Tử Thần Dịu Dàng

Chương 227: Bà đỡ bất đắc dĩ



Đã vào giữa mùa thu, thời điểm này nhà nhà làm cốm, làm mạch nha. Võ Đông Nhiên cũng ngập ngừng theo bà lão ở cổng làng đi mót lúa (*) của người ta.

(*) Sau vụ mùa người dân hay đi các ruộng lúa đã gặt nhặt lại nhánh lúa non chưa bị cắt.

Hôm trước, cô có hỏi bà lão cách nào để làm mạch nha, thế là bà bảo trước tiên cần có lúa. Cả một buổi sáng cô cặm cụi từng chút một theo sự hướng dẫn của bà lấy được một đấu lúa tươi.

Sau khi đem về phơi khô thì bắt đầu ủ mầm, nấu mầm, sau đó xay nhuyễn rồi trộn với cơm nếp để lên men.

Tất cả lời bà lão nói cô đều tận tâm ghi nhớ, cô tỉ mỉ thực hiện theo từng bước, cuối cùng...

Cô thất bại.

Võ Đông Nhiên thở dài nằm dài trên chiếc chõng tre ở ngồi sân, lặng nhìn lên tán cây sung ở bên trên một hồi. Có lẽ cô không có thiên phú với mấy công việc nữ công gia chánh nấu cơm làm bánh gì đó.

Cô cũng không quá thất vọng cho lắm, vì vốn dĩ cô không tin tưởng bản thân mình có thể thành công.

Nhưng cô chỉ tiếc mớ lúa đã nặng nhọc đi mót cả một sáng đến trưa, đã vậy còn mất sức vật lộn với cái cối xay bằng đá nặng trịch.

Cô nhìn sang giàn bầu hồ lô đã có dây leo lên cao, sắp vươn lên phủ lên rợp cả một quãng sân rộng. Giàn bầu này Lý Bích giúp cô trồng trong những ngày đầu tiên vào mới đặt chân đến nơi này.

Hy vọng khi Trương Duật về, bầu sẽ kịp ra quả. Đến lúc ấy, những quả già để dành đựng nước hoặc rượu. Cô sẽ ướp cho Trương Duật một bình rượu nấm Phục Linh Chi để bồi dưỡng sức khỏe.

Cô vừa nghĩ vừa cười tủm tỉm một mình, trong đầu nghĩ đến rất rất nhiều viễn cảnh tốt đẹp của sau này.

Sau này rồi sau này nữa... những đứa trẻ, những bữa cơm nhà, những chiều cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng.

Chẳng mấy chốc, cô lim dim rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mơ.

Bỗng có âm thanh tiếng bước chân thình thịch chạy ngang qua trước ngõ nhà, cô mở mắt ra có chút đề phòng trong lòng, hai tay bất giác nắm chặt lại.

“Nhanh lên, xin bà cứu lấy nàng ấy!”

Tiếng người đàn ông khẩn khoản gấp rút vang lên.

“Không phải vội, chẳng phải là sinh con thôi sao!”

“Xin bà nhanh chân lên, vợ ta không thể chịu đựng thêm nữa.”

Giọng người đàn ông có vẻ như muốn khóc đến nơi mà người phụ nữ kia có bình thản nhai trầu đi thong thả. Võ Đông Nhiên có chút bực bội thay cho hắn.

Cô hỏi với ra hàng rào:



“Xin hỏi, vợ anh bị làm sao?”

Hắn đỏ mắt trả lời:

“Vợ ta mang thai đã đến ngày sinh nở.”

“Nhưng đã đau bụng từ tối qua đến giờ..., đã mời hai bà đỡ vẫn không có cách nào. Đây là người cuối cùng rồi trong thôn rồi, ta mời đến để cứu vợ con.”

Nói xong hắn quay sang bà đỡ càng nôn nóng hơn.

“Ta cõng bà được không?”

Bà ta có chút bất ngờ sau đó ngầy nguậy từ chối, thái độ có chút chột dạ.

“Ta tự đi được!”

Võ Đông Nhiên liền nhìn ra ý định của bà đỡ này. Sản phụ sinh khó, hai người trước đã bó tay, bà ta nhận ca này vì sĩ diện với hai bà đỡ cùng làng kia, nhưng cũng không nhắm có khả năng cứu người nên cố tình chậm chạp để sản phụ qua đời, bà ta đỡ mang tiếng không có tay nghề.

Cô không nghĩ thêm nhiều, ánh mắt nhìn bà đỡ kia lạnh đi mấy phần, sau đó chuyển sang người đàn ông đang khóc.

“Anh dẫn tôi đi xem chị nhà. Tôi là bà đỡ.” Thật ra cô không dám nói mình là thầy thuốc, có lẽ vì sợ bại lộ thông tin thân phận quá nhiều.

Nói rồi cô vội lấy túi cá nhân mang lên người rồi chạy theo người đàn ông, bỏ mặc người phụ nữ ì ạch mắng chửi ở phía sau.

“À, cứ tin một đứa miệng còn hôi sữa đi. Chết vợ chết con thì ráng mà chịu. Bà này chống mắt lên mà xem.”

Nói xong bà ta cười khẩy khỉnh bỉ, nhưng cũng nhiều chuyện muốn đi hóng chuyện nên ung dung bước theo sau.

“Chả được mấy đồng, việc quái gì phải ôm rơm rặm bụng”

(*) Ôm rơm rặm bụng: là một câu thành ngữ của người Việt. Về nghĩa đen, ôm rơm vào người làm cho bụng bị ngứa. Về nghĩa bóng, câu này ám chỉ những người ôm đồm nhiều việc, nhất là những việc không bắt buộc phải làm để rồi phải chuốc lấy rắc rối, phiền nhiễu.

Võ Đông Nhiên ngạc nhiên khi có một căn nhà còn nằm xây trong rừng còn ở nơi hẻo lánh hơn nhà của cô, chính xác là một căn chòi nhỏ nhỏ rất đơn sơ.

Người phụ nữ bụng lớn nằm quằn quại trên giường, từ cửa đã nghe âm thanh rên rỉ rất đáng thương.

Đỡ đẻ cũng không phải công viêc xa lạ gì với cô, những ngày ở nhà thầy Lang Tiêu Bộ cô cũng gặp kha khá các ca khó.

Vốn dĩ, trong các ca sinh nở gặp vấn đề bất trắc, nếu bà đỡ không giải quyết được thì sẽ cầu cứu đến thầy lang, một cái phao cứu mạng cuối cùng.

Qua thăm khám ban đầu, người này bị thiếu máu, cơ thể suy nhược, mất sức trong quá trình sinh con, lại là con so đầu lòng nên cửa mình nên chưa thuận tiện chuyển sinh. Đặc biệt là thai ngược. Bắt buộc cô phải sử dụng thủ pháp ép bụng đổi chiều ngôi thai, phải thật cẩn trọng nếu không sẽ gây ra biến chứng ép chết thai nhi trong bụng mẹ.

Võ Đông Nhiên bắt tay vào làm công việc của mình, cô bắt đầu châm cứu trước đồng thời bảo người chồng chuẩn bị mấy thứ quan trọng.



Bên ngoài cửa tre, bà mụ kia lấp ló liếc mắt vào nhìn cô làm việc, lòng bỗng dâng lên một niềm oán ghét cùng với sự kinh ngạc khi cô bắt đầu thực hiện cái biện pháp đổi ngôi thai hoang đường kia. Cũng không hẳn là hoang đường, chỉ có điều nó hoang đường với một “bà đỡ” quá trẻ tuổi mà thôi, thông thường phải là người có rất nhiều kinh nghiệm và “lớn gan” mới đủ khả năng nhận những ca như thế này.

Trải qua một canh giờ vất vả cuối cùng cô cũng hoàn thành xong công việc.

Võ Đông Nhiên dặn dò người đàn ông một số việc cần làm cho cả người mẹ và em bé, rồi cũng nhanh chóng đi về.

Thế nhưng, miệng đời đúng là thứ nhanh nhất trên thế gian này. Chuyện cô giật mối đỡ của bà đỡ Ba Sang đã đồn khắp làng, có mấy người còn thỉnh thoảng ghé qua khuôn viên nhà cô nhìn vào chỉ trỏ.

Cũng may, gia đình được cô giúp đỡ cũng có lời đỡ cho cô, họ biết ơn và không ngừng biện minh khi có ai đó nói lời không tốt về cô.

Ngày qua ngày, tiếng lành đồn xa, bỗng dưng Võ Đông Nhiên trở thành “bà đỡ mát tay” bất đắc dĩ mà chính cô cũng không thể ngờ. Thỉnh thoảng, cô cũng quấn khăn quanh đầu đi làm cái công việc trên trời rơi xuống này.

Người khác đến tận nhà nhờ vả, cô thấy chết cũng không thể không cứu.

Từ ngày đó, thái độ của Ba Sang đối với cô có mười phần căm ghét oán hận, trách cô chính là người trực tiếp đá đổ đi bát cơm của bà.

Võ Đông Nhiên nhớ lại cái ngày cô gặp bà ta ở gốc gạo cách đây không lâu, bà đã buông lời miệt thị chửi bới cô, nói cô là loại không nguồn gốc, kẻ tha hương cầu thực, mưu đồ bất chính đủ các thể loại xấu xa nhất mà bà ta có thể nghĩ ra.

Tất nhiên, cô cũng không phải loại gái thơ ngây hiền dịu của ngày xưa nữa, bà ấy ra bao nhiêu lời cô ứng bấy nhiêu, đến giờ cô vẫn không thể tưởng tượng nổi bản thân lấy đâu ra quá nhiều lời “hay” ý “đẹp” để đối đáp như vậy.

“Thưa bà, nữ đây cũng không phải danh gia vọng tộc. Sau chiến tranh, ai cũng có một vài lý do lưu lạc nơi đất khách quê người. Ta cũng không có động đến tông ti nhà bà, chỉ là cảm thấy chướng mắt với hành động thất đức của bà, mới không ngại khó mà lao đi cứu người. Bà thấy khó mà không biết lui, nói với nhà người ta một tiếng, còn cố tình kéo dài để sản phụ rơi vào nguy kịch. Loại người như bà, ta khinh. Nếu ngày ấy người sản phụ ấy chết đi, một xác hai mạng hẳn bà sẽ an nhàn mà sống cả đời này hay sao?”

Ba Sang nghe cô lớn tiếng chửi mình, sinh ra cảm giác xấu hổ mất mặt, nhưng nhất quyết không lùi một bước. Bà ngồi ra đất, hai chân giãy đành đạch lớn lối:

“Cái ngữ không chồng không con. Có chồng chồng chết, còn chồng chồng chê. Ngữ này ngồi mách ngồi lê, ngồi đê ngồi chợ ngồi mê chồng người.”

Võ Đông Nhiên nghe lời mụ già càng lúc càng quá đáng, kéo theo nhiều người quây lấy xung quanh hóng chuyện.

Cô sợ gây sự chú ý, nên đã nhẫn nhịn bà rất nhiều nhưng không ngờ, bà lại đem đạo đức của cô ra phán xét, cũng như có một câu nguyền rủa hắn “chết”. Đây chính là tối kỵ trong lòng cô, không ai được động đến Trương Duật của cô cả.

Máu nóng dồn lên não, cô cả giận mất khôn vung tay lên giáng cho mụ một cái tát.

Mọi người xung quanh đều hoảng hồn, không ngờ cái người thiếu phụ trẻ tuổi này lại hung dữ như vậy.

Mụ Ba Sang bị đánh bất ngờ, vừa hoàn hồn lại thì định mở miệng ra la lớn.

Cô vung tay lên một lần nữa, mắt trợn lớn nhìn xoáy vào bà không có ý nhân nhượng.

“Mụ câm miệng , còn la nữa. Ta tát cho vêu mồm. Phu quân ta là người như thế nào, mụ còn chưa có tư cách để nói đến, huống chi lại cả gan nguyền rủa chàng như vậy. Ta tha cho mụ một lần, nếu còn có lần sau, còn buông lời mất nhân tính, làm chuyện trái luân thường đạo lý. Ta gặp đâu đánh đó! Không phải chỉ là một cái tát này đâu.”

Ấy thế mà dọa mụ sợ mất mật thật sự!