Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 293: Năm Dần



Đi đêm mãi ắt sẽ có ngày gặp ma, các cụ dạy cấm có sai.

Quãng thượng tuần tháng 2, Lạc Thổ và Nghiêm Phúc Lý dẫn đại đội dự bị nằm phục đêm hôm gần cả tháng trời cũng thu được thành quả. Số là mấy tay do thám của anh em họ La bị lộ tẩy nhưng quân Thiên Đức không bắt, cứ mặc kệ.

Lạc Thổ cho dựng hơn hai chục lều trên một gò đất, ban ngày binh sĩ ngang nhiên chơi cờ, đấu võ, rượu chè tưng bừng. Mỗi khi đêm xuống lại đốt đuốc sáng rực quanh trại, ba chục binh sĩ chia nhau đi tuần đêm cứ nghêu ngao hát như những kẻ say.

Thực tế Lạc Thổ và Nghiêm Phúc Lý mỗi người cầm sáu chục quân mai phục xung quanh chờ con mồi sập bẫy. Trong mỗi lều, Thổ cho đặt hàng chục bù nhìn cho đội mũ quân, khoác áo. Các hình nhân nối dây với nhau, quân sĩ đi qua kéo nhẹ dây để bù nhìn khẽ lắc lư, hắt bóng lên lều vải như có người đang ngồi chè chén đêm khuya.

Do thám của La Đình Đệ thấy mồi ngon, phòng bị lơ là, cho là kiêu binh đắc thắng, xa bản doanh nên quân kỷ không nghiêm bèn chuyển tin cho người khác và theo đó, hơn ba trăm quân Tế Giang trang bị nỏ Liên Châu và đao kiếm, lợi dụng trời sáng trăng kéo đến quyết đánh úp trại quân trên gò. Quân của Đệ bao vây quanh trại, tiếp cận thật gần rồi nhất tề hô nhau xông lên, tên bắn như mưa. Quân Thiên Đức cảnh giới thấy địch, vội nổ vài phát súng hú hoạ kéo nhau chạy bán sống bán chết vào các lều.

Quân Tế Giang tràn vào trại, bắn tiễn ào ào chẳng thấy quân Thiên Đức chống cự mà bóng người vẫn lắc lư trong lều. Xông vào lều mới tá hoả tam tinh thấy toàn những bù nhìn rơm. Quân canh Thiên Đức trốn vào trong lều chẳng thấy tăm tích đâu, sau mới biết họ đào mấy hầm trong lều chui xuống nấp trong đó cả.

Quân Tế Giang bấy giờ biết mắc mưu nhưng đã muộn. Gần như cùng lúc, cả trăm tiễn gắn quả nổ từ bốn phía bắn vào trại nối tiếp nhau mà nổ gây kinh hãi cho quân tập kích. Bên trên trại quân cũng có hàng chục tiếng đổ đanh gọn, kế đến là hơn hai chục quả nổ phát nổ quanh gò đất và sau cùng mới là hoả mai cất tiếng.

Quân Tế giang bị bắt sống gần hai trăm người tại chỗ, phần còn lại bị thương và khoảng năm chục kẻ thiệt mạng.

Thôi thì bên tập kích bị bên phục kích dùng mưu bắt sống cũng chẳng lấy gì làm lạ. Cái lạ chính là ở chỗ, quân Thiên Đức nhét giẻ vào miệng tù binh, buộc dây thừng nối thành hai hàng dẫn đi chừng một dặm bỗng đâu dẫn quay lại nhưng… dắt tù binh giẫm lên nhiều ruộng lúa trên đường hướng về gò. Những kẻ bị thương cũng phải nhúng chân xuống bùn, quần áo tay chân người nào người nấy đều bẩn trong khi quân Thiên Đức chân tay sạch sẽ.

Lạc Thổ sau đó mới dẫn tù binh về một làng gần nhất, xin lỗi dân làng vì quân Tế Giang khi đột kích đã phá rất nhiều ruộng lúa mới cấy. Và rằng quân Thiên Đức sẽ bù số thóc tương đương cho ruộng nhà ai bị quân tấn công Tế Giang giẫm đạp làm hư hại. Lạc Thổ dẫn tù binh đến xin lỗi ba làng cả thảy, giọng điệu vô cùng khẩn khoản như thể chính quân mình giẫm lúa vậy!

Tai nghe mắt thấy, rõ là tù binh lấm lem bùn đất còn y phục quân Thiên Đức chỉ nhàu nhĩ và bẩn vì lăn lê bò toài mà thôi.

Ty Truyền thông và Ty Dân vận Thiên Đức tung người sang lan truyền cái tin sốt rẻo ấy. Bà con Tế Giang có bị quân Tế Giang phá ruộng cứ làm đơn trình bày, quân Thiên Đức đồn trú tại đó xác thực là có bị tấn công sẽ được đền thóc ngay.

Chẳng làng nào làm thế, công sức họ cày cấy sao có thể tự phá rồi đòi đền bù, mà đền bù bao nhiêu? Sợ được vạ má xưng, nhỡ đâu quân Thiên Đức không xác nhận cho thì sao?

Bà con không phá thì để quân Thiên Đức đêm hôm dẫn nhau đi phá hộ rồi giả cách đánh lẫn nhau. Quân đồn trú tự đi xin thóc của quân về đền cho dân làng kèm theo lời xin lỗi. Và nhờ vậy, quân Thiên Đức được dân nhiều làng rỉ tai rằng có trông thấy người này lạ, người kia lạ lảng vảng ở chỗ nọ. Có người lại mách đường đi lối lại tỉ mẩn. Quả nhiên Lạc Thổ cho quân đi mai phục bắt được đến mấy nhóm, lên đến vài trăm người.

Tỉnh báo nhân dân chỉ lối mách tin lại được thưởng kín đáo nên việc tập kích, quấy phá của anh em họ La gặp khó khăn. Binh sĩ nào được cử đi cũng nơm nớp lo bị bắt hoặc thiệt mạng.

-Khốn nạn! Ta không ngờ bọn Thiên Đức lại nghĩ ra được cái mưu hạ đẳng đến thế. Chúng ta đời nào phá lúa dân mình chứ? Dân mù mắt hay sao? Hai năm rõ mười là bọn Thiên Đức bày trò, kẻ nào có trí khôn sẽ nhìn ra ngay.

La Đình Đệ tức đến ói máu cũng chỉ biết chửi rủa mà thôi. Kế sách quấy phá quân Thiên Đức gần như phải dừng hẳn vào hạ tuần tháng 2.

Một số nhân sĩ trong vùng quả nhiên đoán được kế sách ném đá giấu tay của quân Thiên Đức, họ nói với bà con đừng tin, đích thị quân Thiên Đức bày trò vu vạ. Văn thân do Thiên Đức cử sang an dân cũng có đối sách trị những kẻ thông minh này.

Vài nữ binh Thần Vũ có nhan sắc giả trang làm thôn nữ đi chợ hoặc đi lễ tìm cách tiếp cận một vài người thông minh ấy rồi la toáng lên đổ vấy cho những người ấy chòng ghẹo con gái nhà lành, trêu hoa ghẹo nguyệt, ban ngày ban mặt mà sàm sỡ. Một cô la lên thì mấy người khác phụ hoạ nhào đến nắm tay giải đến quân doanh gần đó. Cô gái sẽ khóc lóc thảm thiết nhờ quan quân đòi lại công bằng nhưng quan quân lại vỗ về bảo bỏ qua, là do cô đẹp quá mà thôi. Quan quân hứa sẽ trị tội. Cô gái đó sẽ ấm ức mà lủi thủi ra về. Kẻ thông minh đen đủi cũng chẳng bị bắt, chỉ nhắc nhở lần sau đừng ghẹo con gái nhà người ta.

Chả hiểu sao vừa về đến làng ai cũng biết chuyện, muốn cãi chẳng được, tình ngay lý gian. Nhiều kẻ lắc đầu ngao ngán:

-Ta thua trí kẻ khác, không thuận theo sợ rằng mạng không mất nhưng cả làng chửi rủa mất thôi.

Thế là yên hết, kẻ thông minh đều biết phải ăn theo thuở, ở theo thời. Với binh quân Thiên Đức dùng binh chế áp, còn với sĩ sẽ dùng trí mà tiếp đón và tầng lớp văn thân ở phủ Thiên Đức bắt đầu nhiều lên, nhiều tất sẽ có nhiều người vượt trội.

Lấy con sông Nghĩa Trụ làm ranh giới, Vạn Thắng vương đổi tên vùng Tế Giang mới chiếm được thành hai huyện. Từ sông Văn Giang đến sông Nghĩa Trụ là phần đất huyện Nghĩa Trụ Thượng. Từ sông Nghĩa Trụ đến tả ngạn sông Phú Nông là huyện Nghĩa Trụ Hạ. Hai huyện mới lập chưa tiến hành thay đổi quan chế, văn thân làm việc cho La Lệnh công đều được giữ lại. Văn thân cử từ Thiên Đức phủ sang chỉ giữ chức phó mà thôi.

Như vậy, đất Tế Giang đã bị chia thành ba huyện: Kim Động ở phía Đông, giáp Xích Giang; Nghĩa Trụ Thượng và Nghĩa Trụ Hạ ở phía Tây. Dân số hai huyện mới là hơn 10 vạn người, nghề chính là trồng lúa, nuôi và đánh bắt cá ven sông ngòi, ao hồ.

Nếu tính luôn cả Nghi Dương, Tiên Mình và vùng tạm chiếm Nam Sách với 3,7 vạn dân, phủ Thiên Đức dưới quyền cai trị của Vạn Thắng vương vào tháng Giêng năm Thiên Đức thứ 31 kiểm soát khoảng 57 vạn dân! (tương đương dân số tỉnh Cao Bằng - Việt Nam) Sinh sống trên diện tích khoảng 3100km2. Mật độ dân số trung bình khoảng 20 người/ km2.

Phủ Thiên Đức có 14 huyện gồm : Siêu Loại, Thiên Đức, Thừa Thiên, Thuận Thiên, Mao Khê, Kinh Môn, Thuỷ Đường, Ninh Hải, Nghi Dương, Tiên Minh, Nam Sách, Nghĩa Trụ Thượng, Nghĩa Trụ Hạ và Kim Động.

Sông Phú Nông bắt nguồn từ Xích Giang, chỗ hẹp nhất khoảng 110 trượng, chỗ rộng rất khoảng 1 dặm, lòng sông sâu khoảng 2 trượng, chảy theo hướng Đông sang Tây có vài đoạn uốn lượn, hợp lưu rồi đổ ra cửa Trà Lý. Tại cửa Trà Lý có D Môn Thôn trấn giữ trước đó. Bởi vậy Phú Nông trở thành địa giới tự nhiên ngăn cách phủ Thiên Đức và xứ Đằng Châu, một vùng đất rộng và đông dân của Phạm Lệnh công Phạm Khải Ca.

Chương tính rằng dân số Vạn Xuân thời Lý Nam Vương dựng nước 31 năm về trước có khoảng 2,7 triệu dân như số liệu mà Duệ cho hay, không tính khu vực núi cao hiểm trở, dân cư thưa thớt khó đoán định. Tính theo tỉ lệ bình quân cứ có 10 trẻ em sinh ra sẽ có 4 người già mất đi như phủ Thiên Đức, sau ba chục năm cơ bản yên bình, dân số Vạn Xuân sẽ loanh quanh 4,2 triệu người.

Nếu con số 4,2 triệu dân là đúng hoặc thấp hơn, việc Vạn Thắng vương cai quản 570.000 dân, chiếm 14% dân số Vạn Xuân thực sự là doạ lắm kẻ yếu tim.

Sứ quân thứ 16, Thiên Đức, kể từ ngày dựng cờ đến chiến thắng Thư Đôi, loại bỏ Lý Lệnh công, mất 5 năm. Sứ quân ở Tế Giang và Hải Đông hoàn toàn rơi vào tay Thiên Đức 16 tháng sau. Như vậy, tính đến mùa xuân, Thiên Đức năm 31, Vạn Xuân chỉ còn lại 12 sứ quân với khoảng 3,7 triệu dân không hơn. Trung bình một sứ quân kiểm soát 31 vạn dân.

Con số không nói dối!

Chương, Duệ, Thiên Bình và Uyển Như cùng các lão tướng hiểu rõ con số này có ý nghĩa như thế nào. Từ đó, mỗi người sẽ biết cần phải làm gì. Các sứ quân như Tô Trung Từ hẳn cũng bởi thế mà cuống cuồng ra tay hành động trước khi quá muộn.

Thiên Bình sắp sinh, các sứ quân sẽ đánh trong nay mai và Phạm Tu, Phạm Thị Ngọc Dung tức Phạm Quý phi nghĩ rằng đã đến lúc phải bố cáo thiên hạ. Phạm Tu muốn lựa chọn thời điểm thích hợp để những bí mật ông tung ra sẽ chao đảo thiên hạ một phen. Phạm Tu nói với Phạm Quý phi:

-Ta nay cũng gần lục tuần, sức chẳng thể như vài năm trước. Những bí mật này đã ngủ yên đủ lâu và… một ông già như ta có lẽ đến lúc lui về sau hoàn toàn. Ta muốn dùng bí mật chôn giấu trong lòng giúp cho thằng Chương hoàn thành đại nghiệp. Còn như khi nào ư? Ta đang cảm thấy rất gần rồi. Con của Thiên Bình sinh ra phải có một thân phận khác hẳn với mẹ nó. Thằng Chương chẳng cần đến di chiếu nhưng ta muốn nó vì di chiếu mà thêm động lực, thêm hiền tài và giảm bớt kẻ đối địch với nó.

-Chuyện đại sự đều trông cả vào bác.

Vậy thời điểm nào sẽ thích hợp đây? Phạm Tu đứng ngắm trời đất ngâm nga mấy vần thơ:

Vạn Xuân hỡi Vạn Xuân

Giang sơn cần minh quân

Tài trí bình thiên hạ

Nào ai quản gian truân.

Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều