Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 296: Lòng vả cũng như lòng sung



Ngô Hy Doãn thuật đầu đuôi cho Lê Phụng Hiểu nghe những lời của Tô Trung Từ. Nghe xong một lượt, Lê Phụng Hiểu cắn môi suy tư, mãi mới nói:

-Người lắm mưu nhiều kế như Thái uý nói vậy ta biết vậy vì có khi chẳng phải vậy. Đạt Hiên đại nhân không hiểu hết việc quân cơ hoặc những gì ngài thu nhận được còn có nhiều chỗ thiếu nên can gián cũng khó, mà…

Phụng Hiểu bỏ dở câu nói, lắc đầu ngao ngán:

-Phận làm bề tôi người ta chỉ Đông mình chẳng dám đi Tây, biết mà không nói sợ bất trung mà nói sẽ bất hiếu với cha mẹ, liên luỵ bao người, tại sao hẳn Đạt Hiên đại nhân hiểu hơn tôi.

-Dù tôi không tỏ tường mọi việc nhưng trước sau tôi đều tin rằng đánh Thiên Đức là hạ sách. Họ chẳng oán cừu, cũng chẳng đụng chạm gì đến ta, đất tiếp giáp cũng coi như chẳng phạm đến vậy thử hỏi Phụng Hiểu huynh, ta đánh họ để được cái gì?

-Đạt Hiên đại nhân ơi là Đạt Hiên đại nhân, ngài chẳng lẽ còn không hiểu ư. Thái uý động binh có trăm mối lợi, tôi tuy chẳng túc trí đa mưu cũng nhìn ra đấy.

Ngô Hy Doãn lấy làm ngạc nhiên, Lê Phụng Hiểu bèn giảng giải:

-Thứ nhất, dân La thành đều biết thực quyền trong tay nhà họ Tô ngót hai chục năm nay. Họ Tô đã làm được gì cho non sông này? Cho La thành? Đánh đấm chưa thắng được ai, giờ quân Thiên Đức nổi lên, dân người ta nghe danh Tả Đô đốc Phạm Tu có phần mến phục. Thái uý có ưng không? Ưng sao cho được. Lẽ thứ hai, Thiên Đức mà mạnh, sớm muộn họ cũng đánh La thành, họ chưa đánh hẳn có lý do nào đó chứ tiềm lực của họ đáng sợ lắm.

Ngô Hy Doãn ngắt lời:

-Tả Đô đốc là danh tướng hết lòng trung thành với tiên vương, ông ấy không đời nào đánh La thành vì Trữ quân là…

Lê Phụng Hiểu xua tay:

-Ngài nói đúng nhưng chưa đủ. Tả Đô đốc trung thành với tiên vương nào ai nghi ngờ. Như tôi vừa nói với ngài, La thành này có thực còn của họ Lý không? Ngài hiểu ý tôi chứ? “Thiên Gia Bảo Hựu” nghĩa là gì?

Ngô Hy Doãn như bừng tỉnh:

-Vậy là… Thái uý lo Tả Đô đốc kéo binh đến diệt trừ bảo vệ tồn vong của triều đình?

Lê Phụng Hiểu gật đật, khẳng định chắc nịch và nói thêm:

-Thái uý muốn nhất cử lưỡng tiện, rủ thêm người động binh và… Vũ Ninh vương vốn thù ghét Thiên Đức nhất, hai bên giao chiến sẽ hao tổn nặng. Thái uý sẽ lợi dụng tình hình mà chiếm đất của Vũ Ninh vương. Chưa kể Nguyễn Ninh vương cũng bị nhắm đến.

-Sứ quân đâu phải những kẻ dại khờ.

-Một đám ô hợp bắt tay liệu làm được trò trống gì đây? Nguyễn Ninh vương cũng muốn nhân cơ hội này trả thù giúp anh em nhưng cũng phòng Thái uý trở mặt. Đạt Hiên đại nhân có nghe chuyện trước Tết quân ta có hiềm với bên ấy không?

Ngô Hy Doãn cười khổ:

-Tôi chẳng tin ba quân nhà ta lại vào làng cướp của, nghe vô lý hết sức. Chứng cớ rành rành càng khiến tôi đồ rằng trong chuyện này ắt có ẩn tình.

Lê Phụng Hiểu bật cười khổ sở:

-Tôi còn ngờ rằng trong chuyện ấy có bàn tay của quân Thiên Đức và những kẻ bày ra chuyện ấy thật là tài. Chúng lợi dụng sự nghi kị đổ vấy cho hai bên, tức giận làm người ta mờ mắt chẳng nhận ra chân tướng.

-Phụng Hiểu huynh có vẻ am tường quân Thiên Đức, tôi nghe nói năm xưa huynh chịu ơn Tả Đô đốc.

-Tôi vẫn luôn kính trọng ngài ấy như bậc cha chú. Nếu không có ngài ấy, giờ tôi còn đang chổng mông cấy lúa ở quê nhà. Tuy vậy, tôi không gặp ngài ấy đã mười mấy năm.

-Phụng Hiểu huynh là Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, trong tay có nhiều quân thám thính, vậy ngài có biết thêm gì về Thiên Đức không? Giả tỉ như mưu sĩ bên họ là ai? Thực lòng tôi tin rằng đằng sau Thiên Đức có một mưu sĩ hơn người.

Lê Phụng Hiểu đứng dậy ra đứng bên khung cửa nhìn ra khoảng sân sau thư phòng đang đầy nắng. Ngô Hy Doãn theo gót.

-Bên ấy không thấy mưu sĩ nào, đến tướng cầm quân cũng… toàn kẻ vô danh. Những người tôi biết như ông Thượng, ông Phục đều không cầm binh, thậm chí chẳng giữ chức vụ nào trong quân. Gần đây Lý An thân chinh cầm quân đánh hai trận bên Tế Giang thắng lợi. Lý An là một tướng tài, người như ông ta ở Vạn Xuân nói thẳng là không ít. Lý An bại trận trước quân Thiên Đức rồi lại cầm quân Thiên Đức chinh phạt có gợi cho Đạt Hiên đại nhân suy nghĩ gì không?

-Ý Phụng Hiểu huynh muốn nhắc đến người tự xưng Vạn Thắng vương? - Ngô Hy Doãn chợt bật cười. - Phụng Hiểu huynh thứ lỗi cho… một người còn trẻ tự xưng Vạn Thắng vương thật là… có phần ngạo mạn.

Lê Phụng Hiểu tỏ vẻ thông cảm, nói:

-Đạt Hiên đại nhân cười cũng chẳng sao, người trẻ ngạo mạn cũng đúng, họ mạnh họ có quyền ấy. Có điều… danh xưng Vạn Thắng vương xuất phát từ lá cờ treo trên chiến thuyền đánh bọn Phan Văn Hầu. Và như tôi biết, lá cờ ấy do Tả Đô đốc tặng. Chủ tướng quân Thiên Đức lên ngôi vương cũng một tay Tả Đô đốc sắp đặt chứ người đó dường như không muốn.

-Một kẻ không màng danh lợi?

-Đó là chỗ đáng sợ! Mạc Thiên Chương là tên của anh ta, một dòng họ tôi chưa từng nghe và… ban đầu tôi cũng lầm tưởng người đó thân thích với Tả Đô đốc song như thám báo nghe ngóng thì chẳng phải. Một người lai lịch bí ẩn và tất cả vũ khí lạ kỳ của Thiên Đức đều do người đó làm ra.

Đoạn Lê Phụng Hiểu kéo Ngô Hy Doãn trở lại bàn uống trà, hạ giọng thì thầm:

-Đạt Hiên đại nhân còn nhớ chuyện năm xưa trong cung… ờ… Lý Thiên Bình Công chúa bị bắt cóc chứ?

Ngô Hy Doãn gật đầu, đáp:

-Cũng nghe Công chúa đã bị sát hại và Phạm Quý phi vì thế mà bị đuổi khỏi cung, tiếc thay.

Lê Phụng Hiểu ghé tai Ngô Hy Doãn:

-Chính thất của Vạn Thắng vương là Đại Thắng Hoàng hậu có tên Phạm Thiên Bình, con gái nuôi của Phạm Quý phi, năm nay… 24 tuổi, bằng tuổi Công chúa.

Ngô Hy Doãn nhăn trán, chau mày một hồi, đương tháng Giêng mà mồ hôi túa ra hai bên thái dương. Lê Phụng Hiểu bồi thêm:

-Nếu liên kết tất cả các sự việc rời rạc lại với nhau tự nhiên sẽ thấy chúng khớp đến lạ kỳ. Tôi nghe nói Vạn Thắng vương được trao thanh Thuận Thiên kiếm.

Ngô Hy Doãn phản đối:

-Đó có thể là giả, Thuận Thiên kiếm sao trong tay Vạn Thắng vương được? Kiếm, Ngọc tỷ và chiếu nhường ngôi đều bị mất một cách bí…

Bỗng Ngô Hy Doãn khựng lại không nói thêm, đưa tay quệt mồ hôi lấm tấm trên trán, miệng lẩm bẩm:

-Khoan đã! Khoan đã nào… Công chúa bị bắt, Quý phi bị đuổi khỏi cung, Tả Đô đốc từ quan về quê mai danh ẩn tích.

Lê Phụng Hiểu tiếp lời:

-Tả Đô đốc dựng cờ khuông phò nhà Lý, cô gái Phạm Thiên Bình bằng cách nào đó thống lĩnh một quân nữ nhân vận y phục hoàng gia. Phạm Thiên Bình thành thân với Mạc chủ tướng, người đó lên ngôi, Tả Đô đốc và Phạm Quý phi trao cho thanh Thuận Thiên kiếm.

Ngô Hy Doãn giơ tay ngăn lại:

-Từ từ đã nào… vậy… vậy… nếu Phụng Hiểu huynh có thể đoán được vậy liệu Thái uý…

-Có thể Thái uý cũng lờ mờ nhận ra, Thuận Thiên kiếm trên đời chỉ có một cái, những người biết đến không nhiều mà chỉ nghe nói. Tôi… tôi đã từng trăn trở nhiều đêm, có khi nào tiên vương truyền ngôi cho… cho Công chúa không?

-Hả? Sao… sao có thể?

-Thì chính bởi thế khiến tôi lấn cấn nghĩ mãi không thông. Giả như tiên vương làm vậy thật thì tất cả mọi chuyện sau đó sẽ trở nên sáng tỏ. Có nghĩa là Tả Đô đốc nhận mật chỉ hành sự, còn như vì sao lại như thế thật không thể nghĩ ra. Những người liên quan đến di chiếu, các nghệ nhân thêu, các quan đóng ấn tín cũng biến mất cùng một đợt với Phạm Tu. Gia quyến của họ cũng biến mất như chưa từng xuất hiện trên đời.

-Điều đấy ta có hay song cũng không thể giải đáp được bởi lúc có biến loạn ta và Phụng Hiểu huynh đều chưa có mấy quyền hành mà hỏi.

Thì thào thêm một hồi, Ngô Hy Doãn chỉ cho Lê Phụng Hiểu thây ý đồ của quân Thiên Đức:

-Nếu tôi không nhầm, chắc chắn Phạm Lệnh công sẽ là kẻ tiếp theo bị loại trừ. Nơi ấy đất rộng người đông lại nhiều sông ngòi, lúa nước và cửa bể. Bấy lâu nay các võ tướng, các nhà cầm quân muốn xưng hùng trên chiến trường nhưng… xâu chuỗi nhiều việc lại có thể thấy Vạn Thắng vương khi động binh thường đánh vào nơi giao thương nhộn nhịp, cửa ngõ thuyền bè qua lại để nắm đường tài vận. Chiếm xong mới tiếp quân đối phương và… Vạn Thắng vương từng thua chưa?

Lê Phụng Hiểu khẽ nhún vai, đáp:

-Theo những gì tôi biết thì chưa, quân sĩ nơi ấy đều do Vạn Thắng vương dạy lúc ban sơ và họ chẳng giống điểm nào so với những gì tôi từng biết.

Bên ngoài có tiếng thuộc hạ bẩm báo, người bên phủ Thái uý cho gọi Lê Phụng Hiểu. Hiểu nói với Ngô Hy Doãn:

-Dù đầu có rơi tôi cũng đem bí mật xuống mồ, bây giờ tôi lại đi làm chó canh cửa, Đạt Hiên đại nhân nhớ giữ mình. Có tin gì tôi sẽ cho ngài hay biết, ngài đừng can gián nữa, mang hoạ sát thân đấy.

Ngô Hy Doãn khẳng khái nói:

-Tôi nào có sợ gì!

-Tôi biết ngài không sợ, ngài là bậc hiền tài trung quân ái quốc. Ngài muốn khuông phò nhà Lý cần phải giữ mạng chờ thời, uổng phí mạng là có tội với tiên vương.

Lê Phụng Hiểu đi rồi, Ngô Hy Doãn ngồi thừ một mình trong thư phòng nhâm nhi chén trà đã nguội lạnh mà trong lòng bỗng cảm thấy rạo rực. Đến bên cửa sổ nhìn ra khoảng sân nắng chói chang, Ngô Hy Doãn lẩm bẩm:

-“Nếu quả thật Tả Đô đốc giữ di chiếu thì hay biết mấy, mong ngài kéo quân về đây trừ nhà họ Tô giúp muôn dân La thành có ngày bình yên.”

Thật là như:

Thân hiền sỹ trên đường không lối,
Giữa ban ngày tưởng tối không trăng.
Nghe đằng Tây sáng một ngọn đăng,
Dẫu cho ngăn trở quyết lòng vẫn đi.

Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều