Ước Hẹn Thanh Sơn

Chương 43



Khởi hành về hướng nam, xe ra khỏi Lăng Thành.

Trần Kiêu cảm thấy hơi lạnh, xoa xoa mũi. Trịnh Thanh Sơn âm thầm tăng nhiệt độ điều hòa, đưa cho cô chiếc áo vest màu xám để sẵn trong xe.

“Cám ơn.” Trần Kiêu nhận lấy, phủ lên chân.

Ánh đèn thành phố chập chờn trên kính xe, Trần Kiêu còn chưa kịp nhìn rõ cảnh vật dọc đường thì thành phố đã lùi lại phía sau.

Mất nửa giờ lái xe.

Diện mạo thành phố bắt đầu thay đổi, dọc đường là những tòa nhà cũ kỹ thấp dần, Trần Kiêu tựa hồ biết mình đang ở đâu, "Đây là phía nam thành phố sao?"

“Ừ.” Trịnh Thanh Sơn nhìn con đường phía trước, “Mười phút nữa chúng ta tới nơi.”

Trần Kiêu gật đầu.

Phía Bắc và Nam thành phố là hai thái cực trái chiều.

Phố Văn Nghệ nằm ở phía nam, kiến trúc mang phong vị cổ xưa. Ngay từ khi mới đến đây học, Trần Kiêu đã được nghe nói thành phố có kế hoạch cải tạo nơi này, nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa thấy tiến hành.

Hai năm trước, có tin nhà nước muốn biến phía nam Lăng Thành trở thành một đặc khu kinh tế mới.

Trần Kiêu đoán có thể Trịnh Thanh Sơn hợp tác xây dựng dự án ở phía nam, nhưng chưa bao giờ cô nghe anh đề cập chuyện này.

Chẳng mấy chốc, xe của Trịnh Thanh Sơn đã vào ngoại ô.

Đường hẹp hơn nên anh lái xe chậm lại, Trần Kiêu tò mò, mở cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Hơi nóng ập vào, nhưng nhanh chóng bị gió thổi tản đi.

Bên đường có nhiều người đàn ông trung niên đang điều khiển xe ba bánh, mồ hôi đẫm lưng áo.

Hai bên đường cắm đầy biển báo “đang xây dựng," đoán chừng vài năm nữa những tòa nhà ở đây cũng sẽ cao ngất ngưởng.

Trịnh Thanh Sơn dường như rất quen thuộc với nơi này. Anh không cần mở định vị mà vẫn thành thục quẹo qua những cung đường chằng chịt.

Trần Kiêu nghi ngờ nhìn anh, đoán chừng có lẽ anh đến đây không phải vì công việc.

Trịnh Thanh Sơn chú ý tới ánh mắt của cô, cười nói: "Gần tới rồi, ngay phía trước thôi."

Trần Kiêu không khỏi nhìn về phía trước. Đập vào mắt là một khu vườn, xung quanh được bao quanh bằng những bức tường gạch cao đến mức không thể nhìn thấy bên trong. Cổng vườn hoen gỉ màu đỏ son, trông hơi cũ kỹ.

Trịnh Thanh Sơn dừng lại ở ngoài khu vườn, Trần Kiêu ngạc nhiên, hỏi: "Ở đây là?"

Anh tháo dây an toàn và trả lời: "Trại trẻ mồ côi."

Trần Kiêu khựng lại khi đang tháo dây an toàn, không ngờ nơi Trịnh Thanh Sơn đưa cô đến lại là cô nhi viện.

Trịnh Thanh Sơn thấy cô sửng sốt thì cúi người giúp cô tháo dây an toàn, anh không vội mở cửa, ngẩng đầu nhìn cô, nghiêm túc nói: "Một vài đứa trẻ có lẽ sẽ doạ em sợ, vì vậy cứ đi theo sau anh."

Trần Kiêu lẩm bẩm: "Em không sợ."

Trịnh Thanh Sơn bất đắc dĩ cười, sau đó mở cửa xuống xe.

Trong cốp xe của anh chứa rất nhiều đồ, hầu hết là vật dụng hàng ngày hoặc sách vở cho thiếu nhi. Anh chuyển đồ đạc ra, Trần Kiêu cũng xuống xe, giúp anh xách ít đồ nhẹ. Trịnh Thanh Sơn liếc nhìn cô một cái, nhưng không ngăn cản hành động của cô.

Chẳng mấy chốc, cánh cửa của trại trẻ mồ côi được mở ra. Bước ra từ đó là một dì trạc sáu mươi và một cô gái trẻ tầm tuổi đôi mươi. Mái tóc của dì tuy đã hoa râm nhưng rất gọn gàng, dùng một dải ruy băng màu xám buộc lại sau đầu, miệng tươi cười, sự nhân hậu dường như xuất phát từ trong xương.

Cô gái trẻ không quá xinh đẹp, tóc cắt gọn gàng xõa ngang vai, tóc mái ngang trán được cắt tỉa cẩn thận, đeo kính gọng đen, do chênh lệch tuổi tác nên phong thái không bằng dì, vừa nhìn thấy Trịnh Thanh Sơn, cô gái đã bước đến gần và reo lên: "Anh Trịnh"

Trịnh Thanh Sơn lịch sự cười với cô gái.

Cô gái kia cũng phát hiện ra sự tồn tại của Trần Kiêu, tùy tiện vén mái tóc ngắn của mình ra sau, nhìn Trần Kiêu: “Không ngờ anh mang bạn đến đây.”

Trần Kiêu lễ phép cười với cô gái, sau đó nhìn gật đầu chào người dì lớn tuổi đang đứng phía sau.

Trịnh Thanh Sơn giới thiệu với Trần Kiêu, người dì kia là giám đốc cô nhi viện, mọi người gọi là dì Khâu. Cô gái này họ Triệu, bọn trẻ thích gọi cô là cô giáo Tiểu Hoa. Trần Kiêu cũng gọi một tiếng "cô Tiểu Hoa."

Tháng trước dì Khâu té ngã, chân bị thương nên không thể phụ mang đồ cùng mọi người.

Cô giáo Tiểu Hoa rất nhanh nhẹn, khỏe khoắn, một lần có thể bê hai hộp đầy, điều này hoàn toàn trái ngược với Trần Kiêu. Dì Khâu bật cười: "Tiểu Hoa từ nhỏ đã khổ cực, quen với việc nặng rồi. Cô Trần có lẽ không quen với việc chân tay, đừng để bị thương"

Trần Kiêu lắc đầu, "Tôi không sao."

Mấy thùng đó hầu như do Trịnh Thanh Sơn và cô giáo Tiểu Hoa bê vào trong.

Khuôn viên cũng không lớn lắm, đi qua cửa chính là sân chơi vô cùng rộng rãi, nhìn thoáng qua có thể thấy năm tòa nhà cao tầng kiên cố, bên trong truyền đến tiếng đọc sách của trẻ em. Bọn trẻ đang đọc bài "Động Đình hồ" của Lưu Vũ Tín.

Trần Kiêu nhìn về phía những phòng học đơn giản ấy, rồi lại nhìn Trịnh Thanh Sơn đang nói chuyện với dì Khâu, anh có chút khác so với lúc ở Lăng Thành, xung quanh anh như toả ra vầng hào quang ấm áp của đêm trăng tròn.

Cảm giác giống như, cô chưa từng quen biết anh trước đây.

Dì Khâu và Trịnh Thanh Sơn đang nói về chuyện quy hoạch, chắc là ý nói cô nhi viện sắp bị phá bỏ, dì Khâu sợ những đứa trẻ không có nơi nào để đi. Trịnh Thanh Sơn bình tĩnh an ủi dì Khâu, cũng nói dì cho anh xem hồ sơ quy hoạch đã ban hành.

Anh chú ý tới ánh mắt của cô, quay đầu lại, "Muốn đi cùng anh đến phòng làm việc không?"

Trần Kiêu mím môi, ngập ngừng nhìn cô giáo Tiểu Hoa.

Cô muốn tham quan vườn hoa một lát

Cô giáo Tiểu Hoa cười với cô, lấy tạp dề lau mồ hôi trên tay, nói: "Chị Trần muốn đi theo em không, em định vào bếp làm bữa tối."

Trần Kiêu gật đầu, "Tôi đi giúp Tiểu Hoa."

Cô giáo Tiểu Hoa cười thành tiếng, trêu Trịnh Thanh Sơn: "Anh Trịnh, hình như chị Trần thích em hơn."

Trịnh Thanh Sơn im lặng.

Dì Khâu nhờ cô giáo Tiểu Hoa nấu thêm phần cho Trịnh Thanh Sơn và Trần Kiêu. Cô giáo Tiểu Hoa kéo Trần Kiêu về phía nhà bếp, vô tư đáp lại dì Khâu: "Biết rồi ạ."

Phòng bếp không lớn nhưng được giữ gìn vô cùng sạch sẽ, cửa sổ hướng về phía bắc, cho dù đóng lại cũng không cản được ánh mặt trời.

Trần Kiêu mở cửa sổ, ánh mặt trời chiếu vào, bụi mịn nhảy múa dưới tia sáng.

Căn bếp trông ấm áp và sáng sủa hơn.

Các món ăn tối do một chú lái xe hàng chở đến, mùa hè không dễ bảo quản thực phẩm nên mỗi ngày phải giao một lần. Khi người giao hàng nhìn thấy Trần Kiêu, ông nghĩ cô là giáo viên mới đến.

Cô giáo Tiểu Hoa dọn ra hai chiếc ghế dài nhỏ, vừa nghĩ về món ăn vừa trò chuyện với Trần Kiêu.

Trần Kiêu nấu ăn không giỏi nhưng lại là người đứng đầu trong việc chọn món. Cô giúp chế biến thực phẩm, cũng nghe được tiểu sử của cô nhi viện từ cô giáo Tiểu Hoa.

Cô nhi viện này được thành lập ba mươi sáu năm trước, bởi những người thiện tâm của các tổ chức tư nhân, trực thuộc một tổ chức phi chính phủ. Nơi này chuyên tiếp nhận những đứa trẻ không nơi nương tựa hoặc bị bỏ rơi, cố gắng cho chúng một nơi để phát triển đến khi trưởng thành.

Hơn mười năm trước, người sáng lập cô nhi viện qua đời, các con ông theo gia đình di cư, cũng không còn hỗ trợ hoạt động của cô nhi viện nữa.

Sau này, dì Khâu đã vất vả duy trì hoạt động của cô nhi viện này, để các em không phải lang thang cơ nhỡ.

Năm, sáu năm trước, cô nhi viện lâm vào cảnh túng quẫn, số tiền mà dì Khâu xin không đủ để lo cho số trẻ ngày càng đông, lúc này Trịnh Thanh Sơn xuất hiện và trở thành người đỡ đầu cho cô nhi viện.

Nói đến đây, cô giáo Tiểu Hoa không khỏi cảm thán: "Anh Trịnh thật sự là người tốt!"

Trần Kiêu cúi đầu, bỏ rau đã chọn vào chậu, gật đầu, "Ừ, anh ấy vẫn luôn rất tử tế với mọi người."

Cô giáo Tiểu Hoa nhất thời không nói gì, Trần Kiêu ngẩng đầu nhìn cô gái, cô gái mờ mịt trợn mắt.

Trần Kiêu hiểu ra mọi chuyện, không nhịn được cười.

Bữa tối trong cô nhi viện tuy đơn giản nhưng vì có Trịnh Thanh Sơn và Trần Kiêu đến nên dì Khâu đặc biệt gọi cô giáo Tiểu Hoa thêm hai món vào thực đơn.

Trần Kiêu không giỏi nấu nướng nên ra ngoài đi dạo một mình.

Các em nhỏ vừa tan học, có em ra khỏi lớp, có em ở lại đọc bài. Lúc đó Trần Kiêu mới biết Trịnh Thanh Sơn nói lúc đầu là có ý gì. Một số đứa bé ở đây bị khuyết tật, nhìn rất đáng sợ, nhưng trong lòng Trần Kiêu lúc này dâng lên cảm giác xót xa.

Mọi người trong cô nhi viện đều bận rộn, Trần Kiêu tạm thời không có việc gì làm, liền phân phát đồ Trịnh Thanh Sơn mang đến.

Lũ trẻ vừa nghe tin Trịnh Thanh Sơn mang đến liền vui vẻ vây lấy Trần Kiêu, trìu mến gọi cô là “cô giáo Tiểu Trần”.

Trần Kiêu cười đắc ý, nhanh tay phân phát quà. Bọn trẻ đồng loạt nói to "Cảm ơn cô giáo Tiểu Trần" rồi tản ra. Cô tươi cười quay người lại, Trịnh Thanh Sơn và dì Khâu đang đứng dưới mái hiên hành lang.

Cô nhìn vào mắt anh, anh mỉm cười với cô.

Trời chưa tối cô giáo Tiểu Hoa đã kêu dọn cơm, các em tự bưng chén chạy qua, ngoan ngoãn xếp hàng.

Sau khi bọn trẻ ăn xong người lớn mới được ăn phần còn lại. Tay nghề của cô giáo Tiểu Hoa không bằng Trịnh Thanh Sơn, nhưng Trần Kiêu vẫn cảm thấy rất ngon miệng.

Khi màn đêm buông xuống, chuyến thăm cô nhi viện cũng kết thúc.

Trần Kiêu nói Trịnh Thanh Sơn không cần lái xe về mà đi bộ một đoạn đến bến xe, bắt xe buýt số 131 quay về phía bắc thành phố.

Một chiếc vé hai nhân dân tệ có thể đi khắp Lăng Thành.

Trịnh Thanh Sơn chưa bao giờ từ chối yêu cầu của cô, tất nhiên là anh đồng. Hai người đợi hơn mười phút, chuyến xe buýt cuối cùng cũng tới.

Trên xe ít người, Trần Kiêu và Trịnh Thanh Sơn ngồi ở phía sau.

Buổi tối trời không nóng, trên xe cũng không bật điều hòa, Trần Kiêu muốn mở cửa sổ bên cạnh ra để hóng gió, nhưng tay cô yếu, mãi vẫn không thể kéo ra.

“Anh làm cho.” Giọng Trịnh Thanh Sơn vang lên, anh vươn tay, trong gang tấc như muốn ôm Trần Kiêu vào lòng.

Trần Kiêu liếc nhìn cánh tay rắn chắc của anh, đương nhiên cô biết trong cơ thể anh ẩn chứa bao nhiêu sức mạnh.

Gió bất ngờ từ bên ngoài thổi vào, thổi tóc cô quét qua mặt Trịnh Thanh Sơn.

Cô lẳng lặng ngồi trên ghế, nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, xe dừng rồi đi, đều là cảnh tượng Trần Kiêu chưa từng thấy qua.

Cô vô cùng hưởng thụ sự yên tĩnh này, nhắm mắt lại, cả người cũng nhẹ nhàng như một cơn gió.

Trịnh Thanh Sơn sợ cô bị lạnh nên lấy chiếc áo vest mang từ trên xe xuống đắp lên chân cô, cẩn thận dặn dò: “Coi chừng cảm lạnh đấy.”

Trần Kiêu mở mắt ra, vô thức chạm vào bộ âu phục trên đùi.

Không ngờ Trịnh Thanh Sơn vẫn đang đắp áo cho cô, tay hai người chạm vào nhau.

Cô sững người một lúc, ngước mắt nhìn anh rồi từ từ rút tay về, nơi cô chạm vào vẫn còn hơi ấm của bàn tay anh. Trần Kiêu mím môi, nhìn bàn tay anh đặt trên đầu gối một cách ngay ngắn.

Trần Kiêu đặt tay mình lên mu bàn tay anh. Tay Trịnh Thanh Sơn cứng đờ.

Trần Kiêu không nhìn anh mà nhìn ra ngoài, nói: "Nếu tay lạnh cũng sẽ bị cảm lạnh."

Trịnh Thanh Sơn tự nhiên nắm lấy tay cô, lòng bàn tay anh nóng, ngón tay cô lạnh, sự đan xen của hai nhiệt độ khiến tim hai người đập thình thịch.

Bằng cách này, bàn tay hai người sẽ không còn bị lạnh.

Trần Kiêu vuốt nhẹ lòng bàn tay, anh nghiêm túc nhìn cô.

Cô hỏi: "Trịnh Thanh Sơn, tại sao anh lại tài trợ cho cô nhi viện?"

Trong đôi mắt sâu thẳm của Trịnh Thanh Sơn có một tia sáng.

Anh khẽ bóp tay cô, Trần Kiêu lập tức quay sang nhìn khuôn mặt rạng rỡ của anh

Trần Kiêu ngẩn người.

Trịnh Thanh Sơn giả vờ như không thấy, không trả lời câu hỏi của cô mà hỏi một câu khác: “Trần Kiêu, em đang muốn tìm hiểu anh sao?"