Diệp Tuy không biết nội tình bên trong, còn tưởng rằng Uông Ấn kinh ngạc như thế là bởi để ý đến Nghi Loan Vệ, bèn nói tiếp: “Đúng vậy, không sai, nội thị Cầu Ân. Hiện tại, y đang là nội thị hầu hạ bên cạnh chị gái thiếp. Đến cuối những năm thời Vĩnh Chiêu, y sẽ trở thành thủ lĩnh nội thị ở bên cạnh hoàng thượng, được hoàng thượng tín nhiệm và trọng dụng, trở thành phó tướng quân của Nghi Loan Vệ.”
Không chỉ có vậy, Cầu Ân còn là người bí mật ủng hộ Thái Ninh Đế. Kiếp trước, Diệp Tuy hợp tác với mấy người Tôn Trường Uẩn, Trần Tựu Đạo, đưa Thái Ninh Đế lên ngôi, việc này cũng có công lao của Cầu Ân. Cho nên dù Vĩnh Chiêu Đế về nơi chín suối nhưng Cầu Ân vẫn có thể sống vẻ vang đến cuối đời.
Đều là hoạn quan, quỹ đạo cuộc đời gần như giống nhau. Trước kia Diệp Tuy cho rằng Cầu Ân thông minh hơn Uông đốc chủ, bất luận cuộc đời Uông Ấn tuyệt vời nhường nào thì hắn cũng đã chết sớm.
Người đã chết rồi, thật ra hết thảy cũng đều không còn. Huống hồ tiếng tăm của Uông đốc chủ chẳng có gì tốt đẹp cả.
Nhưng Cầu Ấn vẫn sống tiếp, thậm chí sống vinh hiển đến già, điều này đã hơn hẳn Uông Ấn một bậc.
Dù cho bây giờ đã gả cho Uông đốc chủ, cùng hắn có đủ kiểu ràng buộc không thể gỡ ra với Đề Xưởng nhưng Diệp Tuy vẫn thấy như vậy.
Nghĩ tới đây, nàng nói tiếp: “Đại nhân, thiếp không biết Đề Xưởng đã xảy ra chuyện gì, càng không biết tại sao hoàng thượng lại để người khác nhúng tay vào việc của Đề Xưởng. Có điều, nếu đổi một góc độ khác mà ngẫm nghĩ thì hiện giờ hoàng thượng đã tỏ rõ thái độ. Nghi Loan Vệ dù sao cũng vẫn còn yếu, đại nhân vẫn có thời gian để đối phó.”
Bất kể là Nghi Loan Vệ hay Tả Dực Vệ, chỉ cần Đề Xưởng có sự chuẩn bị thì vẫn là Đề Xưởng do Uông Ấn chấp chưởng như xưa.
Chuyện đó là một loại cảnh giác, cũng là một nguy cơ.
Uông Ấn từng nói tuyệt đối không thể e sợ trước nguy cơ. Việc này cũng giống như vậy phải không?
Uông Ấn rơi vào trầm tư, thật lâu sau, hắn mới nhếch môi, nở nụ cười nhẹ.
Vẻ mệt mỏi trên mặt hắn đã bị quét sạch như thể đã trút đi gánh nặng. Hắn cười nói với nàng: “Cô gái nhỏ, cảm ơn nàng… Bổn tọa biết nên làm thế nào rồi.”
Nàng nói đúng, chuyện Nghi Loan Vệ lần này là một dấu hiệu báo trước. Cho dù hoàng thượng có dự định gì, hắn cũng phải chuẩn bị.
Tuy nhiên, người mà nàng vừa nhắc tới khiến hắn cảm thấy rất bất ngờ.
Cầu Ân… Hắn không ngờ là Cầu Ân.
Một buổi tối vài ngày sau, một người mặc đồ đen đến Hạ Nhật Trai. Y mặc y phục màu đen, bịt mặt bằng vải đen, không nhìn ra được khuôn mặt. Nhưng nhìn kĩ sẽ thấy dáng đi của y rõ ràng là “cùng tay cùng chân”.
Người mặc đồ đen này tới trước mặt Uông Ấn, sau đó kéo miếng vải đen che mặt xuống, khom người và cúi đầu với hắn và kính cẩn: “Thuộc hạ tham kiến xưởng công!”
Người mặc đồ đen này có tướng mạo đôn hậu, giống như bất kì một nội thị bình thường nào khác, về cơ bản sẽ không thu hút sự chú ý của bất cứ ai. Y chính là nội thị Cầu Ân đang hầu hạ bên cạnh Diệp Tự, cũng chính là quân cờ Uông Ấn đã cài cắm trong cung nhiều năm trước.
Nghe thấy tiếng của Cầu Ân, Uông Ấn đưa mắt về phía y. Hắn biết Cầu Ân trầm tính và thông minh. Từ khi y ẩn nấp trong cung, Uông Ân chưa từng liên lạc với y.
Trước nay hắn không liên lạc với Cầu Ân, không giao nhiệm gì cho y không phải bởi vì y quá quan trọng, giữ lại về sau sẽ có tác dụng lớn mà là hắn vẫn luôn không nghĩ ra nên dùng y như thế nào.
Trước đây, Cầu Ân luôn nghe ngóng tin tức trong cung cho hắn. Đề kỵ trải rộng khắp Kinh Triệu, trong cung cũng có những nội thị của Điện Trung Tỉnh Trong hệ thống như Đề Xưởng và Điện Trung Tỉnh, thêm hay bớt một người như Cầu Ân cũng không nhiều hơn hay ít đi.
Uông Ấn đã cài mật thám này vào trong cung nhưng lại không hề hay biết… mật thám này sẽ trở nên tài ba như vậy trong tương lai.
Cô gái nhỏ nói sau này Cầu Ân sẽ trở thành cận thần bên cạnh hoàng thượng, không chỉ là thủ lĩnh nội thị mà còn giữ chức phó tướng quân của Nghi Loan Vệ.
Nhìn nội thị có thái độ cung kính đang ở trước mặt, Uông Ấn nhớ lại vài chuyện cũ. Người gặp một lần là nhớ kĩ như hắn tất nhiên sẽ không quên chuyện Cầu Ân đã gia nhập Đề Xưởng như thế nào và ẩn nấp trong cung ra sao.
Hơn mười năm trước, Uông Ấn vừa mới theo hoàng thượng hồi kinh. Lúc đó, hoàng thượng còn chưa thành lập Đề Xưởng, hắn vẫn chưa trở thành đốc chủ. Hồi đó, hắn cứu được Vĩnh Chiêu Đế từ doanh trại quân địch trở về, lập được công lao hiển hách. Thời điểm hắn vào cung, đi qua Cục Cung Môn thì đúng lúc bắt gặp một nội thị trẻ tuổi bị đánh đến nỗi chỉ còn thoi thóp.
Máu tươi không ngừng trào ra từ miệng nội thị trẻ tuổi nọ, ygần như không giãy giụa, chỉ có thể phát ra vài tiếng rên đau đớn.
Uông Ấn tai thính mắt tinh, sau khi nghe thấy tiếng rên đó thì không kìm lòng được mà nhìn nội thị trẻ tuổi kia thêm một lát.
Y có khuôn mặt đôn hậu, xem ra chắc hẳn không phải là kẻ gian ác, tại sao lại bị đánh trọng thương ở đây?
Uông Ấn gọi lính canh của Cục Cung Môn tới, hỏi về tình huống của nội thị kia mới biết y phạm tội ăn cắp, đắc tội với Trần mỹ nhân là người đang rất được sủng ái lúc đó nên mới bị rơi vào tình cảnh này.
Không biết vì sao, nhìn thấy dáng vẻ đó của Cầu Ân, Uông Ấn lại nhớ tới người lính già đã dạy chữ cho hắn trong quân ngũ.
Người lính già ấy cuối cùng đã bị người ta đánh, nôn ra máu tươi mà chết.
Bởi vì điều này mà Uông Ấn xưa nay vốn lãnh đạm hiếm khi dâng lên lòng trắc ẩn, bèn nói: “Chữa khỏi cho hắn đi, một nội thị không thân không thích, sao lại đi ăn trộm đồ? Ta sẽ bẩm báo rõ chuyện này lên hoàng thượng, các ngươi không được dùng bất cứ hình thức bức cung nào hết!”
Khi đó, Uông Ấn đã lập được công cứu giá to lớn, là một nhân vật được hoàng thượng cực kì coi trọng. Trọng lượng một câu nói của hắn đương nhiên là hơn hẳn của Trần mỹ nhân. Thế là binh lính của Cục Cung Môn không dám đánh Cầu Ân nữa.
Sau đó, Uông Ấn điều tra rõ chân tướng vụ việc là Cầu Ân bị oan, hắn còn sai thuộc hạ mang thuốc đến cho Cầu Ân.
Mấy tháng sau, Đề Xưởng được lập ra, Uông Ấn trở thành đốc chủ của Đề Xưởng. Thời điểm đó, Uông Ấn tìm kiếm nhân tài khắp mọi nơi, muốn dệt một tấm lưới kín kẽ bí mật tại Kinh Triệu.
Sau đó, Cầu Ân xuất hiện. Y quỳ xuống trước mặt hắn, nói rằng để báo đáp ơn cứu mạng của hắn, y sẵn lòng vào Đề Xưởng, y tôn Uông Ấn làm xưởng công, hi vọng có thể làm việc quên mình cho xưởng công…