Uông Xưởng Công

Chương 446: Chương </span></span>446MÀN CUỐI



Là Uông đốc chủ của Đề Xưởng, hắn đã giết quá nhiều người, đã quen nhìn thấy cảnh giết chóc, nên máu tươi nhuộm trên tay và xương trắng hắn giẫm dưới chân đương nhiên là nhiều hơn Đổng Khôn rất nhiều.

Trong số máu tươi và xương trắng này không phải không có của người vô tội. Trước đây, hắn không bao giờ bận tâm đến những điều này, lại càng không quay đầu nhìn lại. Nhưng giờ phút này, trong lòng hắn lấy làm băn khoăn.

Hồi lâu sau, Uông Ấn hờ hững nói ra một câu: “Phong bá, bổn tọa… mềm lòng rồi.”

Phong bá đang định nói gì đó thì thấy Uông Ấn đã nhắm mắt lại, khuôn mắt anh tuấn vô ngần kia ẩn chứa một thoáng mệt mỏi.

Lúc này, Phong bá cực kì nhớ Đốc chủ phu nhân đang ở Kinh Triệu.

Nếu như phu nhân ở đây thì nhất định sẽ biết những lời đốc chủ vừa nói là có ý gì.

Nếu có phu nhân ở đây thì đốc chủ cũng sẽ không lộ ra vẻ mặt như vậy.

Thần sắc này của Uông Ấn chỉ xuất hiện trong chốc lát và chỉ bộc lộ trước mặt Phong bá mà thôi. Hắn nhanh chóng mở mắt ra, lên tiếng bảo Phong bá: “Phong bá, gọi Đường Ngọc và Chu Li vào đi. Bổn tọa có chuyện muốn căn dặn họ.”

Tình hình Nam Khố vẫn chưa thu dọn được hoàn toàn mà hoàng thượng đã có chỉ dụ giục hắn hồi kinh. Hiện giờ, hắn không có thời gian để suy nghĩ mềm lòng và mệt mỏi.

Những lời Đổng Khôn nói đã giải được nỗi nghi hoặc của Uông Ấn, đồng thời đã cho hắn một lời nhắc nhở: Việc kiểm tra giám sát của đề kỵ trước đây có không ít chỗ sai lầm và thiếu sót.

Nếu Nam Khố đã xảy ra vụ án tham nhũng thì rất nhiều quan viên không thể dùng được nữa. Các quan viên như Đổng Khôn và Phương Diễn dĩ nhiên đã bị cách chức điều tra, còn các quan viên của Tư Luyện Kim, Tư Khoáng Sản cũng phải thay đổi hết, không bị cách chức thì bị tống vào ngục. Quan viên của hai mươi hai Tư còn lại cũng phải chỉnh đốn lại một lượt, nên cách chức thì cách chức, nên đổi thì phải đổi. Gần như có thể nói, các quan viên từ trên xuống dưới Nam Khố đã chẳng còn mấy người vốn của nơi này có thể giữ lại.

Đương nhiên, bởi vì sự tồn tại bí mật của Nam Khố nên những quan viên bị cách chức và thay đổi cũng luôn phải nằm trong tầm giám sát.

Hoàng thượng đã có lệnh Nam Khố không bố trí chức vụ tổng quản nữa mà đổi thành quan sát sứ đạo Lĩnh Nam và đại tướng quân của Lĩnh Nam Vệ toàn quyền quản lý, bởi vậy Trương Hào Đoan cùng Quan Hàn Tùng có rất nhiều cơ hội để gặp mặt bàn bạc với Uông Ấn.

Thời điểm đôi bên gặp nhau, thỉnh thoảng Quan Hàn Tùng sẽ nhớ lại chuyện Ngu Sư Phóng bị bắn chết, tâm trạng cực kì phức tạp.

Mọi người đều biết rõ trong lòng việc này là do ai làm, nhưng Uông Ấn lại vẫn mang dáng vẻ thờ ơ, bình thản.

Quan Hàn Tùng muốn nói gì đó, nhưng sau khi nhìn thấy Uông Ấn như vậy cũng không cất nổi nên lời.

Có thể nói gì đây?

Tất nhiên là nói Uông Ấn không nên làm như thế.

Quan Hàn Tùng đã ghé qua phủ Trấn Quốc Công, nhìn thấy Ngu lão tướng quân chịu đả kích lớn vì chuyện này, cả người vô cùng đau đớn và già nua.

Mặc dù Uông Ấn làm việc tàn nhẫn, máu me nhưng Quan Hàn Tùng có thể thấy trước được Nam Khố sẽ thế nào trong tương lai. Những quan viên Nam Khố sợ hãi và rúng động đã khai ra hết toàn bộ những điều đã giấu giếm, lảng tránh năm đó, nhờ vậy mà đặt nền móng vững chắc cho các quan viên Nam Khố sau này. Có thể nói cái chết của Ngu Sư Phóng như một trận gió lớn dữ dội, quét sạch gần như tất cả những dơ bẩn ở nơi đây.

Với tiền đề này, ông ta còn có thể nói gì nữa?

Quan Hàn Tùng chỉ có thể ôm tâm tình phức tạp, đến Nam Khố để thu dọn kết cục cuối cùng của nơi này.

Trong lúc Nam Khố xảy ra đủ thứ chuyện thì việc bình định loạn bách bộ của triều đình cũng không dừng lại.

Lúc này, Phùng Trân bên bộ lạc Lý truyền đến tin tức: Bộ lạc Tiêu và bộ lạc Cao đã liên kết lại, chuẩn bị tấn công bộ lạc Lý.

Đối với một tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm sa trường như Quan Hàn Tùng mà nói, đòn tiến đánh của bộ lạc Tiêu và bộ lạc Cao chỉ là chuyện nhỏ mà thôi. Ông ta không đích thân chỉ huy trận này mà giao cho phó tướng La Cam Quang toàn quyền phụ trách.

Sau khi sắp xếp tất cả các thông tin tình báo từ chỗ hai bộ lạc Tiêu, Cao, La Cam Quang đưa ra một đề nghị với Phùng Trân: Trận quyết đấu với hai bộ lạc này sẽ được tiến hành tại dãy Tứ Cưu.

Nhờ sự trợ giúp bí mật của binh lính Lĩnh Nam Vệ, binh lực cùng vật lực và thế lực của bộ lạc Lý đều được tăng cường đáng kể. Bởi vì gần đây bộ lạc Lý đã thu nhận nhiều bộ lạc nhỏ yếu khác nên hành động của quân Lĩnh Nam Vệ được xem như hết sức bí mật.

Theo kế hoạch của La Cam Quang, trận quyết chiến trên dãy Tứ Cưu lần này là muốn tóm gọn một mẻ cả hai bộ lạc Tiêu và Cao, để hai bộ lạc này không thể xưng bá trong các bộ lạc nữa.

Vì thế, La Cam Quang lệnh cho người khác mua chuộc phó thủ lĩnh của hai bộ lạc này và thu được rất nhiều tin tức, đồng thời khiến bọn họ phản bội trong trận quyết chiến cuối cùng.

Trong trận quyết chiến tại dãy Tứ Cưu, thủ lĩnh của hai bộ lạc Tiêu, Cao đã bị thủ lĩnh của bộ lạc Lý lấy mạng. Hai bộ lạc đó bị tổn thất nặng nề, cuối cùng quân lính tan rã.

Còn thủ lĩnh Phùng Trân của bộ lạc Lý thì bị thương nặng, có điều vẫn giữ được tính mạng. Tất nhiên, bộ lạc Lý cũng phải trả cái giá rất đắt, gần một phần mười số người trong bộ lạc mất mạng.

Đối với tình huống đổ máu, tổn thất nặng nề thế này, Uông Ấn chỉ trầm lặng.

Mỗi một tấc đất của giang sơn đều nhuốm máu, xưa nay để có được thái bình đều phải đánh đổi bằng sự hi sinh đổ máu.

Mục đích của trận chiến này chính là: Chết mất một số người mới có thể mang lại sự bình yên ổn định cho nhiều người hơn.

Hiện tại, cho dù đã có thương vong, có đổ máu, nhưng cuối cùng loạn bách bộ đã được dẹp yên, dân chúng và người dân các bộ lạc ở đạo Lĩnh Nam nơi đây sẽ dần dần đón chào sự thái bình, giàu có thật sự.

Đối với đại đa số mọi người mà nói, hòa bình mới là điều quan trọng nhất, họ sẽ không lên án thương vong đẫm máu như này.

Sau khi thủ lĩnh của bộ lạc Tiêu và bộ lạc Cao chết, bộ lạc Lý thừa cơ thu nhận thế lực của hai bộ lạc đó. Dưới sự giúp đỡ của Lĩnh Nam Vệ, bộ lạc Lý đã trở thành bộ lạc lớn mạnh nhất trong bách bộ như lời hứa ban đầu của Uông Ấn.