Không ngắm được mặt trời mọc vì sương giăng mịt mù.
Yến Vi Sí rửa mặt xong đi vào sân, hỏi trưởng thôn đang ngồi cạo đáy nồi dưới mái hiên: “Có bột mì không ạ?”
Lúc này trời vẫn u ám, trưởng thôn thấy hắn thì thoáng sửng sốt.
Sao lại dậy sớm như vậy? Tiểu Vụ còn chưa dậy đâu!
“Có có có!” Bác gái bưng nồi khoai môn nhỏ từ hầm rượu ngoài nhà lên, “Mới mua hai mươi cân bột mì, tươi mới, cháu cần thì bác bóc ra cho cháu! Có cả bột men nữa!”
Yến Vi Sí tiến vào phòng bếp: “Để cháu làm ít bánh bao.”
Bác gái không dám tin tưởng mà liếc bạn già nhà mình, còn biết làm bánh bao à? Chu choa mạ ơi.
Trong bếp có gas hóa lỏng, nhưng hai vợ chồng già chỉ dùng khi con cái trở về, ngày thường bọn họ đốt nồi lớn, củi lửa cháy nấu thơm hơn.
Tối hôm qua nấu trong nồi lớn, sáng nay cũng thế, đã cho gạo vo sạch vào nồi, cũng bỏ thêm nước, chỉ cần thêm khoai môn là có thể nhóm lửa.
Bác gái vừa cọ rửa bùn trên khoai, vừa nhìn chàng trai đang nhào bột.
Kỹ thuật khá ổn, làm không ít.
Bác gái nghĩ đến người con rể vô cùng lười biếng chỉ biết khoanh tay ngồi nhìn của mình, cách biệt quá lớn so không nổi. Bà để ráo khoai môn, cắt làm đôi rồi xếp trên gạo, sau đó múc một gáo nước, đậy nắp nồi đi nhóm lửa.
Củi kêu lách tách cháy trong lò, không bao lâu sau hơi nóng bốc ra từ nắp nồi.
Sau khi lên men bột, Yến Vi Sí kéo ra một vài cục bột có kích cỡ tương tự nhau rồi vo viên. Bác gái đang nhìn trộm hồi lâu kịp thời đưa nồi hấp cho hắn, hướng dẫn hắn cách sử dụng.
“Nắm lấy tay cầm ở hai đầu cái khay, nhấc lên đặt trong nồi này.” Bác gái chỉ vào chiếc nồi lớn đã được bạn già chà sạch đáy ở một bệ bếp khác, “Đừng đổ nước ngập khay, đun lửa lớn khoảng mười mấy hai mươi phút là được.”
Yến Vi Sí lần đầu tiên trong đời dùng củi lửa, suýt nữa mất luôn lông mày, còn bị cặp gắp than làm bỏng phồng rộp ngón tay.
Bác gái nhìn thấy kinh hồn bạt vía: “Nếu không vẫn để bác làm đi.”
“Không cần đâu ạ.” Yến Vi Sí từ chối lòng tốt của bác gái, chống tay lên chân nhìn ngọn lửa màu cam đang nhảy múa, mắt khép hờ sắc mặt ngái ngủ, “Bác đừng kể với anh ấy nhé.”
Bác gái nghĩ thầm, vết bỏng này của cháu thì giấu sao được.
Lúc Trần Vụ dậy, Yến Vi Sí trong miệng hai vợ chồng già không còn là người yêu của Tiểu Vụ nữa, mà là Tiểu Yến.
Bánh bao tròn trịa mới ra khỏi nồi, vừa mềm vừa thơm.
Sự chú ý của Trần Vụ dừng trên bàn tay dán băng cá nhân của Yến Vi Sí: “Sao lại bị thương thế?”
“Hơi trầy xước rách da.” Yến Vi Sí đưa cho anh một cái bánh bao, “Ăn đi.”
Trần Vụ nhận lấy, như có như không nhìn về phía bác gái.
Bác gái thình lình đối diện với đôi mắt trong trẻo và tĩnh lặng Tiểu Vụ, một miếng khoai môn kẹt trong cổ họng. Bà vỗ ngực nuốt xuống, sau đó xua tay tỏ vẻ mình chẳng biết gì cả.
Trần Vụ bỏ bánh bao lại đĩa, nắm lấy tay Yến Vi Sí muốn kiểm tra.
Cơ mặt Yến Vi Sí khẽ giật: “Bị bỏng nhẹ thôi.”
Trần Vụ nhăn mày: “Xử lý chưa?”
“Chỉ bị phồng nước.” Yến Vi Sí thấp giọng, “Đừng làm người khác chê cười.”
Trần Vụ không quan tâm người khác đánh giá thế nào, chỉ làm những gì mình muốn. Anh kéo Yến Vi Sí rời khỏi bàn ăn: “Về phòng sát trùng đi.”
Yến Vi Sí nở nụ cười bất đắc dĩ với hai bác, lười biếng bị Trần Vụ kéo đi.
Bác gái chỉnh lại khăn vải cũ trên đầu, uống hớp cháo: “Trước đây Tiểu Vụ cũng lo lắng cho em trai nó y như vậy.”
“Cháo cũng không chặn được miệng!” Trưởng thôn quát lớn, thái độ của ông đối với Minh Xuyên phụ thuộc vào thái độ của Tiểu Vụ đối với Minh Xuyên.
Không liên quan tới chuyện người của Minh Xuyên vô tình làm họ bị thương, phá hủy núi rừng nhà cửa đồ đạc, rồi lại chạy về xin lỗi giải thích nguyên nhân sự việc, đồng thời tặng họ vàng thỏi và thuốc bổ.
Bác gái đuối lý nói: “Tôi cũng đâu có nhắc trước mặt Tiểu Vụ.”
Trưởng thôn không tiếp tục mắng bà nữa, trấn tĩnh lại lấy bánh bao cho bà: “Vẫn ăn khoai sọ thì cứ ăn đi, ngó nghiêng lung tung cái gì, ngày nào đó bị khoai sọ nghẹn chết đấy.”
Bác gái biết đây là quan tâm mình nên cũng không lớn giọng với ông nữa: “Sang năm trồng khoai tây ruột vàng đi, khoai tây ruột trắng dùng làm miến khoai cả rồi.”
Ăn hết một cái bánh bao to, bác gái cảm thán, “Ngon ghê.”
“Không phải bánh bao đều thế này à?” Trưởng thôn nói.
Bác gái có kính lọc, cảm thấy nó thơm ngon hơn hẳn những lúc khác, bà cảm khái: “Tiểu Vụ thích ăn thức ăn chế biến bằng bột mì, nên Tiểu Yến đã đi học.”
“Không ai là kẻ ngốc cả, Tiểu Yến đối xử tốt với Tiểu Vụ, chứng tỏ Tiểu Vụ cũng đối xử tốt với nó.” Trưởng thôn nói một hồi lại nghĩ tới Minh Xuyên.
Tiếc thay cho cho hai anh em.
Nhìn thấy hai người trẻ tuổi quay lại, hai bác già vội vàng ngừng câu chuyện.
Bánh bao vẫn nóng, trứng vịt muối chưa bị ăn mất quả nào, toàn bộ để lại cho bọn họ.
Trần Vụ gắp cho hai vợ chồng già mỗi người một quả trứng vịt muối. Anh ngồi xuống, bẻ một nửa cái bánh bao đưa cho Yến Vi Sí.
“Em không ăn.” Yến Vi Sí nói.
Trần Vụ vào bếp bưng bát ra, bên trong là đường trắng, anh ấn nửa cái bánh bao vào lăn lăn: “A Sí, giờ ăn được rồi.”
Yến Vi Sí dùng bàn tay che mặt quay đầu sang một bên. Từ khi đến đây, hắn chưa bao giờ chạm vào đường, vì sợ bị coi như trẻ con.
Kết quả hay lắm…
Yến Vi Sí dở khóc dở cười.
“A Sí?” Trần Vụ giật giật áo khoác của hắn.
Yến Vi Sí buông tay quay đầu lại: “Biết rồi.”
Hắn áp lực cắn một miếng bánh bao nhiều đường đến nỗi rơi xuống.
Mặc kệ.
Yến Vi Sí ăn mấy miếng là xong, tự chấm đường.
Hai bác tròn mắt ngạc nhiên hồi lâu, trong bánh bao có đường, mà lúc ăn còn phải chấm thêm một lớp.
Bọn họ không hẹn mà cùng nghĩ, cháu trai nhỏ cũng ăn như vậy.
Gần trưa mặt trời ló dạng, Trần Vụ dẫn Yến Vi Sí lên núi hoá vàng, dọc đường đi thường có thể nhìn thấy người già xách lạp xưởng heo khô gà khô phơi thành hàng trên cọc tre, tất cả đều được ướp cho con cháu.
Bắp cải ngoài đồng giống trạm canh gác, từ hàng này đến hàng khác được trồng rất dày, vặn một cái có một cây bắp cải.
Yến Vi Sí giơ máy ảnh chụp cải thảo, một lát sau, trong tầm nhìn xuất hiện một đàn chim đậu trên cành cây khô ngó nghiêng xa xăm, lông đỏ, như trong tranh vẽ.
Chưa từng thấy, chụp mấy tấm.
Đi tiếp một quãng, trông thấy chăn trâu.
Yến Vi Sí cảm thấy mới mẻ: “Giúp em chụp một tấm với trâu đi.”
Trần Vụ chụp cho hắn.
Gặp được con sóc chơi trốn tìm, Yến Vi Sí chưa mở miệng thì Trần Vụ đã giơ tay chờ hắn đưa máy ảnh tới.
Yến Vi Sí tìm thấy một hạt dẻ giữa đám lá thông trên mặt đất rồi ném qua, con sóc nhảy xuống như thể không có ai xung quanh, ôm lấy hạt dẻ gặm ăn.
“Sao ngốc nghếch giống anh thế?” Yến Vi Sí ngồi xổm xuống quan sát, khóe môi nở nụ cười trẻ con.
Trần Vụ chụp lại cảnh này.
Con sóc ăn hết hạt dẻ cũng không chạy đi, mà bắt đầu xoay vòng vòng tìm kiếm. Yến Vi Sí cười chốc lát rồi đứng dậy, ôm lấy Trần Vụ từ phía sau và rời khỏi.
Càng đi sâu vào trong núi, gió càng mát mẻ. Yến Vi Sí cảm nhận được một dòng chảy nóng bỏng mênh mông cảm xúc trong lòng, là cơn gió núi năm ấy Trần Vụ dùng di động truyền lại cho hắn.
Hắn đã đích thân tới lắng nghe.
Nghĩ như vậy, hắn vô thức tăng tốc, bước đi càng lúc càng nhanh.
Trần Vụ chạy bước nhỏ đuổi theo đi, chân ướt đẫm sương sớm: “A Sí, em chậm một chút.”
Yến Vi Sí vươn tay ra sau, ngay khi anh nắm lấy thì đan ngón tay vào tay anh: “Chúng ta trồng một cây trên núi nhé?”
Trần Vụ sửng sốt: “Vậy trồng đi.”
Ra quyết định lâm thời, Trần Vụ đưa túi tiền giấy lớn cho Yến Vi Sí, anh quay về cầm xẻng và cây giống đi lên: “Trồng ở đâu thế A Sí?”
Yến Vi Sí ngồi xổm trên tảng đá, người trước mắt đang đối diện với hắn và ánh mặt trời, giọt mồ hôi nhỏ trên chóp mũi trong suốt óng ánh. Hắn không đáp mà hỏi lại: “Anh muốn trồng ở đâu?”
Trần Vụ nghĩ ngợi, dẫn Yến Vi Sí đến nơi mình chọn: “Sau khi trồng xong, anh sẽ bảo bác trưởng thôn, sẽ không tùy tiện đào lên bán.”
Yến Vi Sí tụt lại hai bước, nghe thấy Trần Vụ đi ở phía trước nói, “Sắp đến rừng hồng rồi, giờ vẫn chưa đủ chín, A Sí, ở đây có nhiều cây gai lắm, em đi theo anh.”
Chuyến hành trình này mang lại cho Yến Vi Sí giá trị tinh thần cao đến mức khó có thể ước tính được.
Cùng người yêu lắng nghe gió núi, rảo bước xuyên qua rừng hồng của anh.
Ngay cả vết cháo không biết dính trên tay áo từ bao giờ cũng mang hình dáng của hạnh phúc.
Yến Vi Sí xách tiền giấy tiến vài bước lên sóng vai với Trần Vụ, cầm lấy xẻng và cây giống của anh. Trên đầu họ là sắc xanh đỏ xen kẽ của cây hồng, dưới chân họ là năm tháng dần trôi qua.
Trong máy ảnh có thêm trăm bức.
Không khí vẫn luôn trong lành, bất luận là trồng cây mầm hay là dạo quanh trong núi, mãi tới khi bắt đầu viếng mộ.
Trần Vụ lấy ra một chiếc liềm cũ từ trong túi đựng tiền giấy, nhanh nhẹn cắt cỏ dại, không cần Yến Vi Sí hỗ trợ.
Yến Vi Sí quét mộ bia, dòng chữ bên trên là của Trần Vụ.
Có lẽ mộ cũng do anh đào.
Chưa biết chừng quan tài cũng do anh đóng.
Yến Vi Sí không rõ người trong mộ có xót Trần Vụ không, chứ hắn xót lắm, xót vô cùng.
Chỉ chốc lát sau, Trần Vụ đã dọn sạch nấm mộ. Anh đổ tiền giấy ra, cầm hai tờ tiền nói: “A Sí, giúp anh châm lửa với.”
Yến Vi Sí gảy bật lửa, giơ ngọn lửa bùng lên cho anh.
Tờ giấy bắt đầu cháy từ một góc rồi dần lan rộng ra.
Trần Vụ đốt hơn phân nửa tiền giấy mới bắt đầu đốt thỏi vàng. Anh dùng cành cây cời cời, sau đó quỳ xuống mặt đất ẩm ướt và dập đầu lạy ba cái.
“Cha à, con về thăm cha đây.”
Anh chỉ nói một câu này rồi không nói thêm gì nữa, không cầu bảo vệ không cầu phù hộ, không chia sẻ cuộc sống thường ngày, không oán trách sự đời, chỉ lặng lẽ đốt hết một chồng tiền giấy và thỏi vàng lớn.
Tro tàn dần nguội đi, Trần Vụ vẫn quỳ trước mộ.
Yến Vi Sí miết gáy Trần Vụ: “Được rồi.”
Trần Vụ đứng dậy, ôm cỏ dại xung quanh ngôi mộ đến chân núi, cho bò vàng lang thang ven đường ăn.
Yến Vi Sí tháo kính của Trần Vụ ra, chạm vào khóe mắt anh, lau đi hơi ẩm cất giấu bên trong.
“Tiểu Vụ!” Trưởng thôn kéo một xe cây giống hướng về phía này, phía sau có mấy thôn dân cũng kéo cây giống.
Trần Vụ đeo kính lên: “A Sí, anh đi xử lý cây giống đây, em tự đi thăm thú xung quanh nhé, cách ao hồ xa chút, đừng trèo cây…”
Yến Vi Sí nhéo mặt anh: “Dong dài thành thế này cơ đấy.”
“Dù sao em…” Trần Vụ chưa nói xong đã bị Yến Vi Sí cắt ngang, “Dù sao bạn trai của anh cũng sẽ không lạc mất được đâu.”
Thấy người trong thôn đến gần, Trần Vụ ngượng ngùng kéo tay Yến Vi Sí ra, nhanh chóng bước tới đẩy xe và bảo họ: “Đầu xuân sang năm cháu sẽ mua một lô cam gửi về đây, các bác trồng ở miếng đất phía Tây kia nhé.”
Mọi người có mặt đều đồng loạt nhìn anh.
Trưởng thôn đè nén niềm hưng phấn trong lòng: “Liệu có thích hợp không?”
“Cháu sẽ chọn giống.” Trần Vụ nói, “Loại dễ bán.”
Gò má nhô cao của trưởng thôn đỏ bừng: “Thế sang năm chúng ta sẽ càng bận rộn hơn.”
“Đúng vậy đúng vậy!”
Các thôn dân không bình tĩnh như trưởng thôn, miệng cười rộng. Bọn họ già rồi, chỉ lo lắng không làm được gì nhiều, trước kia trồng cây trồng hồng, mai sau còn trồng cam, tốt biết bao.
Để tránh cho những thôn khác ghen tỵ, họ đều hạ giá. Trên thực tế, thu nhập của họ còn cao hơn cả những người con cái kiếm được, nhưng con cái có biết chuyện cũng không chịu trở về.
Núi non rất nhàm chán, chẳng có gì thú vị để chơi, thanh niên chịu không nổi.
Trưởng thôn đã lớn tuổi vẫn có thể mặc sức tưởng tượng về tương lai, cảm thấy mình có công việc có chí tiến thủ. Thôn Lão Thạch dựa vào núi sống nhờ núi, đất đai trù phú, chỉ cần biết sử dụng thì mỗi nhà đều có thể dư dả tiết kiệm hàng năm.
Thôn này có Tiểu Vụ, tất cả tài nguyên đều được tận dụng.
Trần Vụ ở bên này tìm kiếm gốc cổ thụ khỏe mạnh để ghép cây gây giống, còn Yến Vi Sí bên cánh đồng quan sát một đám trẻ con đang tìm kiếm thứ gì đó trong ruộng.
Đất ruộng bị lật tung, trên tay bọn trẻ cầm cọng rơm, giày lấm bẩn.
Yến Vi Sí đột ngột lên tiếng: “Các em đang tìm gì thế?”
Đám trẻ bị hù dọa giật bắn mình, thằng nhóc trông lớn hơn chút lắp bắp đáp: “Tìm, tìm lươn ạ.”
Yến Vi Sí tò mò xuống ruộng, hắn đốt điếu thuốc ngậm bên môi, chậm rãi đi sau chúng nó.
Điều này khiến bọn trẻ căng thẳng cực kỳ, hết đứa này đến đứa kia ngã cắm mặt xuống đất, vì thế quần áo bẩn thỉu, mặt cũng bẩn thỉu, biến thành con mèo mướp.
Yến Vi Sí nhấc một đứa trẻ bò mãi không dậy nổi lên và đặt sang một bên, cúi đầu đi về phía cậu bé đang ngồi xổm ở một chỗ.
Cậu bé đang ở nhét rơm vào hố bùn, ngón tay cào cào cửa hố rồi lại nhét rơm vào.
Những đứa trẻ đều vây quanh, dừng bước, nhìn không chớp mắt.
Cậu bé cầm rơm xoay hai vòng, rút ra từng chút một. Một con lươn mập mạp có sọc nâu sẫm cắn vào cọng rơm, thò đầu ra ngoài.
Bàn tay non nớt nhưng thô ráp nắm lấy nó.
Soạt cái kéo nó ra.
Cậu bé dùng rơm treo ngược con lươn, đưa cho Yến Vi Sí. Những đứa khác cũng nhìn hắn, đôi mắt đen láy sáng ngời.
Yến Vi Sí rít một hơi thuốc: “Cho anh à?”
Cậu bé lắc đầu: “Cho anh Tiểu Vụ ạ.”
Yến Vi Sí: “…” Hắn xách con lươn đang vặn vẹo giữa không trung, “Anh sẽ giao nó cho anh Tiểu Vụ của em.”
Hắn vừa quay người bước đi thì một tiếng hỏi hiền lành vang lên từ đằng sau, “Có phải anh Tiểu Vụ đang đi học không ạ?”
Yến Vi Sí nghiêng đầu: “Hả?”
Trên khuôn mặt ngăm đen của cậu bé có sự ngượng ngùng ngây thơ, và niềm mong mỏi chân thành: “Chữ viết của anh ấy đẹp hơn chữ của tất cả những người em từng gặp. Sách chất đống còn cao hơn nóc nhà, em hỏi gì anh ấy cũng biết. Anh ấy là người lợi hại nhất trên đời, em nghĩ có thể anh ấy đi học.”
Yến Vi Sí nhướng mày: “Đang học đại học.”
Cậu bé mở to mắt, loạng choạng chạy về nhà, không biết muốn chia sẻ tin vui này với ai trong gia đình.
Yến Vi Sí trở về với đôi giày ngập bùn dưới đế, vừa đi vừa vang loẹt xoẹt, trên đùi quần tây toàn giọt bùn bắn lên. Dịch nhầy trên thân con lươn gần như bị gió thổi khô, nó sống dở chết dở bị hắn ném lên sàn xi măng.
Hắn cởi giày lật ngược đế lên, chân đi tất đen giẫm xuống băng ghế, ngồi trước cửa sưởi nắng.
Trần Vụ bận bịu xong trở về trông thấy cảnh tượng này, anh cầm lấy đôi giày của Yến Vi Sí gõ gõ đập đập lên tường, bùn rơi xuống không ít, còn lại thì dùng gậy chọc ra.
Ngày mai đã đi rồi, thời gian trôi qua càng lúc càng nhanh, muốn làm rất nhiều việc nhưng tựa hồ làm không được bao nhiêu, Trần Vụ bắt đầu ngẩn ngơ.
Yến Vi Sí mở máy ảnh, lật lại những bức ảnh chụp trong núi, thu hút sự chú ý của Trần Vụ: “Tổ tông ơi, xem xem cái nào giữ lại, cái nào nên xóa.”
Trần Vụ dịu ngoan dịch ghế ngồi bên cạnh hắn, lướt từng bức ảnh.
“Meo ~”
Một tiếng kêu non nớt xông vào nơi ấm áp này.
Một con mèo tam thể rất nhỏ đang nằm nhoài trên bức tường sân nhà trưởng thôn.
Yến Vi Sí liếc nhìn gò má trắng trẻo mịn màng của Trần Vụ, trong lòng lóe lên suy nghĩ: “Nuôi không?”
Trần Vụ mím môi: “Không biết là của nhà ai, để anh hỏi thử xem.”
Dứt lời, anh đi với lấy con mèo.
Mèo không bỏ chạy, thật sự để anh chạm vào ôm xuống dưới.
“A Sí, em nhìn nó đi, nhỏ ghê.” Trần Vụ ôm mèo cười với Yến Vi Sí.
Yến Vi Sí thở dài, hai năm trước đã nói dẫn hắn về quê xem mèo quê chó đất, bây giờ mới đi đến bước này.
Khi bác gái cầm lươn vào bếp giết, Trần Vụ ôm mèo trở lại: “Của nhà thím nhỏ, cho anh rồi.”
Con mèo gối lên cánh tay Trần Vụ, lông mi nhỏ, mặt múp míp.
“Tên là gì?” Yến Vi Sí đủng đỉnh thong dong nhìn chăm chú người từng nói chưa bao giờ nghĩ đến việc nuôi mèo chó nhưng nay ánh mắt tràn ngập tình yêu với con mèo.
Trần Vụ nói: “Miên Miên đi.”
Yến Vi Sí: “…” Thấy Trần Vụ chờ mong được hắn tán thành, hắn trái lương tâm nói, “Sự kết hợp hoàn hảo.”
Trần Vụ đỏ mặt: “Cũng không đến mức độ kết hợp hoàn hảo đâu, ban đầu không quen lắm, nhưng gọi nhiều sẽ thành quen.”
Yến Vi Sí xỏ giày, mắt liếc thấy thứ gì đó: “Sao còn có con chó?”
“À, thím nhỏ hỏi anh xem có muốn chó không, nó cắn ống quần anh, nên anh nhận.” Trần Vụ ngơ ngác.
Yến Vi Sí đánh giá chú cún con nhút nhát rụt rè đằng sau anh không xa, màu vàng đất, có lẽ khoảng tầm ba đến năm tháng tuổi.
“Tên cũng nghĩ xong rồi à?” Yến Vi Sí thuận miệng hỏi.
Trần Vụ: “Đậu Đậu.”
Yến Vi Sí không khỏi bật cười, đều là tên dễ nuôi.
Diện tích trong nhà đủ rộng cho một mèo một chó chơi đùa, hơn nữa Trần Vụ có đồng hồ sinh học và tính tự giác nên việc dậy sớm dắt chó đi dạo không thành vấn đề, nhưng…
Yến Vi Sí suy nghĩ: “Anh trọ ở trường thì nuôi thế nào?”
“Vậy anh không ở ký túc xá nữa.” Trần Vụ đáp.
Yến Vi Sí khựng lại, ánh mắt đượm sầu muộn, hồi năm nhất hắn đã đề nghị sống ở nhà, song người này không nghe hắn.
Giờ lại thay đổi quyết định vì chó mèo.
Yến Vi Sí ghen tị, ghét bỏ hai thành viên mới của gia đình.
Mèo nhất thời không bới móc ra điểm gì để nói, nhưng chó thì có thể.
Yến Vi Sí không mặn không nhạt mở miệng: “Sức chiến đấu của con chó này thế nào?”
Trần Vụ chớp mắt: “Thím nhỏ nói con chó này chạy rất nhanh, có thể nhảy qua hố rất rộng, bé xíu đã biết trông giữ nhà cửa, khi lớn lên sẽ còn giỏi hơn cả cha nó.”
Anh đặt mèo xuống đất rồi sờ sờ đầu chú cún đang cọ chân mình, nghiêm túc nói: “Nào, hung dữ cho chủ nhân mới xem đi.”
Cún con sủa vài tiếng trầm thấp với Yến Vi Sí, sau đó lảo đảo sấp mặt xuống đất.
Yến Vi Sí châm chọc: “Sự hung hãn này có chút phong thái của tên đại ca Tây Đức năm ấy bị em lật đổ.”
Trần Vụ: “…”
Ngày trở về không có sương mù, Trần Vụ dẫn Yến Vi Sí lên đỉnh núi ngắm bình minh, ánh sáng trải dài bao phủ cơ thể họ, điểm xuyết trên răng môi triền miên dây dưa của họ.
Trần Vụ liếm dấu hôn trên môi: “A Sí, lần này từ sau khi em trở về, em luôn hôn anh rất mạnh.”
“Anh không biết nguyên nhân à?” Yến Vi Sí tức giận.
Trần Vụ gật đầu: “Trước đó em đã gần hai tháng chưa trở về, rất nhớ anh.”
“Biết rõ còn hỏi.” Yến Vi Sí cọ cằm lên đỉnh đầu anh, giơ máy ảnh lên chĩa thẳng bọn họ.
Trong mấy năm qua, họ đã chụp rất nhiều ảnh chung, nhưng dường như thiếu sót gì đó, hẳn là nên có một tấm…
Gò má chợt thấy mềm mại, Trần Vụ hôn lên.
Yến Vi Sí nhấn nút chụp.
Được rồi, đã lấp đầy khoảng trống.
Đáng lẽ phải lấp đầy từ đâu, Yến Vi Sí tức giận vì sự sơ suất bất cẩn của mình đến mức suýt hộc máu, chuyện gì cũng muốn làm cùng người trong lòng, nếu lịch trình dày đặc, sẽ có việc không chen vào được và bị bỏ qua.
Yến Vi Sí kiểm tra lượng pin của máy ảnh: “Hôn tiếp đi, để em bù lại những nụ hôn trước đây.”
Trần Vụ tròn mắt: “Thế phải bù bao nhiêu? Anh sợ hôn em rách cả da mất.”
“Đừng quan tâm.” Yến Vi Sí hơi cúi người, kề đầu lại gần.
Không thể bù hết tất cả trong một lần, khung cảnh phải thay đổi, ngày tháng cũng phải thay đổi.
“A Sí, em đừng lấy ảnh anh hôn em làm ảnh chân dung wechat nhé.” Trần Vụ nghĩ đến điều gì đó, vội vàng nói.
Yến Vi Sí bình tĩnh rời khỏi giao diện cài đặt chân dung wechat: “Em sẽ làm chuyện dung tục như vậy chắc?”
Ánh mắt Trần Vụ có chút khó nói: “Anh không nói nữa.”
“Em còn sót cái gì thì phải nhắc nhở em đấy.” Yến Vi Sí canh cánh trong lòng, mày nhíu chặt, “Đừng để em mãi về sau mới nhớ ra, bỏ lỡ nhiều lắm.”
Trần Vụ rút bàn tay giấu trong ống tay áo ra, ôm lấy mặt bạn trai xoa xoa: “Anh biết rồi.”
Lúc hai người xuống núi, thôn dân đã đợi sẵn, bày một đống túi da rắn, túi ni lông và rổ.
Yến Vi Sí tỏ vẻ kỳ quái: “Không phải là cho chúng ta đấy chứ?”
Trần Vụ nhẹ giọng: “Là cho chúng ta.”
Mọi người đã bắt tay vào chuẩn bị từ sớm, gửi chuyển phát nhanh không tiện, khi về không nhiều đồ lắm thì để anh cầm đi một ít.
Heo giết trong đêm.
Ngoài các mặt hàng lớn như bắp cải, đậu nành, đậu đen, gạo, dầu hạt cải, bí ngô, bánh tổ, khoai môn, giò heo, còn có gà vịt ngỗng, hầu hết đã bị xử lý sạch sẽ, chỉ có hai con còn sống, cho anh mang về nuôi đẻ trứng.
Cốp xe không chứa được, nên nhét vào ghế sau.
Yến Vi Sí đặt một thùng trứng gà ở chỗ chân trước. Chưa bao giờ hắn nhận ra rõ ràng như lúc này, rằng Trần Vụ rất được thôn dân quý mến.
Chiếc xe chở đầy yêu thương rời đi giữa những cái vẫy tay tạm biệt của dân làng, có thêm một mèo một chó.
Mèo ngủ trong lòng Trần Vụ, chó ngủ bên chân anh, chẳng con nào đến gần Yến Vi Sí.
Xe đến trạm nghỉ, Trần Vụ bế con mèo như lò sưởi và tháo dây an toàn đi xuống cùng Yến Vi Sí, ăn ít đồ uống hớp nước.
“Lát nữa đến lượt em lái, anh ngủ một giấc đi.” Yến Vi Sí uống nước ấm trong bình giữ nhiệt, nước màu xanh tím thả vài quả cẩu kỷ đen.
Trần Vụ ăn vài miếng xong món que khoai môn do bác gái chiên: “Được rồi, em đừng lái nhanh nhé, chú ý an toàn.”
Anh kiểm tra vết phồng rộp trên tay Yến Vi Sí, đã vỡ và đóng vảy rồi.
Yến Vi Sí mặt đối mặt với anh, khăn quàng đôi bị gió thổi hôn lên nhau.
Thỉnh thoảng có chủ xe và hành khách đi ngang qua họ, công khai hoặc lén lút đánh giá mối quan hệ của họ.
Bọn họ chẳng hề để ý.
Yến Vi Sí vào trong mua thuốc lá, Trần Vụ về xe chờ, mèo cuộn tròn trên đùi anh, anh nhẹ nhàng vuốt ve tai và lưng của con mèo, điện thoại trong túi rung lên.
Trần Vụ nhận: “Tiềm Tiềm.”
Giọng nói có chút bất thường của Triệu Tiềm phát ra từ ống nghe: “Anh ơi, anh đã từ quê ra chưa?”
“Đang trên đường.” Trần Vụ tìm kiếm bóng dáng Yến Vi Sí qua cửa sổ xe, trong tầm mắt toàn là người đi đường đang di chuyển, tìm mãi cũng không thấy hắn.
Mua thuốc lá mà phải mua lâu như vậy.
Triệu Tiềm hít sâu một hơi: “Thủ Thành đã xảy ra chuyện lớn.”