Xưa kia, tỉnh An Huy có một thôn ở cạnh một hòn núi nhỏ, dân cư ở đây chừng trăm nóc nhà, nhà nhà sống về nghề nông, đốn củi; họ ăn no mặc ấm, cuộc sống kể ra cũng thảnh thơi. Chẳng dè năm nọ có một con hổ dữ xuật hiện, cứ năm ba ngày bao nhiêu người và vật phải chết dưới móng vuốt của nó. Từ đó, người đốn củi sợ lên núi, người làm ruộng sợ ra cửa, nhà nhà hoảng loạn đóng cửa ở bên trong. Nhưng ngày rộng tháng dài, cứ ở mãi trong nhà cũng không thể được. Và nếu muốn có cuộc sống thảnh thơi như cũ thì chỉ còn cách phải giết con hổ dữ này. Nghe đồn có nhà họ Đường nổi tiếng giết hổ, thôn làng bèn đề cử mấy người đại diện đi mời thỉnh. Người đánh hổ quả thực đã đến, ấy là hai cha con một già một trẻ. Cụ già thì đầu bạc phơ, lưng đã còng không có vẻ chi mạnh khỏe, còn người trẻ thì ý chừng chưa đầy mười tuổi, dáng vẻ nhút nhát thẹn thò. Bấy giờ, mọi người đều chẳng tin: Người thế này sao có thể đánh hổ, hay là họ tình nguyện đến đây để cho hổ nuốt? Song cũng không có cách chi, trước hết chỉ còn biết mời họ ở lại vậy thôi. Sáng sớm hôm sau, cụ già cần có hai người khỏe mạnh gan dạ, một là dẫn đường, hai là dụ hổ. Mọi người tiễn họ đến ven thôn, mắt nhìn theo bốn người đi về phía trước mà trong lòng ai nấy đều lo cho ông cụ và đứa trẻ. Bốn người đi được một đỗi, đường núi bắt đầu quanh co rậm rạp. Hai người đứng lại nói với ông cụ: – Không dối chi lão anh hùng, con hổ ấy thường hay xuất hiện ở đây, chúng tôi… Cụ già thấy họ sợ sêt bèn mỉm cười, ông chỉ một hòn đá to, nói: – Hai anh nấp phía dưới hòn đá ấy mà đợi, chúng tôi giết hổ xong sẽ gọi các anh. Nói đoạn cụ dẫn đứa trẻ tiến vô phía núi sâu rừng thẩm. Cụ già rẽ qua vòng lại quan sát trên mặt đất, rồi đi tiếp . Ông ngước đầu nhìn bốn bề, nói: – Này con, con súc sanh ấy còn đang ngủ! Con gọi nó dậy đi. Đứa bé chạy ra mấy bước, khom người, hay tay bưng miệng nhắm về phía rừng, cất tiếng gầm như hổ kêu “ú ùm ú ùm”. Cụ già chậm rãi xăn tay áo, từ trong chiếc túi đeo lưng, ông lấy ra một chiếc búa, xem xét lại lưỡi búa, đoạn thủng thỉnh bước đi. Chính lúc ấy, một luồng gió nổi lên, lá cây sao động, từ trong rừng phóng vút ra một con mãnh hổ. Cụ già liền đứng lại, tay mặt ông giơ chiếc búa, hai mắt đâm đâm nhìn con hổ ấy. Đứa trẻ thì sớm đã lách tới sau lưng ông. Mãnh hổ thấy có người, hai chân trước nó chồm lên, gầm một tiếng lớn và liền nhắm cụ già vồ tới. Cụ già cầm lưỡi búa, hơi rạp người, cánh tay mặt khẽ đưa ra và lách nghiêng, chỉ nghe “xoẹt” một tiếng, da bụng con mãnh hổ đã rách một đường, lại “bốp” một tiếng tiếp theo, con mãnh hổ đã nằm ngay đơ phía sau lưng ông cách năm sáu bước, máu đỏ phun đầy trên mặt đất. Cụ già chậm rãi lau sạch máu lưỡi búa, nhìn lại, đoạn giắt lưỡi búa vào túi đeo sau lưng. Ông bước tới dòm con hổ và bảo đứa con: – Này, con hãy đi kêu họ tới khiêng đem về. Đứa trẻ chạy đến chỗ hòn đá lớn, dáo dác tìm kiếm, nhưng chẳng thấy một ai. Chính trong lúc lạ lùng ấy, chợt nghe trong lùm cỏ có tiếng xào xạc, một chiếc đầu đầy bùn sình ló ra hỏi: – Người bạn nhỏ, sao rồi ? Đứa bé thấy mà không nhịn cười được, nói: – Chú, chú ra khiêng hổ về đi ! Theo đó, một chiếc đầu khác cũng ló ra, rước lời hỏi: -Thiệt sao ? Đứa bé kể chuyện lại, hai người bạnh miệng cười toe toét và theo cậu tới chổ đả hổ. Thoạt thấy con hổ chết nằm sóng soài to gần bằng con trâu nhỏ, hai người bất giác lè lưỡi, rúm người không dám bước tới. Lại nhìn kỹ con hổ ấy, thì ra bụng nó đã bị xẻ một đường dài, bây giờ vẫn còn ra máu. Tin đả hổ chấn động cả thôn, già trẻ đều tới xem hổ và anh hùng đả hổ. Mọi người hết nhìn con hổ lại nhìn cụ già và đứa trẻ đả hổ, vừa cảm kích vừa ngạc nhiên lại vừa mừng, ngạc nhiên là tại sao cụ già và đứa trẻ thế này mà có thể giết chết con hổ, mừng là đã trừ được hổ dữ, từ đây có thể sống cuộc đời yên vui. Mọi người đều cảm kích cụ già và đứa trẻ vô cùng. Trở về thôn, họ đem tặng lễ vật rất nhiều, một mặt hỏi cách giết hổ. Cụ già nhắp một hớp trà, cười mà nói rằng: – Nhà họ Đường đả hổ đã ba đời. Ban đầu, ông nội tôi lấy vợ không lâu, một hôm ông lên núi đốn củi, rồi bị hổ tha mất, bà nội tôi khóc đến chết đi sống lại, may là lúc đó bà đang mang thai, và không lâu bà sinh ra cha tôi. Khi cha tôi vừa biết nói, bà tôi sa lệ thuật lại tai họa về hổ cho cha tôi nghe, và khuyên cha tôi nên hạ quyết tâm vì mọi người trừ hại. Cha tôi lớn lên, người khổ công nghiên cứu cách giết hổ. Người đi thăm hỏi khắp nơi, ngày đêm dụng tâm nghiên cứu, cuối cùng đã nghĩ ra pháp môn chính mà tôi hiện đang dùng. Nói đến đây ông cụ lấy từ trong túi ra cây búa. Búa này cán dài một thước rưỡi, lưỡi hình bầu dục, sắc bén vô cùng. Cụ già giơ cánh tay phải lên, nói tiếp: – Cha tôi trước hết luyện cánh tay, sau đó luyện mắt, luyện như vậy ròng rã trên mười năm, Không môt ngày biếng trể. Thế rồi mới bắt đầu ra tay giết hổ. Liên tiếp người giết chết ba con hổ lớn ở vùng phụ cận. Sau đó người lại đến khắp vùng núi sâu, khiến cho hổ trong vùng trăm dặm không còn dám héo lánh. Từ đó tiếng tăm cha tôi nổi như cồn, và rồi nhiều địa phương phái người tới mời, nhưng cha tôi chưa hề từ chối. Lúc cha tôi sấp mất, người căn dặn chúng tôi: – Phải truyền bản lĩnh này lại cho đời sau. Ai không biết đả hổ, không phải là con cháu họ Đường! Câu nói này mãi mãi được truyền, cho nên nhà họ Đường chúng tôi không ai là không biết đả hổ. Nhà họ Đường nổi danh chính là như thế. Ông cụ kể xong, đứng lên nói: – Các người tự do chọn mười người lực lưỡng, dùng dây kéo cánh tay tôi thử xem! Quả thực có những thanh niên hiếu kỳ chạy đi tìm một sợi dây thừng to quấn lấy cánh tay ông cụ, và nhất tề dùng sức kéo nhưng cánh tay của ông cụ chẳng hề nhúc nhích. Cụ già lại cười: – Các người hãy dùng một bó chà quét qua lại trước mắt tôi xem, tôi chẳng hề nháy mắt. Những thanh niên hiếu kỳ lại cầm bó chà tre quơ trước mắt ông cụ, có điều không đụng vào da mắt, chỉ thấy ánh mắt cụ loe lóe, tròng mắt theo bó chà quét qua quét lại mà chuyển động, không hề nháy. Lại ở nán thêm một ngày, một già một trẻ từ biệt mọi người, họ không nhận lễ vật mà trở về nhà. (Cổ tích Trung Quốc) Tagged Truyện cổ tíchtruyện cổ tích chọn lọctruyện cổ tích haytruyện cổ tích thế giới