Uông Xưởng Công

Chương 481: Chương </span></span>481DÂNG TẤU THỈNH CẦU



Nghe Hà Thỏa nói hết câu, Vạn Ngạn Thời gật đầu, khẽ cau mày.

Sự việc đúng là như vậy, nó liên quan đến chuyện của Đề Xưởng nên chân tướng chỉ là thứ yếu, mấu chốt vẫn nằm ở thái độ của hoàng thượng.

Có hỏi đến việc này hay không, trong lòng Vạn Ngạn Thời tự có chừng mực. Ông ta rất hài lòng về người cháu dâu Diệp Vân, nhưng sẽ không vì người cháu dâu này mà làm bừa, lại càng không mang chức quan của mình ra để thử.

Vào lúc ông ta đang do dự, Hà Thỏa nói tiếp: “Có điều, Vạn huynh à, đây đều là quan điểm của người khác. Nhưng ta thấy huynh không cần phải nghĩ như thế. Dù sao quan hệ giữa Vạn huynh với nhà họ Diệp không phải tầm thường. Nếu huynh không quan tâm, tất nhiên có thể nói là để tránh hiềm nghi, nhưng lại không tránh khỏi việc cho người ta ấn tượng rằng mình cạn tình, bạc bẽo.”

“Huống hồ, huynh còn là thiếu khanh Đại Lý Tự, hỏi về vụ án mạng lớn như thế này cũng là việc nên làm, bất kể là dựa trên phương diện chức quan hay tình cảm thì đều không thể chỉ trích huynh được.” Hà Thỏa chân thành nói với ông ta.

Vạn Ngạn Thời thở dài, đáp: “Hà lão đệ nói rất đúng. Việc này, ta vẫn nên suy nghĩ cẩn thận.”

Mặc dù ông ta biết những gì Hà Thỏa nói là sự thật nhưng ông ta vẫn còn lưỡng lự.

Cạn tình bạc bẽo so với chức quan, bên nào nặng bên nào nhẹ, chỉ cần liếc qua là thấy được.

Mãi cho đến sau khi xá nhân Trung Thư - Cố Chương đến nhà thăm hỏi, cuối cùng Vạn Ngạn Thời mới quyết định.

Các thế lực trong triều đan xen phức tạp, có quan hệ gia tộc, quan hệ thông gia, quan hệ thầy trò… Nên quan hệ giữa rất nhiều quan viên có thân hoặc sơ, chẳng hạn như Vạn Ngạn Thời và Tống Liêm Thần là quan hệ họ hàng.

Nhận được bái thiếp xin gặp mặt của Cố Chương, Vạn Ngạn Thời cũng không cảm thấy bất ngờ. Ông ta liền nhận tấm thiếp, bày tỏ sự nhiệt tình đối với việc Cố Chương đến thăm.

Cố Chương không chỉ là con trai trưởng dòng chính của nhà họ Cố mà còn là xá nhân Trung Thư trong triều. Xá nhân Trung Thư là cận thần của hoàng thượng, có quyền soạn thảo chiếu thư, lại càng có thể hiểu và quan sát được tâm tư của đế vương.

Có thể qua lại với vị cận thần như vậy, cho dù vị cận thần này chỉ là hậu bối, Vạn Ngạn Thời vẫn hết sức coi trọng.

Hai người hàn huyên một lúc thì Cố Chương trực tiếp nói rõ mục đích đến của mình: “Vạn đại nhân, thật sự không dám giấu, lần này vãn bối tới thăm là muốn thỉnh giáo Vạn đại nhân về tình thế trong triều hiện giờ để tránh đi sai đường. Nhất là chuyện liên tục xảy ra gần đây của nhà họ Diệp. Có lẽ Vạn đại nhân và nhà họ Diệp là thông gia, chắc hẳn ngài biết rất rõ tình hình bên trong thì phải?”

Vạn Ngạn Thời vuốt râu, gật đầu, cất giọng quan cách: “Tuy rằng nhà họ Vạn và nhà họ Diệp là thông gia, nhưng chuyện này là thế nào, hiện tại vẫn còn khó nói.”

Nghe vậy, trên mặt Cố Chương để lộ một thoáng buồn rầu: “Vãn bối nghe các quan viên của Trung Thư Tỉnh nói rằng hoàng thượng đã triệu phủ doãn Kinh Triệu vào cung, còn lệnh cho ông ta phải điều tra rõ chân tướng trong vòng ba ngày. Tuy nhiên, sao có thể điều tra ra chân tướng vụ việc nhanh như vậy được?”

Vạn Ngạn Thời vẫn vuốt râu, mỉm cười, ánh mắt hơi chuyển động: “Ồ, còn có chuyện như thế sao? Bổn quan vẫn chưa nghe về việc đó.”

Hoàng thượng bảo Tần Phưởng điều tra rõ sự thật trong vòng ba ngày? Thời gian ba ngày quả thật quá ngắn, tại sao hoàng thượng lại nói vậy?

Vẻ mặt Cố Chương hơi ảo não, hắn ta nói tiếp: “Đúng là có chuyện đó, đây không phải là bí mật gì ở Trung Thư Tỉnh, chỉ là…”

Hắn ta khẽ thấp giọng, nói nhỏ: “Nghe đâu trong điện Tử Thần, hoàng thượng còn nói một câu: Sao trẫm nghe nói sở dĩ người nọ bị chết là do Đề Xưởng giết người diệt khẩu?”

Dứt lời, Cố Chương nhìn về phía Vạn Ngạn Thời, lấy làm nghi hoặc, hỏi: “Đại nhân, ngài bảo ý của hoàng thượng ở đây là gì? Chẳng lẽ hoàng thượng muốn hỏi tội Uông đốc chủ? Vãn bối thật sự không hiểu.”

Động tác vuốt râu của Vạn Ngạn Thời thoáng dừng lại, ông ta lập tức đáp: “Việc này, bổn quan cũng nhất thời khó hiểu. Lòng đế vương khó đoán, lòng đế vương khó đoán mà.”

Cố Chương gật đầu tán thành và nói: “Đại nhân nói đúng, lòng đế vương khó đoán, lại càng không thể đoán. Vãn bối lại để ý tới một điều, Uông đốc chủ đã bình định loạn bách bộ tại đạo Lĩnh Nam. Lẽ ra, Uông đốc chủ đã lập công lớn như vậy thì hoàng thượng nên trọng thượng cho Uông đốc chủ mới phải, sao hiện tại trong triều lại im ắng thế? Thật là kỳ lạ…”

Người nói vô tình, người nghe lại để ý, Vạn Ngạn Thời nghe xong vẫn vuốt râu nhưng động tác đã chậm hơn nhiều. Rõ ràng là trong lòng ông ta đang có suy nghĩ.

Hồi lâu sau, ông ta mới mỉm cười như đã hiểu ra, biết được mình nên làm thế nào.

Trong buổi chầu sáng hôm sau, thiếu khanh Đại Lý Tự - Vạn Ngạn Thời bước ra khỏi hàng, dâng tấu thỉnh cầu để Đại Lý Tự tham gia vào việc điều tra chuyện của nhà họ Diệp.

Trong bản tấu này, Vạn Ngạn Thời đã nói năng rất cao minh. Ông ta nói: “Hoàng thượng, nhà họ Diệp và nhà họ Vạn vốn là thông gia, theo lý thì nên tránh hiềm nghi mới đúng. Nhưng thân là thiếu khanh của Đại Lý Tự, thần lại rất muốn đích thân điều tra vụ này để không thẹn với chức quan của mình, đồng thời có thể tận lòng với mối quan hệ thông gia. Xin hoàng thượng cho phép!”

Những lời nói của Vạn Ngạn Thời đương nhiên đã khiến các quần thần hết sức bất ngờ. Chuyện của nhà họ Diệp tuy nói là án mạng nhưng trong đó có cả việc đánh trống Đăng Văn kêu oan, cuối cùng còn liên quan đến Uông đốc chủ của Đề Xưởng. Đây là điều các quan viên đều biết và mọi người đều gắng hết sức né tránh việc này.

Sao Vạn Ngạn Thời lại làm ngược lại, ôm việc này vào người?

Đúng là nhà họ Vạn và nhà họ Diệp có quan hệ thông gia. Nhưng… chẳng lẽ Vạn Ngạn Thời dâng tấu chương còn có nguyên nhân gì khác?

Vĩnh Chiêu Đế rất nhanh đã có phản ứng, ông ta nói: “Thôi được, đã vậy thì trẫm chuẩn tấu, lệnh cho Đại Lý Tự bắt tay với Hình Bộ và phủ Kinh Triệu đi thẩm tra, mau chóng điều tra ra chân tướng của vụ việc.”

Vĩnh Chiêu Đế vừa dứt lời, đại phu Ngự Sử Đài - Ngụy Hàm Trung liền bước ra khỏi hàng ngũ: “Hoàng thượng, thần cho rằng chuyện này là hoàn toàn không thể được. Hiện tại Hình Bộ và phủ Kinh Triệu đã và đang thẩm tra xử lý vụ này. Nếu thêm Đại Lý Tự cũng tham dự vào vậy thì sẽ trở thành tam ti hội thẩm. Thần thiết nghĩ không cần phải dùng đến nhiều phủ nha và quan viên như vậy cho một vụ án mạng nho nhỏ trong hậu trạch. Khẩn cầu hoàng thượng nghĩ lại.”

Theo quan điểm của Ngụy Hàm Trung thì tất nhiên là phải điều tra rõ ràng vụ án mạng của nhà họ Diệp. Nhưng Hình Bộ cùng phủ Kinh Triệu đã và đang thụ lý vụ này, đội ngũ và quy cách đã đầy đủ. Nếu lại thêm Đại Lý Tự nữa thì sẽ liên đới quá rộng. Chỉ là một vụ án mạng trong nội trạch mà thôi, bất luận bên trong có nội tình khác hay không đều không cần phải trở thành ba cơ quan hội thẩm. Nếu không phải có chuyện đánh trống Đăng Văn kêu oan thì Ngụy Hàm Trung cho rằng ngay cả phủ Kinh Triệu cũng không cần thiết phải tham gia vào việc này. Bây giờ còn có chỗ nào cần đến sự phá rối của Đại Lý Tự?

Thấy những quan viên trong triều xôn xao vì một vụ án mạng ở nội trạch như thế này, thân làm đại phu Ngự Sử giám sát, Ngụy Hàm Trung cảm thấy quả là không hiểu ra sao.