Ngày xưa ở làng chợ Cả Sê bây giờ thuộc tỉnh Mỹ Tho có hai anh em ruột: một người tên là Bảy Giao, một người tên là Chín Quỳ. Cha mẹ họ mất sớm chỉ để lại cho vài mẫu ruộng xấu. Vốn người lực lưỡng, hai anh em có chí muốn đưa sức ra thi thố với đời. Nghe nói ở Bình định có nhiều tay giỏi võ, họ mới bán hết số ruộng của mình rồi đeo khăn gói ra ngoài đó học. Họ đã học với rất nhiều thầy, chẳng bao lâu thông thuộc đủ mười tám ban võ nghệ. Hai chàng nức chí muốn lập công danh. Nhưng gặp lúc triều đình mở rộng cửa văn khép chặt cửa võ, nên cuối cùng họ không biết làm gì kiếm ăn, đành phải trở về quê cũ. Về đến làng, hai chàng dạy võ cho người ta để kiếm ăn nhưng tiếc thay tài nghệ không đủ nuôi miệng. Túng thế, họ rủ nhau đi làm cái nghề khoét vách trèo tường. Dần dần bạo dạn, họ trở thành nhũng tay đón đường cướp của rất thạo. Nhưng họ chỉ lấy tiền bạc của bọn nhà giàu rồi đem của đã chia cho những người nghèo khó mà họ gặp. Sau mười năm làm nghề lục lâm, áo rách vẫn hoàn áo rách. Bảy Giao bảo Chín Quỳ rằng: – Chúng mình toàn đem tài sức giúp thiên hạ nhưng không gặp thời. Sống trốn tránh lẩn lút thế này không thích. Thôi chúng mình hãy bỏ cái nghề này, đi chỗ khác làm ăn! Hồi ấy ở Cồn-tàu chưa được khai phá, nửa cồn trên toàn là cây “gừa”, nửa cồn dưới thì là dừa nước, cây mọc chi chít rậm như rừng. Ở đó có một vị thần rất thiêng, có hai bộ hạ là hổ và lợn rất dữ tợn, hoành hành trong một vùng. Từ lâu, thần ta đã báo cho biết: hễ ai đến chặt phá khoảng rừng đó thì phải nộp một mạng người. Có nhiều người vô ý chỉ đến chặt mặt gánh củi nhưng chưa ra khỏi cồn đã bị thần sai bộ hạ quật chết. Vì thế đã lâu rồi không ai dám lai vãng. Một nhánh củi khô của thần cũng còn nguyên vẹn. Hai anh em nghe được tin ấy liền đến Cồn Tàu khấn với thần rằng: – “Chúng tôi nghe tin ngài linh thiêng, hễ ai phá rừng phải dâng một mạng. Nay chúng tôi cũng xin cúng một mạng, nhưng chỉ xin ngài rộng cho trong ba năm đừng phá quấy gì hết. Đủ ba năm rồi, ngài muốn lựa bắt đứa nào cũng được, hãy bắt cả hai chúng tôi cũng xin vui lòng”. Thấy họ cam đoan như thế, thần ta bằng lòng cho họ đến. Rồi đó, họ sắm một chiếc ghe chèo đến đây chặt cây, chặt lá chở ra chợ bán. Hết chuyến này họ làm chuyến khác. Chẳng bao lâu chặt trọc một khu rừng hoang. Thần lỡ lời hứa: phải để cho họ làm nhưng trong lòng rất căm tức. Sắp sửa đúng ba năm, hai anh em nhớ tới lời hẹn, bèn nhờ thợ rèn, rèn cho hai cái côn sắt nặng hàng trăm cân. Đoạn, họ đến Cồn Tàu khấn với thần rằng: – “Chúng tôi y ước tới nộp mạng. Mời thần cho người đến lấy!”. Nói rồi cởi áo, mỗi người một côn sắt đứng đấu lưng lại với nhau thủ thế. Thần sai bộ hạ thứ nhất là hổ đen ra lấy mạng, hổ đen từ trong hang tiến đến nhảy ngay vào mình Chín Quỳ. Chín Quỳ nhanh tay choảng cho một côn, hổ đen ngã lăn ra chết giấc. Thấy thế, thần nổi giận xung thiên, sai ngay bộ hạ thứ hai là lợn lòi ra hạ thủ. Lợn to bằng con nghé, răng nanh dài hơn gang tay, miệng đầy bọt, chạy xộc xộc xông vào người Bảy Giao. Chàng vụt luôn một côn trúng vào đùi. Lợn tuy què một cẳng nhưng được thần tiếp sức cho nên vẫn rất dũng mãnh, nhảy xô vào Bảy Gian toan cắn. Chín Quỳ quay người lại cứu anh, và cả hai người chật vật lắm mới hạ được con lợn dữ. Thần ta thấy một lúc mất luôn hai bộ bạ đắc lực của mình thì sợ quá không dám làm gì nữa. Hai anh em đợi mãi đến chiều mới trói lợn và hổ lại đưa xuống ghe và khấn rằng: -“Nay ngài thương chúng tôi, đã không giết lại thưởng cho thịt, chúng tôi rất cám ơn. Vậy từ nay hủy bỏ hết những lời hứa trước”. Khấn đoạn, đem về nhà xẻ thịt cho làng xóm ăn. Người ta nói từ đó thần hết thiêng. Mọi người đổ xô đến Cồn Tàu khai phá, cấy lúa làm ăn và bây giờ trở nên một vùng ruộng đất phì nhiêu. Tagged kho tàng truyện cổ tíchTruyện cổ tíchtruyện cổ tích hay cho bétruyện cổ tích thế giớiTruyện cổ tích Việt Namtruyện cổ tích ý nghĩaTruyện cườiTruyện dân giantruyện kể cho béTruyện ngụ ngôn