu...

 

Đang cơn hăng máu, tôi định nói "Tao đâu có như vậy" nhưng vừa mới mở miệng, tôi sực nhớ mấy bữa đầu tiên ngồi học với Phú ghẻ, tôi còn ấm ớ hơn Cẩm Phô bữa nay nhiều, liền vội vàng tốp lại. Phú ghẻ biết tỏng bụng dạ tôi, liền chọc:

 

- Mày định nói gì?

 

Tôi cười hì hì:

 

- Tao định nói là tao đâu có cố ý diễu võ giương oai với Cẩm Phô làm chi! Tại lúc nãy trời nóng bức, tự nhiên tao đâm quạu.

 

Phú ghẻ không buồn để ý đến lời phân trần vụng về của tôi. Nó chép miệng bình luận:

 

- Nhỏ Cẩm Phô kêu mày bằng "tam giác Béc-mu-da" là còn hiền, gặp con Liên móm, mày quát nó kiểu đó, chắc nó liệng guốc lên đầu mày quá!

 

Phú ghẻ làm tôi ăn năn quá chừng. Nhớ lại buổi học chung khi nãy, tôi thấy lời lẽ và cử chỉ của tôi quả có phần quá đáng. Vấn là đứa học hành chẳng ra gì, từ lúc bắt đầu ôm tập đi học đến nay toàn bị thiên hạ coi thường nay bỗng dưng được làm thầy một đứa khác, cái sự "đổi đời" đột ngột đó khiến tôi không tài nào giữ bình tĩnh được. Trước nay tôi thường nghe Phú ghẻ giảng bài, bây giờ tự dưng có một đứa ngồi vểch tai lên nghe những lời vàng ngọc của mình, cái "hương vị" đó nó lạ quá, bảo tôi không "Tận hưởng" sao được!

 

Chỉ tội cho Cẩm Phô. Thật ra nó không đến nỗi dốt lắm, nhưng thấy tôi hò hét gầm gừ ghê quá, nó hoảng vía quên sạch hết những gì đã học. Và nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài, chỉ cần học chung với tôi ba buổi thôi, chắc Cẩm Phô phải xin vô bịnh viện thần kinh nằm điều trị ít nhất là sáu tháng!

 

Tôi liếc Phú ghẻ, giọng áy náy:

 

- Giờ tao phải làm sao mày?

 

Phú ghẻ cười khẩy:

 

- Thì gặp nó xin lỗi chứ sao!

 

- Nhưng biết Cẩm Phô có chịu gặp tao nữa không? - Tôi hỏi Phú ghẻ mà như tự hỏi mình giọng đầy hoang mang.

 

- Cái đó thì tao không biết! Mày phải tự mình đi gặp nó mà hỏi lấy!

 

Cái thằng ghẻ ngứa này, tôi chưa kịp mở miệng nhờ nó, nó đã muốn dang ra! Bạn bè thế mà cũng gọi là bạn!

 

Nhưng nỗi lo lắng của tôi không kéo dài lâu.

 

Trưa hôm sau, lúc tôi đi học về ngang qua tiệm thuốc tây Hồng Phát, thằng Luyện đã đứng đợi sẵn bên đường, chặn tôi lại:

 

- Chị Cẩm Phô gởi cho anh cái này nè!

 

Tôi chưa kịp phản ứng thì nó đã nhét dấm dúi mảnh giấy vào túi áo tôi rồi dọt lẹ vào nhà.

 

Trên đường về, đã mấy lần tôi muốn dừng xe lại mở "bức thư tình" ra xem, nhưng rồi sợ phải đọc thấy những lời trách móc, xỉ vả, tôi đành bấm bụng ráng lết về tới nhà.

 

Giúi đại chiếc huy chương vàng vào góc nhà tôi tót vào phòng học và sau khi chốt cửa lại cẩn thận, tôi lật đật móc tờ giấy trong túi ra xem.

 

Lướt qua lá thư nỗi hồi hộp trong lòng tôi từ từ tan biến và mặt tôi mỗi lúc một dãn ra. Hóa ra đó không phải là "tối hậu thư" của chị hai nhỏ Châu. Cũng không có dòng nào trách cứ hoặc hờn dỗi. Trong thư nó bày tỏ sự hối hận về cái từ "tam giác Béc-mu-da" bất kính mà nó đã buột miệng thốt ra trong một khoảnh khắc bàng hoàng không tự chủ. Và nó mong tôi đừng để bụng chuyện đó mà vẫn tiếp tục đến nhà chị Cẩm Phiêu để học chung với nó theo kế hoạch dã dự định.

 

Nói chung, lời lẽ trong thư vô cùng thành khẩn. Tôi đọc đến đâu, ruột gan mát đến đó. Và trong khi đủng đỉnh nhấm nháp từng câu từng chữ trong lá thư - cũng khoái trá chẳng kém gì khi thưởng thức món thịt bò xào hôm nọ - một lần nữa tôi nhận ra không có người con gái nào trên đời đáng yêu bằng Cẩm Phô. Đáng yêu nhất là tôi chưa kịp xin lỗi nó, nó đã lo xin lỗi tôi trước khiến tôi đành phải bỏ dở cái ý định tốt đẹp của mình một cách sung sướng.

 

Phú ghẻ không biết gì về cái sự cố êm ái đó nên bữa hôm sau, gặp tôi trên lớp, nó hất hàm nhắc nhở:

 

- Làm bổn phận chưa?

 

- Bổn phận gì?

 

- Đi xin lỗi Cẩm Phô chứ bổn phận gì!

 

Tôi hừ mũi:

 

- Tao không đi nữa! - Rồi tôi ưỡn ngực dõng dạc - Tao nghĩ lại rồi! Lẽ ra nó phải xin lỗi tao chứ chẳng việc gì tao phải vác xác đi xin lỗi nó!

 

Phú ghẻ ôm lấy đầu:

 

- Trời ơi là trời! Ngu ơi là ngu! Vậy mà cũng bày đặt đi yêu người ta!

 

- Có mày ngu thì có! - Vừa nói tôi vừa rút mẩu giấy trong túi chìa ra trước mặt Phú ghẻ, giọng đắc thắng như một tên được bạc - Coi đây nè!

 

Phú ghẻ dòm vô lá thư, mắt trố lên và miệng mồm lập tức cứng đơ.

 

- Sao? - Tôi nheo mắt nhìn Phú ghẻ giọng hí hửng.

 

- Còn trăng với sao gì nữa! - Phú ghẻ thở một hơi dài thườn thượt - Tao tưởng chỉ có mình mày ngu, hóa ra Cẩm Phô cũng ngu nốt!

 

- Dẹp mày đi, đồ ghẻ ngứa!

 

Tôi hét lên và giật tờ giấy lại. Rõ là cái giọng ghen tị với hạnh phúc của người khác! Bạn bè ba đứa chơi với nhau, thằng Cường lọt vô mắt xanh Thùy Dương, tôi lọt vô tiệm thuốc tây Hồng Phát, còn Phú ghẻ chẳng được ai doái hoài, chỉ có lọt... xuống hố, chắc vì vậy nên nó tức mình nó chửi tụi tôi ngu. Đi một quãng xa, lòng tôi vẫn chưa hết hậm hực.

 

Nhưng tôi chỉ ức Phú ghẻ được có một ngày.

 

Qua ngày hôm sau, lúc ngồi ở nhà chị Cẩm Phiêu ôn lại môn vật lý, gặp phải bài gia tốc trong chuyển động cong và chuyển động tròn đều, Cẩm Phô thắc mắc đến đâu, tôi đáp ro ro đến đó, tự dưng tôi cảm thấy biết ơn Phú ghẻ vô kể. Vật Lý là môn xưa nay tôi vẫn chạy dài, chính vì nó mà cây đàn cáu của tôi bị ba tôi đập vỡ, vậy mà nhờ Phú ghẻ tận tình kèm cặp một thời gian, bây giờ tôi có thể ung dung ngồi giảng giải cho Cẩm Phô từng li từng tí, hệt như thể tôi là Newton tái thế. Sự đời quả là lắm nỗi tréo ngoe, chả làm sao lường trước được!

 

Lần này rút kinh nghiệm, tôi không ngoác mồm la lối om sòm như một tên du côn du kề nữa. Tôi bắt mình mở âm lượng vừa đủ nghe, nói năng nhỏ nhẹ như con gái về nhà chồng... ba bữa đầu. Tôi phải chứng tỏ với Cẩm Phô một người mang "tam giác ác quỷ" phía sau mông vẫn có thể mang một "trái tim thiên thần" trong lồng ngực.

 

Khi nãy lúc tôi vừa đến, Cẩm Phô đứng đón ngay ở cửa, hỏi:

 

- Anh có còn giận Cẩm Phô không?

 

Tôi hùng hồn:

 

- Không! Tôi có giận gì Cẩm Phô đâu! Tôi chỉ giận cái thói nóng nảy của tôi thôi!

 

Nghe tôi nói vậy, Cẩm Phô lườm tôi một cái. Nó không nói gì nhưng tôi vẫn đọc thấy sự vui sướng long lanh trong mắt nó. Chắc nó nghĩ khi kết bạn với tôi, nó quả đã không chọn lầm người! Chỉ tiếc là không có Phú ghẻ ở đây. Nếu được tận mắt chứng kiến cảnh tôi ăn nói văn hoa lịch sự thế nào và Cẩm Phô nhìn tôi âu yếm ra sao, chắc có cho vàng nó cũng không dám bảo tụi tôi ngu nữa!

 

Tôi và Cẩm Phô học chung với nhau êm đềm và suôn sẻ được chừng hai tuần thì Liên móm đột ngột xuất hiện. Hôm đó hai đứa tôi đang ngồi ôn lại bài lũy thừa với số mũ hữu tỉ, Cẩm Phô hỏi tôi:

 

- Tại sao số âm lại không có căn bậc chẵn?

 

Tôi chưa kịp trả lời thì bỗng có một giọng ngâm nga:

 

- Số âm ngồi cạnh số dương.

 

Chính là bậc chẵn, còn hỏi han nỗi gì?

 

Trong một thoáng, người tôi như bị dán chặt xuống ghế. Không cần quay lại, tôi vẫn biết thừa người mới đến là ai. Trên khắp trái đất này, chỉ có nhỏ Liên móm mới có cái giọng chua lè chua lét như thế. Khi bỡn cợt, chọc ghẹo, cái giọng của nó càng eo éo, nghe muốn buốt óc.

 

Sự xuất hiện bất ngờ của nó ngay tại "hiện trường" khiến trái tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực. Lần trước, cũng chính vì sự châm chọc của nó mà tôi và Cẩm Phô đành phải chia tay những buổi hẹn hò thơ mộng trong quán bà Thường. Bây giờ hai đứa tôi đã biết thân phận rút vào "hoạt động bí mật", vậy mà chẳng hiểu ma xui, quỷ khiến thế nào nó lại lò dò dẫn xác tới. Và ngay câu đầu tiên, nó đã chẳng tỏ ra ý định tự tế gì. Có vẻ như nó quyết theo "hại" tôi đến cùng.

 

Trong khi tôi ngồi chết cứng trên ghế với bao nhiêu ý nghỉ đen tối trong đầu và mồ hôi nhỏ thành giọt trên trán, Cẩm Phô lại thản nhiên như không. Nó nhìn về phía cửa phòng, niềm nở:

 

- Vô đây chơi! Đi đâu về ghé vậy?

 

- Tao đi tìm mày chứ đi đâu! Tao lại đằng nhà, gặp thằng nhóc Luyện. Nó bảo mày đang hẹn hò ở đây!

 

Liên móm vừa đáp vừa thong thả bước lại ngồi xuống cạnh Cẩm Phô. Tôi lập tức đưa mắt ngó lơ chỗ khác, bụng phân vân không biết nên ngồi chịu trận hay là bỏ ra sau nhà quách. Cứ cái đà này, chẳng biết con nhỏ miệng móm này sẽ còn ăn nói vung vít những gì gì nữa! Tự dưng tôi đâm giận Cẩm Phô quá chừng. Liên móm là con nhỏ "ác nhơn thất đức" như thế, nó đi đến đâu là "hạnh phúc" người ta "tan vỡ" đến đó, gặp nó nếu không suỵt chó cắn thì cũng nên tìm cách đuổi khéo nó đi, ai đời lại rước nó vô nhà cho nó "nói hành nói tỏi"!

 

Nhưng Cẩm Phô làm như chẳng thèm để ý đến bộ mặt rầu rĩ của tôi. Nó đập tay lên vai Liên móm, trách móc bằng một giọng tươi tỉnh:

 

- Mày sao lúc nào cũng nói bậy được! Tụi này đến đây để học chung chứ đâu phải để ngồi tán dóc!

 

- Khỏi cần quảng cáo! - Liên móm khịt mũi - Dạo này thấy mày giỏi giang hẳn ra, tao biết ngay là mày đang lén lút "tầm sư học đạo" với ai rồi!

 

Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt Liên móm nhưng tai tôi vẫn dỏng lên để xem thử con nhỏ miệng móm này xỏ xiên gì mình. Nào ngờ nó "phán" một câu khiến tôi mát dạ quá chừng. Cứ theo giọng lưỡi của nó thì tôi không phải là thằng Chuẩn dốt kinh niên và suýt chút nữa bỏ học ở nhà đi giữ bò mà là một thằng Chuẩn uy tín đầy mình, học giỏi ngay từ khi còn ngậm vú mẹ.

 

Rồi dường như chưa cho thế là đủ, Liên móm day sang tôi, hỏi bằng giọng thân mật:

 

- Chuẩn học giỏi quá hén! Chắc năm nào Chuẩn cũng là học sinh xuất sắc phải không?

 

Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi được nghe người khác hỏi tôi một câu lạ lùng như thế và tai tôi lùng bùng mất mấy giây. Trong khoảnh khắc chớp nhoáng đó, tôi kịp nhận ra nhỏ Liên móm tử tế hơn tôi tưởng nhiều và giọng nó không phải lúc nào cũng chua lè chua lét. Như lúc này chẳng hạn, khi nó kêu tôi bằng tên thay vì bằng "ông" như mọi lần, giọng nó ngọt ngào không thua gì đường phèn.

 

Đã mấy lần tôi định gật đầu nhận đại mình là học sinh xuất sắc cho oai, nhưng nhớ đến thằng Cường tôi đành nuốt nước bọt làm thinh, chỉ nhe răng cười cười ra vẻ ta đây khiêm tốn không tiện nói về mình.

 

Cường học chung lớp với tôi từ nhỏ. Mỗi tuần tôi lãnh mấy con zê-rô, nó đều biết. Mỗi tháng tôi lãnh mấy cú "thiết cước" của ba tôi vào "hạ bàn" về cái tội học hành lẹt đẹt, nó đều hay. Cường lại thường xuyên gặp gỡ và bốc phét với Thùy Dương ở nhà Liên móm. Nếu bây giờ tôi nhận vơ cái danh hiệu học sinh xuất sắc vào mình, nhỡ mai mốt Cường cao hứng rêu rao "thành tích học tập" của tôi trước mặt hai đứa này, lúc đó tôi chỉ có nước kiếm đường chui xuống đất.

 

Thấy tôi không ừ không hử, chỉ ngồi cười ruồi, Liên móm lại nói:

 

- Mai mốt học bài có chỗ nào không hiểu, tôi đến hỏi Chuẩn nghe?

 

Đề nghị của Liên móm khiến tôi giật thót. Tôi đâu phải là Phú ghẻ. Trình độ tôi chỉ đủ sức làm thầy một đứa học trò lưu ban như Cẩm Phô. Cỡ Liên móm hay Thùy Dương, tụi nó hỏi đâu chắc tôi bí tới đó. Nhưng khổ nỗi, Liên móm đánh giá tôi cao vời vợi, tôi lại ậm ừ tỏ vẻ ta đây tài cao thật, bây giờ tình thế bất ngờ đưa đẩy quá xa, tôi muốn tuột xuống thì đã muộn.

 

Trong khi tôi đang loay hoay gãi đầu gãi cổ và chưa kịp nghĩ ra kế nào thoát hiểm thì Cẩm Phô đã kịp thời "cứu bồ". Nó lườm Liên móm:

 

- Thôi đừng có làm bộ! Học sinh giỏi như mày với con Thùy Dương mà "học bài không hiểu" thì còn ai hiểu nỗi!

 

- À, à, - Liên móm nheo nheo mắt - Mày muốn độc quyền sư phụ của mày, không thèm "san sẻ" cho bạn bè hén!

 

Lời trêu chọc của Liên móm khiến tôi đỏ mặt. Nhưng từ khi nó khen tôi "Chuẩn học giỏi quá hén", tôi đã không buồn giận nó nữa. Tôi mặc nó muốn nói gì thì nói.

 

- Nói bậy nè! - Cẩm Phô cấu vào lưng Liên móm - Khai thật đi! Mày kiếm tao có chuyện gì?

 

Liên móm vừa la "oai oái" vừa nhảy ra xa:

 

- Tao tìm mày để mượn cuốn sách đại số chứ để làm gì! Cuốn của tao không biết rớt ở xó xỉnh nào, tao kiếm hoài không ra!

 

Rồi vẫn đứng tuốt đường xa, nó vuốt tóc nói thêm:

 

- Nhưng nếu mày với ông Chuẩn đang học thì thôi, tao về!

 

Không biết tự bao giờ, tôi không còn coi Liên móm là con nhỏ ác ôn nữa. Tôi thấy miệng nó tự dưng hết móm. Giọng nó cũng hết chua. Vì vậy, tôi chìa cuốn sách ra:

 

- Liên cứ cầm cuốn này về học đi!

 

Liên móm có vẻ ngạc nhiên trước thái độ thân thiện của tôi. Nó chớp mắt:

 

- Còn mấy người thì sao?

 

- Liên cứ yên tâm, tụi này còn cuốn khác! - Tôi đáp và lấy làm lạ khi nghe giọng mình dịu dàng khác hẳn ngày thường.

 

Cẩm Phô cũng gật đầu hùa theo:

 

- Phải đó! Mày cứ lấy cuốn này mà học!

 

Liên móm không khách sáo. Nó bước lại bàn lấy cuốn sách trên tay tôi, nhét vào cặp:

 

- Cảm ơn mấy người nghen! Kể từ phút này, mấy người được... tự do!

 

Nói xong nó quày quả đi thẳng ra cửa. "Số dương" ngồi cạnh "số âm" đực mặt ngó theo, miệng méo xẹo.

 

Không biết có phải nhờ cuốn đại số "hối lộ" đó hay không mà từ bữa đó trở đi, Liên móm không buồn chọc ghẹo tôi nữa. Gặp nhau trên trường hoặc đụng đầu nhau ngoài phố, nó chỉ cười cười nhìn tôi. Nhằm bữa cao hứng, nó cũng ba hoa xích đế đủ chuyện trên đời, nhưng từ đầu đến cuối nó tuyệt nhiên không hề đã động gì đến chuyện tình cảm giữa tôi và Cẩm Phô.

 

Những lần ghé thăm tổ học tập của hai đứa tôi, thỉnh thoảng nó cũng ngứa miệng cợt đùa vài câu. Nhưng từ ngày biết nó không ác ý gì với tôi, tôi chẳng sợ nó trêu nữa. Thậm chí bây giờ nghe nó "cáp đôi" tôi với Cẩm Phô, tôi còn khoái ngầm trong bụng và những lúc như vậy bao giờ tôi cũng len lén liếc trộm "chị hai nhỏ Châu" bằng ánh mắt hí hửng và gian manh khó tả. Cặp mắt tôi lúc đó chắc giống hệt như hai cái... tam giác Béc-mu-đa.