Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 319: Tàn cuộc chóng vánh



Tô Trung Từ thúc quân gióng trống liên hồi át tiếng Phạm Tu tuyên đọc thánh chỉ ngay khi cảm thấy không ổn. Đoạn Tô Trung Từ gọi Lý Mẫn đến, nói như thét vào mặt:

-Chúng dám làm giả thánh chỉ khiến lòng quân xao động, đánh một trận, bắt lão võ phu họ Phạm đem về La thành.

Lý Mẫn thưa:

-Bẩm Thái uý, Phạm Tu sao dám cả gan làm giả thánh chỉ? Thánh chỉ của tiên vương không thể làm giả được.

Tô Trung Từ thét vào mặt Lý Mẫn:

-Tiên vương không đời nào giao thánh chỉ cho lão, đừng để lão già dối gạt. Trữ quân là con trưởng, là vua!

Lý Mẫn lật đật chạy về sau nhảy phốc lên ngựa, rút kiếm lệnh, hiệu bên tả và bên hữu cùng dấn lên trước chuẩn bị tấn công.

Chương chỉ về bên kia sông, quay lại nói với ba quân:

-Lũ đầu đất bên kia sông không biết phân biệt phải trái, miệng nói trung thành với tiên vương nhưng thánh chỉ đến chúng bất chấp khi quân phạm thượng. Ta! Vạn Thắng vương, Hoàng tế của tiên vương, người lập nước Vạn Xuân, lệnh ba quân thay trời hành đạo. Kẻ nào hàng thì sống, chống diệt không tha.

Dứt lời, Chương rút thanh Thuận Thiên kiếm giơ cao. Ba quân nhất loạt giơ vũ khí hô vang:

-Vạn Thắng vương vạn tuế! Diệt phản tặc Tô Trung Từ.

Phạm Tu ghé sát tai Chương gào lên:

-Thuận Thiên kiếm là kiếm lệnh của tiên vương, cầm nó mà hiệu triệu thiên hạ.

Chương ngắm thanh kiếm, đáp:

-Đồ tốt, đồ tốt!

Đoạn anh xoay người vung kiếm chỉ về phía trước, miệng thét lệnh:

-Cho Đông Phù Liệt và La thành thấy, chống lại ta có kết cục thế nào. Bắn!

Vài giây sau, tiếng súng thần công nổ đùng đùng từ trung quân, một loạt đạn gang bay vút lên cao rơi vào tiền quân La thành.

Quân La thành thét vang dậy đất, cùng ba quân Đông Phù Liệt nhất loạt xông lên dùng thang, ván gỗ, liếp tre, khiên gỗ bọc đồng ném xuống bùn làm đường vượt sông Nghĩa Giang đánh tràn sang, khí thế rất hăng. Mấy trăm khẩu Cự thạch pháo của hai khối quân cấp tập bắn đạn đá, đạn cháy, đạn chông vọt sang yểm trợ.

Đối chọi lại, Thiên Đức dùng thần công liên tục bắn phá vào đội hình đối phương đang đứng đông đen dọc bờ sông tìm lối xuống. Dẫu binh sĩ La thành hay Đông Phù Liệt có khiên bọc đồng che chắn nhưng vẫn bị hất văng về sau thành từng mảng. Khiên bọc sắt, bọc đồng không thể chống được đạn thần công bắn thẳng. Trong khi ấy, các loại pháo Thiên Đức tập trung dội trùm đạn xuống lòng sông đầy sình lầy.

Binh sĩ thuộc các tiểu đoàn như Tam Vạn, Thiên Đức, Thần Vũ, Thiên Kim hay E Thánh Dực liên tục dùng súng bắn hạ đối phương trong khi quân địa phương, TB31 và dân binh dùng khiên gỗ bện rơm che đạn đá trên đầu.

Lòng sông Nghĩa Giang không rộng, liên quân của Từ Minh và Lý Mẫn liều chết tạo được hàng chục lối sang sông mặc cho súng nổ đạn bay. Chờ đối phương gần sang được bờ mới dùng lựu đạn, HM60 và hoả hổ thi nhau bắn xuống.

Thấy đối phương quyết tràn sang, Chương lệnh cho quân kéo luôn 5 “Dàn đồng ca” đến phóng hoả. Binh sĩ La thành và Đông Phù Liệt kinh hãi chạy toán loạn dưới lòng sông ngập ngụa trong bùn lẫn máu tanh.

Lý Mẫn và Từ Minh vẫn thúc trống cho quân đánh sang cho kỳ được, Thiên Đức ở chiều ngược lại khua chiêng. Âm thanh hỗn tạp cùng tiếng súng pháo, đạn nổ thật khó biết hiệu lệnh của quân nào. Binh sĩ liên quân kẻ nào cầm kỳ hiệu luôn là mục tiêu ưu tiên trong mỗi loạt bắn của những tay súng hoả mai.

Trận chiến đang cam go, Nguyễn Từ Minh hay tin trại Tả Phó sứ đang bị tấn công mạnh. Chiến thuyền, thuyền tải lương đậu dưới bến bị thuỷ quân Thiên Đức đánh gấp. Từ Minh chỉ có hai lựa chọn, hoặc thúc mạnh quân tràn sang hoặc phải lui binh nếu không muốn đường hậu bị chặn.

Từ Minh chọn cách thứ nhất! Cố chết đánh sang bắt Vạn Thắng vương mới là thượng sách.

Chương thấy cánh bên tả thúc mạnh, đồ rằng Nguyễn Từ Minh liều chết sang sông bèn đưa E Kinh Môn từ hậu quân tiếp ứng. Từ Minh sang sông đã khó, hoả lực thua thiệt mà quân số cũng chẳng hơn, thúc quân dấn một hồi, quân lên được bờ chưa có chỗ đứng chân đã bị đẩy ngược trở lại, thương vong quá nửa. Chẳng còn cách nào khác, Từ Minh buộc phải thu quân rút thật mai về hướng Đông Nam.

Đông Phù Liệt rút chạy khiến Lý Mẫn bị hở sườn phải. Bộ binh Thiên Đức tận dụng lối Nguyễn Từ Minh bỏ lại dễ dàng sang sông, tổ chức đội hình đánh mạnh, có ý chia cắt tiền quân và hậu quân La thành.

Lý Mẫn chống không nổi bèn cho quân rút về hướng Đông Bắc. Đào Công Sự và Đào Công Thắng đem kỵ binh chặn hậu. Lý Văn Ba đem được ngựa qua sông, tổ chức kỵ binh thành những đại đội cùng tiến song song. Ba tiểu đoàn Thần Vũ, Tam Vạn và Thiên Đức hỗ trợ phía sau. Hai anh em họ Đào tổ chức mấy đợt xung phong nhưng không chống lại hơn ba nghìn khẩu súng thay nhau khai hoả. Đào Công Thắng bị bắt tại trận, Đào Công Sự thu tàn binh về bãi Lở thiết lập chốt phòng ngự cùng vài mươi khẩu pháo ở gò Lời, yểm hộ đại quân rút chạy.

Chiều muộn, đại quân Thiên Đức kéo được thần công và hoả pháo đến. Đào Công Sự và Cao Tòng Chinh lên được thuyền trong cơn mưa đạn đủ các loại trong khi Cao Gia Kiệt thiệt mạng trên bãi Lở. Yết Kiêu dẫn theo mấy chục thuyền chiến hết đạn thần công, dùng hoả pháo và đạn cháy truy đuổi quân La thành đến tận ngã ba sông Thiên Đức mới thôi.

Tô Trung Từ tất tả chạy về La thành chỉ với gần bảy nghìn binh mã, bỏ lại bãi Lở hơn ba nghìn dân phu lao dịch do không đủ thuyền cho tất cả cùng về.

Đoàn dân phu tay không tấc sắt, hết đường chạy chỉ còn cách dồn túm tụm lại một chỗ chờ Vạn Thắng vương phân định. Hôm sau, Phạm Tu đến tuyên đọc lại thánh chỉ trước mặt dân phu. Ông phóng thích tất cả dân phu theo lệnh của Công chúa Lý Thiên Bình, nay là Đại Thắng Hoàng hậu Thiên Đức phủ. Mấy nghìn dân phu cúi lạy tạ ơn.

Các thuyền chiến hư hỏng của La thành hay Tam Đái vẫn còn dùng được, bọn Yết Kiêu trưng dụng, giao cho dân phu lấy phương tiện tự trở về La thành. Thiên Đức quân không quên cấp cho mỗi dân phu 50 cân lương thực chiếm được của Tô Trung Từ.

Mặc dù Chương cần dân phu khai thác than, song thế thời nay đã khác, bỗng dưng chức Hoàng tế rơi xuống đầu, phóng thích dân phu về La thành là hay hơn cả.

Gần hai nghìn tù binh của La thành, Chương giữ lại những người khoẻ mạnh. Còn đâu quân bị thương hoặc già yếu, bọn Yết Kiêu dùng chiến thuyền chở sang bên bờ hữu ngạn Xích Giang trao trả sau mấy ngày, không kèm bất cứ điều kiện gì.

Chương muốn Tô Trung Từ giải bài toán an dân và quân Thiên Đức được tiếng nhân nghĩa.

Liên quân Tam Ninh vẫn chưa có ý lui binh. Phạm Tu đem thánh chỉ đến trước trận tiền tuyên đọc, giao trả đối phương hơn hai nghìn binh sĩ bị thương, già yếu cùng mấy nghìn tử sĩ. Chương cũng chỉ giữ lại tù binh Tam Ninh trẻ, khoẻ.

Phan Văn Hầu phải thu tàn quân về Tam Đái vào trung tuần tháng 3. Nguyễn Quốc Khánh lui quân trấn mặt Nam của thành Bát Vạn đề phòng quân Thiên Đức tấn công từ bờ sông.

Thánh chỉ có tác dụng rất lớn nhưng ngay khi công bố còn đầy những hoài nghi trong bách tính. Tiên vương không chọn trưởng nối ngôi mà cho cô con gái duy nhất kế thừa hoàn toàn trái với lệ cũ Vạn Xuân. Tầng lớp nho sĩ trong dân gian không phục, Chương không cần đến. Bản thân Chương muốn hợp tác với những người có tư tưởng mới, trẻ trung, năng động thay vì những người thủ cựu.

Như đã nói, di chiếu truyền ngôi của Lý Nam Vương thêu hoa dệt gấm cho ba quân Thiên Đức. Từ một sứ quân cát cứ, Thiên Đức nghiễm nghiên trở thành đội quân kế tục Lý Nam Vương, chí ít là trên danh nghĩa. Một mai Chương đem quân đánh dẹp các nơi, chỉ thấy lợi mà không thấy hại. Còn như lợi hại ra sao, đành chờ xem vậy.


Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.