Truyện Kể Trong Câu Chuyện

Chương 6



Dương Căng đòi lên núi Thái Sơn, người mẹ đã quy y cửa Phật hay cửa Đạo của Khắc Khắc yêu cầu cô ấy phải đi trả lễ. Tôi thật sự không biết trả lễ cụ thể phải làm những việc gì, Khắc Khắc cũng không có ý định giải thích, chỉ nói thẳng thừng với tôi rằng: đi du lịch. Tôi chẳng qua là xuất phát từ lòng tốt mà hỏi một câu “Cô đi một mình như vậy có an toàn không đó?” thôi, thế mà đã bị nắm cán, Khắc Khắc nằng nặc bắt tôi đi cùng. Cứ nghĩ đến việc mồ hôi nhễ nhại bò lên đỉnh núi Thái Sơn thì chân cẳng của tôi đã muốn rụng khỏi người. Song, cuối cùng tôi đã chịu thua, hai chúng tôi chia nhau đi thuyết phục Trần Đam và Ninh Hải, đi đoàn bốn người nghe có vẻ thú vị hơn.

Vậy nên giờ đây, chúng tôi đang ngồi ăn chơi đùa giỡn trên chiếc Polaris màu đỏ của Trần Đam, khởi hành đến chân núi Thái Sơn. Theo như những gì Dương Khắc Khắc nói thì trả lễ nhất định phải thành tâm, có vậy mới linh nghiệm. Cách thể hiện sự thành tâm là gì? Chính là không đi xe, không ngồi cáp treo, suốt cả hành trình phải dùng đôi chân của mình, leo từ cửa Hồng Môn đến đỉnh Ngọc Hoàng. Vừa nghe đến đây, sắc mặt của tôi lập tức biến thành màu cầu vòng. Thông thường người ta lên núi chỉ toàn đi xe đến cửa Trung Thiên, ai có sức thì leo lên Bồn Thập Bát, không có sức thì đi cáp treo lên đỉnh Ngọc Hoàng để đón bình minh, có vậy mà đã có rất nhiều người không thể kiên trì đến cùng. Bây giờ phải đi theo kiểu của tên Dương Khắc Khắc này, chúng tôi chẳng khác nào leo núi Thái Sơn hai lần.

Trước cổng Hồng Môn, tôi ngồi lì trên ca bô không chịu dời bước.

“Không leo đâu! Tui còn muốn giữ lại đôi chân này đó, cho dù không lấy chân thì cũng phải lấy giày. Leo kiểu này, thôi thì gọi sẵn 120 cầm băng ca đến khiêng tui xuống cho rồi! Tui nhất định phải lên cửa Trung Thiên! Tới cửa Trung Thiên mới bắt đầu leo!”

Thật bất hạnh, không ai thèm đoái hoài đến tôi. Ba người họ chỉnh chu hành trang xong thì đi mua vé vào núi. Tôi thấy vô vọng, đành hốt nhanh chiếc áo khoác nhét vào ba lô, xách thêm hai chai nước rồi chạy nhanh tới nhập đoàn. Trời đã tối mà đèn lại không sáng, để bị lạc thì nguy.

Vì muốn ngắm bình minh, chúng tôi lựa chọn leo núi vào ban đêm. Núi Thái Sơn tôi đã đến vài lần, nhưng đích thật chưa từng leo núi vào ban đêm, nghĩ lại cũng thấy gay cấn. Đang ngẫm nghĩ xem nên nhai sing-gum hay ngậm kẹo mút thì phía trước đã xuất hiện tòa kiến trúc đầu tiên. Theo thông lệ, vào trong xá lạy.

Dương Khắc Khắc cầm theo bó nhan cao mà mẹ giao cho, thật sự là một bó, dày bằng bắp chân của tôi, dài một mét. “Đốt nhan cao” mà tục ngữ thường nhắc đến lẽ nào chính là nói loại này? Nhiều vậy đấy, nhưng nghe nói hễ thấy Phật là cúng thì từng này chưa chắc đã đủ, đến lúc đó phải mua thêm. Khắc Khắc vác theo bó nhan trên vai, tay phải giữ lấy nó, nếu không nhờ cô ấy mặc áo thun màu hồng thì nhìn chẳng khác nào người khuân vác trên núi. Tôi thật không hiểu, rõ ràng mẹ của Khắc Khắc làm việc trong thư viện, đúng lý phải thuộc phần tử tri thức theo chủ nghĩa duy vật mới phải, sao lại chấp nhất với những thứ quỷ thần này kia chứ?

Khắc Khắc rút ra một khóm nhan khoảng ngón tay cái, rồi giao hết phần còn lại cho Trần Đam cầm hộ, lấy bật lửa ra thắp nhan. Tôi tranh thủ chạy vào đại điện, quỳ lên tấm nệm có hơi dơ ấy, rất nghiêm túc mà lạy ba lạy. Một cầu cho ba mẹ sức khỏe dồi dào, hai cầu cho bạn bè người thân bình an, ba cầu cho….cầu cho Ninh Hải hạnh phúc vậy, còn về hạnh phúc bằng thế nào thì chờ xem ý của Bồ Tát vậy.Tôi đứng dậy, vừa quay đầu lại thì nhìn thấy Ninh Hải đang đứng ở bên ngoài điện nhìn tôi, vẻ mặt như đang suy tư gì đó. Khắc Khắc cầm theo nhan bước vào, đi ngang qua tôi, khói nhan hung vào mặt làm tôi nhíu mắt lại. Dựa vào cửa điện, dụi dụi mắt, đến khi mở mắt ra, tôi hoảng hồn khi phát hiện, Ninh Hải đã biến mất.

Trong đại điện chỉ treo duy nhất một bóng đèn với ánh sáng lờ mờ, vì vậy mà xung quanh cũng mơ hồ không rõ, không hiểu là vì yếu tố hoàn cảnh hay vì lý do gì, tôi chợt thấy hoang mang. Đây là nơi thờ cúng, nghiêm cấm huyên náo, tôi chỉ có thể hạ thấp giọng mà gọi nhỏ:

“Ninh Hải!”

“Hửm?” Âm thanh phát ra từ sau lưng tôi, tôi vội vàng quay lại, Ninh Hải đang đứng ở phía sau Khắc Khắc, nheo mắt nhìn tôi, như thắc mắc sao tự nhiên tôi lại gọi cậu ấy.

Tôi thở phù, lắc đầu nói: “Không có gì, mình tưởng cậu chạy đi đâu rồi.”

Dứt lời tôi bèn đi ra ngoài, đứng bên cạnh Trần Đam – người đang cầm cả bó nhan to. Trần Đam mỉm cười nhìn Khắc Khắc và Ninh Hải đang ở bên trong điện. Đứng từ góc độ này, bên dưới bức tượng to lớn, con người bỗng dưng trở nên rất nhỏ bé, đèn lửa hiu hắt, không khí trang nghiêm, đàn hương hòa vào nhau tạo nên một cảnh tượng như thật lại như ảo.

Khi bắt đầu từ chân núi, độ dốc không cao, bước đi không mấy khó khăn. Chúng tôi vừa đi vừa dừng tại những gánh hàng lưu niệm, chẳng mấy chốc đã lên được một đoạn khá dài. Trên tay trên cổ đều đeo không ít những món trang sức thủ công mang đậm phong cách cổ đại. Dương Khắc Khắc buộc băng rôn loại có viết chữ “Leo núi Thái Sơn cầu bình an” trên trán, lại thêm vào bó nhan trên vai, tôi thật sự rất muốn nói với những du khách khác rằng tôi không quen cái đứa thần kinh này. Nhưng cô ấy lại chẳng có cảm giác đó, suốt ngày vây quanh tôi như sợ người ta không biết tôi là người đi cùng vậy.

Thói quen cứ thấy Phật là lạy này của tôi đã gây ra một trò cười. Chuyện là khi leo được khoảng một phần tư ngọn núi, phía trước xuất hiện một khuôn viên khá to, du khách cũng đặc biệt nhiều, nhưng đa số là những người già đã bảy tám mươi tuổi. Hương hỏa thịnh vượng như vậy chắc chắn là rất linh nghiệm, tôi bèn kéo Ninh Hải vào trong dập đầu, còn phải xếp hàng nữa. Đến phiên chúng tôi, theo thông lệ tôi quỳ xuống lạy ba cái. Ninh Hải thì không, cậu ấy đứng ở bên cạnh tôi, hai tay khép chặt và khẽ cúi người, cũng xem như là một sự tôn kính đối với thần linh. Chúng tôi lạy xong ra ngoài thì phát hiện Trần Đam và Dương Căng đang đứng cười đến không thẳng người lên được. Tôi ngạc nhiên, bèn hỏi Khắc Khắc:

“Sao không vào thắp nhan?”

“Tôi chưa cần phải lạy vị thần tiên này.” Khắc Khắc cố gắng nín cười.

Tôi chớp chớp mắt, quay lại nhìn tượng phật ấy, là một nữ bồ tát, còn đeo đẩu bồng. Sao lại không cần lạy? Tiếp tục nhìn xuống, một bảng tên nhỏ khắc dòng chữ: “Tống Tử Nương Nương”.

(Chú thích: “tống tử”tức ban con)

Trời đất! Chả trách toàn là lão bà bà! Mặt của tôi lập tức đỏ bừng, Ninh Hải cũng ngượng ngùng mà trách tôi,“Không chịu nhìn kỹ đã lạy, xấu hổ chưa?”

“Thì ra hai người còn có dự tính này à?” Trần Đam phun ra một câu, hàm ý sâu sắc. Tôi úp luôn chiếc nón đang cầm trên tay đội lên đầu, nói một cách chột dạ:

“Leo núi leo núi! Không nhanh chân thì khỏi đón bình minh!”

“Gấp gáp gì chứ, nửa đêm nửa hôm mà đội nón chi vậy, lát nữa rớt xuống khe núi bây giờ!” Giọng nói của Trần Đam vọng đến, tôi quyết định bỏ ngoài tai.

Một lúc sau, đôi chân lâu ngày không được tập luyện của tôi bắt đầu nhói đau, hít thở cũng trở nên khó khăn hơn. Con đường này cứ khoảng 500 mét lại có một ngọn đèn, nơi có đèn thì thường sẽ có một điểm tham quan, chung quanh cũng tự ắt có quán ăn. Đã 11 giờ đêm, chúng tôi nghỉ chân tại một nơi tương đối rộng rãi, định bụng ăn ít gì đó để lấy sức. Thức ăn rất đơn điệu, món đặc sắc nhất cũng chỉ là mì gói và một quả ốp la, chiếc chảo nhìn cũng chẳng sạch, may mà họ dùng loại mì tô, nếu không thật chẳng biết phải nuốt bằng cách nào. Ninh Hải chỉ ăn được một ít thì đã buông đũa, sau đó lấy khô bò ra để giết thời gian trong lúc chờ chúng tôi. Một lúc sau cậu ấy nhìn thấy gần đấy có một từ đường **, nói là vào đó tham quan một chút, vừa dứt câu thì đã đứng dậy đi đến đó. Trần Đam vội cắn đứt sợi mì đang ăn dang dở và nói với tôi:

“Đi chung đi! Bên đó tối như vậy, cũng chẳng thấy ai, đừng để Ninh Hải đi một mình!”

Tôi sững người, quăng đũa xuống là chạy đi ngay, kịp lúc nhìn thấy Ninh Hải bước vào điện. Tôi chạy nhanh tới đó, đột nhiên nghe thấy cậu ấy kêu lên một tiếng, âm thanh không to, nhưng nghe đầy kinh hoàng, tim tôi chùn xuống.

Ngay tiếp theo đó tôi nhìn thấy Ninh Hải sắc mặt trắng bệch chạy ngược trở ra, đụng vào người tôi, Tiểu Hải lập tức dùng hết sức siết lấy eo của tôi,

“Lạc Dịch! Có người!”

Tôi ôm lấy Ninh Hải, nhìn kỹ nét mặt của cậu ấy,

“Sao vậy? Có ai?” Cũng trong lúc đó, tôi nhìn thấy trên vai Ninh Hải có vài dấu ngón tay dơ bẩn, lửa giận chợt bùng phát, tôi ngước mặt lên nhìn vào trong.

Một đạo sĩ lớn tuổi với áo bào màu vàng cam bước ra, mái tóc dài được búi cao và cố định bởi một cây trâm bằng tre, nhìn không khác gì những nhân vật trong phim truyền hình. Nhưng gương mặt của lão đạo sĩ này dơ bẩn, còn có rất nhiều râu. Đôi mắt nhỏ ấy phát ra tia nhìn gian trá. Tôi lườm ông ấy,

“Ông bắt cô ấy sao?”

“Vô lượng thiên tôn! #¥•#—*(+#¥•#•%……¥•¥#•••!)*—*— (-_-! Không nghe rõ ông ấy nói gì)”

Gì đây! Đóng phim sao? Bấy giờ Ninh Hải cũng đã ngước mặt lên và nói nhỏ với tôi:

“Lúc nãy ông ấy kéo mình lại không biết là muốn làm gì, làm mình giật mình.”

Đạo sĩ ấy đi vào trong, đứng cạnh tượng thần rồi chỉ xuống tấm đệm dưới đất. Tôi chau mày, xem ra ông ta muốn chúng tôi quỳ lạy? Tôi vỗ vỗ vai chấn an Ninh Hải, rồi cùng cậu ấy vào trong, quỳ xuống tấm đệm ấy. Ninh Hải chỉ đứng ở bên cạnh, suốt chặng đường này cậu ấy chỉ đứng lễ phật. Đạo sĩ ấy không chịu, chỉ xuống tấm đệm bên cạnh tôi bắt Ninh Hải phải quỳ xuống. Tôi vừa định bảo Ninh Hải ra ngoài chờ tôi một lúc thì ngờ đâu, Ninh Hải cắn cắn môi rồi quỳ xuống bên cạnh tôi. Tôi nhìn cậu ấy trong sự ngạc nhiên, đạo sĩ kia không biết đã gõ lên cái gì đó làm vang lên một tiếng “Ting”. Tôi và Ninh Hải đều quỳ thẳng lưng nhìn chăm chăm vào ông ấy, ông ấy nhắm mắt, miệng lẩm bẩm gì đó như đang đọc kinh. Một lúc sau, ông cầm theo chén sứ ở kế bên rồi đi tới trước mặt tôi và Ninh Hải, lấy gì đó ở trong chén rồi chấm lên trán của chúng tôi, man mát, dường như là nước. Sau đó lại lấy từ trong tay áo ra hai chiếc túi nhỏ bằng vải, loại mà chúng tôi nhìn thấy ở suốt chặng đường này, chỉ thêu màu vàng, miệng túi được thắt lại bằng dây màu vàng. Ông cầm nó đeo vào cổ của hai chúng tôi, cái của Ninh Hải màu đỏ, còn của tôi là màu xanh. Sau khi làm xong những việc này, lão đạo sĩ quay lại khép chặt hai tay và cúi lạy tượng phật, trông giống như một nghi thức cổ xưa nào đó, cảm giác rất thần thánh. Cuối cùng, hai chúng tôi quỳ lạy ba cái trước phật, rất thành tâm, lạy xong rồi tôi mới nghĩ, vậy là sao? Bái đường ư? Tự quyết định chuyện chung thân?Chúng tôi vừa đứng dậy thì Trần Đam và Khắc Khắc cũng vào đến, họ đã ăn xong, Khắc Khắc vào thắp nhan. Vị đạo sĩ ấy không thực hiện nghi thức lúc nãy với họ, mà chỉ im lặng đứng về một phía. Tôi có hơi thất thần, đưa tay lên sờ vào vầng trán còn hơi mát lạnh một cách vô thức. Vào một đêm khuya, tại một từ đường nọ, có một lão đạo sĩ thần bí, cảnh tượng này về sau khi nghĩ lại cũng có hơi rùng rợn, song khi ấy, trong lòng tôi không sợ một chút nào, trái lại còn có một cảm giác ninh tịnh như đã thoát tục.

Trước khi rời khỏi, tôi cho 20 đồng vào thùng từ thiện, chỉ là một tấm lòng. Lão đạo sĩ ấy đứng ở cửa điện nhìn chúng tôi rời khỏi, không hiểu là do tâm lý hay thế nào, thần tình của ông ấy bây giờ trông không còn xảo trá nữa.

Ninh Hải vẫn im lặng mà giữ lấy tay tôi. Tôi sờ lên chiếc túi vải trước ngực, bên trong dường như có vật gì đó tròn tròn tựa như đồng tiền. Đạo sĩ kia bảo không được mở ra xem, huống chi, miệng túi đã bị may kín, tôi cho nó vào bên trong cổ áo. Tôi vốn không tin chuyện quỷ thần, song lần này lại xem trọng một cách lạ thường, chiếc túi ấy phảng phất như một tín vật, thắt chặt tương lai của tôi và Ninh Hải.

Đoạn đường tiếp theo biến thành một cuộc chiến kịch liệt với thể lực, tôi tập trung tinh thần cao độ để khống chế cơn buồn ngủ và sự mệt mỏi đang ập đến. Khi đến Bồn Thập Bát thì đôi chân của tôi đã không còn cảm giác gì nữa, nó đã hoàn toàn tê dại. Một tay nắm chặt thành cầu thang, tay còn lại tôi giữ lấy tay Ninh Hải, nhịp thở của Tiểu Hải cũng rất cao và nặng nề, chắc chắn là mệt lắm rồi. Trần Đam vì làm cảnh sát nên lúc nào cũng rèn luyện sức khỏe, bản thân Khắc Khắc lại là tay Taekwondo đai đen tam đẳng, thể lực hiển nhiên là tốt hơn chúng tôi, vì vậy họ đều đi ở phía trước dẫn đường, còn tôi chỉ việc cắm đầu cắm cổ mà leo, như vậy cũng tiết kiệm sức lực hơn. Chúng tôi nghỉ ngơi mấy lần trên bậc thang, xung quanh đã bắt đầu dậy sương, va chạm với mồ hôi từ trên người làm cơ thể trở nên ươn ướt, thân nhiệt cũng thấp hơn. Càng lên cao thời tiết càng lạnh, tôi mở ba lô lấy áo khoác ra khoác cho Ninh Hải.

Khi bước lên nấc thang cuối cùng để đặt chân đến Thiên Lộ, tôi thở phù một hơi thật dài. Điều thú vị của môn leo núi chính là đây, trong quá trình này dẫu cho có mệt mỏi cực khổ cách mấy, thì giây phút khi đặt chân lên đỉnh núi, cảm giác trong lòng chỉ có thư thái và dễ chịu. Còn chưa kịp làm gì để bộc lộ cảm xúc lúc này thì cái hắt xì đã nhắc nhở tôi hãy nhanh chóng đi làm việc quan trọng. Vội vàng đi thuê áo khoác quân sự xong, kim ngắn đồng hồ cũng mới chỉ đến ba giờ. Mọi người quyết định đến thuê nhà trọ trên đỉnh núi nghỉ ngơi.

Ở đây có phòng tiêu chuẩn hai giường, mỗi người một giường, đặt lưng xuống là ngủ như chết, tôi không còn tâm trí nhìn xem người nằm ở cạnh tôi là ai. Giấc ngủ ngắn như vậy mà cũng có thể nằm mơ, trong mơ cũng đang leo núi, thật là khổ mà! Cảm giác như chỉ mới nhắm mắt thôi, sao điện thoại đã báo thức rồi, tôi ưm một tiếng rồi ngủ tiếp, hoàn toàn không biết trời trăng mây gió. Sau đó, có người vỗ nhẹ lên mặt tôi,

“Lạc Dịch, dậy đi! Dậy mau, đi ngắm bình minh nè.”

“Ưm!” Tôi chỉ đáp lại, nhưng không động đậy.“Mau lên, không dậy nữa là không kịp đâu, mau lên, ngoan, nghe lời!”

Tôi mơ mơ màng màng mở mắt ra, nhìn thấy Ninh Hải ở trước mặt mình, cậu ấy đang nhìn tôi, tay vỗ lên mặt tôi. Thấy tôi đã mở mắt, Ninh Hải nắm lấy hai tay của tôi, kéo tôi ngồi dậy. Thế là bị ép buộc thức dậy rồi, chạy đi dùng nước lạnh rửa mặt đánh răng xong, tôi mặc áo khoác vào rồi cùng họ chạy ra hành lang đá để chờ xem ông mặt trời ló dạng.

Trời vẫn chưa sáng, chung quanh tối đen như mực, ngay cả một tia sáng yếu ớt từ ông mặt trời cũng không thấy. Hiện giờ không phải mùa du lịch, vì vậy người đến đây cũng không nhiều. Trần Đam và Khắc Khắc chạy tới chạy lui một hồi rồi chẳng còn thấy đâu, Ninh Hải đứng ở một vị trí bên hành lang đá, tay đặt trên đó, chờ đợi giây phút đầu tiên của bình minh. Tôi bước tới dán người vào lưng Tiểu Hải, tay luồn qua vòng lấy eo của cậu ấy, đứng cạnh cậu ấy với một tư thế vô cùng mập mờ. Cách nhau chiếc áo khoác quân sự dày cộm, tôi vẫn cảm nhận được Tiểu Hải đã run nhẹ một cái.

Giây phút tia màu đỏ ấy rạch phá màn đêm để ló đầu ra ở phía đường chân trời, mọi người chung quanh đều hô lên mừng rỡ. Dường như bị cảm nhiễm từ không khí ấy, tôi cũng kích động vô cùng. Ninh Hải ngã lưng ra sau dựa vào lòng tôi, tôi nhìn nửa gương mặt của cậu ấy, trắng trẽo, mịn màng, chiếc lỗ tai nhỏ nhắn, những sợi tóc con áp sát vào làn da ở vùng cổ, tôi không kiềm được lòng, khẽ gọi:

“Ninh Hải.”

Tiểu Hải quay sang nhìn tôi, đôi mắt thâm tình và bờ môi hồng dễ thương ấy đi vào mắt tôi, không nghĩ ngợi nhiều, tôi đã hôn lên đó.

Mềm mại, ươn ướt, có mùi hương của bạc hà từ son giữ ẩm, còn có một mùi thơm nhàn nhạt thoắt ẩn thoắt hiện. Hơi thở của Ninh Hải hơi gấp rút, hơi thở man mát ấy phả vào mặt tôi, càng khiến tôi thêm đắm chìm trong mùi vị của bờ môi này. Tôi cắn nhẹ vào môi của Ninh Hải, cậu ấy khẽ ậm ừ một tiếng, như thở dài, như rên rỉ, nó khiến tôi say, khiến tôi mê. Đầu lưỡi đã đưa sang đó, Ninh Hải lui lại một bước, song nhanh chóng đón nhận, dịu dàng mà cuốn quýt cùng tôi. Tiểu Hải rất non nớt, nhưng vô cùng dũng cảm, dưới sự dẫn dắt của tôi, chúng tôi đã có một nụ hôn đầu tiên ăn ý đến gần như hoàn mỹ.

Đã bao lâu rồi tôi không có hôn? Không còn nhớ nữa. Tôi thậm chí suýt quên mất cái cảm giác rung động và run rẩy, nhưng vì Ninh Hải, ngọn lửa ấy trong tôi lại được bùng sáng. Tôi đang mặc áo khoác quân đội, cổ áo được dựng đứng lên che mất gương mặt, vì vậy những người xung quanh không phát hiện chúng tôi đều là con gái, trái lại đã vỗ tay huýt sáo cổ vũ cho nụ hôn của chúng tôi, cánh tay của tôi càng siết chặt Ninh Hải hơn, thôi thì hãy để ngọn núi hùng vĩ và bình minh ấm áp này minh chứng cho chúng tôi vậy! Hãy để sự ngọt ngào này của chúng tôi được kéo dài thêm một lúc.

Trên đường về, tôi cuộn người ở dãy ghế sau, nằm gối đầu lên đùi của Ninh Hải mà ngủ, trong lúc nửa tỉnh nửa mơ, tôi cảm nhận có một bàn tay man mát sờ lên mặt mình, bàn tay ấy vén tóc mái của tôi lên, xoa dịu ấn đường của tôi, tôi nhắm mắt, mỉm cười. Sự thật là tôi đã khao khát sự tiếp xúc này từ rất lâu rất lâu rồi, nỗi cô đơn của da thịt thật sự có thể khiến con người trở nên khô héo, tiêu điều. Ninh Hải là người đến xua đuổi nỗi cô đơn của tôi, tôi yêu cậu ấy đã bao lâu rồi? Chính tôi cũng không dám hỏi câu hỏi này.

Chúng tôi thật sự rất ăn ý, từ lúc trở về từ núi Thái Sơn, không ai trong chúng tôi nhắc đến hay chỉ rõ điều gì, song lại đã bắt đầu một cuộc hẹn hò trọn vẹn tựa như những cặp tình nhân bình thường. Tôi thừa nhận, tôi rất không hậu đạo, nhưng tính của tôi vốn là như vậy. Bắt tôi đi tới trước mặt Ninh Hải nói “Xin hỏi mình có thể yêu cậu không?” thì chi bằng cầm dao giết tôi vậy, như thế dễ hơn. Nếu như Ninh Hải chờ đợi ngày đó, e là chờ đến khi Sao Hỏa đụng vào địa cầu tôi cũng chưa chắc đã đủ dũng khí nói ra. May thay, Ninh Hải không phải loại người tính toán so đo, cậu ấy tin tưởng vào cảm nhận của bản thân, cậu ấy không cần tôi nói những lời ngọt ngào. Giống như câu phát biểu của Khắc Khắc: nước muối ngâm đậu hủ, một vật hàng một vật.