Vân Việt Vãng Sự

Chương 64: Ra lệnh một tiếng, tựa như sấm sét



Chiêu Linh đi từ trong cung ra, bên cạnh y còn có Hoàn Bá Yến — tôn tử của Hoàn Tư Mã và nhi tử Cảnh Lí của Cảnh Trọng Diên. Ba người vừa đi vừa trò chuyện, đồng thời nghị luận về những chuyện trên triều đình. 

Từ xa xa, Ngự phu Vệ Hoè đã trông thấy bóng dáng Chiêu Linh, lập tức bước lên phía trước nghênh đón, nối đuôi theo sau chủ nhân. Trước đây mỗi lần Linh công tử vào triều, Ngự phu theo hầu vẫn luôn là Việt Tiềm, bây giờ mới xem như là “bình định” lại. 

Chiêu Linh đứng bên xe ngựa hàn huyên với hai vị bằng hữu một hồi lâu, cuối cùng mới chắp tay nói lời từ biệt. Hoàn Bá Yến và Cảnh Lí đứng chung một chỗ cũng chắp tay tiễn đưa y. 

Đây là lần đầu tiên Vệ Hoè trông thấy cảnh thế này, đáy lòng cũng thầm cảm thấy kinh ngạc. 

Quan hệ của Hoàn gia và Cảnh gia không được tốt, thuộc kiểu xung khắc như nước với lửa giữa quan văn và quan võ, nhưng vì có Linh công tử đứng giữa hoà giải, bọn họ mới có thể ở chung hệt như bạn bè. 

Trên đường lái xe về Phủ đệ, Vệ Hoè phát hiện ra người trong buồng xe rất im lặng. Ông quay đầu lại nhìn, mới thấy Linh công tử đã dựa vào bên toa xe, nhắm chặt hai mắt, vẻ mệt mỏi đong đầy trên mi tâm. 

Thân là Ngự phu, tuy không tới lượt ông quan tâm đến những chuyện trong triều, cũng không có tư cách mà nói, nhưng đến Vệ Hoè cũng biết bây giờ chính trị Dung Quốc đang trên đà bất ổn, Quốc quân thân cận với đám nịnh thần, ngờ vực Thái tử, mặc cho phu tử Thân gia làm loạn, khiến cho Dung Quốc bị người người oán trách. 

Ví dụ như, lưu vong toàn bộ những người Vân Việt trong Dần thành tới Mạnh Dương thành, cũng là chủ ý của phụ tử Thân gia. 

Khoảng cách từ cửa cung về Phủ đệ không xa. Chiêu Linh chợp mắt một hồi, đến khi mở mắt ra, xe ngựa đã về tới nhà. 

Y xuống khỏi xe ngựa, chậm rãi bước vào đại viện, đi qua từng cánh cửa viện, nhìn đông đảo tỳ nữ và nô bộc đang dừng bước hành lễ, liền trực tiếp đi thẳng vào chủ viện. Bốn phía đột nhiên yên tĩnh, nhất thời chỉ có những dáng ảnh lẻ loi đọng lại từ trong cảm xúc của y. 

Advertisement

Y về phòng ngủ, cởi triều phục ra rồi thay bộ quần áo thường ngày, lại bước về phía thư phòng. Thường ngày, y có thể ở trong thư phòng hơn nửa ngày, những khi có khách tới thăm cũng sẽ tiếp khách ngay trong thư phong. 

Buổi tối, một môn khách cao gầy trẻ tuổi đi từ trong thư phòng ra, cùng đi còn có quản gia. Quản gia vượt lên phía trước dẫn đường, dự định sẽ thu xếp cho môn khách này vào Nam viện, hai người một trước một sau đi về phía cửa viện. 

Trên đường, môn khách nói lời cảm ơn: “Nhờ có quản gia tiến cử, Nguỵ mỗ vô cùng cảm kích.” 

Quản gia tự mình chong đèn, cười nói: “Nguỵ khanh tài cán hơn người, mới lọt được vào mắt xanh của công tử nhà ta. Lão phu chỉ dùng sức lực của một người, quản lý sự vụ cả một phủ, thường ngày sẽ luôn lo lắng còn có nơi nào chưa làm tốt, nơi nào đã bị bỏ sót, bây giờ có Nguỵ khanh cùng hỗ trợ, vừa vặn là giúp lão phu phân ưu.” 

Trong lúc hàn huyên, hai người đã đi qua Trắc ốc. Bấy giờ quản gia mới nhớ ra, tính tới nay, Việt hầu đã rời đi những bảy, tám ngày rồi. 

Việt hầu không thể quay trở lại, Trắc ốc có nhiều gian phòng đến như thế, cũng không thể bỏ trống lâu dài. 

Ngày nào đó lão phải tìm một cơ hội bẩm báo với Linh công tử, xin được cho phép mang người vào Trắc ốc dọn những thứ đồ Việt hầu để lại đi, chỉnh lý lại Trắc ốc một phen. 

Nhỡ ngày nào đó Linh công tử đưa mỹ cơ về Trắc ốc, hoặc để người hầu và hộ vệ ở lại đây, như vậy mới hợp quy củ, khiến Phủ đệ này ngay ngắn có thứ tự hơn hẳn. 

Cốc đen đong đưa di động trong sân trước, cuối cùng biến mất phía chủ viện, quản gia và Nguỵ mưu sĩ đã rời đi. Thiếu đi nguồn sáng, phần lớn chủ viện lại rơi vào đêm tối tĩnh lặng. 

Đã bao nhiêu đêm rồi, cây cảnh hoa lá tươi tốt, cao lớn rậm rạp che đi bí mật long trời lở đất nơi cửa viện, hiện nay, bí mật ấy đã theo chân Việt Tiềm rời đi, ngày sau trôi qua cũng sẽ hoàn toàn rơi vào quên lãng. 

Không biết đã qua bao lâu, đèn đuốc trong thư phòng bị dập tắt, lại có hai cốc đèn trên con đường đã uốn lượn. Người cầm đèn là hai thị nữ, các nàng chiếu sáng con đường dẫn về Trắc ốc, ánh lửa soi lên gương mặt xinh đẹp lại đong đầy những phiền muộn. 

Chỉ có các nàng rõ nhất những chuyện bí mật của Linh công tử và Việt Tiềm, cũng tận mắt chứng kiến những ngày này Linh công tử đã sa sút đến thế nào. 

Chiêu Linh bước qua đường đá mòn, đứng ở đầu hành lang trước cửa phòng Việt Tiềm. Một thị nữ mở cửa phòng ra, thị nữ còn lại bước vào bên trong đốt đèn. 

“Công tử, tối nay qua đêm ở đây sao?” Một thị nữ nhìn quét qua phòng ngủ, cảm thấy hoàn cảnh này quá đơn sơ, không thích hợp để công tử ở lại. 

Thị nữ còn lại im lặng trải giường chiếu cho Chiêu Linh, thầm nghĩ gối của Việt hầu không đủ mềm, ván giường quá cứng, nằm bên trên chẳng thể nào thoải mái được. 

Chiêu Linh nhìn quanh phòng ngủ. Tất cả những vật trong phòng đều thuộc về Việt Tiềm, bất kể là áo treo trên móc, bút và nghiên mực trên bàn sách, sách thẻ tre, hay chiếc lược nhỏ trên bàn trang điểm, trâm cài tóc, tất cả những vật ấy đều được giữ nguyên không hề đổi thay. 

Giống như chủ nhân của gian phòng này chưa hề rời đi. 

Chiêu Linh nói: “Ta ngủ một mình, các ngươi trở về đi thôi.”

Y không cần thị nữ thiếp thân hầu hạ, muốn một mình qua đêm ở nơi này. 

Thị nữ trải sẵn giường, đốt huân hương rồi nhấc đèn lên, đóng kỹ cửa phòng, lẳng lặng rời khỏi Trắc ốc. 

Chiêu Linh cuốn màn giường bị thị nữ buông xuống lên, ngồi xuống bên giường. Y tháo dây buộc, lấy phát quan xuống, cởi quần áo trên người ra, sau đó nằm xuống nơi Việt Tiềm từng nằm. 

Y nằm nghiêng người, mặt hướng ra bên ngoài, dựa vào cốc đèn bên giường mà tiếp tục đánh giá gian phòng, mỗi một thứ đồ đều mang lại cảm giác vô cùng quen thuộc. 

Từ sau khi Việt Tiềm rời đi, đây không phải lần đầu tiên Chiêu Linh bước vào phòng hắn. Y đã chạm vào rất nhiều thứ trong phòng, thậm chí còn mở hai chiếc rương lớn trong góc ra xem. 

Một rương trong đó là những thứ ngày thường Chiêu Linh ban thưởng cho Việt Tiềm, có y quan, có chén rượu, có tơ lụa, có vàng… 

Chiếc rương còn lại toàn là sách thẻ tre, y cũng đã kiểm tra cả, nội dung bề bộn. Có sách sử, địa lý chi thư, thậm chí có cả binh thư. 

Việt Tiềm thường xuyên lái xe ngựa ra bên ngoài, đi qua chợ, những sách thẻ tre ấy cũng không phải được lấy từ Tàng thất mà là thư tịch có thể mua được giữa dân gian. 

Chiêu Linh và Việt Tiềm sớm chiều làm bạn đã hai năm, quan hệ giữa bọn họ thân mật khăng khít, nhưng sau khi người đó rời đi, y mới nhận ra rằng người này chưa bao giờ để lộ bất cứ điều gì, vô cùng xa lạ. 

Trên hai chiếc rương gỗ còn có một thanh bảo kiếm, đó là bội kiếm của Việt Tiềm. Lần trước khi vào phòng Việt Tiềm, Chiêu Linh đã tự tay treo bội kiếm lên cái móc ở đằng kia. 

Khi tặng bảo kiếm cho Việt Tiềm, Chiêu Linh đã từng ra lệnh: Từ nay về sau, ngươi phải dùng nó, bảo vệ ta chu toàn.

Xem như Việt Tiềm đã thực hiện được lời hứa này rồi. 

Hắn chọn rời đi, cũng khiến danh dự của Chiêu Linh không bị hao tổn, quả là đã bảo hộ y vô cùng chu toàn. 

Những ngày qua, Chiêu Linh đã hiểu ra rất nhiều chuyện, cũng nhận ra mình căn bản không hề biết gì về Việt Tiềm. Y không nhận ra Việt Tiềm đã sớm có ý muốn rời đi, cũng không phát hiện ra việc Việt Tiềm thật ra đã biết về những lần gặp gỡ trong tuổi thơ tại Hữu uyển. 

Một là nô lệ nhỏ trong Hữu uyển, một là tiểu công tử địch quốc hoá thành chim Phượng, giữa bọn họ đã kết thành nghiệt duyên từ bao giờ. 

Sau khi tắt đèn đuốc, Chiêu Linh thả màn giường xuống rồi nhắm mắt lại. Giữa bóng đêm đen đặc, đáy lòng y vô cùng nặng nề. Y tưởng tượng thân mình đang lênh đênh trên dòng sông, cũng tiến vào trong khoang thuyền nhỏ hẹp, bên trong chen chúc nhơ bẩn, không khí vẩn đục, đến hít thở cũng vô cùng khó khăn. 

Y tựa như đã thật sự vùi thân vào nơi ấy, thấy Việt Tiềm im lặng ngồi ở nơi sâu nhất trong khoang thuyền, hai cánh tay khoác lên đầu gối, cúi đầu nhắm mắt ngủ, dáng dấp tiều tuỵ, hai gì má cũng hãm sâu xuống. 

Trong mộng tưởng ấy, Chiêu Linh đưa tay chạm lên gò má Việt Tiềm, lòng bàn tay truyền tới nhiệt độ của hắn, râu ria tua tủa trên gương mặt ấy còn đâm vào ngón tay y. 

Khó mà tin nổi rằng, dù đã xa xôi đến như thế, y vẫn có thể cảm nhận được rằng Việt Tiềm vẫn còn sống. 

Đêm nay, con thuyền vận chuyển nô lệ Vân Việt cuối cùng cũng nhổ neo rời bến, đây là bến phà cuối cùng của cuộc hành trình dài đằng đẵng này. 

Sau khi đến cảng, tất cả sẽ chuyển từ đường thuỷ sang đường bộ, mới có thể đi sâu vào trấn quân sự trọng yếu — Mạnh Dương thành. 

***

Trong giấc mộng, Việt Tiềm cảm thấy tựa như có ai đang chạm đến gương mặt mình. Hắn mở mắt ra, mơ mơ hồ hồ thấy một bóng người, là đứa bé người Vân Việt kia. 

Đứa bé con lay lay cánh tay Việt Tiềm, nhỏ giọng nói: “Ba Na, bên ngoài trời mau sáng quá.” 

Trên boong tàu đã truyền tới tiếng những binh sĩ kia hoạt động, còn có thể nhìn xuyên qua lỗ thủng trên khoang tàu mà thấy được một mảnh trời lấp lánh. 

Lúc này, nô lệ trong khoang thuyền cũng lục tục tỉnh lại. Bọn họ vô cùng cảnh giác, bởi hôm qua Ba Na đã nói cho bọn họ biết, sáng nay có thể ra khoang lên bờ. 

Việt Tiềm đè thấp âm giọng: “Đã giấu kín đồ đạc rồi sao?” 

“Ừm!” Đứa bé kia gật mạnh đầu. 

Chẳng biết từ lúc nào, Thường phụ đã đứng bên dưới cửa khoang, lắng nghe nội dung cuộc trò chuyện của binh sĩ. Bỗng nhiên, ông xoay người lại, lấy tay ra hiệu cho mọi người nằm xuống. 

Mọi người vô cùng phối hợp, hoặc là giả bộ ngủ, hoặc là co vào bên trong góc tối. Cùng lúc ấy, có tiếng bước chân đi tới trước cửa khoang, còn có người mở cửa khoang ra. 

Không biết có kẻ đánh vào thứ gì, âm thanh phát ra nghe sắc như khoan vào tận óc người, kèm theo đó là là tiếng gào to: “Lên bờ! Đám quỷ lười này, còn không mau dậy!” 

Những nô lệ bị tù tội trong khoang thuyền lúc này cũng bị đánh thức. 

Cửa khoang nhanh chóng được mở ra, một cái thang gỗ được thả từ bên trên xuống, binh sĩ đứng bên trên thét xuống: “Nhanh lên! Người này nối tiếp người kia đi ra! Tướng quân có lệnh, kẻ nào dám không thành thật, không nghe theo mệnh lệnh sẽ bị giải quyết tại chỗ!” 

Không cần binh sĩ gào thét, những nô lệ trong khoang thuyền đã muốn đi ra ngoài từ lâu. Bên trong hôi hám um sùm, thực sự khó mà chịu đựng nổi nữa. 

Những kẻ tù tội này leo lên thang gỗ, bò ra ngoài khoang, liều mạng hô hấp không khí mới mẻ bên ngoài, hoảng hốt như có cảm giác khởi tử hoàn sinh, bò về từ cõi chết. 

Bọn họ bị nhốt trong khoang thuyền những bảy, tám ngày, hoàn cảnh cực kỳ ác liệt, đồ ăn vô cùng ít, nước uống cũng không đủ, nếu không phải trong lòng có niềm tin, còn tiếp sức khích lệ chăm sóc lẫn nhau, chỉ sợ tám ngày này đã không ít người già yếu bỏ mạng trong khoang thuyền. 

Đa số bọn họ đều xanh xao vàng vọt, thân thể lọm khọm. Những tướng lĩnh trên thuyền nô lệ không hề có thiện chí đối với bọn họ, chỉ có một mục đích duy nhất là khiến gần trăm người Vân Việt này mất đi lý trí, mất đi năng lực phản kháng. 

Mỗi kẻ tù tội sau khi ra khỏi khoang thuyền sẽ bị trói chặt hay tay ngay lập tức, cả quãng đường dài sau này, hai tay họ sẽ luôn bị trói chặt như thế, dây thừng thô ráp nối thành hàng dài để thuận tiện quản lý. 

Sau khi đã có hai mươi, ba mươi người Vân Việt ra khỏi khoang thuyền, lúc này Việt Tiềm mới bước tới thang gỗ. Trước mặt hắn là đứa bé trai kia và Thường phụ, hai người nắm chặt hai tay, mỗi tay lại giấu một thứ gì đó. 

Trời còn chưa sáng, bốn phía tăm tối, binh sĩ không chú ý tới những nô lệ Vân Việt trên thuyền, có không ít người giấu đồ trong lòng bàn tay. 

Đứa bé trai kia khéo léo nâng hai tay lên trước ngực, cầu xin: “Quan binh đại ca, trói nhẹ chút đi.” 

Binh sĩ không để tâm đến việc nó còn là trẻ con, dây thừng lên hai cổ tay nhỏ gầy, ghìm rất chặt, buộc chặt thành nút. Đứa bé kia vì đau đớn, không nhịn được mà kêu lên thành tiếng.

Đến lượt Thường phụ, Thường phụ đàng hoàng đưa hai tay ra, hai tay ông đồng thời bị trói chặt lại, ngay sau đó là Việt Tiềm phía sau ông. 

Binh sĩ nhìn thấy Việt Tiềm, trợn mắt nhìn hắn, sợ hắn lại phản kháng. Việt Tiềm vô cùng phối hợp, phục tùng mệnh lệnh leo lên boong tàu, đưa cổ tay về phía trước. 

Một tên Bách phu trưởng xác nhận bộ dạng Việt Tiềm, nói với binh lính bên cạnh: “Ngươi, qua đây soát người.” 

Binh sĩ lập tức tiến lên soát người, Việt Tiềm tuỳ ý để đối phương lục lọi, đáy lòng hiểu rõ rằng tướng lĩnh khoang nô lệ dự định sẽ giết hắn. 

Không thể giết hắn trong nội cảnh Dung Quốc, tránh cho Linh công tử có bất cứ cách nào biết được tin tức hắn bị giết, cũng không thể giết hắn ngay trước mặt nô lệ Vân việt, cách tốt nhất vẫn là áp giải một mình hắn từ trong khoang thuyền ra ngoài giết hại, tránh cho những nô lệ kia phẫn nộ. 

Tướng lĩnh trên thuyền nghĩ vô cùng chu đáo, làm việc cũng vô cùng cẩn thận. 

Binh sĩ không thể lục ra bất cứ thứ gì trên người Việt Tiềm, lúc này lại phát hiện ra bàn tay trái của Việt Tiềm nắm chặt, tựa như đang nắm thứ gì, bèn ra lệnh: “Mở hai tay ra!”

Việt Tiềm mở hai tay ra, cũng lật trên lật dưới, không hề có thứ gì. 

Binh lính phụ trách trói tay Việt Tiềm bước tới trước mặt hắn, lôi theo một sợi dây thừng, đẩy hai cánh tay Việt Tiềm ra sau, xem ra là muốn trói hai cánh tay của hắn lại phía sau lưng. 

Chưa để đối phương kịp có cơ hội trói mình lại, Việt Tiềm đột nhiên tránh thoát ra ngoài, vung quyền đánh thẳng vào mặt binh sĩ đang cầm dây trói. Binh sĩ không kịp phòng bị, bị một quyền đánh bay. 

Việt Tiềm nhanh chóng mở dây thừng đang quấn trên cánh tay ra, kéo căng hai đầu dây thừng, ghìm chặt cổ Bách phu trưởng, một loạt động tác như nước chảy mây trôi, hoàn thành trong nháy mắt, Bách phu trưởng không tài nào phản ứng lại kịp. 

Việt Tiềm ngẩng đầu lên, quát về phía những tộc nhân đang trợn mắt há mồm: “Chạy!” 

Ra lệnh một tiếng, tựa như sấm sét. 

Những người Vân Việt bị trói chặt hai tay hoặc là bất chấp nguy hiểm nhảy vào trong nước, hoặc là đấu đá lung tung chạy lên khoang tàu, cũng có mấy thanh niên trai tráng bình tĩnh mà dũng cảm móc mảnh gỗ gốm sứ từ trong quần áo ra, liều mạng cắt đứt dây thừng đang bó buộc trên người mình. 

Thân ở khoang nô lệ, không có vũ khí, họ đã đập vỡ bình gốm đựng nước, dùng những mảnh gốm vỡ tàn tạ để cắt đứt dây thừng. 

Đứa bé trai kia vừa hoảng vừa gội, trong tay cũng nắm một mảnh gốm vỡ, nhưng nút dây quá dày, sức nó lại nhỏ, cắt mãi không đứt được dây thừng trên cổ tay, gấp đến độ đòi mạng, lại đột nhiên ngẩng đầu lên rồi sợ hãi đến mức hốt hoảng lui về phía sau. 

Đông đảo binh lính trên thuyền phát hiện tình hình không ổn, dồn dập rút kiếm ra, quát lớn những người Vân Việt đang tạo phản, cả những người Vân Việt đang cầm đủ các thứ đồ để tạo phản. Vô số người Vân Việt tràn ra từ trong khoang nô lệ, chen lấn mà chạy đến, hệt như là hồng thuỷ. 

Hơn mười tên lính canh giữ ở cửa khoang không có cách nào ngăn được những nô lệ đang chạy kia, một phần trong số họ bị Việt Tiềm đâm cho thương tích đầy mình, một số khác lại bị những người Vân Việt chạy khỏi khoang tàu phản kích. 

Tình cảnh cực kỳ hỗn loạn, đứa bé trai kia đã xem đến choáng váng, thậm chí quên cả chạy, mãi cho tới khi Thường phụ kéo lấy tay nó, vứt nó từ trên thuyền xuống dưới sông. 

Kỹ năng bơi của người Vân Việt vốn rất tốt, đứa bé này cũng y như vậy. 

Trên chân bọn họ còn có xiềng xích, chạy trốn theo đường thuỷ là biện pháp duy nhất. 

Thường phụ thấy đứa bé trai bay nhảy trong nước, trong nước cũng có không ít những người Vân Việt khác, biết sẽ có người giúp nó bèn xoay người lại, nắm lấy một cái mái chèo, nỗ lực áp sát tới bên người Việt Tiềm. 

Chỉ thấy Việt Tiềm bị năm, sáu tên lính vây lại. Một tay hắn cầm đoản kiếm, một tay nắm lấy lá chắn giật được của một binh sĩ khác, càng đánh càng hăng, thế không đỡ nổi. 

Bằng sức một người, Việt Tiềm ngăn một đám binh sĩ trước cửa khoang lại, cho những người cùng tộc còn chưa ra khỏi khoang thuyền có cơ hội chạy thoát. 

Binh sĩ vung vẩy binh khí, lần lượt chén vào lá chắn. Bọn họ không đả thương Việt Tiềm được, mỗi lần Việt Tiềm ra tay, trong số họ lại có một người ngã xuống, binh sĩ ai ai cũng vô cùng khiếp sợ. 

Bây giờ Việt Tiềm hệt như Chiến Thần. 

Cái khiên như có sức mạnh, vung thẳng vào đầu, đánh một tên lính đang nỗ lực đánh lén Việt Tiềm ngất xỉu. Việt Tiềm quét mắt nhìn mấy thi thể nằm ngang trên đất, bỗng phát hiện trên một thi thể có một chùm chìa khoá rất lớn thắt bên hông. 

Đây là kẻ trông giữ chìa khoá của các nô lệ trong khoang thuyền, khả năng cũng là người trông giữ chìa khoá xiềng chân của các nô lệ Vân Việt. 

Hắn không để ý tới nguy hiểm, ngồi xổm người xuống, một lòng chỉ muốn vươn tay lấy chìa khoá. 

Hắn vốn định dùng sức kéo mạnh, lại không thể kéo ra được, hoá ra chùm chìa khoá đó đã bị quấn chặt vào trong dây thắt lưng, phải dùng kiếm cắt dây vải ra. 

“A Tiềm! Cẩn thận!” 

Bỗng nghe Thường phụ gào lên một tiếng khàn cả giọng. 

Việt Tiềm vừa ngẩng đầu lên đã thấy mũi tên lao thẳng tới, hắn không kịp suy nghĩ thêm gì, thân thể đã phản ứng lại trước, túm thắt lưng xách thi thể binh lính đeo chìa khoá kia lên, che trước người. 

Dù mạo hiểm đến vậy, Việt Tiềm vẫn không quên gào lên với những người cùng tộc đang phản kháng lại binh lính kia: “Đừng ham chiến! Nhảy vào trong nước!” 

Mưa tên lại hạ xuống thêm lần nữa, một mũi nhắm thẳng về phía Thường phụ. Trước khi mũi tên ấy kịp bay tới đây, Thường phụ đã nhảy xuống nước. 

Những người Vân Việt còn sống xót hệt như viên sủi cảo trôi lênh đênh chìm nổi giữa mặt sông, trong lòng sông đâu đâu cũng lít nha lít nhít toàn đầu người. 

Tướng lĩnh đứng trên boong thuyền, mặt mày cực kỳ âm u, ngón tay chỉ thẳng về phía Việt Tiềm, ra lệnh cho cung thủ: “Nhắm thẳng vào hắn cho ta, không được để hắn chạy!” 

Việt Tiềm lui về phía đuôi thuyền, dùng thi thể để chống lại mưa tên. Hắn xách theo cả thi thể kia nhảy vào giữ lòng con sông. 

Mưa tên theo sát bóng dáng Việt Tiềm, bắn vào trong nước. 

Tướng lĩnh và cung thủ đuổi tới mũi tàu, nhìn thấy một bóng người trồi lên trong nước, cung binh tập tức kéo cung, mấy chục mũi tên bắn ra cùng lúc, ghim kẻ kia thành con nhím. 

Định thần nhìn lại, kẻ ấy mặc trang phục binh sĩ, trên người có vô số mũi tên, chính là thi thể Việt Tiềm dùng để ngăn tên. 

Phần lớn binh sĩ đã nhảy xuống mặt nước, đuổi bắt những người Vân Việt chạy trốn. Cung binh lại đứng ở nơi cao, có điều khoảng cách bắn giết này quá xa, mắt thường cũng có thể thấy chẳng thể tóm lại được những người Vân Việt kia. 

Tướng lĩnh nhìn chằm chằm nơi Việt Tiềm vừa nhảy xuống, hối tiếc không kịp: “Đáng lẽ ra ngày lên thuyền nên giết hắn, vĩnh viễn tiêu trừ hậu hoạ!” 

Người bình thường tuyệt đối không thể nhịn thở vùi mình trong nước lâu đến vậy, nhưng Việt Tiềm một lần cũng chẳng ngoi đầu lên. 

Tướng lĩnh đứng trên mạn thuyền, cả giận với những binh sĩ còn trên thuyền: “Để lại mười người trông coi thuyền, còn lại toàn bộ rời thuyền truy đuổi! Mất một kẻ ta cũng sẽ trị tội các ngươi! Ta cũng không tin những kẻ này đã bị xiềng chân còn có thể trốn thoát được đi đâu!”

***

Tác giả có lời muốn nói: Quay về chốn cũ Vân Việt thì Việt Tiềm chính là rồng rồi, chứ không còn là con rắn nhỏ nữa.