Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 250: Sự biến bên sông



Làng Vạn Xuân thành hình, sông Khoai từ thành Luy Lâu mở rộng gần đến cổng làng. Tù binh Tế Giang hơn hai nghìn người được giao nhiệm vụ kè đá hai bên bờ, trồng cây xanh tạo bóng mát. Trên bến dưới thuyền tấp nập người cuốc kẻ xúc sớm hôm.

Lam Khuê giám sát những công việc cuối cùng trong làng Vạn Xuân. Điện Hưng Quốc khang trang, nền gạch mái ngói đỏ tươi, từ cổng chính đi vào, bên tả có dãy nhà dài dùng cho các võ tướng trong quân họp bàn. Đối diện là dãy dành cho văn sĩ, khoảng sân lớn lát gạch vuông có chữ “Hưng Quốc điện” đỏ hồng. Thẳng từ cổng chính vào là một ngôi nhà năm gian hai trái, thềm cao 6 thước có 9 bậc. Tay vịn một bên chạm hình rồng ẩn mây, bên còn lại mang hình đầu hổ ẩn sau tán lá.

Chương bận chẳng đến xem, Lam Khuê tự ý trang hoàng và cô muốn nơi này đại diện cho quyền lực của Vạn Thắng vương. Đằng sau căn nhà lớn là một khoảng sân vườn, qua sân vườn là căn nhà nhỏ nơi Chương sẽ làm việc, tả hữu là các phòng ban giúp việc cho Chương. Biết Chương không thích bày biện, Lam Khuê bài trí phòng làm việc của Chương thoáng đãng, yên tĩnh với những đồ đạc mà Chương thường dùng đến. Đặc biệt, cửa sổ căn nhà mở ra phía sau có một ao cá nhỏ, thả bèo, trồng cây ven bờ ao, đặt một bộ bàn ghế bằng tre dưới tán cây vối.

Nơi ở của cả nhà thì Lam Khuê không thay đổi nhiều, sợ Chương phật ý. Chương muốn đó là không gian riêng của anh và những người ruột thịt, vậy nên Lam Khuê chỉ cho trồng thêm những cây ăn quả như bưởi, ổi, na, đu đủ, nhãn. Một vườn rau nhỏ bên cạnh ao trước nhà. Thợ thuyền lắm khi thắc mắc với Khuê, rằng nơi vương ở sao lại giản đơn vậy được. Khuê cũng chỉ dối rằng bách tính còn đương khó khăn. Nơi làm việc cần trang trọng tiếp khách, nơi ở như thế này đã là tốt lắm.

Lam Khuê băn khoăn việc lập một ban thờ gia tiên, cô mời Khuông Vạn Thái sư đến xem. Khuông Vạn Thái sư bốc giúp Khuê một bát hương lớn thờ gia tiên họ Mạc. Căn dặn Lam Khuê đôi điều cần phải nhớ kỹ, nhất là gò đất sau nhà, không được phép cho ai đụng cuốc xẻng hay làm gì ô uế.

Trở về từ Tế Giang, có đôi khi Chương đưa ra những quyết sách khi đang bàn định với thợ thủ công làm xe đạp.

Hạ tuần tháng 4, lác đác xuất hiện những xe đẩy chân bằng gỗ di chuyển ngược xuôi trong vùng, nhất là đường Vạn An. Thảng hoặc dân chúng cũng tận mắt thấy hàng chục xe đạp thồ lương thảo từ thành Luy Lâu về Lý phủ, từ Lý phủ đến trại Nguyệt Đức…

Thượng tuần tháng 5 thì xe đạp Thống Nhất có hệ thống phanh xe làm bằng da, dùng một dây kéo gắn ở thân xuất hiện trên đường. Ngoài bọn Thiên Bình thì xe Thống Nhất được cấp cùng lượt cho Nguyệt, Thái Hương, Thanh, Huệ và hàng chục con gái hoặc vợ của các sỹ quan, hạ sỹ quan. Chỉ có các cô gái được cấp nhằm phục vụ những mục đích kinh tài của Ty Thương nghiệp.

Chương thiết kế áo dài cho chị em phụ nữ vận khi đi xe đạp, anh mong muốn xây dựng hình ảnh đẹp để câu dẫn các thương nhân nhưng lại yêu cầu Ty Thông tin không đề cập bất cứ điều gì.

Bọn Thiên Bình mở lớp dạy đi xe đạp cho hàng trăm người sở hữu. Lớp này quy tụ hội chị em vợ các sỹ quan, hạ sỹ quan trong quân. Chương đã từng ngăn cản ý định thành lập Hội Phu nhân quân Thiên Đức. Bởi thế hội này chưa bao giờ được thành lập chính thức cho dù Duệ có nói ngon ngọt bao nhiêu đi chăng nữa. Cái hội phi chính thức này là nơi các bà các cô kể xấu chồng con, mách nhau cách trị, nhờ vả nhau giám sát để các ông không lập thêm thê thiếp. Chương chẳng thể ngăn nên không cấm, chỉ là không bao giờ có cái hội ấy mà thôi. Anh sợ cho phép, một ngày nào đó Thiên Bình trở thành Chủ tịch hội, tướng sĩ của anh sẽ bị một cổ nhiều tròng.

Phụ nữ Thiên Đức sau khi biết đi xe đạp, thường sẽ chọn các phiên chợ ở các xã mà lượn vài vòng trước khi mất dạng. Dân Thiên Đức truyền tai nhau về thiết mã không cần ăn cỏ vẫn đi nhanh, một thứ do Vạn Thắng vương chế tạo ra.

Nửa tuần trăng trôi qua, khắp 4 huyện của phủ Thiên Đức đều râm ran về thứ mà họ không biết gọi đích xác là gì. Tin tức theo binh sĩ lan sang huyện Kim Động. Hiến Doanh, một thương cảng, tất nhiên xe đạp cũng nằm trong câu chuyện của giới thương nhân, những người lắm tiền và thừa chí tò mò.

Chương làm việc với Ty Thông tin trong ba ngày liên tiếp. Vài hôm sau, tờ báo Thiên Đức Mới trực thuộc Ty Thông tin được thành lập, Nguyễn Trung Ngạn chịu trách nhiệm cai quản.

Nhân sự ban đầu làm việc ở báo Thiên Đức Mới có 41 người bao gồm cả Ngạn. Nhiệm vụ mà Chương giao cho Ngạn, ấy là cùng các phóng viên thuộc quyền đi khắp các huyện của Thiên Đức ghi chép lại các mẩu chuyện hay, các điển hình làm kinh tế, cách thức làm nghề hoặc có khi hỏi chuyện ông thầy đồ rằng vì sao muốn làm thầy đồ?!

Thiên Đức Mới cũng sẽ kể các tấm gương sáng trong quân, người đó con nhà ai, vào quân khi nào, đã đạt thành tích gì. Chương yêu cầu thông tin về người được viết phải đầy đủ, chân thực, ngắn gọn.

Báo Thiên Đức Mới sẽ viết trên một khổ giấy lớn hai mặt, gấp làm tư. Những bài viết chính phải có ảnh vẽ nhân vật. Ban đầu, báo dùng song ngữ, một tháng phát hành được 2 lần, cấp phát trong quân, lỵ sở, và mỗi làng 3 tờ.

Chương góp ý chỉnh sửa trong vài số đầu, nhìn chung, Thiên Đức Mới gần giống như một tờ báo tường vậy. Có khác chăng, báo được in ấn bằng chữ rời, thứ mà Hàn Thuyên đã dày công làm trong hơn hai năm qua phục vụ in bố cáo, yết thị, truyền đơn. Báo in để trống phần ảnh vẽ minh hoạ, hoạ sư vẽ xong đem cho một người khắc gỗ rồi dập lên từng tờ. Chữ dùng mực đen, ảnh dùng mực đỏ.

Do chịu ảnh hưởng của Chương, Chương lại là vương nhưng không thích tung hô. Bởi vậy bọn Trung Ngạn thường khéo léo lồng vào các bài viết những huấn thị của Chương. Thậm chí, ngay dưới chữ Thiên Đức Mới in bằng mực đỏ, bọn Trung Ngạn cho in thêm một hàng chữ nhỏ hơn “Vạn Thắng vương vạn tuế” bằng song ngữ.

Dân phủ Thiên Đức nhiều người biết chữ hơn, người trên ba mươi tuổi vẫn đọc chữ Hán, dưới ba mươi thường đọc chữ Bụt.

Báo in xong do Tiểu đoàn Hậu cần và Phòng Liên lạc chịu trách nhiệm phát hành trong quân. Ty Dân vận đưa đến dân, các ty hoặc trường cử người đến lấy.

Số đầu tiên bọn Trung Ngạn muốn viết về Chương nhưng anh không đồng ý. Anh chọn ra những người có uy tín trong dân để bọn Trung Ngạn đến hỏi và viết. Những Khuông Vạn Thái sư Ngô Chân Lưu, Thiền sư Sùng Phạm, Đại sư Thích Viên Chiếu, Thích Minh Không, Tả Đô đốc Phạm Tu, Hiệu trưởng Trường Quân sự Vạn Xuân Lý An, Triệu Quang Phục, Đoàn Thượng, Hội Bát Vạn Thương Nhân, thương nhân Cả Lụa, Long Vũ Yết Kiêu, Thần Sấm Phạm Bạch Hổ, Trương Lôi, Lý Tài, Lê Văn Thịnh, Vũ Trinh, Nguyễn Công Truyền, Nguyễn Gia Miêu, Ngô Thị Nguyệt, Vương Thị Thoan… được Chương liệt kê để bọn Trung Ngạn theo đó mà viết.

Chính nhờ tờ Thiên Đức Mới mà danh tiếng của các danh tướng hoặc thương nhân, văn thân, nghĩa sĩ nổi như cồn, hàng chục nghìn người biết đến. Thiên Đức Mới theo đà phát triển của quân Thiên Đức mà dần trở thành cơ quan ngôn luận của Ty Thông tin.

Số đầu tiên của tờ Thiên Đức Mới có hoạ hình xe đạp Thống Nhất và xe đẩy chân với những dòng mô tả vô cùng ngắn gọn về ưu điểm của Thống Nhất thiết mã.

Nhiều thương nhân đọc được thông tin càng háo hức muốn tìm hiểu và sở hữu thiết mã Thống Nhất. Những người từng nhìn thấy thiết mã Thống Nhất bảo rằng thứ đó một canh giờ có thể đi được đến 50 dặm, thậm chí còn hơn.

-Các bà các cô đạp rất nhẹ nhàng, trẻ con đuổi không kịp, may ra ngựa phi nước đại mới thắng.

Chương cứ thế quảng cáo cho siêu phẩm, nghe đồn có giá vài trăm nén vàng? Đúng, vài trăm nén những khung sắt biết di chuyển.

Chẳng rõ tin ấy ở đâu đồn ra.

Chương còn chưa kịp chuẩn bị moi tiền của giới thừa tiền, đột nhiên vào một buổi chiều trung tuần tháng 5, Trần Nhật Tôn gặp anh báo quân tình:

-Báo cáo Vương, trấn Hải Đông có sự biến.

Chương lấy làm lạ, Trần Nhật Tôn nói rõ sự tình khiến Chương phải tạm gác việc kiếm tiền trở về Lý phủ.

Trần Minh công cai quản trấn Hải Đông, phía Tây của phủ Thiên Đức từ trần, thọ 59 tuổi! Việc người cai trị đột ngột mất đi ắt sẽ có những xáo trộn trong quân.

Theo tin tình báo, trưởng nam của Trần Minh công đã mất vài năm trước. Ba người con của vợ lẽ hãy còn trẻ, chưa có vị trí gì trong quân.

Chương dặn Tôn theo dõi sát tình hình. Hoàng Thái Công đang đóng trại ở bến Bình Than cho quân cấm trại. Điều Tiểu đoàn Đường Vỹ đang đóng ở Bãi Dinh di chuyển về mạn Tây Nam, cách bến Bình Than mươi dặm, đề phòng có biến.

Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.