Tử Thần Dịu Dàng

Chương 153: Thư tình



Võ Đông Nhiên theo đoàn quân y chuyển về Doanh trại dã chiến Thị Cầu (*) gần Thăng Long để thuận tiện cho quá trình chữa trị của bệnh binh bị thương từ chiến trường gần đó chuyển về.

(* ) Doanh tạm thời dựng nên để hỗ trợ cho chiến trường bên cạnh trong trường hợp cần thiết. Có sự tham gia giúp đỡ của dân chúng các làng lân cận.

Vì tình hình chiến trận ác liệt, binh sĩ thương vong quá nhiều, lúc này phải huy động nhiều thầy lang trong dân chúng hỗ trợ cứu giúp, kể cả các bà các cô thiếu nữ từ mấy làng lân cận, cũng đến góp một phần công sức cho Triều Đình.

Võ Đông Nhiên mặc nhiên được vào chữa trị ở lều quân y như một y sư bình thường mà không ai chú ý đến.

Khả năng phán bệnh, đặc biệt là kỹ thuật châm cứu cầm máu và khâu vết thương của cô rất thành thục, hầu như trong lều quân y dành cho binh sĩ thì cô chính là nô dịch có năng lực giỏi nhất, nên lâu dần mọi người đều có một sự tín nhiệm tuyệt đối với cô. Tuy không có danh phận y sư nhưng khi gặp các ca bệnh khó thì sẽ nhắc đến tên cô đầu tiên.

Tất nhiên, cô không bao giờ dám ra mặt “múa rìu” qua mắt các y sư ở lều quân y khu tổng dành cho cấp chỉ huy.

Tạm thời cô vẫn chưa bị lộ thân phận thì vẫn nên chú ý đến hành động, không nên quá nổi bật trong đám đông.

Cô vẫn còn chưa muốn rơi đầu đâu!

Đang khâu vết thương cho một bệnh binh, thì bỗng ngoài lều có người gọi tên:

“Bình Sa! Có thư từ chiến trường Chương Dương Độ gửi về!” Giọng của một thiếu nữ vang lên.

Nghe gọi tên, cô đang nhỡ tay, trên miệng còn ngậm sợi chỉ thừa, quay sang nhìn người đó.

Thiếu nữ này tên Mây, tuổi trẻ chỉ mới mười bảy mười tám, đơn thuần chất phác, nàng vẫn hay phụ giúp Bình Sa mấy việc lặt vặt trong doanh.



Đặc biệt không chê cô là nô dịch thấp hèn mà vẫn cười nói với cô rất thân thiện.

“Thư gì cơ?” Cô cũng không ý thức được là Mây đang nói về cái gì.

Mây cười cười nhìn Bình Sa rồi chìa phong thư màu vàng nâu trước mặt, vẫn còn nguyên con dấu niêm phong thư bằng sáp nến màu đỏ tươi đập vào mắt cô.

“Bình Sa, đây không phải là thư của thiếu nữ nào đó đấy chứ.” Mây nghi hoặc hỏi, thái độ có vẻ trêu đùa lại không giống trêu đùa.

Võ Đông Nhiên cũng không muốn nói nhiều, chỉ bảo nàng ấy bỏ phong thư xuống thùng thuốc rồi tiếp tục công việc.

Đêm đến, cô âm thầm vào kho thuốc đốt đèn mở phong thư ấy ra.

Trong nền giấy vàng ố, chỉ vẻn vẹn một câu thơ “Đương thời minh nguyệt tại, Tằng chiếu thái vân quy.” nghĩa là “Khi xưa trăng sáng tỏa, đường về đám mây đưa”.

Nét chữ không có trau chuốt, nhưng vẫn nhìn ra được người viết là người có học, từng chữ đều có nét chấm phá rõ ràng, tỉ mỉ, cũng không giấu được sự mạnh mẽ ngang tàng trong từng đường nét.

Người viết có thâm ý, người đọc cũng không thể không nhận ra tâm tình của đối phương.

Có thể hiểu người ấy muốn nói rằng: “Có một loại gặp gỡ, buổi đầu gặp kinh diễm, từ ấy lòng vấn vương.”

Nếu không phân tích suy ngẫm kỹ một chút, thì khó có thể nhận ra đây là một bức thư tình, bày tỏ sự nhớ mong của người từ chiến trường gửi về.

Thư không đề tên, nhưng cô cũng biết người viết là ai.



Hắn là lo lắng bức thư bị lộ, nên chỉ đề một câu thơ ngắn ngủi biểu hiện tâm ý, người ngoài có thể không hiểu nhưng chắc chắn người nhận thơ sẽ tự biết được ý sâu xa bên trong.

Cô giấu phong thư dưới gối, chậm rãi nằm xuống nhắm mắt lại.

Có một xúc cảm ấm áp ngọt ngào từ vật dưới gối kia len lỏi chảy vào tim cô, khiến trái tim chai sạn bao năm qua trở nên mềm mại hơn.

Cô từ từ chìm vào giấc ngủ.

Ngoài kia, ở một nơi xa xa ngập tràn khói lửa máu tanh, vẫn có những người hùng âm thầm hy sinh, những chiến tướng binh sĩ đánh đổi xương máu để đổi lấy một vạn dặm khói bếp cho nhân gian, một giấc ngủ bình an cho vợ con cha mẹ ở quê nhà.

Hắn cũng chính là người như vậy, bao năm nay hắn vẫn trọn vẹn một lòng sắt son với non sông đất nước như thế.

Để có được vị trí như ngày hôm nay phải đánh đổi biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt và máu tươi rơi xuống. Cho nên cô làm sao có thể làm liên lụy hắn, làm dơ bẩn đi cái thân phận cao quý mà nhân dân đất nước này đã ban tặng cho hắn.

...

Trải qua hơn một tháng, mỗi khi có tin từ chiến trường truyền về, là trong giỏ thư tín của quân đội có một bức thư cá nhân được gửi riêng đến lều quân y.

Giỏ thư tín của quân đội chỉ được dùng cho việc công như truyền ý thánh chỉ, quân lệnh, hay tin cấp báo quan trọng từ chiến trường... nhưng bằng một thế lực nào đó vẫn có một lá thư màu vàng nâu có ấn ký màu đỏ vẫn đều đặn nằm gọn trong giỏ của kỵ binh đưa tin.

Đến nay Võ Đông Nhiên đã nhận cả thảy là bảy phong thư, mỗi phong thư là vẫn như cũ là một câu thơ.

Mỗi lần ra gặp người đưa tin, cô cảm nhận được cái nhìn dò xét khó hiểu của hắn. Lâu dần cô cũng cảm thấy ngại ngùng, vì không có nô dịch nào được “vinh dự” hưởng hình thức liên lạc đặc biệt như vậy cả.