Uông Xưởng Công

Chương 434: Chương </span></span>434HỒ ĐỒ



Sau khi tra hỏi các thợ thủ công và thẩm vấn các quan viên, thần sắc Uông Ấn vẫn lạnh lùng nghiêm nghị, vẻ mặt khiến người ta nhìn thấy mà khiếp sợ.

Hắn nói với Quan Hàn Tùng - người cũng đang giữ sắc mặt khó coi đứng bên cạnh: “Đại tướng quân, bổn tọa muốn đến phủ Trấn Quốc Công một chuyến.”

Sự việc đã rất rõ ràng, tất phải đòi phủ trấn Quốc Công một câu trả lời.

Quan Hàn Tùng im lặng, khuôn mặt vốn ngăm đen hiện rõ vẻ âm u, có thể thấy được tâm trạng đang rất xấu.

Sự thật là Nam Khố bị tham ô vượt xa dự đoán của Quan Hàn Tùng. Ông ta không tài nào tưởng tượng ra được Ngu Đản Chi đóng vai gì trong chuyện này, càng không tài nào tưởng tượng được Ngu Đản Chi đã suy nghĩ thế nào, lại có thể viết bức thư bảo ông ta đừng dẫn binh tới.

Ngu lão tướng quân thật sự không hề hay biết gì hay sao?

Nếu như biết mà vẫn làm vậy thì…

Quan Hàn Tùng ủ rũ, chắp tay nói: “Đốc chủ, bổn tướng không đi đến phủ Trấn Quốc Công…”

Uông Ấn khẽ gật đầu. Lúc hắn đang định rời bước thì bỗng nghe thấy Quan Hàn Tùng nói: “Đốc chủ, việc Ngu lão tướng quân dẫn binh sĩ tới Nam Khố chỉ là nhất thời hồ đồ, vẫn mong… đốc chủ châm chước cho điều này.”

Quan Hàn Tùng đang rối bời trong lòng, biết rõ phủ Trấn Quốc Công không vô tội trong chuyện này, nhưng ông ta vẫn không kìm nén được mà lên tiếng cầu xin thay. Ông ta không tin, hay nói chính xác hơn là không hi vọng lão tướng quân là người như vậy.

Uông Ấn hờ hững liếc nhìn Quan Hàn Tùng một cái rồi đáp: “Có phải Ngu tổng quản nhất thời hồ đồ hay không, đợi lát nữa khắc biết.”

Hắn không nói gì thêm, bởi lẽ khác với Quan Hàn Tùng không muốn chấp nhận sự thật này, hắn cho rằng Ngu Đản Chi không hề hồ đồ, trái lại ông ta biết rất rõ bản thân đang làm gì. Hắn không tin Ngu Đản Chi tham lam của cải của Nam Khố, nhưng sự thật là ông ta vẫn dẫn binh mã tới đây hòng bưng bít chân tướng sự việc.

Thời điểm hắn đến phủ Trấn Quốc Công đã là hai ngày sau khi Ngu Đản Chi dẫn binh sĩ tới thung lũng mà Nam Khố tọa lạc. Biết Uông Ấn tới, Ngu Đản Chi nhanh chóng ra cửa nghênh đón, không gây bất cứ sự khó dễ hay ngăn cản nào, đích thân dẫn Uông Ấn và đề kỵ vào trong phủ.

Sau khi nghe Uông Ấn nói xong, Ngu Đản Chi lộ vẻ bi ai, đáp: “Lão phu sơ suất trong việc giám sát khiến Nam Khố xảy ra chuyện tày đình như vậy, có thể thấy được tiền bạc khiến con người ta lóa mắt! Uông đốc chủ nhất định phải xử lý thẳng tay những quan viên đó. Phủ Trấn Quốc Công chúng ta sẽ lấy đó làm bài học, về sau chắc chắn sẽ quản lý các quan viên Nam Khố cho tốt!”

Nghe những lời rõ ràng là đặt mình đứng ngoài cuộc này, Uông Ấn chỉ cười: “Ngu tổng quản nói rất đúng. Bổn tọa đến đây chính là để điều tra rõ mọi chuyện. Bổn tọa biết gần đây Nam Khố đều do Ngu Sư Phóng quản lý, mời hắn ra đi!”

Sắc mặt Ngu Đản Chi liền lộ vẻ khó xử, ông ta trả lời: “Uông đốc chủ, thật không dám giấu, việc này là chuyện xấu trong nhà. Lão phu đang định nói rõ với Uông đốc chủ, xin Đốc chủ đại nhân cứ xử lý theo lẽ công bằng.”

Nét mặt ông ta thay đổi mấy lần, hiển nhiên là trong lòng đang đấu tranh, do dự. Cuối cùng, ông ta nói: “Người anh họ, tức con trai của bác ruột của thằng con trai chẳng ra gì nhà lão phu cũng có phần trong chuyện này. Hắn lợi dụng thân phận và địa vị của thằng con trai vô dụng nhà lão phu, thông đồng với đám quan viên Phương Diễn, Đổng Khôn gây ra tai họa. Lão phu… lão phu cảm thấy vô cùng hổ thẹn và đau lòng, quả thật có lỗi với sự giao phó của hoàng thượng!”

Vẻ mặt Uông Ấn vẫn bình thản như thường, có điều sự lạnh lẽo quanh người càng tăng, hắn hỏi lại: “Vậy thì ý của Ngu tổng quản là, Ngu Sư Phóng không biết những việc này?”

Ngu Đản Chi muốn Ngu Sư Phóng thoát khỏi vụ việc chỉ bằng vài câu nói đơn giản lấp liếm như vậy ư, liệu có quá nhẹ nhàng rồi không?

Uông Ấn chẳng mảy may để ý đến vẻ mặt bối rối của Ngu Đản Chi mà nói thẳng: “Ngu tổng quản, bổn tọa tới là muốn dẫn Ngu Sư Phóng về tra hỏi. Ngu tổng quản không cần nhiều lời. Bổn tọa nhất định sẽ tra rõ chân tướng vụ việc của Nam Khố.”

Ai ngờ, Ngu Đản Chi lại đáp: “Uông đốc chủ, không khéo là thằng con trai vô dụng nhà lão phu bị anh họ nó đánh bị thương, hiện giờ không đứng dậy nổi, e rằng không thể để Uông đốc chủ dẫn đi rồi.”

Ông ta lạnh lùng nhìn Uông Ấn, thể hiện thái độ của mình hết sức rõ ràng.

Đó chính là: Tuyệt đối không cho phép Uông Ấn dẫn con trai của ông ta đi!

So với Ngu Đản Chi mang ánh mắt âm u lạnh lẽo, Uông Ấn tỏ ra bình tĩnh hơn hẳn: “Ngu tổng quản hẳn phải biết rõ tình hình bây giờ của Nam Khố là như thế nào chứ? Bất luận Ngu Sư Phóng bị thương nặng hay làm sao thì bổn tọa cũng phải đưa hắn đi. Mong Ngu tổng quản thông cảm.” Uông Ấn đáp lời, mặc kệ vẻ mặt âm u lạnh lẽo của Ngu Đản Chi.

Hắn nên bắt Ngu Sư Phóng đi ngay từ đầu mới phải, có điều hắn không muốn khiến vị lão tướng quân này khó xử. Vì những chiến công trong quá khứ của ông ta, hắn đã cho ông ta một đường đi xuống để giữ thể diện.

Hiển nhiên, Ngu Đản Chi hoàn toàn không nhìn ra được “đường đi” mà Uông đốc chủ đưa ra cho mình, vẫn lạnh lùng nói: “Những chuyện Uông đốc chủ nhắc đến, lão phu đều rõ cả. Thân là Trấn Quốc Công, lão phu đã bẩm rõ mọi chuyện của Nam Khố lên hoàng thượng. Chắc hẳn chỉ dụ của hoàng thượng sắp đến rồi. Sao Uông đốc chủ không đợi thêm vài ngày nữa? Đến lúc đó, xử trí chuyện của Nam Khố thế nào, hoàng thượng sẽ có sắp xếp của riêng mình.”

Lời nói của Ngu Đản Chi rành rành là muốn lấy địa vị của phủ Trấn Quốc Công ra để lấn át người khác, hơn nữa còn mang cả hoàng thượng ra gây áp lực với Uông Ấn.

Nếu Uông Ấn có thể bị người khác uy hiếp thì hắn đã không phải là Uông Ấn nữa rồi.

Vừa nghĩ tới hố xương trắng thối rữa bên cạnh Nam Khố, Uông Ấn không tài nào kiên nhẫn chờ đợi thêm giờ nào nữa chứ đừng nói là mấy ngày.

Chỉ dụ sẽ là gì, hoàng thượng sẽ xử lý chuyện của Nam Khố thế nào? Uông Ấn không biết, và càng không muốn đoán, nhưng hắn biết mình nên làm thế nào.

Trước khi chỉ dụ của hoàng thượng tới, cho dù chỉ dụ của hoàng thượng có nghiêng về phía phủ Trấn Quốc Công thì hắn cũng phải cho những thợ thủ công đã chết của Nam Khố, thậm chí cho chính bản thân hắn một câu trả lời.