Uông Xưởng Công

Chương 389: Chương </span></span>389BÍ MẬT



Báo cáo khẩn cấp này được Thẩm Trực gửi từ đạo Lĩnh Nam tới.

Vào mùa thu năm ngoái, Thẩm Trực được thăng làm bách hộ* của Đề Xưởng, thay Uông Ấn đến đạo Lĩnh Nam bí mật làm việc, đến nay vẫn chưa về.

(*) Bách hộ: Một chức vụ trong Đề Xưởng. Một số chức vụ trong Đề Xưởng được sắp xếp từ cao xuống thấp là: Thiên hộ, bách hộ, chưởng ban, lĩnh ban, ti phòng,...

Trước đây Thẩm Trực thường hay xuất hiện ở phủ nhà họ Uông, thế nhưng gần đây lại biến mất tăm.

Diệp Tuy tò mò hỏi thăm về tình hình của y, Uông Ấn chỉ hờ hững đáp: “Bản tọa đã lệnh cho y đến đạo Lĩnh Nam làm việc.”

Về phần làm việc gì thì Uông Ấn không nói cụ thể, cũng không cần thiết phải nói cụ thể.

Hắn là đốc chủ của Đề Xưởng, những việc đến tay đương nhiên đều là chuyện bí mật mà quan trọng, nên rất ít khi nhắc đến trước mặt Diệp Tuy.

Hắn rất coi trọng và tin tưởng nàng, nhưng việc của Đề Xưởng là công vụ bí mật của hắn, không mấy liên quan đến nàng, nếu không có lý do đặc biệt thì hắn sẽ luôn im lặng.

Báo cáo khẩn cấp từ Lĩnh Nam đã phá vỡ sự yên bình của đỉnh Xu Vân, như thể vừa mở ra một cánh cửa được đóng chặt thì gió tuyết liền ào vào.

Khi đề kỵ đến bẩm báo, Diệp Tuy đúng lúc tỉnh dậy, nghe thấy chữ “báo cáo khẩn cấp”, toàn bộ cơn buồn ngủ và sự sợ hãi đều biến mất ngay tức thì.

Báo cáo khẩn cấp, đương ngày Tết lại gửi báo cáo khẩn cấp đến.... Rốt cuộc đạo Lĩnh Nam đã xảy ra chuyện gì?

Thời điểm nàng khoác áo choàng bước ra gian ngoài, Uông Ấn đã gấp gọn bức thư lại và đang chau mày.

Hắn như thế này… có nghĩa là sự tình chắc chắn cực kì nguy cấp!

Tim Diệp Tuy thắt lại, nàng đang định mở miệng thì nghe thấy Uông Ấn lên tiếng: “Cô gái nhỏ, chúng ta phải xuống núi sớm rồi.”

Khó khăn lắm họ mới đến được đỉnh Xu Vân. Uống Ấn vốn định ở đây đến trước rằm tháng Giêng mới hồi kinh, vừa hay có thể tránh được chuyện giao thiệp, qua lại ở Kinh Triệu.

Không ngờ kế hoạch phải thay đổi.

Nghe vậy, Diệp Tuy vội vàng gật đầu, đáp: “Vâng, đại nhân. Thiếp sẽ bảo nhũ mẫu chuẩn bị thu dọn bây giờ.”

Nàng nghĩ một lát rồi nói thêm: “Nếu đại nhân nóng ruột thì có thể về Kinh Triệu trước, thiếp với các đề kỵ thong thả về sau.”

Uông Ấn lắc đầu: “Chúng ta về cùng nhau.”

Chuyện của đạo Lĩnh Nam rất gấp nhưng không vội gì nửa ngày này. Hắn dẫn nàng lên thì đương nhiên phải dẫn nàng về cùng.

Huống hồ, hiện tại vẫn còn trong thời gian Tết nhất, sao hắn có thể để một mình nàng ở lại trong núi cho được?

Diệp Tuy nhanh chóng theo Uông Ấn xuống núi. Tất nhiên là chưa thu dọn đồ đạc mà chỉ cầm theo sách y rồi dẫn theo Triệu Tam Nương và Quý ma ma.

Việc còn lại sẽ có đám người Bội Thanh và Bội Mặc lo, không cần nàng phải ở lại, càng đỡ lãng phí thời gian của Uông Ấn.

Trong gió tuyết, vào ngày đầu tiên của năm Vĩnh Chiêu thứ hai mươi, các đề kỵ tinh nhuệ hộ tống Uông Ấn và Diệp Tuy hồi phủ.

Khác với lúc đi chậm rì rì, lúc về xe ngựa phóng như bay. Mặc dù kỹ thuật đánh xe của đề kỵ rất tốt nhưng Diệp Tuy vẫn cảm thấy hơi xóc nẩy.

Còn chưa đến buổi trưa, họ đã về tới phủ.

Vừa đưa Diệp Tuy vào đến viện Tư Lai, Uông Ấn liền nói: “Cô gái nhỏ, bổn tọa vào cung đây.”

Dứt lời, hắn nhìn lướt qua Khánh bá và Triệu Tam Nương.

Viện Tư Lai là trung tâm của phủ họ Uông, được canh phòng nghiêm ngặt nên Uông Ấn không lo Diệp Tuy sẽ bị thương tổn, nhưng vẫn đặc biệt lệnh cho họ tuyệt đối không thể để xảy ra tình huống như trước kia công chúa Hi Bình dẫn thị vệ xông vào nữa.

Nói rồi, Uông Ấn vội vã dẫn một vài đề kỵ ra khỏi phủ, sau đó ngồi lên chiếc xe ngựa màu đen đặc trưng của phủ nhà họ Uông, đi thẳng về phía hoàng cung.

Khi nhìn thấy Uông Ấn, hộ vệ của Cục Cung Môn đều cung kính khom người hành lễ, nhưng lại thầm suy đoán: Hôm nay mới là ngày đầu tiên của năm mới, sao Đốc chủ đại nhân lại vào cung? Dáng vẻ Đốc chủ đại nhân rất vội vàng, chẳng lẽ đã xảy ra chuyện gì?

Bọn họ sực nhớ tới đầu năm ngoái, hình như… thảm án cả nhà họ Triệu cũng xảy ra vào ngày đầu năm mới.

Tình huống lần này sẽ không nghiêm trọng như vậy chứ? Thật đúng là kỳ lạ!

Khi Vĩnh Chiêu Đế nghe thấy Uông Ấn xin gặp cũng giật cả mình: Không phải hiện giờ Uông Ấn đang ở trên đỉnh Xu Vân sao?

Nhưng ông ta biết Uông Ấn đến vào lúc này chắc chắn là có chuyện khẩn cấp, bèn bỏ ý định đến cung Khôn Ninh dùng bữa với hoàng hậu, rồi bảo Uông Ấn mau đi vào điện.

Uông Ấn chắp tay hành lễ với Vĩnh Chiêu Đế, sau đó liền bẩm báo: “Hoàng thượng, bách bộ* ở đạo Lĩnh Nam xảy ra biến loạn, sợ ảnh hưởng đến Nam khố ở Lĩnh Nam nên thần đặc biệt tới để bẩm báo....”

(*) Bách bộ: tên gọi chung để chỉ các bộ lạc. (Những chương sau sẽ giải thích rõ về tên gọi này)

Dứt lời, Uông Ấn trình báo cáo khẩn cấp lên cho Vĩnh Chiêu Đế, sau đó đợi chỉ thị của ông ta.

Tất nhiên đây không phải bản báo cáo mà Thẩm Trực gửi cho hắn. Nó là một bản báo cáo khác mà Thẩm Trực đã viết riêng để hoàng thượng phê duyệt.

Nội dung tuy không cặn kẽ tường tận như bản y gửi riêng cho hắn nhưng vẫn đủ thông tin và mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Thẩm Trực thay Uông Ấn đến đạo Lĩnh Nam làm công việc đôn đốc và giám sát tình hình bí mật thành lập Nam khố ở đó. Nam khố này không phải là quốc khố do Hộ Bộ quản lý, mà là kho binh khí mà Đại An xây dựng cho lực lượng bí mật.

Sở dĩ kho binh khí này được xây dựng tại Lĩnh Nam là bởi đã phát hiện ra một trữ lượng tài nguyên khoáng sản lớn trong rừng sâu ở nơi đây.

Để tránh tai mắt của mọi người nên kho chuyên cất giấu binh khí trong quân đội ở đạo Lĩnh Nam được gọi tắt là “Nam khố”.

Kho này chế tạo binh khí cho quốc gia, đồng thời được dùng để nghiên cứu và cải tiến binh khí. Rất nhiều máy bắn nỏ và đại đao của Đại An đều được sản xuất ở đây đầu tiên.

Chính bởi tầm quan trọng của nơi này mà chỉ có số ít quan viên là tâm phúc được Vĩnh Chiêu Đế tin tưởng và coi trọng trong triều biết về nó.

Ví như Định Quốc Công - Tề Thiêm Trúc, ví như Quan sát sứ Lĩnh Nam - Trương Hào Đoan và Đại tướng quân của Lĩnh Nam Vệ - Quan Hàn Tùng.

Ngay cả Thượng thư Binh Bộ - Thiệu Thế Thiện cũng không biết đến sự tồn tại của Nam khố, đủ thấy kho vũ khí này bí mật đến thế nào.

Trong báo cáo khẩn cấp, Thẩm Trực nói bách bộ ở Lĩnh Nam nổ ra xung đột, vô tình lan đến cả Nam khố trong rừng sâu.

Trước đó, Thẩm Trực đã bị thương ngoài ý muốn khi đi giám sát nên hiện tại không thể đôn đốc và giám sát tình hình Nam khố. Thứ nhất là y lo lắng loạn bách bộ sẽ làm lộ sự tồn tại của nó. Thứ hai là y cũng lo lắng về tình hình giám sát và đôn đốc xảy ra biến cố nên khẩn cầu Đốc chủ đại nhân mau đến Lĩnh Nam để ổn định cục diện.

Đọc xong bức thư, Vĩnh Chiêu Đế hiện rõ vẻ không vui, trầm giọng nói: “Lúc trước khanh bảo muốn tham gia lễ tế lớn nên thăng Thẩm Trực làm bách hộ, thay khanh đến Lĩnh Nam thì trẫm đã cảm thấy sẽ có chuyện. Quả nhiên là...”

Vĩnh Chiêu Đế dừng lại, đột nhiên nghĩ tới chuyện nếu Uông Ấn đi Lĩnh Nam thì sẽ không thể cứu giá ở Mậu Lĩnh, không chừng ông ta đã bị thương nặng trong vụ ám sát.

Thôi vậy, việc không thể vẹn cả đôi đường.

Mặc dù Vĩnh Chiêu Đế không nói gì nữa nhưng tình hình của Nam khố quả thực không ổn, nét mặt ông ta đầy vẻ tức giận và lo âu.

Bấy giờ, Uông Ấn mới thưa rằng: “Xin hoàng thượng bớt giận, đây là sách lược sai lầm của vi thần! Vi thần định lập tức xuất phát đến đạo Lĩnh Nam, mong hoàng thượng cho phép!”