Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 15: Học trò đầu tiên



Chương phải công nhận phụ nữ Vạn Xuân khoẻ. Bà Cả Ngư tuổi gần sáu mươi mà đi bộ cứ thoăn thoắt, tháng đôi lần bà cụ đi bộ lễ chùa ở tận Linh Sơn cổ tự gì đó, áng chừng cũng dăm bảy cây số chứ chẳng ít ỏi gì. Bà Cả Ngư còn chặt tre, kéo tre, đan phên… việc gì cũng làm nhanh hơn Chương nghĩ. Cậu mong mẹ cậu ở nhà cũng mạnh khoẻ như bà Cả Ngư.

Nguyệt, cô con gái của bà Cả Ngư mới mười sáu, tính cả tuổi mụ. Cô này cao độ mét rưỡi, dáng dấp cũng nhỏ nhắn mà… cầm thuổng với xà xeng đào đất hùng hục, Chương ngồi nhìn mà lắc đầu lè lưỡi. Ban đầu định nhờ Nguyệt giúp kéo đất nhưng sự thật thì… Chương là người xúc đất vào bồ kéo lên không kịp.

-Ông Bụt đi mây về gió, thầy là con ông ấy chắc cũng thường xuyên đi như vậy à?

-Không, thầy đi lại bình thường như em.

-Em tưởng ông Bụt có phép, sao thầy không dùng phép mà giấu thần khí, hơi đâu đào bới làm gì tốn công sức?

Chương nhăn mặt, lấy tay quệt mồ hôi mà không biết nên trả lời như thế nào, Nguyệt lại hỏi:

-Hay do thầy nghịch gì đấy bị đày đến đây?

-Ừ, quả là có chuyện đó thật.

Sau ba ngày có Nguyệt giúp sức, Chương cảm thấy xấu hổ khi khối lượng công việc cậu làm gần nửa tháng trước đó thật không đáng nhắc đến. Nguyệt đào đất, khoét đất rất thành thục, thuổng cắm xuống đất nhát nào ra nhát nấy, nhọt như thái thịt.

Hai thầy trò đào bới từ lúc tảng sáng đến khi mặt trời lên cao thì về, chiều mát lại ra đào đến tận nửa đêm. Nguyệt vừa đào, bới vừa ê a đọc thuộc 27 chữ cái trong ba ngày nhưng viết thì còn nhầm, nét chữ như giun nhưng Chương thấy như vậy là tiến bộ vượt bậc. Năm ngày sau, Nguyệt đã viết đúng toàn bộ bảng chữ cái và Chương bắt đầu dạy Nguyệt ghép vần. Những chữ đầu tiên đều liên quan đến cuộc sống sinh hoạt hoặc vật dụng quen thuộc như: Nhà, bàn, bếp, siêu, gào dừa, chum nước, gà, lợn.. Đến ngày thứ mười thì Chương có thể tự hào rằng cô học sinh đầu tiên của mình xem ra cũng là một đứa sáng dạ. Nguyệt thuộc bảng chữ cái, ghép vần và viết đúng những vật dụng được dạy. Có thể nói ngoài lúc ngủ, thì Nguyệt đều học chữ. Chương nghe bà Cả Ngư nói có đêm Nguyệt nói mớ.

Ban đầu bà Cả Ngư cũng có chút lo lắng khi trai chưa vợ, gái chưa chồng ở cạnh nhau suốt từ sớm đến khuya nhưng sau mấy ngày thì bà cảm thấy yên tâm hẳn. Chương không có ý gì với con gái bà, cảm tưởng như Chương coi con gái bà như em gái mặc dù luôn miệng xưng hô thầy trò.

Nhờ Nguyệt giúp nên Chương hoàn thành việc giấu thần khí nhanh gọn, tính ra chỉ bảy ngày kể từ khi có cô gái một mét bẻ đôi đào đất hộ, Chương đã có cái hố hình chữ nhật bề ngang bốn mét, sâu tầm bốn mét và dài khoảng mười lăm mét. Sau này nếu Chương muốn lấy thần khí lên chỉ lần lùi là được.

Hàng chục thân tre vắt ngang hố sau đó phủ những tấm phên đan từ tre rồi sau cùng là cỏ khô, lá dừa rồi cả những bụi cây gần đó được Nguyệt chặt bớt cành phủ lên. Chương cũng lo khi trời mưa thì ngập xe nhưng… đành vậy, cậu không thể tính được quá nhiều. Mấy hôm sau, Chương nói ra băn khoăn với hai mẹ con bà Cả Ngư, và thế là ba người cùng đào một cái ngách lưng chừng hố thông ra lạch nước. Chương đã đo áng chừng, nếu mưa lớn thì nước đọng trong hố sẽ cao đến sàn xe.

Làm xong việc này lại lo việc khác, Chương đã cùng Nguyệt khuân tất cả đồ đạc trên thùng xe khiêng về cất giấu trong gian buồng. Mấy thùng phuy thì Chương không thể làm gì đành để lại, đó là tất cả những gì cậu có thể làm để bảo vệ tài sản quốc gia.

Trong khi Nguyệt học chữ thì Chương nẳm khểnh đọc cuốn sách dày cộp của thằng bạn thân tặng. Cậu chú ý đọc kỹ phần viết về thế kỷ thứ VI rồi đọc hết cuốn sách ấy trong ba ngày còn nhớ được bao nhiêu đều phụ thuộc vào… ông trời.

-Sách thầy đọc sao nhiều chữ thế? Chữ gì mà nhỏ li ti như con kiến vậy?

-Chữ của Bụt không giống chữ Hoa quốc gì đấy to đùng và phức tạp đâu.

-Nếu em chăm học, chăm viết thì sau này em có đọc được chữ nhỏ như con kiến này không thầy?

-Nếu em chăm chỉ thì được mà, ban đầu đọc sẽ chậm nhưng dần sẽ mau lắm, thậm chí không cần đọc thành tiếng mà dùng mắt liếc qua.

-Thật hả thầy?

-Cứ chăm chỉ vào. Bây giờ học chữ, biết đủ các chữ cái đó dần ghép lại sẽ ra hàng nghìn con chữ khác nhau. Khi nào em học viết, học đọc thành thạo, thầy sẽ chỉ cho em thứ khác còn cao siêu hơn, nói không chừng em sẽ trở thành người giỏi nhất đất Vạn Xuân này.

-Là cái gì vậy thầy?

-Toán học, Địa lý rồi Vật lý… nói chung rất nhiều.

-Thầy thông tất cả những thứ đó sao?

-Thầy đang nghiên cứu, có vài thứ đã biết.

Chương chỉ vào cái đèn dầu lạc đang bập bùng:

-Một ngày nào đó thuận lợi, thầy sẽ tạo ra ánh sáng từ nước, không cần phải dùng cái đèn tối om tối mù như kia đâu. Ngồi học dưới đèn ấy chả mấy mà toét hết cả mắt.

Nguyệt nấn ná ở lại nhà thêm được ba ngày để viết thêm được nhiều chữ, Chương động viên Nguyệt và dặn khi đến chỗ làm việc tuyệt đối không được viết những chữ này cho người khác nhìn thấy, họ dễ vu cho tội nọ kia. Viết rồi xoá, xoá rồi viết, đọc thì đọc nhỏ.

-Khi nào được nghỉ về thầy sẽ dạy tiếp, cứ yên tâm, thầy còn ở đây lâu mà.

Nguyệt đi rồi, căn nhà còn lại hai người bỗng trở nên rộng hơn vài phần. Bà Cả Ngư ngồi ăn cơm cứ chống đũa, mắt nhìn xa xăm ra phía cổng. Thấy cảnh này, Chương đành cúi gằm xuống lảng tránh, bà Cả Ngư nhớ con còn Chương thì nhớ bố mẹ, nhớ em gái.

-Bà ạ! Thần khí chôn giấu xong rồi, cháu cũng đã khoẻ. Cháu nghĩ nên làm gì đó giúp bà chứ ăn không ngồi rồi như này mãi không được.

-Cháu là thầy đồ, chữ nghĩa là rất quý, không phải ai cũng biết. Việc tay chân cứ để ta làm, ăn uống thì có đáng là bao.

Chương khẽ thở dài:

-Cháu ở với bà tháng rưỡi nay chỉ ăn bám.

-Cháu đừng có nói thế, mấy hôm vừa rồi cháu dạy cái Nguyệt chữ nghĩa còn đáng giá gấp vạn lần mấy bữa cơm canh đạm bạc như này. Mà này, đợt rằm vừa rồi ta đi chùa có gặp sư thầy trụ trì đấy, sư thầy có mời ta vào hỏi chuyện. Cháu có biết sư thầy bảo gì không?

Chương lắc đầu.

-Sư thầy bảo dăm ba năm nữa là ta hưởng phúc, chồng con sẽ trở về, không còn cảnh cô quanh nữa.

-Bà tin mấy ông sư cũng tin vừa vừa rồi, sư chứ có phải là thầy xem tướng số đâu.

-Sư thầy từng được hoàng thượng ban cho chức quan gì đấy rất to.

Chương nhăn mặt:

-Sư sao lại làm quan ạ? Cháu nhớ là sư thì không vướng bận việc ngoài đời, chỉ lo tụng kinh niệm Phật chứ nhỉ? Chả lẽ thời này mà sư đã chen chân vào việc quốc gia rồi ư?

-Ta nào biết, chỉ biết rằng chức quan gì gì đó… ờ… thái sư… đúng đấy.

Chương gật gù cho qua chuyện. Cậu chẳng quan tâm nhà sư lắm vì thời của cậu nhà sư lên mạng giảng đạo lý suốt ngày, ngoài ra lắm nhà sư còn kinh doanh khá mát tay, đó là chưa kể nhiều người giống sư mà không phải sư, là sư mà lại chẳng giống sư. Có lần ngồi uống trà đá với nhau, Chương nghe có người bảo là đến thời mạt khi chùa chiền trở thành nơi kinh doanh buôn thần bán thánh. Chắc bởi những điều tai nghe mắt thấy mà thiện cảm của Chương dành cho những nhà sư vơi dần theo năm tháng. Hình ảnh những vị sư già hay ni cô khắc khổ chuyên tâm phật pháp, ra ngoài thì đầu trần chân đất mà cậu thấy khi còn nhỏ đã nhạt đi rất nhiều.

-À bà này, sao từ cháu ở đây không thấy thằng cu Tôn nào đó sang chơi nhỉ?

-Nó đi chăn trâu thuê mà, có mấy khi ở nhà đâu. Bên đó chỉ có ông nội của nó, ông ấy cũng bảy mươi rồi, mắt mũi tèm nhèm lắm. Thi thoảng ta vẫn phải qua đấy bắc hộ nồi cơm hay phơi phóng đấy chứ.

-Nó không ở nhà thì ở đâu hả bà?

-Nó và những đứa khác chăn trâu rồi ở luôn trong hẻm núi ấy chứ, chủ người ta nuôi ăn, mỗi tháng cũng được đôi ba đồng đủ cho ông cụ ở nhà rau cháo.

Đến lượt Chương chống đũa thở dài nhìn ra cửa.

-Nhà nó không có ruộng hả bà?

-Trước thì có nhưng bán hết rồi, mà chả bán cũng làm không nổi. Nhà thì một già một trẻ như thế. Đến ngay như nhà mình có hai sào ruộng trồng lúa mà… may thì đủ ăn, được mùa thì dư một tí. Có làm thì đủ ăn, không làm thì đói nhăn ra cháu ạ, thế ruộng cũng không phải thấp.

-Thuế ạ? Bà phải nộp thuế nhiều không?

-Hồi xưa thì thấp nhưng từ hồi loạn lạc họ thu cao hơn, đồng điền chiêm trũng nhà mình có hai sào ruộng, năm được một vụ mà như năm ngoái họ thu hết cả một sào. Bởi vậy đồng trống nhiều, trồng nhiều người khác ăn hộ thì ai muốn làm nữa.

-Thế hồi ông Lý Nam Vương làm vua không giúp gì cho dân ư? Cháu nghe bà hay nói đến ông vua ấy có vẻ quý mến lắm lắm.

-Vua lên thì đất nước thái bình, không có giặc giã. Thuế thì miễn ba năm, sau đó thu nhưng rất ít, nghe đâu bảo là khoan sức dân gì đó. Bây giờ thuế thu cũng ngang với thời quan phương Bắc.

-Vô lý! – Chương tỏ ra bực dọc. - Thuế thu cũng phải vừa vừa thôi chứ, nếu thu cao vậy, rồi ai người ta thèm làm ruộng nữa? Lấy cái gì mà ăn?

-Ăn củ sắn, củ khoai cũng no bụng.

-Bà chịu được nhưng cháu không chịu được. Đành là phải nộp thuế cho vua nhưng một vừa hai phải thôi, không có dân thì lấy đâu ra vua, không có dân thì làm vua với ai?

Bà Cả Ngư ngạc nhiên vì bấy lâu nay chưa thấy Chương tỏ ra bực dọc đến vậy, bà nghĩ cậu thanh niên này đúng là lạ.


Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều