Vương Thành Văn hoàn thành một cú home run, cũng chỉ mang về cho Kình Ngư 1 điểm. Dù rằng trong thế bế tắc ở hiệp 9, 1 điểm là vô cùng quan trọng, nhưng Vô Cực vẫn còn 1 lần đánh nữa.
Mà Văn lúc này đã mệt tới mức không thể nào chạy nổi.
Văn mới chỉ học lớp 6. Thể lực của nó không phải vô hạn. Nó đua được thể lực với Vương Thế Kiệt đã là khủng khiếp lắm rồi. Hơn nữa, nếu có thể, nó sẽ không muốn liều mạng chạy như điên về home như vậy, nhưng không còn cách nào khác.
Khi nó bước lên bục đánh bóng, Kình Ngư đã bị out 2 người rồi. Nếu nó chỉ đơn giản cướp được gôn, thì 3 người sau đó cũng không có khả năng đánh được pha bóng của Vương Thế Kiệt. Nó không thể hi vọng vào điều hi hữu như vậy. Lê Thanh Bình phải đến lượt đập thứ 4 mới được ra.
Tất cả ý tưởng từ việc đánh được cú ném Cuồng Long của Vương Thế Kiệt, đều phải nhờ ơn Lê Thanh Bình. Bởi vì lần đập đầu tiên của anh ta, cũng là cú ném đó, anh ta đã đánh trúng.
Là vì Lê Thanh Bình nhìn thấy đường ném sao? Có lẽ không. Quả bóng quá nhanh. Vậy chỉ có thể là anh ta đóng bóng theo thói quen.
Văn chưa có cơ hội quan sát cú ném Cuồng Long của Vương Thế Kiệt quá nhiều, nhưng trước đó nó đã có thừa thời gian để quan sát Lê Thanh Bình.
Pha đập bóng mà Lê Thanh Bình yêu thích nhất, chính là đập bóng ngay vùng trung tâm.
Nó đã hỏi lại tất cả các tay đập Kình Ngư. Bọn họ đều thừa nhận, có cảm giác mọi cú ném của Vương Thế Kiệt đều nhắm thẳng vào điểm chính giữa. Hơn nữa, Vương Thế Kiệt từ đầu trận tới giờ chỉ ném bóng thẳng.
Một khi đoán được điểm ném của đối phương, thì dù không nhìn rõ đường bóng, vẫn có thể đánh trúng nó. Nhưng nó phải đợi tới hiệp 9, khi thể lực của Vương Thế Kiệt suy giảm rõ rệt, và nó trở thành tay đập cuối cùng, nó mới dám đánh đường bóng này.
Vì khi nó trở thành tay đập cuối cùng, cái cảm giác muốn kết thúc nhanh gọn trận đấu sẽ khiến Vương Thế Kiệt tung ra cú ném Cuồng Long. Khi đó, Văn mới có thể lợi dụng độ xoáy của quả bóng để khoan nó vào lòng đất.
Vậy nên khi hiệp 9 bắt đầu, Văn đã nói nhỏ với 2 tay đập trước đó, hãy cố tình để strike out. Nếu họ may mắn cướp được gôn, thì câu chuyện sẽ trở nên rất khó đoán.
Tất cả những phân tích đó, không có độ chính xác 100%, nhưng vẫn đáng để thử. Còn hơn là bó tay đầu hàng. Rốt cuộc, nó đã làm được, nó đã ghi được điểm đầu tiên của trận đấu, giúp Kình Ngư dẫn trước 1 – 0. Nhưng cũng vì thế, giờ nó cạn kiệt sức lực.
Nhưng điều đáng sợ hơn, đó là nó sợ Vô Cực đã tìm ra bí quyết đối phó với những cú ném của mình. Quả nhiên, ở bên chỗ ngồi của Vô Cực, toàn đội vô cùng bình tĩnh.
Lượt đập sắp tới, sẽ là tay đập số 7, 8, 9. Nếu 3 tay đập này bị out, Vô Cực sẽ thua cuộc. Nhưng nếu chỉ cần 1 người cướp được gôn mà thôi, sẽ đến lượt tay đập số 1, Vương Thế Kiệt.
Lúc này, Lý Thiên La đang ngồi phân tích cho cả đội.
- Những cú ném của Vương Thành Văn làm khó chúng ta 8 hiệp rồi, nhưng qua đó ta cũng đã nhận ra mánh khoé của thằng nhóc. Thoạt nhìn, ta cứ nghĩ nó chỉ biết 4 loại ném, là bóng nhanh, bóng hơi nhanh, bóng giả nhanh, và bóng rơi. Nhưng thật ra, anh em cũng đã biết, vùng strike chia làm 9 phần, trung tâm, trái phải trên dưới, và 4 góc. Khi ném bóng có thể ném được vào 1 trong 9 phần này, vậy là tổng cộng Vương Thành Văn có tới 9x4 là 36 kiểu ném khác nhau!
Cả đội gật gật đầu đồng ý.
- Cái đáng sợ của thằng nhóc, là nó biết cách pha trộn các cách ném ấy, để chúng ta không thể nào đoán trước. Và bởi vì mỗi pha bóng lại có biên độ quá khác nhau, nên khi ta vung gậy, đều tạo ra một độ lệch lớn. Nếu không phải là foul, thì cũng là fly out, hoặc tệ hơn nữa là bị strike. Có thể nó đoán được tâm lý của chúng ta trong mỗi pha đập, cũng có thể nó chỉ trộn lung tung và gặp may. Nhưng thứ đáng sợ nhất của Vương Thành Văn, không phải cách nó biến hoá pha bóng, mà là bóng góc trong của nó!
- Bóng góc trong? - Một tuyển thủ nghi hoặc hỏi.
- Đúng thế. Bóng góc trong. Cái góc gần với batter nhất ấy. Cái góc này rất khó ném, đòi hỏi pitcher phải có tâm lý thép mới dám ném. Vì ném không khéo, sẽ đập thẳng vào batter gây deadball. Một nghiên cứu cho thấy, khi muốn né một thứ gì, xạ thủ sẽ vô thức bắn sang phía ngược lại một khoảng rất xa. Nhưng Vương Thành Văn, nó dám! Hiệp 1, nó ném thẳng vào mặt Vương Thế Kiệt, không phải là nó cố tình, nhưng cũng không phải là vô tình. Nó vẫn luôn nhắm vào bóng góc trong đấy!
- Ra vậy!
- Thằng này sau cú deadball như vậy, vẫn dám làm lại vô số lần, chứng tỏ nó sẽ còn làm nữa. Bóng góc trong là bóng khó đánh nhất, nhưng nếu chuẩn bị ngay từ đầu, thì lại trở nên vô cùng dễ dàng. Hiện nay thể lực của nó cũng không còn nhiều nhặn gì, chắc chắn sẽ dùng bóng góc trong để dứt điểm!
- Vậy nếu nó không dùng bóng góc trong?
- Không có gì khác biệt. Các pha bóng khác cũng rất dễ đánh.
- Ok!!
Toàn đội đồng ý gật đầu. Chỉ cần một người cướp được gôn mà thôi, Vương Thế Kiệt sẽ được ra sân. Nửa cuối hiệp 9, nửa hiệp quyết định.
Vương Thành Văn khó nhọc đi tới bục ném.
Cú ném đầu tiên.
Cốp!!!!
Lần này, bóng bay vô cùng chuẩn xác, vào giữa 2 cánh giữa và phải, rơi xuống đất. Tuyển thủ đã kịp cướp được gôn 1.
Cổ động viên Kình Ngư hò hét ầm ỹ. Vậy là Vương Thế Kiệt chắc chắn sẽ được ra sân.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, vì tay đập thứ 8, cũng đập được 1 hit. Vô Cực bỗng nhiên có 2 runner ở gôn 1 và gôn 2.
Tiếng hò hét càng ầm ỹ hơn. Kèn trống nổi lên tưng bừng.
Tay đập thứ 9, lại là 1 hit. Lúc này, 3 runner đã chiếm trọn 3 gôn 1, 2, 3.
Vương Thế Kiệt đã cầm gậy bước tới bục đánh bóng. Hắn chĩa gậy thẳng về phía Vương Thành Văn. Một pha thách thức.
Cổ động viên Vô Cực càng điên cuồng cổ vũ hơn nữa.
“Aaa, tệ rồi đây...”. Văn thở dài ngao ngán. Đối với 1 pitcher, còn tình huống nào tệ hơn tình huống này nữa? Không có 1 out nào, lại full runner trên base, chủ lực đối phương chuẩn bị đánh bóng, lại là nửa cuối hiệp 9.
Chỉ cần Vương Thế Kiệt hit được 1 quả không tệ, runner gôn 3 chạy về home, là Vô Cực gỡ hoà. Nếu cú đó không những không tệ mà còn khá tốt, runner gôn 2, gôn 3 chạy về home, vậy là Vô Cực lập tức chiến thắng.
Còn nếu Vương Thế Kiệt đánh được 1 cú home run, vậy thì còn oanh liệt hơn nhiều nữa. Một cú full base home run, ăn trọn 4 điểm, đủ sức để biến Kình Ngư thành hòn đá lót đường cho danh tiếng của hắn.
Đối với Văn, 2 điểm hay 4 điểm không quan trọng lắm. Mà 1 điểm thôi cũng đủ để gây áp lực khổng lồ cho nó.
Nhưng trên hết, đây là một lần đối mặt.
Mấy lần trước không tính. Đây mới là lần đầu tiên, khi 2 bên đã rã rời về thể lực, cố dùng nốt chút sức lực cuối cùng, khi 2 bên đã hiểu rất rõ về nhau, thì đây mới là cuộc so tài chính thức.
Dù cuộc so tài này không nói lên quá nhiều điều, có lẽ nếu gặp nhau trong một trận chiến thực sự, sẽ rõ ràng hơn nhiều, nhưng trận bóng này, không ai muốn thua.
Ít ra giờ phút này, đối với riêng môn bóng chày, Vương Thế Kiệt cũng không coi Vương Thành Văn là một thằng oắt con nữa. Mà là một đối thủ.
Văn cũng vậy. Nhưng nó nghĩ khác Vương Thế Kiệt. Nó không chỉ đối đầu với mình hắn ta, mà là cả 3 runner trên gôn kia. Hơn nữa, Vương Thế Kiệt đã sai rồi. Hắn phải đối đầu không chỉ mình Vương Thành Văn đâu.