Uông Xưởng Công

Chương 474: Chương </span></span>474THƯA KIỆN



Diệp Tuy buồn phiền thở dài, không hề giấu giếm mà nói ra suy nghĩ trong lòng: “Đại nhân, thiếp thật sự không thể nào thích nổi bà nội của mình, cũng chẳng cảm thấy đau khổ khi bà qua đời mà còn cảm thấy bà đã mang đến phiền phức to lớn.”

Nàng không biết nghe xong những lời này, liệu Uông Ấn có cho rằng nàng là người máu lạnh, vô tình hay không. Nhưng nàng thật sự nghĩ như vậy và không muốn che giấu.

Uông Ấn không nói gì thêm, chỉ nắm lấy tay nàng, im lặng bày tỏ sự an ủi.

Tuy trước đây hắn chỉ lẻ loi một mình nhưng bên cạnh hắn có những người già như Phong bá, Khánh bá, Niên bá, còn có những thuộc hạ như Trịnh Thất, Vương Bạch, Ngô Bất Hành nên thật ra cũng không thiếu tình thân.

Đồng thời, thân là đốc chủ của Đề Xưởng, hắn đã giải quyết vô số những vụ án lớn đẫm máu, đã thấy vô số những việc xấu xa trong nội trạch, nên quả thật biết quá rõ nhân tính là gì.

Người thân thì sao? Trên thế gian này không có yêu ghét vô cớ, cũng không có bi thương vô cớ.

Nói cho cùng thì những cảm xúc ngày hôm nay của cô gái nhỏ không phải bỗng dưng mà có. Điều này chắc hẳn không tránh khỏi có liên quan đến Kế thị và bầu không khí của nhà họ Diệp thì phải?

Uông Ấn nắm tay Diệp Tuy: “Chuyện đã qua rồi, nàng không cần phải nghĩ nhiều. Bổn tọa sẽ điều tra rõ nguyên nhân cái chết của Chu thị và Kế thị. Nhưng có lẽ người có thể đặt cái bẫy này chắc chắn là cực kì hiểu rõ tình hình nội trạch của phủ nhà họ Diệp, biết được người thân của nàng, nắm rõ những mối quan hệ của nhà họ Diệp, mới có thể lấy cái chết của Chu thị và Kế thị để gây tai họa cho Diệp Tam gia, cuối cùng kéo bổn tọa vào.”

Diệp Tuy gật đầu đáp: “Vâng, đại nhân nói không sai, người này hiểu rất rõ mọi thứ về nhà họ Diệp…”

Nàng nghiêm túc suy nghĩ: Rốt cuộc là ai đang cố tình nhằm vào nàng và phủ nhà họ Uông? Người nắm rõ tất cả tình hình của nhà họ Diệp như vậy, lại đoán được trong lòng nàng coi trọng nhất là bố mẹ và anh chị nàng…gồm có những ai?



Vào lúc này, nhà họ Diệp lại xảy ra chuyện lần nữa.

Ngay khi những lời đồn ở Kinh Triệu sắp lắng xuống thì trống Đăng Văn của phủ Kinh Triệu lại được gõ vang lần nữa.

Người đánh trống Đăng Văn không phải ai khác mà chính là con trai thứ Diệp Hướng Chinh của Chu thị.

Theo luật, bất cứ người nào đến đánh trống Đăng Văn thì trước tiên đều phải chịu hai mươi gậy của phủ Kinh Triệu để ngừa có kẻ ôm ác ý đến kiện cáo.

Sau khi nhận hai mươi gậy của phủ Kinh Triệu, Diệp Hướng Chinh cắn răng nói ra người mình kiện chính là Đào thị - thím Ba của y. Diệp Hướng Chinh kiện Đào thị đã sát hại mẹ của y.

Thiếu doãn phủ Kinh Triệu - Từ Yến Đình tức thì cảm thấy vụ kiện này cực kì khó giải quyết.

Nếu không phải chuyện liên quan đến nước nhà thì dân chúng Đại An đều tuân theo nguyên tắc bao che cho người thân. Loại chuyện cháu trai kiện thím như thế này rất hiếm khi xảy ra, chứ đừng nói đến vì thế mà đi đánh trống Đăng Văn để thưa kiện.

Việc khiến Từ Yến Đình cảm thấy khó giải quyết không chỉ nằm ở những nguyên nhân đó. Mà là bởi vì đằng sau vụ kiện này còn dính dáng đến Uông đốc chủ của Đề Xưởng.

Chẳng phải người thím của Diệp Hướng Chinh chính là mẹ đẻ của Đốc chủ phủ nhân, đồng thời là mẹ vợ của Đốc chủ đại nhân sao?

Từ Yến Đình cảm thấy khó có thể giải quyết được chuyện này, bèn lập tức bảo quan viên cấp dưới đi thông báo cho tri phủ đại nhân.

Ban đầu, nhà họ Diệp đã có hai vị phu nhân qua đời. Tuy đã có quan viên của Hình Bộ tra hỏi nhưng trong mắt rất nhiều người thì đây phần lớn là những chuyện ngấm ngầm trong chốn hậu trạch mà thôi.

Hiện giờ, sau khi Diệp Hướng Chinh đánh trống kêu oan, bản chất của việc này đã hoàn toàn thay đổi, bỗng chốc khiến cả Kinh Triệu xôn xao. Nói cách khác, những việc đó không phải là chuyện trong nội trạch nữa mà là án mạng rồi.

Nói vậy thì Chu thị thật sự là bị người khác hại chết sao? Mà còn là bị một vị phu nhân khác của nhà họ Diệp hại chết?

Nói một cách tỉ mỉ thì, việc đánh trống Đăng Văn khiếu kiện đúng là chuyện lớn. Nhưng sở dĩ việc Diệp Hướng Chinh đánh trống Đăng Văn gây chấn động là bởi vì chuyện này còn liên quan đến mẹ vợ của Uông đốc chủ.

Vì vậy mà tất cả mọi người đều dõi mắt vào phủ Kinh Triệu, muốn nhìn xem phủ doãn Kinh Triệu - Tần Phưởng sẽ xử lý vụ này thế nào.

Tần Phưởng và Từ Yến Đình liếc nhìn nhau mà thầm kêu khổ. Sau khi biết có người đánh trống Đăng Văn, trong lòng họ đã giật thót, còn sau khi biết người đánh trống muốn kiện mẹ vợ của Uông đốc chủ thì cả đều lấy làm kinh hãi.

Kiện mẹ vợ của Uông đốc chủ! Người này đúng là can đảm!

Quan trọng hơn là người đi kiện cũng là người nhà họ Diệp, xét theo quan hệ còn là em vợ của Uông đốc chủ.

Tần Phưởng không biết bên trong nhà họ Diệp đã xảy ra chuyện gì. Song, phủ Kinh Triệu có một quy trình nghiêm ngặt để xử lý việc đánh trống Đăng Văn.

Sau khi tiếp nhận đơn kiện của Diệp Hướng Chinh, Tần Phưởng bí mật đi gặp Uông Ấn: “Đốc chủ đại nhân, chuyện này nên làm thế nào bây giờ?”

Uông đốc chủ và Tần Phưởng có qua lại rất thân thiết. Hồi đó, việc di dời phủ Kinh Triệu được tiến hành một cách thuận lợi, chỉ dựa vào một mình Tần Phưởng thì không thể giấu kín được như vậy mà đằng sau còn có sự ủng hộ của Uông Ấn.

Có điều, hoàng thượng không thích Uông Ấn và các đại thần trong triều qua lại với nhau nên không ai biết về mối giao hảo của hai người họ. Nếu Uông đốc chủ thật sự muốn che giấu điều gì thì đương nhiên có thể thành công che giấu nó.

Lúc này, Tần Phương hết sức khó xử, chung quy việc đánh trống Đăng Văn khiếu kiện liên quan rất rộng, là chuyện phải bẩm lên hoàng thượng. Tất nhiên, Tần Phưởng không hi vọng Uông đốc chủ sẽ bị ảnh hưởng gì, nhưng chức trách của ông ta không cho phép bản thân làm việc thiên tư trong chuyện có người đánh trống Đăng Văn khiếu kiện.

Sắc mặt Uông Ấn lãnh đạm, không nhìn ra được bất cứ vẻ khó chịu nào. Hắn chỉ nói: “Cứ giải quyết theo quy trình có người đánh trống Đăng Văn là được.”