Các già làng thường chỉ tay ra con suối trước nhà chảy từ rừng sâu đổ về thung lũng uốn lượn quanh bản trông giống như một con rắn lớn, để bắt đầu câu chuyện về con nước hiền, con nước dữ. Chỉ nghe một lần là người ta nhớ mãi không quên… Ở một nơi kia, mãi chỗ tận cùng của con suối có một cái hố thông xuống ruột đất to lắm, sâu lắm. To và sâu đến nỗi nước khắp trời hàng năm rơi xuống, đổ về, không bao giờ đầy. Bên cạnh miệng hố mỗi năm mọc thêm một cây bầu thần kỳ. Hàng năm nõ chỉ đậu một quả. Quả to rất nhanh. Người ta bảo cây bầu ấy do Be Dòng trồng, quả nó che lấp mất lỗ thông xuống ruột đất, nước sẽ ứ ngập khắp trần gian, giết hại loài người và muôn thú. Thường thì năm nào cũng vậy, khi quả bầu lớn lên chắn ngang miệng hố, nước trên trời rơi xuống không chỗ thoát, tràn khắp đồi thấp, đồi cao. Muôn loài rơi vào thảm họa của nạn hồng thủy. Nhưng rồi quả bầu ấy không hiểu vì sao lại tự vỡ ra. Nước lại chui hết xuống ruột đất. Vào một năm, quả bầu nằm im ở miệng hố trong nhiều lần trăng mọc, nhiều lần trăng chết. Thế là muôn loài chim đắm trong biển nước mênh mông. Người và muông loài muôn thú chết gần hết. Chỉ có chim gò sóng nhờ có đôi cánh khỏe, bay được cao, nên mới qua khỏi cơn biến nạn. Bụng Gò Sóng căm Be Dòng nhiều. Gò Sóng ngày ngày bay tới cái hố thông với ruột đất đó, dùng những chiếc lông cánh vừa cứng vừa nhọn hơn mũi tên của mình, đâm xiên cho vỡ quả bầu. Quả bầu chỉ vỡ từng mảnh nhỏ. Gò Sóng vẫn không nản lòng, hết ngày này đến ngày khác. Đến khi quả bầu vỡ vụn hết mới thôi. Nước miệng hố lại chảy thông với ruột đất. Sau lần ngập nước kéo dài năm đó, loài người chỉ còn sống sót lại hai anh em Mó Hù và Mó Po. Mó Hù là con trai, Mó Po là con gái. Thấy núi rừng xác xơ trơ trọi. Bụng Mó Hù và Mó Po không vơi nỗi lo âu buồn bã. Ông trời động lòng, sai người xuống trần gian bảo hai anh em: – Hai người này khóc nhiều, nước mắt khô rồi. Cạn dòng nước mắt cũng đến thế thôi. Bây giờ chúng mày phải thành vợ thành chồng để gây lại nòi giống thôi! Trời bảo thế. Nghe nói, đầu Mó Hù lắc lắc, mắt Mó Hù nghoảnh đi chớp chớp không dám nhìn Mó Po. Mãi sau Mó Hù mới thở dài nơi với người trời: – Không được đâu người trời à! Mó Po là em gái tôi, ngủ chung làm vợ làm chồng sao được! Bụng mình không ưng đâu! Biết rằng lời nói suông khó có thể thay đổi được ý nghĩ của loài người, người trời lựa lời nói: – Ta sẽ cho chúng mày hai hạt giống. Mỗi người trồng một hạt xa nhau mười lần cánh tay. Nếu hai cây mọc lên mà tự tìm về gốc quấn lấy nhau thì chúng mày phải nên vợ nên chồng thôi! Ý trời bảo thế đấy! Mó Hù và Mó Po nhận hai hạt giống đem trồng như lời người trời nói. Sáng hôm sau cả hai hạt giống đã nảy mần. Hạt Mó Hù trông mọc thành dây leo, hạt Mó Po trồng đâm lên cây thẳng. Rất lạn, cả hai cây lớn rất nhanh. Sang ngày hôm sau rồi hôm sau nữa, dây của cây Mó Hù đã bò tới quấn lên thân cây. Rồi chúng bắt đầu đâm hoa kết trái. Thấy vật Mó Hù và Mó Po cùng nghĩ: Trời đã định thế ta phải làm theo thôi! Trái ý trời sao được. Thế là Mó Hù và Mó Po nên vợ nên chồng. Rồi họ sinh con, nhiều trai nhiều gái. Con họ lại sinh thêm nhiều cháu. Loài người từ đó ngày một thêm đông đúc. Từng bản, từng bản lại được dựng lên. Hai vợ chồng Mó Hù chờ cho cây đó ra quả, lại lấy hạt gieo khắp núi cao, đồi thấp, thung xa. Rồi cây cối lại sinh sôi mọc ngút ngàn. Kết thành từng rừng lớn. rừng nhỏ. Còn loài chim Gò Sóng vẫn sinh sôi này nở. Các loài chim thú khác cũng ngày một sinh sôi. Từ đó, để cho cuộc sống loài người cũng nhe muôn loài được yên ổn, Gò Sóng vẫn ngày ngày bay đến chỗ có lỗ nước thông với ruột đất đẻ xem nếu có nguy cơ của nạn hông thủy như năm nọ thì chim lại dùng những chiếc lông cánh của mình bắn vỡ quả bầu thần. Năm nào Gò Sóng mải kiếm ăn, quên đi bắn thì quả bầu lớn nhanh chắn ngang miệng hố và nạn lụt lan lan tràn…Khi ấy người dân ở đây thường bảo nhau cầu khấn chim Gò Sóng mau trở lại để phá quả bầu thần, cứu cho muôn loài khỏi gập lụt. Chuyện về con nước hiền, con nước dữ ngừng ở đây, thường thì như vậy. Nhưng nếu câu chuyện được kể vào tháng sáu, tháng bảy khi những cơn giông gầm thét ầm ào ngoài rừng, từng đợt mưa trút xuống thì các già làng lại kể đoạn tiếp đoạn sau này nữa: …Thấy chưa! Gò Sóng và Be Dòng đang đánh nhau đấy! Gò sóng dùng cánh bắn Be Dòng tạo nên gió lớn. Còn Be Dòng dâng nước lên cao để định cuốn gò sóng xuống làm cho mưa to. Sau những trận giao tranh quyết liệt, Gò Sóng thường bắn hết lông cánh. Nó phải mượn đũa của con người để bắn tiếp. Vì vậy vào tháng sáu, tháng bảy con người bị mất đũa thường ít kêu ca, tìm kiếm. Còn khi vào rừng thấy Gò Sóng gãy cánh hay rụng hết lông rớt xuống, người ta mang về nuôi chu đáo. Đến khi Gò Sóng đủ lông liền cánh lại thả nó về rừng. Con người không nỡ giết thịt loài chim đã giúp mình thoát khỏi những nạn lụt khủng khiếp, chính là từ câu chuyện này. Nguồn: Sưu tầm Tagged Truyện cổ tíchTruyện cổ tích Việt Nam