Tuyển Tập Câu Chuyện Quà Tặng Cuộc Sống

Chương 197: Bản nhạc không bao giờ được nghe



Câu Chuyện Quà tặng cuộc sống: Bản nhạc không bao giờ được nghe

Bản nhạc không bao giờ được nghe

Mùa xuân lặng lẽ trườn đến vùng lân cận, phủ lên dãy núi một lớp hoa dại cùng hơi đất mới, nhắc nhở tôi về những ngày hôm qua vui sướng. Tôi đang kỷ niệm Ngày Của Mẹ cùng với ba đứa con và gia đình chúng. Chúng tôi giỡn đùa vui vẻ, cắm trại và chơi bóng chuyền ở sân sau. Ấy vậy mà lòng tôi đau nhói bởi đứa con không về.
Thằng út Brian của tôi đi rồi. Nó đổi tâm tính từ một đứa gắn bó với gia đình, dịu dàng, giàu lòng nhân ái trở thành một kẻ xa lạ bẳn tính trước khi bỏ học và đội tuyển tennis trường rồi mất hút vào đường phố cách đây sáu tháng.
Tôi ao ước được sống lại những ngày mà nó ào vào nhà, hét om sòm: “Mẹ! Mẹ tới trường coi con tập giao bóng không?” Những chiều chủ nnhật, nó thường mở “đấu trường Olympic” cho đám cháu, cùng reo hò mừng chiến thắng với chúng. Thỉnh thoảng vào mùa hè, nó còn trải nệm mang gối ra sân cho tất cả chúng tôi cùng ngồi ngắm sao và lăn ra đánh giấc ngon lành.
Chúng tôi nhớ nó quá!
Dẫu sự nhạy cảm và lòng nhân ái của Brian khiến nó được người lớn và trẻ nhỏ yêu mến, nhưng nó lại khó kết bạn với bọn trẻ cùng trang lứa và luôn bị dằn vặt suốt thời gian ở trường.
Ở tuổi 17, nó phải chống chọi với chứng trầm uất. Bất thành, nó bèn chạy trốn, bỏ ra sống ngoài đường – cho rằng đó là nơi nó được chấp nhận. Nhưng chẳng bao lâu sau, nó thất thểu trở về nhà, hứa sẽ chung sống hoà đồng với gia đình. Một chiều đông nọ, trong tiếng thổn thức não nề, nó gọi “Mẹ ơi lại đây. Con sợ quá! Thế giới này thật xấu xa”.
Tôi lao bổ đến thằng con cao gần 2 mét của mình và ôm chầm lấy nó. Mồ hôi pha nước mắt nhoè nhoẹt trên má nó. Tôi định vuốt tóc con, nhưng vì không với tới nên chỉ lau trán nó mà thôi. “Brian”, tôi dỗ dành. “Rồi con sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thế giới cần những cậu bé như con. Để mẹ đưa con tới gặp chuyên gia tư vấn, và chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết”. qua tang trai tim
Nhưng vài ngày sau, nó lại biến mất.
Ngay từ lúc sinh Brian ra, tôi đã biết một ngày nào đó mình sẽ mất nó – nhưng không phải như kiểu này. Hồi 3 tuổi, nó dầm mưa, bêu nắng, cười đùa với mây trời, xây đường phố và đường hầm cho đoàn xe tải của nó. Một buổi sáng nó nín thở chạy ào tới tôi. “Mẹ”, nó giơ tay lên hét, rồi thì thào tiết lộ bí mật của mình, “Mẹ, trái tim con hạnh phúc đến nỗi nó khiến con sung sướng”.
Trong suốt những năm đầu trung học, nó kết bạn với những người già mà nó tới giao báo. Nó tha về nhà đủ loại hoa lá và gầy một khu vườn. Một bà goá tặng nó nguyên cuốn sưu tầm tem. Với một khách hàng đang tranh cử vào chính phủ, nó gởi kèm một mẩu giấy vào tờ báo giao cho bà ta. “Thưa bà North, tối qua cháu đã xem cuộc bầu cử trên tivi. Cháu rất vui vì bà thắng cử”. Sau đó, bà khách này tiến cử nó vào làm bồi trong toà nhà quốc hội bang.
Nó giúp bà Hall, một giáo viên về hưu, chăm sóc con chó ốm. Nhiều tối nó kiên nhẫn ngồi lắng nghe bà kể chuyện Chiquita – chú chó bé tẹo, có thể nhét vừa túi áo bà. Ngày Chiquita chết, nó mang cả cây tử đinh hương đến cho người phụ nữ đau khổ và cũng bỏ bữa tối như bà.
Tôi đã từng kéo nó ra khỏi những cơn ác mộng và cơn sốt, “đãi vàng” với nó bên bờ sông, dẫn nó leo núi, và cùng chạy với nó trên xa lộ. Giờ lẽ nào tôi lại bỏ mặc nó!?
Tôi mở cửa phòng Brian, giật thót mình trước bộ đồ cạo râu quen thuộc còn để đó, chợt cảm nhận sự im lặng hãi hùng bao trùm lấy mình. Vuốt tấm mền trên giường, khuỵ xuống, vùi đầu vào gối, cố hình dung sự hiện diện của nó, tôi cầu nguyện như bao bà mẹ khác cầu nguyện khi một đứa con đang cần.
Tôi khóc than cho bản nhạc lòng không bao giờ được nghe thấy của con. Nhớ lại những mẩu giấy thời thơ ấu nó cắt ra từ báo rồi đút xuống cửa phòng tắm cho tôi. Nhớ tiếng đập tường ầm ĩ của tuổi vị thành niên lúc nó chúc tôi ngủ ngon sau khi tắt đèn.
Tất cả những ký ức ấy giúp tôi trải qua những đêm không ngủ và những ngày âu sầu. Mấy tuần sau, Brian lại gọi. “Mẹ ơi, con trở về nhà được không? Ở đây thật khủng khiếp. Chắc con khùng mất thôi. Mẹ đến gặp con nói chuyện được không?”
Tôi phóng như bay đi kiếm chìa khoá và lao ra xe hơi, thầm khấn suốt dọc đường. Ở đó, trong nhà hàng nhờ nhờ tối, đứa con trai tôi, mắt sâu thò lõ trên gương mặt mệt mỏi đang ngồi. Trông nó vừa giống như một ông già đồng thời như một đứa trẻ lạc đường. Khi tôi tới gần, mặt nó sáng bừng lên. “Chào mẹ, cám ơn mẹ đã đến”.
Tôi ngồi xuống đối diện con. Nó nói liền. “Con bối rối quá. Đầu con muốn nổ tung”.
Tôi đặt tay lên tay con. “Nếu con sống dựa vào những nguyên tắc thì con hãy về nhà. Rồi con sẽ bước đi đúng hướng”.
Brian chống tay lên cằm, nhìn mông lung ra cửa số. “Tuần trước con đi ngang công viên nơi con từng chơi đấu tennis. Nếu không bị xáo trộn thì hẳn bây giờ con đã đoạt được học bổng tennis để vào đại học rồi. Con đi lên đồi nơi mẹ hay ngồi cổ vũ cho con. Quang cảnh thật cô quạnh và yên ắng. Con ngồi đó trong mưa cho đến khi trời tối mới trở lại ngủ đỡ trong xe hơi của ai đó”.
Nỗi đau trong mắt con trai khiến trái tim tôi quặn lại.
Nó trở về nhà chỉ để lại biến mất vài ngày sau đó. Một lần nữa, nó né tránh chúng tôi. Tệ hơn, chúng tôi phải sống mòn mỏi tháng này qua tháng nọ trong nỗi sợ hãi không tên.
Thời gian trôi qua, Ngày Của Mẹ lại đến – ngày đầu tiên không có Brian. Ban ngày tôi can đảm vui đùa, cắm trại. Nhưng tối đến, nỗi trống vắng tràn về. Tôi đã hả hể chiều chuộng các cháu, cám ơn gia đình đã dành cho tôi ngày này, nhưng giờ đây, căn nhà im lìm trong ánh hoàng hôn. Thình lình, một tiếng gõ nhẹ lay tôi bừng tỉnh. Tôi hân hoan chào đón “sự phá bĩnh” này.
Kìa, Brian đứng đó! Gương mặt gầy gò, quần áo nhàu nát và hôi hám, nhưng mắt nó ráng kìm giấu nỗi đau sau tia nhìn thất thần. “Con cần phải đến đây”, nó nói. “Con không thể để Ngày Của Mẹ trôi qua mà không nói cho mẹ biết rằng con luôn nghĩ về mẹ”. Nó đứng thẳng vai, mỉm cười và chìa ra hai cành hoa cẩm chướng. Tôi đọc tấm thiệp: Mẹ, con yêu mẹ, và con luôn nhớ về mẹ nhiều hơn mẹ nghĩ.
Hai cánh tay nó ôm chặt lấy tôi tựa tia nắng xuyên thủng màn bão tố, giọng nó thì thào, “Mẹ, con muốn lo liệu cuộc đời mình, đối mặt với nỗi đau, nhưng con sẽ không bao giờ làm mẹ khổ”. Tôi tựa vào vai con, vùi mặt vào cái mùi mồ hôi quen thuộc trên áo nó.
Lần này, Brian ở lại luôn. Mới đầu rất khó khăn, nhưng rồi mười năm sau nó sống rất tốt. Mỗi năm, cứ tới Ngày Của Mẹ là tôi lại ăn mừng ngày con trở về nhà. Sâu thẳm trong lòng, tôi tôn sùng vẻ kỳ diệu của kỷ niệm bí mật này.